(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi).
Má có hiểu cho mình không Hai?
Đó là câu đầu tiên Xuyến hỏi trước khi đi. Nó trở về hôm rằm, trước sân đang làm bàn cúng. Cha không cho Xuyến đi cửa trước, phải nép vào đường luồng mà đi. Trong nhà, má cặm cụi xếp đồ giấy, tôi ngồi chép kinh trong buồng. Nó mở cửa buồng, bỏ ba lô vào góc tường rồi nằm dài xuống chiếu trúc, tiếng thưa còn ngổn ngang ngoài nhà giữa chưa ai nhặt lên.
Tính ra, lần này Xuyến đi mới là lần thứ hai xa nhà, vậy mà đã ra dáng một đứa quen tuồng lang bạt. Đến tận lúc này tôi mới hay, hôm tôi với má nhổ sắn mì ngoài ruộng thì Xuyến đang lọ mọ đào đất quanh một ngôi mộ cổ giữa cánh đồng xứ Quảng. Gió thổi ngang thân dừa, mùa xuân còn lạnh, đêm xuống nghe người ta mở nhạc xuân nao nao, ngồi cắn bánh in một mình bên bếp lửa nó cứ tưởng mình đã tha phương nửa đời người. Mặt trời mọc rồi lặn, sắp hết mùa nắng má đi canh điều mướn. Chiều chiều, tôi phụ má hốt hạt khô vào bao, giũ bạt cho bụi mù bay lên. Bên phía em, hạt bụi tiên bay xuống dưới mấy cán cọ bé xíu khi cả đoàn kiểm kê làm sạch những mảnh gạch vỡ rải rác trong tàn tích tháp Chàm. Thế giới chấn động vì tượng thần cổ xưa nguyên vẹn và linh thiêng vừa trồi lên hít khí trời lần nữa, tôi và má vẫn mải miết chặt mía ở phía những ruộng đồng bạt ngàn dưới chân núi Ông. Khói đốt đồng bay lên, có ngọn nào lạc nẻo qua em, rơi xuống cùng cơn mưa tao tác trên mái lán che những bệ thờ đắp phù điêu lá đề. Chuyện Xuyến nói trong bữa cơm hôm về toàn là chuyện quá khứ, gắn chặt với vàng son đã mất, còn tôi và má chỉ biết những bữa cơm ngày mai.
Mấy ngày trở lại, chưa kịp làm gì Xuyến đã quay cuồng bận rộn với những câu hỏi. Mấy lời thắc mắc công ăn việc làm, lương lậu, chồng con cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc thôi miên. Ai nấy lặn lội mò tới, hỏi thăm cho thỏa cơn tò mò rồi bỏ đi. Cha má cũng loay hoay, không chịu ngồi xuống nghe nó nói rõ ràng một điều gì. Lúc ra xe, nó mới choàng tỉnh giật tay áo tôi, hỏi khẽ.
Rồi má cũng hiểu cho mình phải không Hai?
Bỗng nhớ có lần tôi thấy ai giống Xuyến trên tivi. Đài địa phương điểm tin vừa khai quật một ngôi mộ cổ ở Hà Nội. Thấp thoáng sau giáo sư trả lời phỏng vấn là bóng mấy sinh viên ướt nhẹp dưới trời mưa lâm thâm. Chạng vạng, má thăm ruộng về vô tình nhìn thấy nửa lưng áo trắng. Suốt mấy tháng sau đó, ngày nào ti vi cũng mở đài miền Bắc khung giờ cơm chiều. Nhạc hiệu lanh lảnh của bản tin văn hóa dân tộc phát đi phát lại những câu dân ca cách xa hàng nửa chiều dài đất nước, dường như chẳng liên quan gì đến mình.
Tôi kể chuyện ấy cho nó nghe, Xuyến chỉ cúi mặt ậm ừ. Nước mắt chưa rơi mà giọng đã nghẹn. Chợt nhận ra nỗi ấm ức bỗng quá lớn đến nỗi những công nhận nhạt nhòa đã trở nên ơ hờ, lạt lẽo. Rồi có ngày, sự cảm thông của má sẽ không gỡ nổi những ngón tay thon thon búp măng kia, khi chúng đang co lại, im lặng víu chặt vào thịt da. Trong vô thức nó đã học kiềm nén như má, từ cái mắt, cái mày, khuôn miệng mím sâu, có cái gì bị ép chặt xuống, lặng vào trong thành nỗi uất ức và kiêu ngạo không thể diễn tả. Rồi cái gì sẽ cứu được nó, một ngày nó cần kêu cứu? Tôi thảng thốt âm thầm.
“Đi đi, đi hết đi, cái nhà này đâu phải nhà tụi bay đâu mà giữ! Người ngoài nói thì nghe răm rắp, chứ má nó nói nó có nghe đâu!”.
Trưa xứ cát nắng như rang, tôi đứng nghe những tiếng chửi của má va vào bức vách rồi dính chặt trong không khí. Xuyến đã chuẩn bị xong. Nó thoăn thoắt khoác túi lên vai, bước sầm sập ra cổng. Nó không cần biết má có chịu hay không. Nó đã bảo làm là làm tới cùng không ai cản được.
“Trù trừ gì nữa Hai!”.
Bỗng dưng, như một dự cảm, tôi quay đầu nhìn lại, sân nhà vắng hoe vậy mà có má buồn rầu đứng đó. Xuyến đi nhanh quá, nó có bao giờ nhìn thấy cái buồn của má chưa. Nó quánh lại, dẻo kẹo, từng sợi từng sợi nặng trình trịch, trong suốt. Giữa trời nắng từng sợi buồn chảy xuống lũ lượt dính vào nhau thành lưới, đắp lên nhau thành tường. Xuyên qua tường người ta chỉ thấy hai khóe mắt và bên má của má trĩu xuống, ngày một thấp thêm, như có nước sắp rơi. Mặc kệ tiếng giục, tôi đứng đợi cái gì đó rơi xuống. Nhưng không có. Xe đến, má lại quay vào nhà.
Giống y hệt buổi chiều ngày má gặp Lam.
Đó là một chiều rất ấm, nắng lấp lánh trên vành mũ non xanh. Em vừa đi chợ về, tóc còn vương mùi biển. Em đứng chào má, thẳng lưng, cúi đầu. Vì cúi đầu nên em không nhìn thấy tôi sau khe cửa sâu, bầu trời bị chắn song chia làm đôi nửa. Má đang phơi sắn, bà cào sắn đầy sân, để em lình xình đứng ngoài cổng. Trời rộng mênh mông, má đứng đó im lặng tận cùng. Chỉ im lặng thôi mà có tận hai người thấy ngợp thở muốn chết. Mãi đến khi, tôi dập mạnh cửa, hai con cá giãy lạch phạch trong túi, em mới giật mình quay người quệt má bỏ đi.
Sau lần đó, má không nói, tôi cũng không tìm gặp Lam nữa. Má lầm lì gặt hái, tôi lẳng lặng chép kinh. Trong những chữ kinh, có tiếng mõ tụng rất đều.
Thế mà bỗng dưng Xuyến trở về. Nó không cho tôi đóng cửa ngồi trong buồng nữa.
Xuyến nói: “Đi, em dẫn Hai đi!”.
Nó kéo tôi ra khỏi bàn, tống quần áo vào giỏ xách. Nó đi phía trước, ánh mặt trời không lọt ra được phía sau. Dáng cao, tóc dài, giày xăng đan nhẹ nhàng lấp lánh. Nó sẽ dẫn tôi đi chơi cho khuây khỏa. Đi chơi, mà cả làng chửi đổng, vì để xe taxi lùi vô ngõ chật kín đường, chó nhào ra sủa ầm trời. Ba ngước lên từ máng cỏ cho bò, chửi thề nhổ nước miếng. Má lẩm bẩm: đua đòi còn kéo bầy kéo đám. Nhưng có thật là đi chơi không? Tôi không tin những gì nó nói với má. Hai ngày, ra biển, rồi đi đâu nữa? Lạ quá, nhìn mắt nó, tôi không thấy ngày về.
Dầu gì nó đã đi quen rồi, má đâu thèm quản nữa. Hình như từ khi bỏ nhà đi, cha má cũng đã bỏ rơi nó, chỉ bởi nó nhất quyết theo đuổi tường thành.
Tờ báo Xuyến giấu trong cặp hồi cấp ba có viết: tường thành là di tích bí ẩn ít được quan tâm nhất trong vô số di tích bí ẩn của vùng đất này. Nó được xây từ bao giờ? Người ta xây nó để làm gì? Tường lũy miên man hùng vĩ, dấu tích bí ẩn trăm năm chưa phai mờ. Nhiều người nghe tiếng đến rồi đi, lai lịch của di tích vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ biết mỗi tháng đến ngày rằm tường thành sẽ hiện lên giữa biển thành con đường kỳ bí, chia sóng xẻ bờ, nối liền về phía đảo. Bất cứ ai từng đặt chân đến đó đều bị mê hoặc bởi vẻ đẹp ngây ngất nơi trời nước mênh mông, nơi những rặng san hô vài chục mẫu vươn mình rực rỡ quanh chân tường. Có người đồn, tường thành cũng là chỗ linh, người nào đã đặt chân lên dải đất ấy sẽ bị mê mắt, không biết đường về.

Rõ ràng người ta đồn bậy bạ. Xuyến có cần phải đến đó đâu. Nó chỉ xem một bức ảnh mà hồn đã bị bắt mất. Nó bỏ má đi tìm tường thành. Cùng với An.
Lần đầu tiên má biết An là khi nhìn thấy tin nhắn của Xuyến trên điện thoại. Tụi nó quen nhau qua một trang mạng nào đó, hợp tính rồi yêu nhau trong lén lút. Sau này má biết thêm vài tin vụn vặt nữa. Ví dụ như An là người cùng trong xứ, nhà ở tận Vườn Dừa. Ví dụ như An bằng tuổi Xuyến. Ví dụ như nhà An không giàu chẳng nghèo. An mê tháp Chàm, mơ màng như chìm trong một cơn say bất diệt. Trong những tin nhắn cuối cùng, tụi nó nói về tháp còn nhiều hơn những lời yêu.
Má không hiểu. Sao chưa gặp mà dám yêu nhau? Hơn nữa, còn rủ rê nhau đi làm những điều dại dột. Có gì ở những phế tích, chùa nát ngói mục để ta phải khao khát giải mã? Những tháp gạch bỏ hoang từ mấy thế kỷ trước không có ý nghĩa gì với má. Má cắt nát những gì có thể cắt nát, tịch thu và tiêu hủy những gì cần tiêu hủy, cho hết vào lò nấu đường. Tình yêu của em tôi thành khói, bay lịt xịt lên trời.
“Hai đứa em hẹn nhau, chừng mà tốt nghiệp rồi thể nào cũng phải về đây nghiên cứu. Rồi mình sẽ có một khu du lịch hay một cái tour gì đấy khai thác được hết vẻ đẹp của tường thành cổ. Cùng với những ý nghĩa… Tại sao lại có nó, giống như tại sao mình lại sống. Ý nghĩa sẽ giúp mình tồn tại vững bền. Em với An đã hẹn nhau sẽ xin về tỉnh. Lúc ấy tỉnh thiếu người lắm. Thật ra mấy năm nay vẫn còn thiếu. Vẫn còn chưa có ai đi nghiên cứu hết tường thành…”.
Lúc này xe đang đi dọc đường ven biển. Biển đang rút. Nước bỏ bờ một quãng xa. Dưới sắc xanh trong vắt như pha lê, lấp ló bóng một con đường đá lặng nằm giữa biển.
Cuối cùng tôi đã nhìn thấy tường thành.
Xuyến ra hiệu cho tài xế. Nó xuống trước, lội chân trần trên cát nóng. Lòng bàn tay nó ấm sực nắm chặt lấy cổ tay tôi. Trước mặt nó, trời nắng rất gắt, bọt sóng chói sáng như vụn thủy tinh.
Tôi thẫn thờ nhìn mặt trời hào phóng rải nhiệt lượng xuống bãi cát, chần chừ.
“Em nghe cậu nói cha mời thầy cúng sao giải hạn, vẽ bùa đọc chú, còn đòi đi khám ở đâu… Phải không?”.
Câu nói bất thình lình tan tác dưới tiếng động cơ ca nô gào rú chạy tới. Gió không cho tôi trả lời. Giọng em vào người chủ tàu trả giá qua lại dưới nắng xa lạ như một bản nhạc nước ngoài. Có cái gì dâng lên dồn dập, như sóng mà không phải sóng, nó ở trong cổ họng, có mùi ôi của tro nhang đốt từ giấy bùa vẽ chu sa đỏ. Tôi bỗng muốn đi thật nhanh khỏi đất liền. Ngay lập tức, chúng tôi leo lên ca nô, tôi kẹp giữa Xuyến và thanh niên cầm lái. Mùi mồ hôi đàn ông xộc lên nóng rực. Và máy nổ rung trời.
Gió biển rất mạnh. Mùi của đất bị quăng đi xa. Xanh, xanh, xanh trời và đất trùng điệp. Ngoái lại nhìn bọt sóng ngay đuôi ca nô cuộn trào không dứt, bỗng dưng tôi muốn thử tìm núi Ông, nơi có bóng tháp hoang mà mỗi lần ra đồng mẹ đều chỉ tay cho chúng tôi thấy. Nhưng ở đây là phương hướng nào tôi còn chẳng biết, trùng điệp non xanh như thành như lũy, che hết sạch trơn những tháp với người.
Không biết má đã tận mắt thấy tường thành lần nào chưa?
Đó là cái gì như thể một con đường. Tường đá nối dài đến sát bờ cát bên kia, dường như một phần của đất liền bị bàn tay thần bứt ra, thả trên nước. Trên con đường đó, Xuyến đang chạy. Nó chạy chân trần, như hồi còn bé tí, hay móc đất trong sân. Tôi hơn nó bốn tuổi, cắp nó trong nách, nhìn nó lớn lên, thấy má khe khắt với mình mà dễ dàng với nó. Thấy ghen tị và ấm ức ngây ngô mãi trong lòng.
Cũng có thể đó là một bờ đập. Tường thành chia vùng nước ven bờ làm hai. Trong quá khứ chắc hẳn đã có lần nó căng mình lên ngăn chặn những con sóng lớn. Nó che chở thuyền bè, nó khiến bao thế hệ an toàn và bền vững. Cho tới khi dòng chảy thay đổi, hoặc nước biển dâng, hoặc xói mòn sụt lún, tường thành chìm xuống, bị quên lãng hoàn toàn. Nó làm người ta tiếc nuối và đau đớn, như những đứa trẻ giờ đã không còn trẻ nhìn lại những tháng năm bồng bột, những sự đã rồi.
Hoặc cũng có thể tường thành là một giấc mơ. Nó có thực một nửa thôi. Nửa còn lại – cái đẹp của nó – là ảo mộng của một đứa trẻ chân chưa từng lấm hạt bụi đời. Giấc mơ đi tìm câu trả lời cho mọi câu hỏi. Đi tìm bằng chứng cho mọi suy đoán. Giấc mơ hy sinh thân mình cho lý tưởng và tình yêu. Những giấc mơ mà khi đủ đầy người ta mới có. Giấc mơ ấy khi thành hình, nó vô tình có hình dáng của một dải tường thành, mà trên tường thành có hai người đi.
Giấc mơ ấy đẹp và khờ khạo. Nó khiến Xuyến trong mắt má cứ bé bỏng suốt đời.
“Nhắm mà đi thì coi chừng con Xuyến cho tao. Có chuyện gì là gọi về liền, biết chưa?”.
Trước khi đi má dặn tôi canh chừng Xuyến. Xuyến thì nghĩ nó đang giải cứu tôi. Đến cuối cùng ai sẽ bảo vệ ai?
Và chính má, má đang bảo vệ ai?
Nó đi xa má bận bịu tìm kiếm. Nhưng cứ gặp nhau là không thốt nổi một câu đẹp lòng. Trời ơi, sao má không như lúc má đứng trước mặt tôi thế ấy, giọng khàn khàn, hai mắt đỏ ửng. Những ngón tay người khum khum che lên đuôi mắt, lòng bàn tay vàng vọt hứng lấy ánh mặt trời. Có vai ác nào nhìn tội nghiệp vậy đâu? Má thương mà má làm ra ghét, cứ mắng nó suốt! Vả lại, Xuyến nó lớn rồi, nó biết cách xoay sở cho đời nó, má cứ trằn trọc vì nó chi đâu?
Sao má không trằn trọc vì con một ngày?
Hay do mình gần má quá, mình chưa đi xa.
Tôi siết tay Xuyến, chạy giữa biển, trong khi nghĩ về căn phòng có mùi nhang khói thấm vào ga giường. Ở phía bên kia giường, ô cửa sổ chia làm hai nửa, hai cánh gỗ bị dây chằng quấn chặt. Cái sân sáng như sân khấu. Má ở đó, cha ở đó, Lam và mọi người ở đó. Chỉ có tôi là khán giả. Tôi đứng nhìn họ nói chuyện, tiếng rào rào như rang đậu.
“Hai đừng buồn. Mang theo nỗi buồn mình không đi được đâu. Chắc Hai không tin, nhưng tuần trước khi cây cầu ở Vườn Dừa sập, em mới biết buồn đó. Mấy năm qua ngày nào em cũng vui cả, sống với ước mơ sao người ta dám không vui được… Nhưng tự dưng cầu sập. Tuần trước, cây cầu đi theo một cơn lũ cuốn. Nó không phải là cây cầu bình thường đâu Hai. Nó là cây cầu hẹn ước. Nó làm dấu nhà của An. Nó đang đợi em tới để An dắt đi thăm. Vậy mà không đợi được… Em buồn muốn chết. Bỗng dưng muốn về. Về xem nhà của mình có dễ biến mất vậy không? Có khi nào mai quay đầu, mình không còn nhà ở đó nữa. Hai với cha má có còn như trước không? Lỡ đợi ngày mai mới về thì còn ai để mà về nữa không… ”.
Giọng nó nhỏ xíu, từng tiếng phập phồng trong gió lùa như là một cánh diều đứt dây. Dường như sợ nói thêm một tiếng nữa thôi, tôi sẽ nhận ra nỗi nuối tiếc đang tràn đến đây, làm mềm sỏi đá. Muốn về thì về chứ lo bóng lo gió cái gì. Cầu nó cũ thì nó gãy thôi mà.
Xuyến dẫn tôi bước dọc bờ đá rêu nhớt. Tiếng ừm nhè nhẹ bay vút theo gió, lướt ra sau vành tai để lại dư âm như có người vừa đi lướt qua mặt.
Từ bao giờ nó đã lớn như thế, biết sợ hãi thời gian?
Quanh nó mặt trời bao bọc, cuộc đời riêng tách ra khỏi đời quê, như hạt mầm bị chim rừng tha đi, thả lên núi lên rừng, rơi rớt quanh ruộng đồng gò bãi, mọc lên cái cây con đã quen tự mình hút nguồn mạch khác, chỉ giống cây mẹ mỗi dáng hình.
Hoặc đến cả dáng hình cũng đã khác.
Xuyến vén ống quần lên, trên cẳng chân bò dọc một vết sẹo dài. Thấy tôi nhìn, cái dấu thịt ấy vặn xoắn lại như một đoạn dây thừng, cố gói hết những đau đớn và tủi hổ vào trong. Nó bảo.
“Em té xe. Năm ngoái đi làm về đường trơn, lâu rồi…”, Xuyến nói hững hờ.
Tôi hốt hoảng: “Sao không nói với ai hết vậy em?”.
“Em phải nói với ai?”. Mặt nó ngơ ngác vô tội. Thì cũng lành rồi mà, có sao đâu em tự xử được ngon lành.
Đôi mắt nó trong veo. Như thể phía sau thủy tinh thể thực sự không có hờn dỗi và đớn đau, không có thỏa thê hay vui sướng. Nhưng tôi biết có, Lam cũng nhìn tôi y chang vậy để rồi nói rằng không sao cả, nghỉ một năm rồi học lại. Nhà Lam muốn cho Lam học ít thôi, để dễ có chồng.
Lam là bạn của em họ tôi. Dì Lam bán cá, chợ phiên Lam mới ra phụ với mớ rau ngò. Bên cạnh Lam, những con cá mó màu xanh lá, xanh cổ vịt với cái bụng trắng xếp hàng chật đầy. Giữa những thớt gỗ trống trơn, chúng sặc sỡ một cách lạ lùng. Lam thò tay, xách lên con đang cá nằm chèm bẹp trong mâm sắt, đôi mắt nó đục ngầu, những vây lưng và vây đuôi màu cam cháy viền xanh sáng dẫu khép xụi xuống vẫn đẹp đẽ lạ thường. “Cá mó chó ăn…”. Lam thả xuống, rồi nhìn tôi lắc đầu.
Nhưng người ta đi chợ mua cá đâu có nhiều lựa chọn đâu. Biển bây giờ nghèo như một bà già suốt bao nhiêu năm chỉ ngồi nhà để chờ đàn con vỡ nợ trở về cầu cứu. Tài nguyên bị vắt kiệt dần dần. Bầy cá mó bị những người đàn bà chợ quê chê ỏng ẹo nhưng vẫn cầm lên bỏ vào giỏ. Lam thì nói thẳng là đừng ăn con đó, dù dì Lam bán. Không phải Lam chê, nhưng mình phải biết mình ăn cái gì chứ. Đó là con cá ăn san hô, con cá làm ra cát. Con cá như thế, khác nào ăn biển ăn tới tận những hạt cát? Rồi ta sẽ ăn tới gì nữa, những viên đá hay sao? Lam không ăn, Châu cũng đừng ăn. Thường mấy cái đẹp nó ít lành lắm.
Tôi tin Lam răm rắp vì Lam là trưởng đội bảo vệ sinh vật biển mà tôi nằng nặc xin vào. Cuộc đời Lam nhiều mỉa mai, bán cá mà đi kêu gọi người ta đừng ăn cá. Nhưng có gì sai trái đâu mà má căm ghét Lam? Lam có làm gì khổ đến má đâu?
Hay bởi vì Lam biết nói không? Có khi đấy, con của má đâu có nói không với má đâu. Má quen kiềm chúng tôi lại bằng khổ cực rồi. Trong khổ cực mình không có quyền chọn lựa hay từ bỏ. Bất cứ cái gì cũng phải biết quý. Hột gạo làm ra đổ mồ hôi sôi nước mắt, con cá miếng thịt là máu là xương. Sao mình dám nói không ăn cho được? Hai chúng tôi không dám chê bai hay đòi hỏi những con cá trong bữa ăn. Nhưng Lam nói mình có thể lựa chọn được, mình không ngăn được người câu cá ngoài khơi, nhưng mình có thể ngừng ăn được. Phải nói rõ với nhau, vì một cái gì cho tương lai nữa, cho biển và san hô, cho thế hệ sau này, không phải chỉ là bữa cơm ngày mai. Tôi nghe mê mẩn, liền về xin má đi dọn rác ngoài biển, đi bảo vệ bầy cá mó, đi với Lam. Vậy mà sao cứ thấy tôi cười là má tôi hờn khóc, lạ lùng.
Giờ em trước mặt tôi, bóng chồng lên bóng Lam kiên cường vững chãi. Có những người con gái giống nhau một cách lạ lùng.
“Làm sao để má hiểu được mình hở Hai?”.
Giọng nó nỉ non như vọng lên từ đáy biển.
Tôi giật mình ngẩng đầu. Tường thành uốn cong như cái lưỡi liềm, giờ đang lưng chừng mặt nước. Đảo gần ngay trước mắt. Không biết từ bao giờ, Xuyến đã đứng lại giữa đường chân trời. Dưới chân là con đường vắng tanh và dài như thể đang nối liền qua cõi khác. Bầu trời quá rộng, nước quá sâu, còn tôi và Xuyến thì bé nhỏ. Giữa rèm nắng, nó thả túi xách và giày xuống, bắt đầu lột trần chính mình.
Nắng lóa mắt, da em trắng sáng như lấp trong mây. Từ ngày nó về tôi đã biết nó buồn. Nó bảo nó với An không gặp được nhau. Mấy năm mất liên lạc đủ để người ta xa xôi cả đời. Cây cầu ở Vườn Dừa sập mang hứa hẹn gặp mặt cuối cùng theo nước lũ biệt tăm. Nó bảo có thể An đã tìm việc khác. An đâu có thích khảo cổ lắm đâu. Người ta biết rõ nghiên cứu rồi cũng chẳng có hy vọng nào cả. Gửi mẫu đi nước ngoài đắt quá, chữ viết còn lại thì không tra dịch được. Hằng ngày em vẫn đang cố chụp lại tất cả những gì còn nhìn thấy dưới nước này trước khi bị hà phủ hết. Nhưng có lẽ không kịp, nước biển đang dâng, em cảm nhận điều đó từng ngày.
Mà có chụp hết rồi em cũng không biết phải về đâu nữa… Tụi em hết kinh phí rồi. Ở lại chỉ có uống nước biển. Nhưng mà đi thì em không nỡ. Tường thành là ước mơ đầu tiên của em. Đêm nào em cũng mơ thấy mình chở đá ra biển. Biển ôm em, bằng cánh tay sóng, êm đềm. An nói có khi kiếp trước em là thợ xây tường, có khi đã chết chìm trước khi tường thành hoàn thiện… Máu xương của em, thế giới của em, cuộc đời của em giờ là một vết bớt chìm dưới nước biếc. Sao mà chịu thế được? Ngay khi nhìn thấy bài báo ấy, em biết mình sống là để đi tìm câu chuyện của tường thành.
Vậy nên trách má làm gì nếu má không hiểu những gì vô hình như thế? Những thứ không tròn như sắn, không trắng như cơm? Em không hi vọng.
“Thật đấy Hai, em không hi vọng gì cả, em chỉ cố gắng làm hết sức mình”.
Tôi đứng ngẩn ngơ. Nụ cười nó lấp ló sát mép tường, như đã rơi một nửa trên biên giới bước vào thế giới khác. Tôi cuống cuồng nhào theo, cố bám ngón chân trên những mặt tảo trơn nhớt để giữ nó lại. Bất ngờ, một cái điện thoại được dúi ngay vào lòng. Trên màn hình, số phút đã nhảy tới hàng sáu mươi.
Em đổi ý rồi. Hai nói chuyện với má đi.
Tùm một tiếng, bọt nước bắn tung.
Và em biến mất vào thời gian vô tận.
Hai có biết cô đơn nhất là khi nào không? Không phải những đêm ngủ lại cơ quan một mình. Không phải lúc nằm trên cáng được đẩy vào phòng phẫu thuật vì té xe. Không phải những ngày lang thang hàng giờ quanh các phế tích. Đó chỉ là một buổi nọ, bế giảng, thầy hướng dẫn trao cho em bằng tốt nghiệp, hội trường vỗ tay rào rào. Em đứng trên bục cao, phụ huynh đầy ngất, thế mà không biết phải cười với ai.
Tốt nghiệp mấy năm rồi, nỗi cô đơn không còn rõ ràng nữa. Nhưng em sợ cho Hai. Bây giờ em dẫn Hai đi, dễ lắm. Phòng trọ rộng rãi em quét dọn rồi, Hai chỉ vào ở thôi. Công việc liên quan đến sinh vật biển em cũng đã đánh tiếng. Nhưng ba bữa sau thôi, Hai sẽ buồn, buồn muốn chết, má sẽ buồn muốn chết. Không có má ủng hộ, dù là em hay Hai cũng không thể sống yên lành.
Hai phải nói chuyện với má đi. Để má hiểu được mình.
Mặt trời chói chang. Nắng vàng như một khối thủy tinh trong suốt đang chặn đứng hết thảy, kể cả những tiếng kêu thét. Phải mất một lúc lâu, tôi mới nghe thấy tiếng khóc. Vừa nhỏ bé, vừa rền rĩ, như một ảo ảnh nhanh chóng bay biến. Chẳng đủ để tôi biết được là má khóc hay là chính mình. Chỉ cơn nấc kéo dài, nặng nề và đè nén là không thể chịu đựng. Nó làm tôi đau nhức lồng ngực, như bị ai chém.
Hai khóc đi Hai, khóc đi. Buồn thì khóc, muốn yêu thì yêu. Yêu con gái thì có gì lạ. Tình yêu thôi, có phải bánh in đâu mà cần có khuôn, Hai của em không cần phải giống mọi người. Em nói với má rồi, không có điên khùng, trù ếm gì ở đây hết. Dẹp thầy cúng, dẹp thuốc thang đi. Sợ thì mình phải nói ra, đừng chép kinh nữa. Hai vẫn là Hai, vẫn là con của má bình thường mà.
“Xuyến ơi Xuyến… Châu ơi Châu…”.
Tôi khuỵu xuống bên bờ nước. Má không biết đã nghe được những gì. Tiếng má rên rỉ, tiếng gọi con đập bình bịch vào ngực. Chắc Xuyến không ngờ, tình cảnh lạ lùng mà Xuyến sắp xếp cho chúng tôi, không giúp hai má con ngồi xuống nói chuyện với nhau được như nó hy vọng.
Nó như lửa, má như núi. Tuổi trẻ của nó không có nuối tiếc, cháy đến tận những hạt bụi cuối cùng. Nhưng đời má năm mươi, trọn bốn mươi năm cắm cúi ruộng đồng. Cách một màn hình những gì Xuyến ép buộc ra chỉ là nước mắt. Giá nước mắt có thể thay mình nói một điều gì thì tôi đã khóc từ ngày má đánh cái tát đầu tiên lên mặt Lam, từ lần đầu tiên má nhốt tôi trong phòng kín, từ chữ đầu tiên mà thầy cúng thốt ra khi co giật lên đồng để diệt trừ con ma tai ác… Nhưng nước mắt không nói được gì cả. Tôi và má đều rõ ràng.
“Con ơi con, chờ má, chờ má một chút, má cũng đang ráng hiểu cho hai đứa mà…”.
Bỗng dưng, gió đưa tới một tiếng khóc khác. Tôi cúi người tìm kiếm. Ai đang khóc bên dưới tường thành?
Và rồi trong tiếng ánh mặt trời vỡ tan, cánh tay Xuyến vươn lên như cành san hô trắng muốt. Lần này không chần chừ một giây nào nữa, tôi chộp lấy, da thịt chạm được toàn là mặn chát. Không biết là chạm biển hay chạm nước mắt em mình.
Em ơi em, em nghe thấy không, má cũng đang ráng hiểu cho mình.
THANH LY