Văn học Bình Định 2020: Những thành tựu và hy vọng

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Có cột mốc đáng chú ý: năm 2020 là đúng 30 năm thành lập Hội VHNT Bình Định (1990-2020). 30 năm, thời gian đủ để hình thành một thế hệ cầm bút mới. Đánh giá thành tựu một giai đoạn hay cả nền văn học, không thể không xem xét yếu tố kế thừa, nối tiếp này. Thêm nữa, văn học không có tính loại trừ, nhưng nhẹ nhàng và quyết liệt phủ bụi thời gian: một tác giả mươi năm trước đình đám thì bây giờ có thể rơi vào lãng quên, hoặc anh ta không viết được gì nữa, hoặc không theo kịp xu thế phát triển chung.

Văn học Bình Định 2020 nếu gắn với dấu mốc 30 năm, có đáp ứng được hai vấn đề thiết yếu kể trên không? Có 2 căn cứ để đánh giá cụ thể là, tổng kết cuộc thi văn học Bình Định mở rộng (2018-2019) và gần 20 cuốn sách được xuất bản nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn, bình thơ, nghiên cứu văn học, truyện tranh thiếu nhi.

Cuộc thi có tiếng vang khá tốt khi quy tụ được nhiều cây bút đã thành danh ngoài tỉnh tham gia: Lại Văn Long, Nguyễn Hiệp, Huỳnh Minh Tâm, Lê Văn Hiếu… nhưng Bình Định đã có cuộc bứt phá, cạnh tranh khá sòng phẳng ở những tác giả lần đầu khẳng định mình và thế hệ cầm bút trẻ. Nếu người yêu văn chương Bình Định vui mừng với nỗ lực của Ngô Văn Cư, Phạm Hữu Hoàng (truyện ngắn), Nguyễn Thường Kham (thơ) với những sáng tác được ghi nhận của họ thì niềm vui còn lớn hơn khi một loạt các cây bút trong – ngoài hai mươi “thắng” giải cuộc thi: Trần Thị Hân (truyện ngắn), My Tiên, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Trương Công Tưởng, Mẫu Đơn (thơ). Giải Nhì truyện ngắn Người gác chắn tàu của Trần Thị Hân, cây bút đang học lớp 11 khiến nhà văn Nguyễn Hiệp (Bình Thuận) đồng giải Nhì đã thán phục, viết bài bình ngợi khen. Hẳn Ban tổ chức cuộc thi cũng rất vui, dù không nhiều bất ngờ: Trần Thị Hân là phát hiện của văn học Bình Định từ các trại sáng tác VHNT trẻ mấy năm qua, từng in truyện ngắn khá chững chạc trên tạp chí Văn nghệ Bình Định khi mới học lớp 8. Các cây bút trẻ Bình Định đoạt giải cuộc thi này vốn trưởng thành từ các trại sáng tác trẻ hoặc đã khẳng định mình vài năm qua trên các diễn đàn văn chương cả nước. Cuộc thi thành công không chỉ ở sự tham gia của các cây bút thành danh ngoài tỉnh, ở chất lượng khi có những bài thơ hay, truyện ngắn hay, mà còn là cuộc “chen vai” xứng đáng của các cây bút trẻ Bình Định.

Lượng sách văn học xuất bản khá nhiều năm 2020, như thành lệ, là cuộc “nước rút” hướng tới giải Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016-2020), hoặc đơn giản từ nhu cầu đến với bạn đọc. Cũng nhiều điều đáng ghi nhận từ đề huề xôm tụ này.

Ở tuổi 80, nhà thơ Lệ Thu – người Chủ tịch hội đầu tiên của văn nghệ Bình Định tiếp tục xuất bản tập thơ Khói mỏng nhẹ bay, đằm sâu những chiêm nghiệm về cuộc đời, về đồng đội, những người cầm súng một thời, về bạn bè còn mất, về những đổi thay các giá trị; một nỗi nhẹ lan như sự cảm thấu, chia sẻ, hy vọng gửi gắm và bất lực. Đó là nỗi buồn cố hữu để thành thơ, huống chi độ tuổi bà, thế hệ từng cầm súng những năm tháng chiến tranh khốc liệt, giờ ai nhớ ai quên. Ở phía ngược lại, hai cây bút nữ lứa 9x My Tiên, Mẫu Đơn trình làng tập thơ đầu tay Ký tự nàng chuyên chú đề tài cái tôi nữ tính khá mới mẻ, một người táo bạo những khát khao quẫy cựa, người trong trẻo một nguồn thơ; họ khám phá mình trong ánh chiếu tình yêu và cuộc sống, trong mơ ước và bức bối. Điều quan trọng là, cả hai đều đi qua những vần vè, xúc cảm mòn cũ, tẻ nhạt.

Nhà thơ Mai Thìn với Tiếng chim về cũ đã tự làm mới mình trên nền đề tài quê nhà, nguồn cội, những trầm tích văn hóa, lịch sử. Nếu trước đây thơ anh tìm cách để vang, để lan tỏa thì giờ là sự nén lại, tiết chế, tinh đọng ngôn ngữ, hình ảnh và độ suy gợi, ngân vọng lớn hơn. Cây bút thơ trẻ Vân Phi góp mặt tập đầu tay Ngày mắc cạn có nét, với giọng điệu riêng. Thơ Vân Phi có hai mảng, dù tìm tòi câu chữ, cách thể hiện hiện đại hay mảng thời kỳ đầu thiên về cảm xúc thì đều có chung chất tự sự, ký sự, thơ của những câu chuyện. Về những người thân, về quê hương, về cuộc sống, những nghịch cảnh, những sự việc đã trải, đã bắt gặp. Chắc rằng sẽ có một Vân Phi tự tin và quyết liệt hơn trong tìm tòi thể hiện sau này.

Võ Ngọc Thọ góp mặt với Nụ hồng cho trái đất, Ngô Văn Cư với Những khúc ru tôi, Phạm Văn Phương với Lặng lẽ hương. Đều là họ với chất thơ đã định hình trong bạn đọc, người thiên về những chiêm nghiệm có dư vị triết lý, người cảm xúc, người đẫm tình. Nhà nhiếp ảnh Ngọc Lối bất ngờ trình làng Gió rót đầy thời gian, nhiều tìm tòi về ngôn ngữ, hình ảnh thơ, một “cây bút mới” khá ấn tượng ở tuổi cận… bảy mươi.

Thêm những hiện diện khá ấn tượng: trường hợp Trần Quang Khanh và Triều La Vỹ. Nếu Trần Quang Khanh đã đến với bạn đọc những tập truyện ngắn, tản văn, bút ký thì lần này anh cho in tập thơ đầu Gió thiếu phụ, còn Triều La Vỹ sau mấy tập thơ, cũng lần đầu in tập truyện ngắn Bóng rồng. Trần Quang Khanh làm thơ không nhiều nhưng những xúc cảm chân thành, máu thịt đã đọng lại và có thơ hay, mảng viết về mẹ, về biển đảo. Triều La Vỹ chuyên chú đề tài lịch sử, văn hóa và thực sự có đóng góp: những người “muôn năm cũ” qua truyện ngắn của anh bước ra khỏi vị thế, chiều kích lịch sử của họ mà động cựa trong không gian mới, ở đó họ chỉ thuần là con người. Họ “không cũ” với nhân gian.

Ngoài tập truyện Triều La Vỹ, những cây bút chuyên truyện ngắn của Bình Định góp mặt khá đầy đặn: Trần Quang Lộc in tập thứ tư Làng Krona, Phạm Hữu Hoàng in tập thứ ba Nguyệt cầm, Lưu Thị Mười tập thứ hai Âm ỉ tàn tro, Hương Văn tập đầu tay Vị đời. Nguyễn Đặng Thùy Trang với truyện tranh thiếu nhi Xương cá biết nói. Nếu Trần Quang Lộc dần uyển ảo hơn mảng hiện thực thì Phạm Hữu Hoàng tìm kiếm chất liệu từ những khuất lấp nghiệt ngã cuộc đối đầu sinh tử Nguyễn – Tây Sơn. Nếu Lưu Thị Mười tiếp tục với thế mạnh của mình và nỗ lực “đời” hơn, đa diện hơn mọi ngóc ngách thân phận người nữ, thì Hương Văn chủ yếu dàn dựng những nghịch cảnh kiểu “chuyện ba người”. Với cây bút nữ này, sau náo nức với tập truyện đầu, hy vọng đời sống sinh động sẽ can dự nhiều hơn vào trang viết của chị.

Chúng ta còn có Tuệ Mỹ Nẻo về tinh khôi – bình thơ, Võ Minh Hải Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa – nghiên cứu văn học. Đó là những đóng góp cần thiết cho mảng nghiên cứu, phê bình vốn chưa mạnh của văn học Bình Định.

Ngoài đóng góp quan trọng cho tạp chí Văn nghệ Bình Định ngày càng hay hơn, các cây bút Bình Định năm 2020 cũng xuất hiện nhiều trên các diễn đàn văn chương lớn của đất nước hoặc các báo, tạp chí uy tín: Văn Nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhà văn & Tác phẩm, Văn nghệ Công an, Sông Hương, Tiền Phong chủ nhật, Văn nghệ TP. HCM… Có thể kể: Lệ Thu, Mai Thìn, Lê Hoài Lương, Văn Trọng Hùng, Trần Quang Lộc, Phạm Ánh, Lưu Thị Mười, Trương Công Tưởng, Trần Quốc Toàn, Trần Quang Khanh, My Tiên, Trần Văn Thiên… Nhiều thơ, truyện ngắn, phê bình, tản văn chất lượng, góp phần ngày càng tăng uy tín văn chương Bình Định.

Lễ tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học Bình Định mở rộng 2018-2019
và tọa đàm 30 năm văn học Bình Định. Ảnh: S.P

Các cuộc thi văn chương và giải thưởng hàng năm tầm quốc gia, Bình Định cũng gặt hái kết quả tốt. Cuộc thi truyện ngắn 2018-2019 của tạp chí Nhà văn & Tác phẩm Lê Hoài Lương đoạt giải Nhì với chùm truyện Người bọ chét và Nghề vớt xác. Tập truyện Làng Krona của Trần Quang Lộc đạt giải Khuyến khích Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Mảng thi thơ báo Văn nghệ 2019-2020 Bình Định có nhiều tác giả in từ 1 đến 3 chùm thơ: Mai Thìn, Trần Quốc Toàn, Trương Công Tưởng, Văn Trọng Hùng. Hy vọng sắp tới sẽ có nhà thơ Bình Định được xướng danh giải thưởng.
Năm 2020 Bình Định có thêm hội viên Hội nhà văn Việt Nam: Trần Quang Lộc. Cùng giải thưởng Liên hiệp hội, nỗ lực sáng tác của anh đã được ghi nhận một cách xứng đáng.

Sau nhiều năm kiên trì đề xuất, vượt qua những trở ngại, Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Bình Định đã được thành lập, tổ chức đại hội, bầu Ban chấp hành chi hội nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 3 nhà văn Lệ Thu, Lê Hoài Lương, Triều La Vỹ, do nhà thơ Lệ Thu làm Chi hội trưởng. Hiện Bình Định có 11 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, phần nhiều là những cây bút đang khá trường lực. Theo hướng tăng cường vai trò các chi hội nhà văn cơ sở của BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa X (2020-2025), Chi hội nhà văn Việt Nam tại Bình Định sắp tới sẽ là đòn bẩy cho phát triển chung, ổn định và bền vững hơn.

Cuộc tọa đàm “30 năm văn học Bình Định”, tháng 4.2020 đã chỉ ra những tiếp nối xứng đáng, cả mặt chưa mạnh về thể loại tiểu thuyết, phê bình lý luận, văn học thiếu nhi… Nhìn nhận một cách thẳng thắn, toàn diện, có nghĩa văn học Bình Định đã đi qua kiểu trông chờ “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”, mà tự tin vào nội lực của mình, hướng tới những khẳng định lớn hơn.

Vài năm gần đây văn học Bình Định đã rất khởi sắc từ sáng tác của các thế hệ. Năm 2020 thêm một khẳng định. Rằng, xứ văn chương Bình Định đang tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, xác lập “thương hiệu” trên văn đàn cả nước, dự báo một mùa màng bừng rộ, xứng tầm hơn nữa, trong thập kỷ trước mắt.

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…