Trắng giấc Diêm Vân

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi).

1.
Tôi sinh ra từ biển. Cha mẹ tôi sinh ra từ biển. Và tổ tiên tôi cũng kết đọng trắng tinh trong một hình hài từ biển thẳm sâu.

Nhưng tôi cũng sinh ra từ giọt mồ hôi của người. Lấp lánh trên vai áo bạc màu mốc thếch. Lạo xạo dưới đôi bàn chân ngấm nước bợt bạt nhăn nheo.

Tôi đã lang thang trên cánh đồng muối Diêm Vân, trên đôi bàn tay trong suốt như tan ra cùng những cơn mưa xứ biển. Lòng tôi cô đặc lại, trắng xóa, tinh khôi. Cho đến khi, triệu triệu hạt muối chúng tôi mòn mỏi đợi chờ một cuộc hồi sinh, thì tôi vẫn ở chốn đây, trên cánh đồng này, như hạt cát dù lăn lóc chốn nào cũng vẫn không bay ra khỏi sa mạc của hoang vu.

Mùng Một Tết, chợ Gò, lòng tôi hoang mang trẻ dại trên đôi tay người. Lấp lánh trong nắng sớm mùa xuân, bên những cội mai già vẫn cố bật lên những sắc vàng mỏng manh, tôi chắt chiu từng vị mặn thô ráp và lấm lem dưới màu trắng nhọc nhằn.

2.
Những cơn mưa trôi dài trong ký ức của Vũ. Cơn mưa xứ biển thoáng chốc ồn ào, thoáng chốc giằng xé, rồi day dứt, gặm nhấm. Muối cứ rỉ ra rồi tan đi, ngấm vào lênh loang nước. Muối mặn chát đầu lưỡi. Muối ngập trong các giác quan, trắng xóa. Ăn muối, thở muối, ngủ muối, làm tình cũng muối. Vũ nhớ có lần, Nguyệt bảo, mỗi lần anh xuất vào trong, em thấy như có nước muối chảy ra, trong leo lẻo và mặn chát. Vũ thấy khó hiểu, một lần, tự thủ dâm cho ra, rồi nếm thử. Đúng là trong leo lẻo và mặn chát thật. Một thời gian sau, Nguyệt không làm tình cùng Vũ nữa…

Cứu muối, cứu muối! Tiếng hô hoán thất thanh. Vũ cuống cuồng lao ra đồng muối. Không một bóng người. Mặt trời chính ngọ dội lửa xuống hừng hực. Mưa trong suốt cũng đổ xuống sầm sập. Ném vào mặt Vũ rát bỏng. Cái nắng cháy và mưa tê dại. Những ụ muối dạt xuống, trôi theo dòng nước. Vũ lao theo ôm lấy những khối muối lửng lơ như từng tảng băng trôi. Lửa mặt trời chính ngọ vẫn phóng chiếu xuống man dại. Lưỡi lửa liếm trên mặt nước muối loang lổ. Màu đỏ rực với những viền xanh, ánh tím, lấp lánh vàng đuổi bắt nhau như ma trơi. Rồi bắt vào thân xác Vũ, bùng cháy. Vũ chạy trên đồng muối, phần phật gió, mưa, như một ngọn đuốc sống. Rõ ràng, một ngọn đuốc sống bùng lên từ ngọn lửa trời. Tiếng lửa nổ tí tách. Những hạt muối rang trắng đục khô khốc. Toàn thân Vũ khô khốc. Nước mưa mặn chát không dập được lửa. Cơn mưa muối xối xả hoang vu. Vũ hoảng loạn trong ngọn lửa như một kẻ bất đắc dĩ phải tự thiêu. Cuống họng sặc sụa muối. Đến khi gục xuống, chỉ còn là một hạt muối đã bị rang cháy, khét lẹt. Thủy triều dâng lên, cuốn Vũ – hạt muối về với biển. Cánh đồng chìm sâu trong nước, chìm sâu trong muối ngàn đời miên viễn. Muối vẫn ngủ yên trong nước biển thẳm sâu mà chẳng có hình hài…

Vũ tỉnh dậy, bải hoải, rã rời. Đưa tay lên vuốt những giọt mồ hôi lạo xạo trên mặt. Sống lưng lành lạnh. Bên ngoài, gió rít nhiều hơn. Những tiếng âm u dội vào, như ai oán, trách móc, giận hờn, lại như thủ thỉ, giãi bày, tâm sự. Vũ trò chuyện với tiếng gió mỗi đêm. Khi cơn mơ quen thuộc đánh thức anh tỉnh giấc vào ba giờ sáng. Lúc ấy, Vũ cảm tưởng như toàn thân mình là một hạt muối rang. Căn phòng sực lên một mùi khét lẹt. Và gió biển ùa vào, nóng, ẩm, hơi nước giàn giụa, sẽ hồi sinh tinh thể muối khô đét kia. Vũ sẽ ngả lưng vào thành chiếc xe lăn, nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu. Để ngọn gió hôi hổi và ẩm ướt lan thấm vào từng mạch máu, từng tế bào. Những ngóc ngách khô cứng, tê dại, tàn phế sẽ được giãn nở ra. Từ hạt muối rang cháy sẽ được tưới đẫm phù sa để hồi sinh thành cả cánh đồng. Vũ thấy lồng ngực mình căng lên, vạm vỡ gió biển.

Lúc ấy, Sa cũng lục đục trở dậy. Dạo này, con bé đã bắt đầu phổng phao. Lần đầu tiên trở thành thiếu nữ, nó vẫn mặc cái quần bục đít màu xanh lá mạ. Vũ bảo sao con không mua quần mới mà mặc. Nó nói còn để dành tiền mua thuốc cho bố. Vũ cúi xuống lấy tay đập mạnh vào đôi chân bất động. Nhưng chẳng có cảm giác gì. Tiếng thở dài tắc nghẹn trong cổ họng Vũ, dồn lại thành cục lớn nơi yết hầu. Bất đắc dĩ, Vũ phải dạy con bé về việc có kinh nguyệt hằng tháng, nó sẽ trở thành một người lớn như thế nào, về việc tránh đụng chạm với đàn ông ra sao. Tất nhiên, Vũ chỉ nói được sơ sơ thôi, theo những gì anh biết. Bởi bản thân anh, đâu có được trải nghiệm điều này.

Thông thường, khi trở dậy, Sa sẽ vào ngó xem Vũ thức hay ngủ. Bao giờ con bé cũng đi chân trần để tránh phát ra tiếng động, làm anh thức giấc. Và bao giờ anh cũng giả vờ nhắm mắt, hơi thở đều đều. Thế là nó lại yên tâm bước ra, bắt đầu một ngày mới bằng việc nấu bữa cơm sáng cho hai cha con.

Nhưng con bé đâu biết rằng, đêm nào anh cũng quằn quại trong cơn mơ cứu muối. Con bé đâu biết anh hóa thành hạt muối rang cháy, lăn lóc trên cái chảo đời, bị quăng đi quăng lại. Mỗi đêm, vần vũ trong lửa trời và mưa muối, đôi chân buông thõng bất động vẫn lao đi giữa miền hoang dại. Vẫy vùng, kiệt sức rồi tái sinh.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Dưới ánh đèn ngủ nhờ nhờ, khi Sa lướt qua, phả ra hơi ấm, anh thấy ngực con bé nhu nhú sau lần áo mỏng. Anh đưa tay vuốt mặt để xua tan khoảnh khắc ấy, nhưng nó lại găm vào đầu óc anh. Rồi hình ảnh Nguyệt hiện ra, đè chồng lên hình ảnh của con bé. Đôi bầu vú Nguyệt căng mẩy. Mồ hôi đọng lại thành muối lấm tấm. Nguyệt bảo, của anh trong leo lẻo và mặn như muối. Vũ gầm lên rồi ấn mạnh vào Nguyệt. Này thì trong, này thì mặn. Vũ hùng hục như một con hổ đói. Nguyệt vẫn bảo, của anh trong leo lẻo và mặn như muối. Rồi cười. Nghiêng ngả. Giễu cợt. Vũ thở dốc, gục xuống trên bụng Nguyệt. Toàn thân co rút, khô kiệt thành một hạt muối rang.

3.
Tôi nhớ hồi đó làng muối Diêm Vân trù phú lắm. Người ta vẫn bảo muối là phù sa trắng.

Tôi nghe họ kể chuyện về tổ tiên chúng tôi. Không phải tổ tiên ở Diêm Vân đâu, mà tận bên Tây, bên Tàu, nơi tôi chỉ được nghe thấy thôi mà có lẽ cả đời này, sẽ không bao giờ được đến. Đó là những câu chuyện nói về sự quý giá của chúng tôi. Trong suốt khoảng thời gian vời vợi mênh mông, người ta đã từng mua bán, săn lùng, và tranh giành gắt gao để có được chúng tôi. Có khi, biểu tượng của sự giàu có không phải là vàng bạc châu báu mà là những hạt trắng kết tinh vị mặn của đời. Thậm chí, chúng tôi còn được dùng như một đơn vị tiền tệ.

Thời hoàng kim ấy thuộc về tổ tiên chúng tôi. Tôi cứ nhắm mắt lại mà tưởng tượng ra những mỏ muối khổng lồ được khai thác, trắng xóa rợp trời, những cánh đồng muối ngút ngàn vô tận và ánh mắt lấp lánh cùng nụ cười rạng rỡ của diêm dân.

Đấy là ở những xứ nọ, xứ kia. Còn ngay tại cái xứ này, cha ông tôi cũng đã một thời oanh liệt.

Vậy mà tôi, từ khi sinh ra, vẫn lăn lóc nơi cánh đồng muối bị bỏ hoang. Đời muối chẳng những mặn mà còn cay đắng. Đời diêm dân cũng cay đắng như chính đời muối chúng tôi.

Trong những ngày tháng này.

Khi mà, biết tìm đâu ra tiếng rao: “Ai muối đây?”.

Tôi thèm nghe tiếng rao. Cũng như diêm dân thèm được đi rao. Nào đâu những tải muối trắng ngần được buộc vào sau xe, len lỏi khắp xóm thôn với tiếng rao lảnh lót, trắng sáng cả một vùng quê.

4.
Vũ nhớ Diêm Vân của những ngày xưa.

Những mảnh ruộng vuông vắn ngăn nước biển như những tấm gương trong. Mặt trời lên, loang loáng ánh bạc. Cả ngày Vũ cùng Nguyệt quần quật trên đồng. Trông nắng, trông mưa, thân thể dầm trong nước và muối. Nhanh tay cào muối, từng lớp, từng lớp, dồn lại thành những ngọn đồi nhấp nhô. Rồi lại nhanh tay xe muối ra khỏi ruộng để cất giữ. Muối và mồ hôi trộn lẫn. Nhiều khi không biết, cái hạt lạo xạo dưới lưỡi cào là hạt muối hay hạt mồ hôi? Bao lần hoảng hốt cứu muối khỏi cơn mưa. Có lần cứu được, có lần không. Muối trôi về biển, giống như người ta chở củi về rừng. Thôi thì, vẫn còn trong lòng biển, rồi lại cào, lại xới, lại trông.

Vũ nhớ hồi đó, cả làng làm muối. Tiếng cười nói sang sảng trên cánh đồng lộng gió. Người vùng biển ăn to nói lớn, để cho tiếng nói, tiếng cười khỏi bị át vào tiếng gió, tiếng sóng trùng khơi. Đôi chân đạp trên sóng nước để chưng cất lấy vị mặn của đời. Vũ vẫn nhớ đau nhớ đớn từng ngày ấy.

Những ụ muối trắng ngần như gạo trắng. Cứ thu hoạch xong là Vũ lại cùng những người trong làng xe muối đi rao. Tải nhỏ, tải to chồng chất lên xe thồ. Muối đi đến đâu là ấm no đến đấy. Người dân làng khác thường đổi thóc, gạo lấy muối, hoặc họ cũng mua bằng tiền. Cứ lòng vòng qua các xóm thôn, chiếc xe thồ thay vì chở muối thì lại chở nặng thóc gạo và các đồ nhu yếu phẩm.

Hồi đó, Nguyệt đẹp nhất cái làng Diêm Vân này. Chẳng những Vũ và nhiều trai làng thích Nguyệt mà có mấy thanh niên nhà giàu ở phố cũng muốn cưới Nguyệt nhưng bố mẹ Nguyệt không đồng ý. Ông bà muốn con gái giữ nghề của cha ông. Lại thấy Vũ khỏe mạnh, chân chất, chăm chỉ làm ăn nên ông bà đồng ý gả Nguyệt cho Vũ. Thực tình Nguyệt đã kịp hẹn hò gì với Vũ đâu. Lần đầu tiên của hai người, Nguyệt chê Vũ, của anh trong leo lẻo và mặn chát như muối. Vũ xịu xuống. Nguyệt cười. Vũ luôn bị ám ảnh bởi lần đầu tiên.

Đến khi, sau lần Vũ chở muối đi rao bán, bị tai nạn, đôi chân tàn phế, phải ngồi xe lăn, thì Nguyệt và Vũ không làm tình nữa. Khi đó, con bé Sa năm tuổi. Giờ nó đã mười hai. Suốt bảy năm trời, Vũ ngồi trên chiếc xe lăn, trong bóng tối, mệt nhoài với những cơn mơ và rền rĩ với gió biển.

Vũ cũng không hiểu tại sao mình lại có thể vượt qua giai đoạn khốn khổ và cơ cực ấy nữa. Trong khi đang là trụ cột của gia đình, bỗng chốc trở thành một người tàn phế. Giá mà Vũ chết đi đã đành, nhưng đằng này, trời bắt Vũ phải sống để làm gánh nặng cho vợ con. Chỉ còn một mình Nguyệt dầu dãi trên cánh đồng. Vũ biết, đã nhiều lần Nguyệt khóc. Nước mắt hòa vào muối, nước mắt hòa vào đêm. Nguyệt thường quay mặt vào trong vách. Bóng loang lổ, xô lệch theo hơi thở của Nguyệt, lúc thì hắt ra, lúc thì nín chặt. Vũ nằm như một gốc cây khô cứng. Thế mà đôi chân bất động ấy không bốc cháy như ngọn đuốc trong giấc mơ của Vũ. Giấc ngủ chập chờn mộng mị chỉ thấy muối và nước. Ấy vậy mà vẫn có ngọn lửa bay lên.

Nhưng Vũ không thể bay lên. Đôi chân tật nguyền ghìm Vũ trên chiếc xe lăn. Vũ tìm đến rượu để có thể bay lên trong men say. Nhưng càng uống, lòng càng như xát muối. Muối nặng trĩu đầy một bụng. Vũ nôn ra cả bãi muối lẫn dãi nhầy nhớt. Những lúc đó, con bé lại lặng lẽ đến bên Vũ, ngước nhìn Vũ bằng đôi mắt mở to, trong veo như ánh gương của cánh đồng muối trắng. Rồi nó lấy khăn lau mặt cho Vũ. Khăn mặt trắng xóa những muối. Là nước mắt của Vũ.

Từ khi Vũ không ra cánh đồng làm việc được, lượng muối của nhà ít hẳn đi. Một mình Nguyệt cũng chẳng thể làm việc bằng hai. Hơn nữa, nhu cầu dùng muối của mọi người ngày càng giảm vì có nhiều gia vị khác thay thế. Bột canh, hạt nêm, nước mắm vẫn được quảng cáo đầy trên tivi. Vũ cũng nếm thử những gia vị ấy rồi. Nó đậm đà, lại có vị ngọt và thơm chứ không mặn đắng, mặn chát như muối. Nên làm được nhiều muối thì cũng không bán được. Người làng rong ruổi thồ muối đi khắp nơi rồi lại ngao ngán thồ về.

Trước tình hình ấy, Nguyệt bảo thôi không làm muối nữa mà sẽ lên thành phố xin việc làm. Vũ bất ngờ, bảo, bố mẹ muốn em ở lại đây và giữ nghề truyền thống của gia đình. Nhưng bố mẹ cũng mất rồi, với lại, cứ bám vào muối thì lấy gì mà ăn?

Nói là làm. Vài ngày sau, Nguyệt cùng mấy chị em lên thành phố kiếm việc.

Dần dà, những đàn ông trai tráng trong làng cũng bỏ cánh đồng muối để lên thành phố làm thuê. Họ bảo, đi xách vữa hay xe ôm, vừa đỡ vất vả vừa kiếm được nhiều tiền hơn. Trên cánh đồng chỉ còn lác đác vài bóng người, lặng lẽ, dần chìm lút vào trong bóng muối.

5.
Tôi vẫn nhớ những vệt xe lăn của Vũ chạy dài trên cánh đồng. Nơi tôi đang đắng đót trong một chiều thưa vắng người. Đứa con gái dường như đã trở thành thiếu nữ. Đôi chân trần ngập trong cát, trong muối, trong nước, trong những hoang mang. Nó đẩy Vũ đi dọc cánh đồng, trôi theo những ngọn gió hây hẩy. Lác đác những đụn muối, trắng nhợt nhạt trong chiều màu nâu khói. Vũ vốc một nắm muối bóp chặt trong lòng bàn tay. Đến kiệt sức, rã rời. Một chốc, chỉ còn là nước, trôi qua từng kẽ tay.

Đời muối, sinh ra từ nước rồi lại trở về với nước. Kết thúc để bắt đầu. Tan chảy để tái sinh. Tôi đã bao lần tan ra và tái sinh, vẫn trên cánh đồng phù sa trắng này. Bao lần bốc hơi dưới nắng mặt trời và thấy những giọt mồ hôi của Vũ rớt xuống, đọng lại, lăn lóc ở cạnh tôi. Tôi chưa từng được chất lên xe thồ, được làm bạn với tiếng rao. Cũng chưa từng được đến chợ Gò vào sáng mùng Một Tết hằng năm, để nghe người ta nói chuyện đầu năm mua muối. Mà cũng phải thôi. Nếu tôi ra đi, thì làm sao có thể ở đây, viết nên câu chuyện này. Khi mà Nguyệt đi rồi, đứa con gái thương cha nên vẫn miệt mài giữ muối ở lại trên cánh đồng, dù chẳng được là bao.

Giờ đây, người ta không còn kể chuyện về muối nữa. Sự thèm khát, tranh giành, tích trữ và tìm kiếm muối của con người suốt hàng ngàn năm qua đã trở thành một điều xa vời và có phần ngớ ngẩn. Tôi như một kẻ thất sủng giữa cuộc đời. Vũ như một kẻ lạc loài theo đuổi một ảo ảnh không có thực.

Tôi và Vũ vẫn ở đây. Giữa đồng muối hoang vu thiếu dấu chân người. Khi mà diêm dân đã bỏ lại nước mắt của biển để đi theo những cuộc mưu sinh có phần hơn.

Vết chân trần thiếu nữ và vết xe lăn nặng nhọc của kẻ tật nguyền tan vào nhau.

Tan vào nước mắt của biển.

Tôi thấy mình cũng dần tan ra. Lặng lẽ. Thấu suốt.

6.
Lâu rồi, Nguyệt không về.

Vũ nhớ lần gần đây nhất Nguyệt ghé thăm nhà là vào một chiều nắng gió quắt quay. Gian nhà chống chếnh chao đi chao lại theo những luồng gió. Hôm ấy, Vũ mặc cái áo kẻ caro màu xanh đã bạc. Những ô vuông như từng con mắt hấp háy, ngập ngụa nắng. Đôi mắt Vũ cũng hấp háy khi nhìn vào luồng sáng rớt theo thân thể Nguyệt vào trong căn phòng nửa kín nửa hở. Nguyệt đưa cho Vũ một xấp tiền vẫn còn thơm mùi mới. Đúng là cái thứ mùi đặc biệt, không thể trộn lẫn với mùi nắng gió, mặn mòi. Thân thể Nguyệt sáp lại gần Vũ, anh cảm nhận được bộ ngực mềm ấm của vợ, một mùi thơm ngầy ngậy, thật khó tả, thật lạ lẫm. Là Nguyệt đấy, nhưng lại chẳng là gì cả. Khi Nguyệt bước ra và tất cả đều tan biến. Mùi thơm lạ lùng ấy cũng mất. Chỉ còn mùi tanh nồng trong từng con gió hôi hổi. Vũ ngồi ngoẹo cổ trên chiếc xe lăn, hai tay buông thõng. Những tờ tiền xanh đỏ bay lả tả rớt xuống sàn nhà.

Vũ cũng không hình dung được bây giờ dung nhan Nguyệt ra sao. Lúc nào Nguyệt trở về cũng đối diện với anh ở một góc ngược sáng. Vũ chỉ thấy nắng, thấy gió, phất phơ bóng Nguyệt và những lọn tóc của cô bị bung ra lòa xòa như những cọng rong rêu dập dềnh trên từng ngọn sóng. Chỉ biết, có mấy lần ra chợ, bà con đều khen Nguyệt càng ngày càng đẹp. Mắt môi lúng liếng, da trắng bóc đúng kiểu đàn bà thành thị chứ không còn nước da cháy nắng của diêm dân.

Thực tình, Vũ không biết Nguyệt làm công việc gì. Nguyệt bảo Vũ cứ yên tâm thuốc thang cho mau khỏe và Sa lo học hành cho đến nơi đến chốn. Con bé luôn tiếc tiền, không dám mua sắm gì cho mình, kể cả quần áo, nó vẫn nhặt nhạnh, mặc lại đồ thừa của bà con chòm xóm. Nó dành tiền mua thuốc cho Vũ, còn đâu gom góp lại, sợ sau này, mẹ không kiếm được tiền nữa thì có cái mà dùng. Trong những lần Nguyệt ghé về nhà chớp nhoáng ấy, Sa không gặp mẹ. Nhưng nó cảm nhận được mùi của mẹ đã khác. Không còn là sự nồng đượm nó thèm rúc vào mỗi đêm nữa. Một mùi gì đấy, nhạt dần, nhạt dần rồi trở thành trong veo.

7.
Nguyệt bảo Tết năm nay không về được.

Nhưng Nguyệt đã đưa cho Vũ cả một xấp tiền để hai cha con lo liệu.

Sa đã không còn mặc cái quần thủng đít nữa. Con bé mua cái quần mới màu đỏ. Vũ bảo năm nay hai cha con gom ít muối để sáng mùng Một ra chợ Gò bán lấy may. Lòng Vũ lại háo hức khi chuẩn bị được rao: “Ai muối đây” như ngày trước.

Đêm giao thừa.

Vũ mở cánh cửa sổ cho gió thổi vào ào ạt. Những cơn gió nồng đượm tràn về từ biển, xôn xao những muối, táp vào mặt Vũ. Muối lấp lánh trong bóng đêm. Hòa vào gió như những dải lụa phủ mờ khuôn mặt Vũ. Trong luồng ánh sáng miên man ấy, Nguyệt bước ra, ngược sáng. Chỉ thấy rõ những đường cong trên cơ thể và những sợi tóc rơi ra, hắt lên như những sợi nắng. Nguyệt sáp lại gần Vũ. Anh vẫn bất động trên chiếc xe lăn. Toàn thân Nguyệt tỏa ra hơi ấm, như một ngọn lửa, mắt môi rực lửa. Nguyệt ôm lấy Vũ như một lưỡi lửa man dại, kéo tuột anh khỏi chiếc xe lăn rồi bỗng cả hai rơi vào khoảng không tăm tối, sâu hun hút. Rồi bay ra cánh đồng muối. Muối rớt vào đêm, những vì tinh tú lạc trên mặt đất. Nụ hôn của Nguyệt rát bỏng như muối, quằn quại trên đôi môi Vũ. Nước mắt cũng đọng thành muối. Những dấu hôn của Nguyệt hằn in trên thân thể Vũ rớm máu. Hối hả, gấp gáp, Vũ rùng mình trút hết sinh lực vào trong Nguyệt rồi rũ xuống như một cọng cỏ khô. Nguyệt nằm trọn trong vòng tay của Vũ. Không chê bai. Không giễu cợt. Đôi mi khép hờ rồi dần dần, Nguyệt hóa thành một hạt muối. Từng cơn sóng biển gầm gào tuôn muối phủ kín người Vũ. Bỗng chốc, mặt trời lên, đốt lửa, biến Vũ thành một hạt muối rang, khô khát, kiệt cùng.

Vũ choàng tỉnh sau cơn mơ muối. Bây giờ là ba giờ sáng.

Tôi cũng choàng tỉnh sau cơn mơ. Thấy mình trôi miên man trên những ngọn sóng và lạc vào cơn mơ của Vũ. Mệt nhoài. Đêm nay, tôi đón giao thừa trong căn nhà của Vũ, để sáng mai ra, háo hức đến chợ Gò. Lặng yên nghe sóng vỗ từng lớp ngàn năm trong thân thể mình. Những va đập, cọ xát, những tan ra và hồi sinh.

8.
Mùng Một Tết chợ Gò.

Mỗi năm chỉ họp một lần với bao háo hức, mong chờ. Những xôn xao ánh lên từ cái lấm lem, hồn hậu của những muối, những gạo, những trầu cau.

Hai cha con Vũ ngồi nép bên góc chợ. Trước mặt là những túi muối nhỏ xinh. La liệt những quầy muối bên cạnh của các bà, các cô. Những gói muối nhỏ bé, thanh sạch, ban sơ nằm ngoan ngoãn đợi chờ. Từng con mắt lấp lánh như niềm may mắn, hanh thông của một năm mới đến.

Ai muối đây? Muối Diêm Vân đây! Các bác, các cô mua muối để may mắn, phát tài cả năm đi! Tiếng Sa trong trẻo giữa buổi sáng mùa xuân.

Chợt con bé nhìn thấy một người đàn bà lướt qua. Nó vội vã đuổi theo. Cái bóng dáng ấy xô dạt cùng vạt nắng chiếu nghiêng nghiêng. Gương mặt thấp thoáng sau vành nón phảng phất u sầu. Vũ hoang mang nhìn theo con bé nhưng không hề gọi lại. Đôi mắt Vũ dõi theo từng bước chân của nó. Con bé rẽ đám đông, dáo dác tìm kiếm giữa chốn lao xao. Đôi mắt ngơ ngác như buổi đầu tiên không thấy mẹ. Nhưng, bóng dáng ấy dường như đã bốc hơi khỏi mặt đất, thành một hạt muối đọng lại trong gian hàng bé mọn nơi góc chợ sớm mai.

Đôi mắt Vũ cứ dán chặt vào từng bước chân của con bé khi nãy vùng chạy đi, mà cứ ngỡ từ đó nảy ra những dấu chân của Nguyệt.

Phiên chợ đầu năm tan sớm. Hai cha con Vũ xếp các gói muối còn sót lại để ra về. Tôi lại lặng lẽ trở về cùng cha con Vũ. Gia đình tôi, anh chị em tôi, bạn bè tôi đã theo những đôi tay hiền hòa mà đến những nơi xa, âm thầm hiến dâng chút mặn mà của lòng biển cả. Còn tôi, vẫn ở nơi đây. Chờ đợi một điều gì? Dâng hiến hay là tan ra để hồi sinh?

9.
Những cơn gió biển không ngừng thốc vào khe cửa. Vũ ngồi trên xe lăn, cái đầu vẫn ngoẹo sang một bên như mọi khi. Đôi mắt nhắm nghiền mà phía đuôi mắt cứ giật giật liên hồi. Đôi môi Vũ mấp máy, đang cố gắng nói một điều gì đó nhưng không thể phát ra. Khô khốc, nứt nẻ, bật máu. Những thanh âm đọng lại nơi đôi môi bong tróc từng mảng như vỏ cây. Chợt một mùi hương mơ hồ lạ lẫm ùa vào gian phòng, Nguyệt hiện ra đột ngột như bao lần vẫn vậy. Đôi mắt Vũ bừng mở, trừng trừng nhìn Nguyệt. Vẫn ngược sáng. Vẫn những lọn tóc lòa xòa như rong rêu. Nhưng cái bụng Nguyệt tròn đầy. Nguyệt đang mang thai. Cổ họng Vũ nghẹn lại. Đứa trẻ trong bụng Nguyệt quẫy đạp khiến cái bụng Nguyệt nhấp nhô như những ngọn sóng. Vũ nhìn Nguyệt trong bóng tối trầm đục. Miên man và lặng yên. Rồi Nguyệt khóc. Nước mắt chảy ra những hạt muối. Đến lúc Nguyệt chỉ còn là một hạt muối. Vũ hoảng hốt với tay ra nắm lấy. Hạt muối – Nguyệt tan ra và chảy qua kẽ tay Vũ, rớt vào thinh không…

Bấy giờ là ba giờ sáng.

Gió vẫn rền rĩ thổi từ ngàn năm. Từ ngày chưa có Vũ và những cơn mơ dang dở.

Vũ vẫn nhớ khoảnh khắc ở chợ Gò sáng mùng Một Tết, khi bóng Nguyệt lướt qua và con bé chạy ào theo tìm mẹ. Nhưng tuyệt không dấu vết, sự hiện hữu của Nguyệt lại tan vào hư vô.

Vũ vẫn nhớ khoảnh khắc người đàn bà láng giềng mang bức thư của Nguyệt và một xấp tiền đưa cho anh. Đó là một khoảnh khắc tan vỡ. Người đàn bà khóc. Nhưng Vũ không khóc. Nước mắt của Vũ đi đâu hết cả. Chắc là đã rơi xuống trắng xóa cánh đồng. Con bé gào lên rồi chạy đi. Còn Vũ không chạy được.

Không! Vũ phải đi tìm Nguyệt! Lẽ nào, Nguyệt lại tan ra như hạt muối chảy qua kẽ tay anh?

Vũ đẩy cửa, lăn bánh xe đi. Hoang mang, vội vã. Những vết xe lăn hằn trên cát đêm ướt lạnh. Hơi thở Vũ nóng hổi. Vũ phải mang Nguyệt trở lại cánh đồng. Để hạt muối – Nguyệt được hồi sinh.

Chiếc xe lăn cứ lao đi, nhấp nhểnh trong bóng tối rời rã. Một tay Vũ vẫn nắm chặt cái hình hài vô hình của Nguyệt.

Giữa cánh đồng hoang vu, nơi dấu chân Nguyệt đã hằn in suốt tuổi xuân thì, Vũ quay cuồng trong những dằn vặt và đau đớn.

Rồi chiếc xe lăn lao theo gió và nước. Ngập tràn giữa một vùng mênh mông…

Lúc này là 5 giờ sáng. Là thời khắc Vũ được hồi sinh sau những cơn mơ trong mỗi đêm.

Trước mắt Vũ, cơ man nào là muối, lấp lánh như sao sa.

Bên trong căn nhà nhỏ, Sa cũng chập chờn trong một cơn mơ khác. Đuổi bắt, kiếm tìm, chạy trốn như trò chơi ú tim của tạo hóa.

10.
Tôi không biết mùng Một Tết năm sau có còn đến chợ Gò. Có lẽ, tôi cần phải tan ra để hồi sinh một kiếp sống mới.

Nhưng, trước khi điều đó xảy ra, thì tôi vẫn phải ở đây để kể nốt đoạn kết của câu chuyện về người làm muối Diêm Vân.

Chẳng ai ngờ được rằng, Nguyệt lên thành phố và nhận lời mang thai hộ để kiếm tiền nuôi chồng con. Đến khi sinh xong thì bị băng huyết rồi không qua khỏi.

Và một đêm, Vũ đã lao xuống biển trong cơn mộng du. Hay Vũ nghĩ rằng, Nguyệt đã hóa thành hạt muối đang nằm chờ Vũ trong lòng biển cả?

Tôi đau lòng nhìn Sa chịu tang cả mẹ cha giữa tuổi xuân mới chớm.

Vậy mà, con bé mạnh mẽ hơn tôi tưởng. Nó vượt qua bi kịch và bừng nở như một bông hoa trong gió xuân.

Trong khi cả làng muối Diêm Vân rời xa nghề muối, Sa vẫn bám trụ và quyết tâm làm muối theo mô hình sản xuất muối sạch trên bạt do cấp trên hỗ trợ. Muối kết tinh trên những thửa ruộng được trải bạt nên không lẫn tạp chất, đất cát, lượng muối hao hụt ít, năng suất và giá thành cũng cao hơn. Mọi người lắc đầu, bảo, bình thường, làm muối trên đất, coi như lấy công làm lãi. Đằng này, đầu tư chi phí mua bạt tốn kém như thế, không bán được muối thì biết phải làm sao.
Nhưng Sa không nản lòng. Sa nghĩ đến một tương lai tươi sáng khi tìm được đầu ra cho muối…

11.
Chỉ một cơn sóng vỗ là tôi lại trở về biển cả vĩnh hằng.

Trước khi khép đôi mi của quá khứ, tôi đã kịp nhìn thấy những cánh đồng muối trắng tinh khôi trên vùng biển Diêm Vân. Hạt muối hay mồ hôi hay nước mắt lấp lóa ánh lên trong mắt tôi.

NGUYỆT CHU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường thành mặt trời

Tôi siết tay Xuyến, chạy giữa biển, trong khi nghĩ về căn phòng có mùi nhang khói thấm vào ga giường. Cái sân sáng như sân khấu. Má ở đó, cha ở đó, Lam và mọi người ở đó. Chỉ có tôi là khán giả…

Chiều về trên bến sông quê…

Có những chiều ngồi lặng im cùng sông, chỉ để nhớ về một thời đã qua. Để thấy sông mênh mông mà đời mình thì nhỏ bé. Bến sông tuổi thơ vẫn lặng lẽ bồi đắp phù sa…

Màn chống muỗi

Trước nhà anh có một cái hồ. Rất nhiều muỗi. Đêm tân hôn, anh cùng vợ mắc màn. Họ thả đom đóm vào bên trong. Những đốm sáng xanh mỏng manh bay chập chờn…

Lắng nghe xuân về

Nắng nhảy lò cò trên lá
Lao xao gió chơi trốn tìm
Sóc nâu ngỡ ai rượt đuổi
Giật mình rơi biếc tiếng chim.