(VNBĐ – BìnhĐịnh mến yêu).
1. Văn tế Hán Nôm với sự bảo tồn và phát triển văn hóa làng xã, văn hóa tộc họ ở Bình Định
Trong tiến trình lịch sử Bình Định, quá trình hình thành các cộng đồng dân cư là cơ sở nhân học quan trọng góp phần tìm hiểu những đặc trưng của tiểu vùng văn hóa này, nhất là văn hóa làng xã. Xét trong bối cảnh văn hóa Hán Nôm, hệ thống địa chí, điền bạ, gia phả, hương ước khóan lệ và văn tế là những di văn quan trọng cần được quan tâm. Vai trò của hệ thống này rất quan trọng đối với việc phát triển văn hóa địa phương và văn hóa làng xã của mỗi vùng. Đối với những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của lễ giáo, văn hóa dòng họ luôn được xem là cơ sở quan trọng thiết yếu đối với việc hình thành một tổ chức làng xã.
Ở Trung Hoa, quan niệm về quốc gia và họ tộc là những vấn đề quan trọng hình thành nên những ràng buộc con người trong các mối quan hệ phức tạp. Tại gia chí hiếu, tại quốc tận trung hay Quốc có quốc pháp, gia có gia quy là những câu nói luôn được nhắc nhở đối với mọi người. Ở Việt Nam, văn hóa dòng họ trở thành một nét đặc thù, trước hết bởi văn hóa căn bản của Việt Nam là văn hóa làng. Riêng đối với khu vực Bình Định, mỗi làng là một khu dân cư khép kín, trong đó là các dòng họ sống quần tụ và có những nét khác biệt so với các khu vực khác ở Bắc Trung bộ và Bắc bộ. Do chịu tác động của quá trình di cư lịch sử nên các họ tộc ở khu vực này có những nét đặc trưng riêng, nó không thật sự cố kết như họ tộc ở miền Bắc nhưng lại là một hệ thống tương trợ lẫn nhau khi các thành viên có những bất trắc trong cuộc sống.
71 văn bản được sưu tầm là những cứ liệu điền dã quan trọng giúp cho chúng ta có thể tìm hiểu sự hình thành phát triển văn hóa và văn hóa dòng họ ở Bình Định. Nó còn là tài liệu nghiên cứu về các sự kiện và nhân vật lịch sử đất nước, hoặc các triều đại mà nhiều vị trong các dòng họ có tham gia như họ Trần, họ Đào ở Hoài Nhơn; họ Đào ở Tuy Phước; họ Diệp ở Vĩnh Thạnh; họ Quách ở Tây Sơn… Tất nhiên, văn tế không thể hiện một cách trực tiếp diện mạo của làng xã như gia phả, hương ước nhưng nó lại là phương diện để tìm hiểu những vấn đề mang tính tín ngưỡng của làng xã, đó là tín ngưỡng thờ chư thần, Phật, tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng. Chẳng hạn tín ngưỡng cúng cô hồn trong các làng vào tiết Thanh Minh (tại miếu Thanh Minh) hay Rằm tháng Bảy (tại các chùa của làng, Niệm Phật đường của các tư gia hào phú). Cụ Cử Trần Đình Tân đã từng đại diện cho làng Cảnh Vân (Phước Thành, Tuy Phước) viết bài Văn tế cô hồn và được dùng để đọc hằng năm khi cúng miếu Thanh Minh. Đây là tập tục xưa bày nay làm, ông cũng giúp cho người dân địa phương thực hiện tín ngưỡng cúng tế các oan hồn nhằm cầu sự bình an và khang thái cho làng xã:
Đắp mồ dẫy cỏ, đốt hương vàng vây hội Đạp thanh;
Sống khôn thác thiêng, nguyện hồn phách qua miền tịnh độ.
Sinh phẩm kính dâng lễ bạc, nghe trống chiêng đều đến hưởng hâm;
Hương hoa thơm thấu suối vàng, nhớ làng xóm hết lòng phò hộ.
(Văn tế cô hồn).
Văn hóa tang tế của làng xã ở Bình Định cũng có những nét khác biệt, điều này cũng được thể hiện qua Văn tế tống táng của hòa thượng Bích Liên. Đây là bài văn tế được viết theo lối lục bát, giọng điệu khá chua xót, thể hiện nỗi đau đớn của người sống khi tiễn đưa người quá cố về nơi an táng. Bài văn tế này còn được dân địa phương gọi là Bài ca tống táng (Lộc Xuyên):
Vong hồn ơi! Hỡi vong hồn!
Cuộc đời nay biển mai cồn tỉnh chưa?
Tỉnh rồi một giấc say sưa,
Cầu xin niệm Phật mà đưa hồn về.
Hồn về Cực lạc nước kia,
Cho xa hang quỷ, cho lìa kiếp ma.
Nhờ ơn đức phật Di Đà,
Phóng ra một loạt chói lòa hào quang.
Trong các hoạt động mang tính nghi thức tín ngưỡng của làng xã ở Bình Định và trong các gia tộc, chúng ta thường bắt gặp những bài văn tế cúng. Có thể là những bài văn tế bằng chữ Hán hay bài văn tế chữ Nôm đã được phiên sang Quốc ngữ. Đây là thể loại văn gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng thương tiếc của tác giả và người thân đối với một hoặc nhiều người đã mất. Trong cộng đồng gia tộc, văn tế chính là sợi dây linh thiêng nối giữa người đã khuất với con cháu, giữa người già với người trẻ, giữa người trong làng với các con cháu đã đi khỏi làng, nối cõi âm với cõi dương, nối linh thiêng quá khứ vào đời sống hiện tại. Văn tế được đọc trong những ngày giỗ kỵ hoặc ngày hiệp kỵ họ với sự thành kính của các thành viên trong họ. Các bài văn hiệp tế của các danh gia vọng tộc là những văn bản giàu tính triết lí và nghệ thuật. Qua những bài văn tế đó, các tộc họ không chỉ tự hào về truyền thống cha ông và còn giáo dục, truyền dạy cho con cháu phải noi gương mà sống. Trong bài Văn tế hiệp tộc họ Lê thôn Nhơn Ân (Phước Thuận, Tuy Phước), có đoạn viết:
Tại Bắc qua phân;
Tìm Nam dựng nghiệp;
Nhơn Ân áo vải, phấn nghĩa kỳ khai phá đất hoang.
Bình Định khí thiêng, tung kiếm thép mở mang bờ cõi.
…Tiếng vang lừng, thanh bạch khắp muôn phương,
Miền lân cận, anh em đều qui phục.
Có thể nói, lịch sử đã trải qua những bước thăng trầm, sự thay đổi của đời sống xã hội đã dội vào sinh hoạt văn hóa làng xã, gia tộc và sinh ra những tạo lực làm thay đổi diện mạo của cộng đồng làng xã và tộc họ ở Bình Định. Nhưng qua nội dung của những văn bản văn tế Hán Nôm, chúng ta có thể tiếp thu chắt lọc những nét đẹp nhân văn của những đạo lý mà tiền nhân đã dạy, đã gửi gắm và xây nền đạo đức mới trên nền tảng nhân đức của làng xã và dòng tộc là một việc đáng suy ngẫm và cần thiết trong quá trình tìm hiểu lịch phát triển làng xã Bình Định trong quá khứ và giai đoạn hiện nay.
2. Văn tế Hán Nôm Bình Định với sự bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương hiện nay
Một điều dễ nhận thấy rằng, văn bản văn tế Hán Nôm Bình Định khá phong phú và đa dạng với rất nhiều loại hình khác nhau. Nó chính là nguồn văn liệu, sử liệu hết sức quan trọng, quý giá và chứa đựng những giá trị lịch sử, nhân văn to lớn, di sản văn tế Hán Nôm và góp phần chứng minh cho quá trình định hình và phát triển diện mạo văn hóa của Bình Định trong tiến trình lịch sử… Do đó, việc khai thác và bảo tồn nguồn di văn Hán Nôm quý giá này nếu được khai thác và phát huy tốt sẽ phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý và các chuyên gia khảo cứu Hán Nôm. Do vậy, theo chúng tôi, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần và vật thể có liên quan đến di sản văn bản, văn học Hán Nôm của Bình Định hiện nay, nhất là đối với bộ phận văn tế trong các tư gia, làng xã, đền thờ trên địa bàn tỉnh, các nhà quản lý cần phải có một chính sách cụ thể với những bước đi hiệu quả.
Một thực tế đang diễn ra là, cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội hiện đại rào cản văn tự đã và đang tạo ra những hố ngăn giữa các thế hệ người Việt với khối tư liệu này. Trong bài viết Một số suy nghĩ về văn tế Việt Nam thời trung đại, in Tạp chí Hán Nôm, số 5 (84), tr.52, nhà nghiên cứu Phạm Tuấn Vũ đã nhận xét: “Ngày nay, văn tế tồn tại chủ yếu với tư cách là hiện tượng của sinh hoạt thế tục và sinh hoạt tôn giáo, không phái là một thể loại văn học như quan niệm của người Việt Nam và Trung Hoa xưa kia”.
Điều này hoàn toàn phù hợp với văn tế Hán Nôm trong bối cảnh hiện nay. Là một vùng đất có nền văn hóa đặc trưng đan xen và giao thoa giữa Việt – Chăm – Hoa, việc nghiên cứu hệ thống văn tế Hán Nôm Bình Định sẽ mở ra nhiều vấn đề thú vị, nhất là vấn đề đa dạng văn hóa. Sau khi nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu về nội dung và hình thức nghệ thuật của văn tế Hán Nôm Bình Định, chúng tôi nhận thấy việc bảo tồn, phát huy những giá trị mà di văn để lại cho chúng ta sẽ góp phần nghiên cứu những phương diện cụ thể trong đời sống tinh thần, đa dạng văn hóa và khẳng định những giá trị vĩnh cửu của các di tích lịch sử (đền thờ, lăng mộ), duy trì các tập tục tế cúng các anh hùng, thần linh và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, cúng tế tổ tiên của các dòng tộc trong cộng đồng văn hóa Bình Định hiện nay.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là việc tổ chức biên phiên dịch, chú giải, xuất bản và phổ biến những bài văn tế Hán Nôm Bình Định mô phạm, chuẩn mực là việc cần được quan tâm và đầu tư chuyên môn thật sự sâu sắc. Đây là trách nhiệm không chỉ của các nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa, Hán Nôm học mà còn là bổn phận của các thế hệ con dân Bình Định để truy niệm tiên tổ đã để lại một di sản văn hóa đáng trân trọng. Khuyến khích ngành giáo dục hay các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, tuyển chọn, biên soạn và xây dựng các bài giảng giới thiệu về hệ thống văn tế Hán Nôm Bình Định. Thông qua đó, có thể giáo dục lòng yêu nước và tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, xứ sở.
Các bảo tàng, di tích, thư viện ở Bình Định chính là những thiết chế văn hóa có điều kiện tham gia làm tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn bản văn tế Hán Nôm. Việc tiếp cận những tư liệu văn tế Hán Nôm trong các di tích, đền thờ, tư gia là rất khó, vì những di sản này thường để trong tráp rồi khóa lại, chỉ đến ngày vía thần, hiệp kỵ tại đình miếu, từ đường hoặc lễ hội với đầy đủ các thành phần trong ban quý tế mới được mở ra. Do vậy, cần tạo dựng quan hệ, niềm tin và một tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng… để người dân có thể chụp, ghi chép lại các văn bản Hán Nôm này. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư liệu hóa, số hóa hệ thống văn bản là một trong những phương cách bảo tồn văn hóa Hán Nôm trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, cần công bố trên internet, xây dựng các website chuyên san để nhiều người có thể truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu.
Nhìn chung, không chỉ chứa đựng nhận thức, tư duy, triết lý nhân sinh quan… của tiền nhân, hệ thống tác phẩm văn tế Hán Nôm Bình Định còn mang trong mình tinh thần và tâm hồn dân tộc. Nó chính là nhân chứng của lịch sử, là sợi dây liên hệ quá khứ với hiện tại. Trong dòng chảy của cuộc sống đương đại, bộ phận di văn này ngày càng xa dần và rơi vào quên lãng. Nếu không gắn kết việc bảo tồn, phát huy những giá trị của văn tế Hán Nôm với việc phát triển toàn diện văn hóa xã hội thì e rằng không bao lâu nữa hệ thống văn bản này sẽ mất hẳn. Văn bản chữ Hán, Nôm ở Bình Định đã trải qua một lịch trình phát triển dài lâu và cần phải phát huy giá trị cốt lõi của nó. Do vậy, việc tìm hiểu hệ thống văn bản văn tế Hán Nôm cũng là một phần việc quan trọng của công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa Hán Nôm ở Bình Định trong thời gian tới.
Cũng giống như các thể loại văn học khác ở Bình Định, văn tế Hán Nôm đề cao những giá trị luân lý, đạo đức xã hội, ngợi ca tinh thần yêu nước, nhân đạo của nhân dân địa phương. Thông qua những đối tượng và sự kiện cụ thể, các tác phẩm văn tế cũng bộc lộ những tiếng cười sảng khoái, châm biếm, giúp cho người đọc có cơ hội thanh lọc tâm hồn. Xét về phương diện hình thức nghệ thuật, văn tế Hán Nôm Bình Định sử dụng nhiều văn thể. Mỗi tiểu loại văn thể được sử dụng đều phát huy những ưu thế vốn có, góp phần thể hiện những nội dung quan trọng mà người sống muốn gửi đến người đã khuất. Hệ thống văn thể của văn tế Hán Nôm Bình Định cũng có sự đa dạng nhưng phân bố không đồng đều ở các tiểu loại khác nhau. Đây cũng là một hiện tượng văn hóa đáng quan tâm. Với hai hệ thống ngữ liệu Hán Việt và thuần Việt, những tác phẩm văn tế Nôm Bình Định đã phát huy triệt để những giá trị văn học, tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, văn tế Hán Nôm còn là những cơ sở nhân học góp phần phát triển văn hóa làng xã, phát huy và bảo tồn văn hóa Bình Định trong điều kiện mới, phù hợp với những chủ trương của Đảng và chính quyền hiện nay.
TS. VÕ MINH HẢI