Trần Quang Khanh và những tiêu điểm thẩm mỹ thơ

(VNBĐ – Đọc sách).

1.

Hơn 35 năm theo nghiệp báo chí và văn xuôi để bây giờ Trần Quang Khanh mới bừng tỉnh rằng thơ không thể thiếu trong đời và trong những thẳm sâu tiềm thức của mình; để thành tiếng nói trữ tình khát khao, mộng mị. Âu đó cũng là cách cân bằng tâm thế và cân bằng cảm xúc của một người nặng nợ với văn chương mà chỉ văn xuôi thôi không đủ nói hết những gì sâu thẳm nhất của cội lòng. Bởi thơ, nói theo cách của các nhà hình thức luận Nga, đó là thể loại thể hiện sự “bạo động có tổ chức đối với những lời nói thường” một cách hấp dẫn và rung động nhất, mang chức năng thi pháp bất ngờ hơn các thể loại khác. Tập thơ Gió thiếu phụ chính là kết tinh của tình cảm và thi pháp “bạo động” đó của Trần Quang Khanh.

Trong nhiều điểm tựa thẩm mỹ, tiềm thức và hình tượng của thơ Trần Quang Khanh, tôi muốn khơi dậy trước tiên là hình tượng gió thiếu phụ – ngọn gió tảo tần, lỡ làng, gian khó mà anh cảm nhận nó bằng nhiều liên hệ máu thịt (là mẹ mình) và liên hệ nhập vai (những người nữ sớm nuôi con một mình) để thấy nỗi niềm thiếu phụ: “Những ngọn gió buông tuồng đi qua những cánh đồng/ qua núi qua sông/ qua thời gian mịt mù tháp cổ/ tóc em ngược bay qua mùa gió/ men theo bờ tháng năm”. Những ngọn gió đã thành cổ mẫu (archétype) ngang tàng, dọc ngang nhưng cũng có lúc bi ai, lang thang, vô định: Gió thiếu phụ lang thang/ con gánh củi bơ vơ dò tìm vô định/ con voi đá bao đời vẫn lạnh/ cổng hoàng thành hoang phế vẫn uy linh.

Những ngọn gió như “ngọn cỏ lau cong hình hài con mắt nhớ” mà thời gian thì vô tình đến nỗi thế này đây!

Những ngọn gió lỡ làng
giấc mơ trưa bơ thờ theo nhịp võng
vô tình đánh rơi chiếc bóng
lầm lũi đổ dài trên lúa trên sông…
(Gió thiếu phụ)

Nằm trong mạch liên tưởng tương đồng với gió thiếu phụ, tôi muốn dừng lại lâu hơn ở hình tượng người mẹ bi ai và vỡ mộng trong bài thơ Đoản khúc mẹ của Trần Quang Khanh. Đây là bài thơ hay nhất và xúc động nhất được cảm tác bằng gan ruột của một đứa con hiểu hết nỗi lòng bể dâu, khổ thương, dùng dằng trong nội tâm người mẹ vì hoàn cảnh nên phải hai lần đò, nhưng con đò nào cũng tròng trành nỗi khổ đau, đoạn trường, day dứt. Bài thơ xuất phát từ nỗi riêng, nhưng nó đã thành điển hình của cảm xúc và tâm trạng cho những người mẹ/ người vợ có hoàn cảnh như mẹ nhà thơ trong thời kỳ đất nước ta 20 năm chiến tranh chia cắt:

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi tất tả ngược xuôi
Mơ gieo mây trắng về nơi cuối ngàn…

Mẹ tôi làm vợ hai lần
Lần tạm biệt rồi lần khân không về
Vọng phu hai phía con thơ
Bắc Nam mấy nẻo sơn khê mấy tầng?

Mẹ tôi góa bụa hai lần
Gió đâu là gió xoáy quanh phận người
Thiếu phụ đầy
góa phụ vơi
Hai lần làm vợ trọn mười mùa mai.

Đêm ngui ngút một canh dài
Gối đơn rã xác mùa phai má hồng
Cha về gieo một phù sinh
Đủ đong đầy một khối tình phù vân.

Nắng cheo leo núi ban trưa
Chiều thăm thẳm lún đồng mưa sụt sùi
Mẹ tôi giờ đã xa rồi
Cũng lưng chừng núi ngó ngui ngút đồng

Mộ phần bên một mộ phần
Còn di ảnh lại ở gần người kia.

Con về thăm mẹ quê xưa
Thấy trong khói nắng mẹ vừa dớm chân…

Tác giả từ hoàn cảnh thật của mẹ mình đã sáng tác nên một bài thơ hay và xúc động. Đặt chiến tranh chia cắt bên cạnh lòng mẹ dằng dặc, ngậm ngùi; đặt nỗi đau chung bên nỗi đau riêng; đặt đoạn trường lồng trong đoạn trường để thấy hết bi tình của mẹ, Trần Quang Khanh đã thật sự kiến trúc nên bài thơ theo mạch trữ tình đời tư – thế sự mới lạ, giàu nỗi niềm trắc ẩn nhân sinh. Các khổ thơ cuối là những đúc kết về sự thật cuộc đời và khổ đau người mẹ một cách bất ngờ. Một triết lý hiện sinh hiện lên: Chết không có nghĩa là hết nặng nợ trần gian; cuộc ra đi ở đây, theo một ý nghĩa tâm linh, đấy còn chính là cuộc trở về. Với những người chồng là thế! Còn với con thì càng đứt ruột hơn! Âm dương không cách biệt, tình mẫu tử vẫn còn đây trong từng bước “dớm chân” của mẹ và dòng nước mắt của con qua khói nhang và khói nắng nhập nhòa: Con về thăm mẹ quê xưa/ Thấy trong khói nắng mẹ vừa dớm chân…

Mất mẹ, Trần Quang Khanh lại mang mặc cảm rỗng (complexe vide) khi đối diện với ký ức nhạt nhòa: “Chiều cuối năm lòng không bâng khuâng/ Rỗng/ Như trút mọi điều về xưa cũ”. Từ trạng thái rỗng trong không gian bên ngoài, anh chuyển thành tâm thế rỗng của không gian bên trong để nghĩ về mẹ nơi suối vàng. Anh luôn trong trạng thái hụt hẫng, chông chênh trong cảnh “rỗng mẹ”. Thời gian như xếp thành xác xác chờ mong, khắc khoải đến nao lòng. Đó không chỉ là đồng hiện mà còn là phận người trong từng quan hệ thiêng liêng của mẹ với những nhớ mong day dứt qua từng không gian trần thế gian khổ của đời mẹ, ngậm ngùi của đời con trước khi mẹ về chín suối: Rỗng mẹ/ Như trả về chín mươi năm trần thế/ Lặn lội thân cò/ Liêu xiêu đổ bóng/ Núi cao/ Đồng sâu/ Bẻ về đời phố/ Phố nhớ quê mùa/ Vòng trăm năm rồi cũng khép… (Chiều cuối năm).

Đấy là hai hình tượng có sức ám ảnh day dứt, làm thành nhịp mạnh/ nhịp chủ của tập thơ.

2.

Trong bài viết ngắn cho tập thơ đầu tiên này của Trần Quang Khanh – người bạn vô cùng thân thiết của tôi từ thuở sinh viên cùng chung giảng đường Đại học nơi xứ Huế mộng mơ – tôi muốn ưu tiên “giải mã” những “bạo động chữ” của anh về tình yêu đam mê, dại ngộ và cuồng si của một người trai đất võ, một thời làm lữ khách lang thang nơi sông Hương, núi Ngự mơ màng. Nhờ vốn ký ức lãng mạn đó mà anh có những bài thơ yêu giấu kín, làm thành mạch trữ tình nhiều biến ảo trong thơ tình yêu của Khanh cho đến ngày nay. Tôi hay gọi và ví von tình yêu trong thơ Khanh là kiểu tình yêu “ngọt ngào như trái nho tươi” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), nó đẹp đó, nhưng nhiều ngang trái để giờ anh trải tất cả muộn sầu, đắm si hoang dại lên thơ: “Mùa thu ngập ngừng song cửa/ hanh hao nắng rớt trong mưa/ si chín vàng xanh nửa nửa/ em dây áo mỏng cợt đùa” (Ngập ngừng thu). Lưu giữ những mối tình xa là cách để Quang Khanh đồng hiện những tạ từ ngày cũ: Sẽ chẳng còn mùa thu ấy nữa/ bàn tay run khép mở một bàn tay/ ghim ngực đá là que kem mút dở/ ta chắc dìu em qua hết cuộc lầy (Khúc biệt thu).

Tiễn biệt nghĩa là còn luyến lưu ngày gặp lại, không có lời kết thúc cho những ước nguyền dang dở:

Tiễn biệt nhé chưa kịp yêu đã biết
tay cầm vàng run rẩy thấy vàng rơi
thì cố níu ngày qua rồi lặng phắc
nghe ám ảnh đi mải miết phía chân trời

Tiễn biệt nhé những trưa ươm vàng nắng
những chiều mưa tắm sóng phía nguồn cơn
em giờ đã đi về lối khác
ta đếm mùa trôi quanh những lối mòn…
(Khúc tạ từ)

Với tình yêu, dù tang bồng từng trải, Quang Khanh vẫn có lúc như kẻ ngu ngơ trên lối vào tình sử đơn côi, mong được thấy nụ cười em đẹp tươi mở ra ở phía không mình: “Chỉ là tôi vẫn ngu ngơ/ cần mẫn/ chăm chút/ để mong có nụ cười em/ Nụ cười phong kín với tôi/ và tôi vẫn mơ nó nở ra ngày ngày/ ở phía không tôi”. Nhưng rồi không biết ai sẽ là người tự đánh lừa mình khi sự im lặng của em có lúc lại là “nỗi giằng xé” chính trái tim em trong xa cách.

Trong thơ Trần Quang Khanh, có nhiều câu hỏi nhưng câu trả lời thì hình như vô định, không cần phải hiển minh, bởi trong lặng im, nhiều khi đã là mật ngôn cho tình ái lên ngôi phía chân trời xanh thẳm: “Hỏi gió có quên câu thề/ Hỏi mưa dặm dài lê thê/ Đường tình còn xa mấy nẻo/ Ngàn sau thu mơ có về?/ Hỏi nắng có quên rừng chiều/ Hàng thông bên đồi quạnh hiu/ Đôi chim về mơ xây tổ/ Rã cánh kết lời tình yêu?”.

Như những lây lan tâm trạng, trong những dự cảm thường nhật, Trần Quang Khanh luôn âu lo về những điều bất trắc sẽ xảy ra khi người mình yêu nói lời chia biệt và một ngày bất chợt anh nhận ra “facebook em hừng lên khuôn mặt lạ”. Vì vậy mà cơ chế tâm lý tự vệ trong Quang Khanh luôn phủ định những bất trắc đó để thay thế bằng những dự cảm tốt đẹp hơn. “Hãy bất đầu bằng một điều mới mẻ đi em” là điệp khúc để anh thông điệp đến người mình yêu như một mong ước vượt qua bao định mệnh, bất chấp mọi ngăn trở: “Tình yêu tuyệt vời hay xấu xa; nghiệt ngã, tệ hại hay biến ảo lung linh…/ chỉ có thể là chúng ta thôi!”.

Đến đây, ta có thể thấy, dù cố dựng nên những bi tình trong tưởng tượng hay thực tế, nhưng rồi cuối cùng Quang Khanh lại là người giàu có trong cảm thức hiện sinh: Trong chia cách, anh được hiểu ra chân lý của tình yêu; trong dỗi hờn, anh có thêm kinh nghiệm để tự vỗ về; trong tuyệt vọng, anh vịn vào yêu thương mà hy vọng… Thơ tình yêu của Quang Khanh, vì vậy, luôn ánh lên chất long lanh tình sử, dễ đồng cảm với tâm hồn tuổi trẻ, giàu gấm hương, hoa mộng mà giọt nước mắt là nhân chứng cho những gì đồng nghĩa với tin yêu giữa đời thường nhưng cũng có khi lấp lánh như truyền thuyết:

Giọt nước mắt lăn qua bên kia bờ đại dương
mù khơi
lăn tròn
quay vòng…
hóng mùa xuân hong khô.

Giọt nước mắt qua đò
lênh đênh theo sông
hóng tìm bến đỗ.

Giọt nước mắt long lanh đính lên cánh chim trời
mải miết
đêm sâu hun hút
nước mắt hóng về phía thiên hà.

Những giọt nước mắt chưa bao giờ cạn khô…

Nhưng giọt nước mắt vỡ trong công viên đêm mưa thu ấy
vẫn âm ỉ cháy giữa lòng đại dương
lấp lánh
lấp lánh…
(Truyền thuyết về những giọt nước mắt)

Thơ Quang Khanh thuộc về mỹ cảm của cái đẹp, cái chân cảm nên dễ đồng cảm và nội cảm trong người đọc. Vì vậy mà trước lâm nguy, nhất là lâm nguy trong tình yêu, Trần Quang Khanh thường dùng đến những hình thức giải lâm nguy bằng biện pháp đồng nhất hóa những mơ mộng của truyền thuyết, dẫu là truyền thuyết do anh tạo ra, để qua đó, anh phần nào được vỗ về, an ủi trong thực tại trái ngang.

3.

Phần vỹ thanh của bài viết, tôi muốn nói đến một vài cảm nhận về “hình thức mang tính quan niệm” trong thơ Trần Quang Khanh. Trước hết là ngôn ngữ thơ và cách kiến trúc câu thơ. Càng về sau, anh có khuynh hướng tự do hóa hình thức câu thơ với diễn ngôn mở rộng, liên kết từ ngữ đời thường với từ ngữ mang tính duy lý theo trục kết hợp một cách có nghệ thuật (theo lý luận của R. Jakobson), nhưng vẫn đảm bảo nhịp ngữ điệu, luân phiên bằng – trắc của tiếng Việt, tạo ra sự hài âm và tương giao, nhạc tính vẫn hiện lên, dễ tiếp nhận cho người đọc. Thể thơ tự do được anh ưu tiên thể hiện phù hợp với tầm đón nhận hiện nay của bạn đọc trẻ và phát huy được sở trường của anh, tránh được sự cũ kỹ của các thể thơ cách luật. Theo tôi, đây là thế mạnh mà anh cần phát huy. Dĩ nhiên là anh nên làm chủ thi pháp của mình tối đa để tránh rơi vào trường hợp mới mà không hay hoặc hay mà không mới như nhiều nhà thơ lớn từng cảnh báo.

Công bằng mà nói, với Gió thiếu phụ – tập thơ đầu tay của Trần Quang Khanh đã dung hợp hài hòa giữa cũ và mới, giữa hình thức và nội dung, giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ. Điều đó đã bước đầu làm nên vẻ đẹp thi pháp vững chắc về sau cho thơ Trần Quang Khanh.

Vỹ Dạ – Huế, 05.11.2020

PGS.TS HỒ THẾ HÀ

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…