(VNBĐ – Đọc sách). Trong những năm gần đây, văn hóa được xem là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Văn hóa gắn bó hữu cơ với sự phát triển lịch sử, xã hội và nhân văn của từng vùng miền, lãnh thổ, quốc gia. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, là tấm “thẻ căn cước” của mỗi cộng đồng. Trong sự phát triển toàn diện của con người, mỗi một cá nhân sẽ kế thừa những tinh hoa văn hóa dân gian và văn hóa đương đại. Văn hóa dân gian là cội nguồn, là cơ sở rất quan trọng của nền văn hóa địa phương, chi phối đời sống con người trên mọi phương diện. Do vậy không thể hiểu được bản sắc của một địa phương, dân tộc nếu như không hiểu được văn hóa của địa phương hay dân tộc ấy.
Trong nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian có nguy cơ bị mai một trong xã hội hiện đại, công trình Văn hóa dân gian Bình Định (2011 – 2020) được Hội VHNT Bình Định ấn hành vào cuối năm 2020 rất có ý nghĩa, thể hiện tâm huyết cũng như thái độ làm việc khoa học, nghiêm cẩn của hội đồng chuyên môn và nhóm biên soạn. Đây là công trình tập thể, tác giả của sách là các hội viên của Hội VHNT Bình Định. Nhóm biên soạn gồm các tác giả Trần Xuân Toàn, Lê Nhật Ký, Nguyễn Văn Ngọc, Võ Như Ngọc, Võ Minh Hải đã lựa chọn và đưa vào tập sách các nội dung đề cập tới các lĩnh vực văn hóa dân gian Bình Định như phong tục, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, võ cổ truyền, văn học, kiến trúc, tín ngưỡng, nghề truyền thống, làng nghề, địa danh,… Đây là một nỗ lực lớn của tập thể các thành viên cũng như sự quan tâm của lãnh đạo Hội VHNT Bình Định.
Với 39 bài viết của 28 tác giả, bức tranh khá toàn diện về văn hóa dân gian của Bình Định được phác họa tương đối đầy đủ và khoa học. Trong vòng 10 năm (từ 2011 – 2020), các tiểu luận khoa học có tính khám phá đã được các tác giả “trình làng” và nhận được sự đồng thuận của giới học thuật địa phương như: Bình Định giàu chất dân gian đang chờ khám phá (Đinh Bá Hòa); Nghệ thuật trình diễn tuồng Hát bội của Đào Tấn (Nguyễn An Pha), Tình quê, giá trị văn hóa làng (Trần Duy Đức); Sinh hoạt nghệ thuật dân gian ở Gò Bồi (Nguyễn Phúc Liêm); Lễ hội và lễ cúng của người Chăm H’roi ở Vân Canh (Nguyễn Xuân Nhân, Đoàn Măng Téo); Lễ hội Xa mõk của người Bahnar Kriêm (Yang Huân)…); Văn hóa tín ngưỡng vùng Bãi Ngang (Võ Ngọc An)…
Bên cạnh đó, tính chất lý luận và khái quát học thuật, tổng thuật nghiên cứu cũng được các hội viên của chi hội VHDG quan tâm, đánh giá, ví dụ như: Nửa thế kỷ sưu tầm, nghiên cứu ca dao, dân ca Nam Trung bộ (Trần Xuân Toàn); Về một số công trình nghiên cứu văn hóa dân gian của hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Bình Định (Lê Nhật Ký); Giải kiến tạo kiến trúc và điêu khắc Chăm; Kiến tạo giới trong huyền thoại và đời sống Chăm (Châu Minh Hùng). Điều đáng ghi nhận nhất trong tập sách này là những kiến giải cá nhân về các vấn đề, hiện tượng, đặc điểm mang tính khu biệt của văn hóa dân gian Bình Định, chẳng hạn như các tiểu luận Dấu ấn chợ Giã, xóm Giã, cửa Giã (Qui Nhơn) qua lịch sử và ca dao Bình Định (Hoàng Bình); Cầu thang nhà sàn của người Bahnar Kriêm (Yang Danh); Văn miếu – Đền văn của Bình Định (Mai Thìn); Xứ Nẫu và những câu ca xưa: Một vài biện giải có tính tham khảo hay phiếm đàm về một cách khác trong hành trình mở cõi của cha ông (Lê Hoài Lương); Nhà lá mái Bình Định (Nguyễn Thanh Quang); Chơi chữ đồng âm trong câu thai Bài chòi Bình Định (Nguyễn Quý Thành, Chung Nguyễn Mộng Quỳnh); Trống trận Tây Sơn – nghệ thuật võ trong nhạc (Nguyễn Bạch Mai); Nghề nón ngựa Phú Gia (Nguyễn Văn Ngọc)…
Một điểm cần khẳng định là tính chất lượng của các tiểu luận, trách nhiệm học thuật luôn được quan tâm. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong các tiểu luận không chỉ là những báo cáo tổng thuật, khảo sát mà còn là những vấn đề khoa học có tính chất gợi mở, thẩm bình và mang đậm dấu ấn, phong cách cá nhân của các nhà nghiên cứu. So với một số địa phương trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tập sưu tuyển này của Chi hội Văn nghệ dân gian Bình Định là một thành tích đáng ghi nhận.
Có thể nói Văn hóa dân gian Bình Định (2011 – 2020) là công trình “mào đầu” cho chuỗi chuyên luận, chuyên khảo nghiên cứu chuyên sâu sẽ được các hội viên đầu tư thực hiện trong thời gian tới. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy ý kiến đánh giá của TS. Trần Hữu Sơn (Viện Nghiên cứu Ứng dụng văn hóa và du lịch, Hà Nội) rất đáng tham khảo, ông cho rằng nhiều tiểu luận được trình bày trong tập sách này có thể nâng cấp và phát triển thành các tiểu luận chuyên sâu đối với các vấn đề văn hóa dân gian Bình Định như: Một số lễ thức của người H’rê An Lão, Bình Định (Bùi Đức Phú); Gốm Nhạn Tháp – nét đẹp văn hóa của một làng nghề (Võ Như Ngọc), Văn tế Hán Nôm với sự bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương (Võ Minh Hải), Bài Thiệu – nét độc đáo của võ cổ truyền Bình Định (Phạm Cao Viết Hiền)…
Bên cạnh kết quả được khẳng nhận trong công trình này, chúng tôi thấy Hội VHNT Bình Định cần đầu tư hình thành các chuyên luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến văn hóa dân gian ở Bình Định trên cơ sở các tiểu luận, đề tài đã và đang được triển khai. Bên cạnh đó, từ đặc trưng liên ngành của khoa nghiên cứu văn hóa dân gian, qua những kết quả nghiên cứu đã phần nào được thể hiện trong tập sách này, thiết nghĩ, việc hình thành các nhóm nghiên cứu để tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản, cốt yếu, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị mà các cấp Đảng chính quyền đã quan tâm, giao phó. Đây là một trong những phương thức hoạt động khá phổ biến mà Chi hội Văn nghệ dân gian tại các địa phương lân cận đang thực hiện.
TS. VÕ MINH HẢI
(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)