(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Thực hiện Kế hoạch số 01- KH/BCĐ, ngày 14.02.2025 của Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định; Kế hoạch số 36, ngày 21.12.2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975- 30.4.2025), sáng 22.4.2025, tại TP. Quy Nhơn, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức thành công Hội thảo “Văn học, nghệ thuật Bình Định 50 năm xây dựng và phát triển”. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đông đảo văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. Hội thảo đã nhận 20 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu chất lượng, chứng minh sự lớn mạnh và những giá trị lớn lao mà các thế hệ văn nghệ sĩ Bình Định để lại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững.
VNBĐ số này trích giới thiệu một số phát biểu tại hội thảo.
(Đề dẫn của nhà thơ MAI THÌN – Chủ tịch Hội VHNT Bình Định)
Tỉnh Bình Định từ lâu được mệnh danh là “Vùng đất võ, xứ văn chương”. Võ thì có bao lớp truyền nhân từ phong trào khởi nghĩa Tây Sơn làm nên triều đại của vị vua anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đến nay, võ cổ truyền Bình Định đã được vinh danh Di sản văn hóa cấp quốc gia, và đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Còn văn? Nếu tính từ khi ra đời phong trào thơ mới (1932 – 1945), ngoài Xuân Diệu, Bình Định còn nổi danh với nhóm thơ Bàn Thành Tứ Hữu. Bằng tình yêu quý, trọng liên tài, các nhà thơ: Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn đã kết với nhau thành một nhóm, gọi là 4 người bạn của thành Đồ Bàn. Tình bạn và tác phẩm họ để lại là những giá trị rất lớn.
Bình Định còn là nơi hình thành nghệ thuật hát Bội với tiền tổ là nhà thơ, danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và hậu tổ là nhà thơ, nhà viết kịch, danh nhân văn hóa Đào Tấn. Đây cũng là đất góp phần hình thành và lưu giữ nghệ thuật Bài chòi đã được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, Bình Định còn là trung tâm khởi sinh chữ Quốc ngữ cho chúng ta ngày nay.
Trải bao cuộc chiến tranh, biến thiên dâu bể, các giá trị của cha ông trên đất Bình Định không những được trân trọng, giữ gìn mà còn được vun bồi, góp một phần rất quan trọng vào công cuộc kháng chiến giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương ngày càng lớn mạnh suốt 50 năm qua.
Sau ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất, văn nghệ sĩ Bình Định ở hai miền hợp lại một nhà và trở thành những người sáng lập Hội VHNT Nghĩa Bình, rồi Bình Định ngày nay. Nhiều gương mặt xuất sắc từ chiến trường ra, từ miền Bắc vào, và cả những văn nghệ sĩ ở miền Nam đã trở thành rường cột dựng nên ngôi nhà văn học nghệ thuật của Bình Định, như các nhà văn: Cao Duy Thảo, Bùi Thị Chiến, Thu Hoài, Nguyễn Thanh Hiện, Mang Viên Long, Nguyễn Hữu Thuấn… Các nhà thơ: Yến Lan, Thanh Thảo, Lệ Thu, Đinh Xăn Hiền, Vương Linh, Từ Quốc Hoài, Ngô Thế Oanh, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Chương, Hà Giao, Phạm Thành Trai, Đặng Tấn Tới, Khổng Vĩnh Nguyên, Xuân Mai, Văn Trọng Hùng… Các nghệ sĩ hát Bội: Phạm Chương, Võ Sĩ Thừa, Trương Thị Minh Đức, Đinh Quả, Đình Bôi, Cung Nghinh, Dương Long Căn, Hoàng Chinh, Tư Cá, Ngọc Cầm, Long Trọng… Các nghệ sĩ ca kịch Bài chòi: Hoàng Lê, Nguyễn Kiểm, Phan Ngạn, Thu An… Các nhạc sĩ: Vĩnh An, Châu Đức Khánh, La Hữu Vang… Các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Vũ Doanh DZụ, Nguyễn Hữu Thức, Phạm Văn Chai… Các họa sĩ: Lương Lu, Phan Chi, Lan Hương, Quốc Hùng…
Ấy là chưa kể những người con ưu tú của Bình Định, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nền văn học nghệ thuật ở các địa phương khác: Mịch Quang, Phạm Hổ, Hoàng Chương, Vĩnh An, Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Thế Khoa… (Hà Nội), Lê Duy Hạnh, Trần Long Ẩn, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Thái Dương, Võ Chân Cửu… (Tp. HCM), Cao Duy Thảo (Nha Trang), Đào Minh Hiệp (Phú Yên), Đặng Mậu Tựu, Trần Hữu Pháp, Hồ Thế Hà (Huế), Hương Đình, Tạ Văn Sỹ (Tây Nguyên)…
Năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, Hội VHNT tổ chức đại hội lần thứ I với 120 hội viên. Đến nay, qua sáu kỳ đại hội, đã có 375 hội viên. Và đến nay, Bình Định cũng đã thành lập được 8 Chi hội chuyên ngành Trung ương, tập hợp 119 hội viên là thành viên các hội chuyên ngành Trung ương, chiếm một tỉ lệ rất cao so với các tỉnh thành trong cả nước.
Từ khi thành lập đến nay, Hội VHNT Bình Định không ngừng phát triển, và nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt, công tác phát hiện, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ được ưu tiên. Thông qua các hoạt động: Tổ chức trại sáng tác trẻ, phát động các cuộc thi, giao lưu, hội nghị viết văn trẻ… đã phát hiện, bồi dưỡng được nhiều gương mặt trẻ xuất sắc, bổ sung vào lực lượng kế cận cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà và cả nước. Nhiều hội viên trẻ dưới 35 tuổi lần lượt được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương và giành được nhiều giải thưởng cao trong cả nước.
Từ năm 1999, tỉnh Bình Định đã sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm VHNT cho văn nghệ sĩ và được duy trì đến nay. Nhờ đó, đã có rất nhiều tác phẩm, công trình VHNT được xuất bản phổ biến, tạo sự khích lệ sáng tạo lớn trong đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Tạp chí Văn nghệ Bình Định, hiện là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh, xuất bản mỗi tháng một kỳ với nhiều chuyên mục phong phú, hình thức đẹp. Trải qua các thời kỳ, qua nhiều tên gọi khác nhau, đến nay, Tạp chí Văn nghệ Bình Định in và tạp chí Văn nghệ Bình Định điện tử luôn giữ đúng tôn chỉ mục đích, là nơi phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật, giới thiệu, quảng bá tác phẩm của hội viên đến bạn đọc trong cả nước. Tạp chí cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chú trọng tính định hướng chính trị – tư tưởng, tính văn hóa, khoa học, nhân văn trong hoạt động báo chí và nhận nhiều Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định.
Trong những năm qua, Hội VHNT Bình Định luôn ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ có môi trường tự do trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Để giúp văn nghệ sĩ làm giàu thêm vốn sống, phục vụ sáng tác, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh cho hội viên, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn, tìm hiểu và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó tạo ra cảm hứng mới, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo… Qua các chuyến thực tế, nhiều hội viên đã có những tác phẩm tốt được công bố trên các phương tiện truyền thông và đoạt nhiều giải thưởng cao.
Công tác bảo tồn các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống được chú trọng. Hàng năm, Hội phối hợp với các hội chuyên ngành Trung ương tổ chức tập huấn kỹ năng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian cho hội viên; tổ chức nhiều buổi giao lưu, tọa đàm, từ đó rút ra những kinh nghiệm hoạt động chuyên môn, giúp cho hội viên nâng cao khả năng hoạt động.
50 năm qua, đã có hàng trăm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật thuộc các thể loại: Văn học, Văn nghệ dân gian, Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu được xuất bản, phổ biến, phục vụ công chúng và gặt hái nhiều kết quả cao qua các cuộc thi, các kỳ liên hoan, triển lãm, hội diễn trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu, tổ chức 5 năm một lần để khen thưởng các tác phẩm xuất sắc của văn nghệ sĩ Bình Định. Từ năm 1990 đến năm 2020, qua sáu lần trao giải, đã có 303 tác phẩm, công trình VHNT được nhận giải thưởng này. Nếu ở lần thứ I, chỉ mới có 19 giải được trao tặng, thì ở lần thứ VI, giai đoạn (2016 – 2020) đã có đến 73 tác phẩm được trao giải. Điều này cho thấy sức sáng tạo ngày càng lớn mạnh của văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Đến nay, Bình Định đã có 03 văn nghệ sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước: Nhà thơ Yến Lan được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 cho các tập thơ: Những ngọn đèn, Tôi đến tôi yêu, Lẵng hoa hồng. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn được trao Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành sân khấu năm 2012 với cụm 02 công trình: bộ 03 tập về Đào Tấn (Đào Tấn thơ và từ; Đào Tấn – Tuồng hát Bội; Đào Tấn – qua thư tịch) và Góp nhặt dọc đường. Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng đạt Giải thưởng Nhà nước năm 2022 với hai tác phẩm kịch bản sân khấu là Khúc ca bi tráng và Nước non cửa Phật. Ấy là chưa kể hàng loạt các văn nghệ sĩ Bình Định ở các địa phương khác được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, như: Nhà nghiên cứu Mịch Quang, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, nhà thơ Phạm Hổ…
Ngoài ra, nhiều hội viên vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân; Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Qua các thời kỳ, đến nay, Bình Định có 19 NSND, 54 NSƯT; 07 NNND, 35 NNƯT (Hiện còn 08 Nghệ sĩ Nhân dân, 25 Nghệ sĩ Ưu tú; 07 Nghệ nhân Nhân dân, 35 Nghệ nhân ưu tú đang hoạt động).
Trong suốt 50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Định luôn có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với đất nước, với quê hương, lớp trước vun bồi cho lớp sau, tạo được một dòng chảy liên tục trên dòng VHNT cả nước. Họ đã đóng góp rất nhiều tác phẩm, công trình VHNT giá trị, đạt nhiều giải thưởng cao trong tỉnh, trong nước và quốc tế, qua đó góp phần gìn giữ các giá trị đạo đức, và truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước; không có tác phẩm chệch hướng về tư tưởng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến truyền thống dân tộc, lợi ích của Nhân dân.
Hiện nay, Hội VHNT Bình Định hoạt động theo mô hình được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Tuy chỉ có 10 thành viên của văn phòng Hội được phụ cấp lương từ ngân sách Nhà nước, nhưng đã tập hợp gần 400 hội viên, xây dựng 12 tổ chức trực thuộc và Tạp chí Văn nghệ Bình Định. Tất cả đều nhiệt tình, tự nguyện tham gia các hoạt động VHNT của tỉnh. Bằng niềm đam mê sáng tạo, và trách nhiệm với quê hương, họ đã đóng góp một phần rất lớn cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Định và cả nước.
Có thể nói, VHNT Bình Định suốt 50 năm qua đã ghi lại một dấu ấn quan trọng trong tiến trình phát triển chung của tỉnh nhà và cả nước. Điều này được thể hiện rõ qua báo cáo tổng kết các nhiệm kỳ và rất nhiều công trình nghiên cứu về VHNT, các đầu sách, các bài viết trên các báo, tạp chí cả nước; và đặc biệt là các cuộc tọa đàm, hội thảo do Hội VHNT và các đơn vị liên quan tổ chức, trong đó có cuộc Tọa đàm 30 năm văn học Bình Định (1990 – 2020) nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội; tọa đàm “10 năm văn học Bình Định (2011 – 2021) tiếp nối và hy vọng”; hoặc tọa đàm của các chuyên ngành: Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Văn nghệ dân gian, Múa, VHNT Dân tộc thiểu số, Sân khấu… được tổ chức trong thời gian gần đây.
Trong khuôn khổ của Hội thảo lần này, chúng tôi đã nhận được 20 tham luận giá trị của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.
Tham luận của nhà thơ Lệ Thu – Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhiệm kỳ 1992 – 1997 ôn lại nhiều kỷ niệm vui buồn trên hành trình phát triển của Hội, như con thuyền trên biển cả, nhưng luôn vững bước đi lên. Tham luận của nhà văn Lê Hoài Lương, TS. Châu Minh Hùng, PGS.TS Hồ Thế Hà như ba tổng kết đồ sộ, đầy tự hào về nền văn học tỉnh nhà 50 năm qua. Tham luận của TS. Võ Minh Hải, nhà thơ Vân Phi không chỉ là tự hào về nền tảng văn hóa dân gian, VHNT các dân tộc thiểu số và giá trị văn hóa Hán Nôm của cha ông, mà còn là những trăn trở, những đề xuất đầy trách nhiệm với tiền nhân. Tham luận của NSND Hòa Bình, nhà nghiên cứu Thúy Hường mang đến cho chúng ta những góc nhìn mới mẻ, đầy tự tin về những bước đi của sân khấu Bình Định trong hành trình 50 năm qua. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, NĐK Lê Trọng Nghĩa, NSNA Đào Tiến Đạt, biên đạo Hoàng Việt, nhạc sĩ Thế Tuyên… giới thiệu những chặng đường, thành quả thật tự hào của các loại hình nghệ thuật không thể thiếu khi nhắc tới VHNT Bình Định.
Đặc biệt, các tham luận của TS. Nguyễn Huỳnh Huyện, Từ Như Huyền Trân, Trần Xuân Toàn, Phạm Kim Sơn… đã nêu bậc vai trò các tác nhân quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của VHNT Bình Định suốt 50 năm qua. Đó là những định hướng, chính sách, giải thưởng của Đảng, Nhà nước, những trang tạp chí qua các thời kỳ, và cả những quan tâm đặc biệt của cá nhân các đồng chí lãnh đạo các cấp…
Và đặc biệt, hôm nay chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, các đại biểu lãnh đạo hội, sở, ban ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian một buổi, hy vọng, sự có mặt cùng những ý kiến đóng góp quí báu của quí vị sẽ góp phần mang lại thành công cho Hội thảo, làm cơ sở cho những hoạt động tiếp theo.
Xin Cám ơn lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo các hội, ban ngành liên quan và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, đã tạo điều kiện, chung tay góp sức cho Hội thảo VHNT Bình Định 50 năm xây dựng và phát triển được thực hiện.
MAI THÌN