Trạm phẫu tiền phương – còn một cái tên

(VNBĐ – Bút ký). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, dưới tán rừng Dông Dài trong dãy núi Chóp Chài thuộc địa phận thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (nay là TX Hoài Nhơn) có một trạm phẫu tiền phương mọc lên, tiếp nhận và chữa trị cho hàng trăm lượt chiến sĩ giải phóng bị thương ở các mặt trận phía Đông Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn huyện. Lúc cao điểm, trạm có 28 cán bộ chiến sĩ là y sĩ, y tá, điều dưỡng, nuôi quân và bảo vệ. Trạm đã trải qua hai trận càn liên tiếp, kinh hoàng của địch quân, tưởng chừng bị chôn vùi tất cả nhưng những điều kỳ diệu đã xảy ra…

Và giờ đây trên bản đồ di tích lịch sử cấp tỉnh có một cái tên: Trạm phẫu núi Chóp Chài.

Trong tọa độ lửa
Những năm 1970 – 1971, tình hình chiến sự ở phía Bắc tỉnh ta có nhiều bất lợi. Địch tăng cường vây ráp – lùng sục, lập nhiều chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1A, chia cắt Đông – Tây đường, hòng ngăn chặn sự phối hợp giữa bộ đội địa phương với bộ đội chủ lực và co cụm vùng giải phóng. Trong khi đó, quân giải phóng quyết tâm giành thế chủ động trên chiến trường, tạo thế áp đảo đối phương trên mặt trận ngoại giao tiến đến đàm phán Pari. Để thực hiện được thế trận này, huyện đội Hoài Nhơn đã nhanh chóng xây dựng nhiều phương án tác chiến, mở nhiều chiến dịch phía Đông đường, thành lập mới một số binh trạm bí mật, trong đó có Trạm phẫu núi Chóp Chài (01.1971).

Trạm đứng chân trên sườn núi phía Bắc, có tục danh: Dông Dài, cao khoảng 450m so với mực nước biển. Cạnh trạm có vài khe suối vắt ngang, đổ về lòng chảo dưới chân. Mùa nắng, các khe, rạch đều khô khốc. Muốn có nước sinh hoạt, người lính quân y phải xuống tận chân núi cõng lên. Không gian trạm chiếm khoảng 01km2, gồm nhiều lán: phẫu, trị thương, cách ly, bếp ăn và 11 chiếc hầm bí mật bao quanh, phòng lúc pháo, bom. Trạm nằm yên dưới tán rừng nhiều tầng. Mái lán phủ ni lông, cách nhau tầm 10 – 15m. Bếp nấu là bếp Hoàng Cầm, không tỏa khói. Giường trạm được làm bằng cây, đan dây rừng, lót cỏ khô, trải chéo dù… Biết trạm phẫu có vai trò to lớn: vừa cứu – dưỡng thương vừa đào tạo y tá để bổ sung cho các chiến trường xa nên khi xây dựng, Huyện ủy Hoài Nhơn tính toán rất kỹ và chỉ cử đảng viên vào dựng lán, đào hầm. Quanh trạm, tuy hơi xa nhưng bốn hướng đều có các đơn vị bộ đội địa phương từ C1 đến C4 trú ẩn.

Thấy quân giải phóng mở nhiều trận đánh táo bạo phía Đông đường nhưng không thấy dấu vết di chuyển thương binh về trạm phẫu Bác Ái phía Tây đường, địch thăm dò và lục lạo nhiều nơi nhưng vẫn không tìm được chính xác nơi chữa trị thương binh. Nghi ngờ núi Chóp Chài có trạm quân y, chúng gọi pháo dội liên tục. Nhiều vạt rừng vốn xanh, giờ rách toạc, trống hoác. Mặt khác, chúng cho nhiều phi đội UH-1 chia nhiều tốp, bay dàn ngang phóng rốc két rồi rà sát mặt rừng, hòng truy tróc những cơ sở bí mật của quân giải phóng. Nhưng không! Núi Chóp Chài vẫn thẳng lưng, vững chân và rộng lòng che chở cho trạm phẫu an toàn trong bom, pháo…

Rồi ngày khủng khiếp ấy đã đến với trạm phẫu – ngày 24 và 25 tháng Hai năm 1972. Không ai ngờ kẻ thù của trạm lại chính là người từng dựng lán, đào hầm công sự trước đây nay đã chiêu hồi. Cuộc càn quét do hắn dẫn đường bắt đầu bằng nhiều loạt pháo lớn rung chuyển núi đồi. Các đơn vị bộ đội địa phương trú quân ở bốn hướng trạm cứ ngỡ chúng đổ quân đánh mình nên lặng lẽ rút êm về hướng an toàn. Còn trạm thì ngược lại, cứ nghĩ chúng đánh các đơn vị bộ đội xung quanh. Và rồi bất ngờ chúng áp sát trạm với quân số khá đông, gần một đại đội lính Cộng hòa. Lúc này anh Lý Văn Thông – Trạm trưởng, cùng một chiến sĩ quân y đi họp trên binh trạm tỉnh, anh Tôn Thất Minh và Nguyễn Quốc Trị – những người làm nhiệm vụ cảnh giới – thấy chúng quá đông nên vội rời vị trí và đề nghị anh chị em rút xuống hướng an toàn. Vì quá thương và không nỡ bỏ mặc thương binh, những nhân viên quân y của trạm đã hợp sức đưa tất cả các anh xuống hầm. Đưa được người cuối cùng xuống nơi trú ẩn cũng là lúc chúng ập tới. Tiếng thét gọi hàng, tiếng súng, lựu đạn nổ rền hố núi… Rồi ngày hôm sau, cảnh khui hầm diễn ra. 17 nhân viên y tế và thương binh ở trạm ra đi tức tưởi.

Kinh khủng và diệu kỳ
Lần theo nguồn tin, tôi tìm gặp những nhân chứng sống trong vụ thảm sát năm ấy. Đó là những: anh Nguyễn Hồng Sinh ở phường Tam Quan Nam, chị Trần Thị Thúy Vân, chị Nguyễn Thị Có (Hồng Nga) cùng ở phường Tam Quan Bắc.

Các anh chị cho biết: Trong vụ ấy, còn sáu người sống sót. Hiện, chị Nguyễn Thị Huê quê ở phường Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) đã vào TP Quy Nhơn sống cùng con gái, chị Nguyễn Thị Điệp lấy chồng ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Rồi các anh chị kể cho tôi nghe khoảnh khắc cận kề cái chết, chết đi sống lại, nhìn đồng đội hy sinh nhưng bất lực… thật khủng khiếp và diệu kỳ.

Tầm 08 giờ sáng ngày 24.2.1972, sau khi đưa nốt người thương binh nặng nhất xuống hầm, nhiều tiếng chân lạo xạo đã đến rất gần. Các chị: Có, Vân, Điệp – những người con gái chưa tròn 18 tuổi – định bám chân anh y sĩ Nguyễn Văn Giáp theo về hầm bí mật. Anh quay lại, ném cho cái bi đông nước và chiếc radio, bảo: “Ở lại hầm gần, không còn kịp nữa!”. Nói xong, anh cùng mấy anh em phóc ngược lên đỉnh đồi. Các chị ngơ ngác, luýnh quýnh, liếc nhìn chị Huê – người dạn dày nhất trong số 04 người. Chị Huê chui tọt vào một chiếc hầm đã sập từ ngày mới đào. 03 chị còn lại vội vã chui theo, khi đó tiếng súng của đối phương đã nổ ran phía lán bếp. Các chị ngồi co rúm, nén hơi thở và nghe ngóng tiếng động.

Các anh: Sinh, Giáp, Phạm Công Nghiệp, Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Hoa cùng chui vào một hầm chữ U có trang bị lựu đạn. Tại đây, khi các anh vừa động viên nhau “chấp nhận hy sinh, quyết không đầu hàng” thì chúng ập đến, khui hầm. Anh Nghiệp cố níu giữ nắp hầm được một lúc rồi buông tay và ném ngay một quả lựu đạn đã rút chốt lên phía chúng nhưng lựu đạn không nổ. Một tràng tiểu liên AR15 lập tức găm thẳng xuống miệng hầm, kèm theo 03 quả lựu đạn nổ liên tiếp rền rêm sườn núi. Anh Sinh thấy anh Nghiệp và anh Giáp gục ngay trong loạt đạn này. Sinh và hai anh còn lại lùi sang ngách ngang. Vừa qua khỏi góc ngách, hai quả lựu đạn nữa rớt xuống từ lỗ thông hơi, nổ đanh thét làm chết anh Vân và anh Hoa. Anh Sinh chưa kịp nghĩ ra cách ứng phó thì một quả nữa rớt tiếp khiến anh bất tỉnh. Khoảng 09 giờ đêm, anh Sinh nghe lạnh và tiếng gió rừng thổi ràn rạt. Anh cố mở mắt nhưng rất khó bởi đất cát đóng dày. Anh phải dùng tay khèo từng chút một. Rồi anh nhìn thấy dáng cây rừng lờ mờ dưới ánh trăng thượng tuần. Nhìn lại mình, anh thấy thân thể nằm úp trên miệng hầm, trong một nửa ngoài một nửa. Anh cố nhớ chuyện gì đã xảy ra nhưng chỉ nghe bàn tay rát buốt. Đưa tay lên xem, anh biết đồng hồ và chiếc nhẫn – kỷ vật của mẹ trao – đã mất. Anh tự nhủ: “Đây chính là lý do mà chúng kéo mình ra tới miệng hầm”. Nằm một lúc, thấy mình tỉnh táo, anh bò ngược vô hầm gọi, lay nhưng không ai trả lời. Anh nằm lại với đồng đội một đêm, đến sáng mới bò ra, nhặt vội mấy mảnh chéo dù rơi vãi, quấn lấy những vết thương ở bàn chân rồi lê bước khỏi trạm. Vừa được một đoạn, anh giật mình vì tiếng súng nổ đanh phía trạm. Anh vội tấp vào mấy gộp đá ẩn thân thêm một ngày đêm nữa. Nhờ việc nằm lại này mà anh không phải đối mặt với toán lính biệt kích Cộng hòa đang nằm chờ quân giải phóng đến giải vây trên Đồi Tranh bên cạnh. Chúng đi, anh nhai vội mấy ngụm lá rừng rồi cố chống gậy vượt đồi. Đến chân đèo Lộ Diêu, nghe tiếng người đi chợ, anh mừng nhưng không dám lên tiếng. Ngồi bên một hố nước định rửa vết thương chân, anh nghe có tiếng nấc nghẹn ở phía sau. Quay lại, anh thấy Minh và Trị. Ba người lao vào ôm nhau, mếu máo, sụt sùi. Anh Sinh nghèn nghẹn, lắc đầu: “Hy sinh… hết… rồi!”.

Sáng ngày 25, lúc anh Sinh rời đi là chúng đã quay lại gần đến trạm. Có lẽ chúng nghi ngờ: còn bỏ sót. Các chị: Vân, Có, Huê, Điệp ngồi co rúm trong chiếc hầm sập nghe tiếng chúng gọi hàng. Một lúc sau có tiếng nữ giới giãy giụa, gào khóc, tiếng giày bốt đờ sô giẫm đạp rồi tiếng súng nổ từng tràng… kinh hãi. Cũng may, kẻ chiêu hồi biết rõ chiếc hầm bốn chị ngồi là chiếc hầm sập từ lúc đào nên không dẫn lính tới. Các chị ngồi trong ấy suốt sáu ngày đêm, khô khốc, đói lả, phải chia nhau từng giọt nước tiểu và động viên nhau vượt qua cơn nguy hiểm. Đến đêm thứ sáu, chị Huê ngoi đầu lên hít thở và quan sát. Thấy rừng yên ắng, chị mạnh dạn bò ra bứt – nhai vội mấy ngụm lá, liếm chút hơi sương rồi quay vào bàn việc thoát thân. Các chị rời hầm ngay trong sáng sớm hôm sau. Đi một đoạn, gặp hố nước, ai cũng mừng quýnh. Uống xong, thấy chim kềnh kềnh rà rà trên đầu, các chị nhìn nhau rồi đảo mắt. Cảnh tượng hiện ra trong khoảnh rừng trước mắt thật hãi hùng và đau xót. Xác của bốn chị: Nguyễn Thị Sương, Trần Thị Hiệp, Võ Thị Lâu, Nguyễn Thị Hàn không mảnh vải che thân, đang trong giai đoạn phân hủy… Có lẽ các chị cùng trú một hầm, hy sinh trong ngày hôm sau do chúng khui hầm, kéo lên hiếp rồi giết. Không thể làm gì được trong lúc này, bốn chị đành cúi đầu trước đồng đội rồi lặng lẽ ra đi. Các chị đi thật nhanh về hướng Lộ Diêu vì ở đó có nhiều cơ sở cách mạng. Vừa đi, các chị vừa cảnh giới. Gặp trái, lá gì ăn được, các chị đều ngắt – bỏ vào miệng. Đến chạng vạng, các chị mới vào được nhà của một cơ sở ở xóm Bốn. Các chị ôm chủ nhà nấc nghẹn.

Mãi xanh
Sau thảm sát gần một tháng, Huyện đội Hoài Nhơn tiếp tục khôi phục lại trạm phẫu tại sườn đồi phía bên kia của Dông Dài, cách trạm cũ một con suối. Thi thể của các chị xấu số được bí mật chuyển đến nơi an toàn chôn cất. Những người hy sinh trong hầm, được du kích Hoài Mỹ lăn đá lấp miệng chờ ngày di chuyển. Các anh chị còn sống tiếp tục trở lại trạm phẫu cứu chữa thương binh. Trạm mở rộng đối tượng tiếp nhận, có ngày phải giải phẫu 20 lượt thương binh là du kích và dân thường bị thương, góp phần tích cực vào công cuộc giải phóng tỉnh nhà.

Năm 1998, chính quyền xã Hoài Mỹ đã đưa hài cốt các anh chị ở Trạm phẫu về nghĩa trang liệt sĩ xã. Trong số 17 liệt sĩ hy sinh năm ấy có 12 mộ phần ghi đầy đủ danh tính, địa chỉ, ngày tháng hy sinh và 05 mộ phần là thương binh chưa xác định được danh tính. Nhận thấy sự hy sinh của các anh chị là cao cả, có nhiều ý nghĩa to lớn, tháng 7.2014, Huyện ủy Hoài Nhơn đã chỉ đạo cho UBND, Mặt trận và các đoàn thể cùng ngành kiểm lâm huyện tổ chức phát tuyến, mở đường, làm đường băng cản lửa và xây dựng Khu di tích Trạm phẫu Dông Dài núi Chóp Chài. Đoàn Thanh niên của huyện tích cực đi đầu trong việc đóng góp ngày công: đào rãnh, vác đá, khiêng vật liệu xây dựng… lên đồi cao. Công trình được hoàn thành với quần thể: bia chứng tích, 350 bậc đá lát trong tổng chiều dài 200m, lan can vịn qua khe suối, bia sơ đồ di tích, nhà bia tưởng niệm và bia đánh dấu số hầm. Hoàn thành xong công trình, UBND huyện tiếp tục xây dựng và gửi hồ sơ đề nghị công nhận. Đến tháng 01.2018 Trạm phẫu núi Chóp Chài được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Những nhân chứng sống trong vụ thảm sát ngày 24,25.01.1972 về thăm trạm phẫu núi Chóp Chài. Ảnh: T.V

Trò chuyện với anh Trần Đình Hướng – Phó bí thư Đoàn Thanh niên phường Hoài Mỹ – tại khu di tích Trạm phẫu núi Chóp Chài, anh cho hay: “Mặc dù trạm nằm trên núi cao, đi lại khó khăn nhưng cứ đến ngày lễ, Tết, các hội, đoàn thể ở địa phương đều tổ chức thăm viếng và dâng hoa. Riêng Đoàn Thanh niên phường, mỗi năm 02 bận vào dịp 26.3 và 27.7, đều tổ chức cho thanh thiếu niên thăm và ôn lại truyền thống kiên trung, bất khuất của các cô chú tại Trạm phẫu để từ đó hình thành cho thế hệ trẻ những phẩm chất tốt đẹp, trong đó có lòng biết ơn và sự trân trọng thành quả cách mạng”.

Chị Nguyễn Thị Có – người còn sống sót trong vụ thảm sát – bên khung dệt chiếu cói thường ngày. Ảnh: B.T.P

Đến thăm khu di tích Trạm phẫu núi Chóp Chài vào một ngày hè nắng gắt, vượt mấy trăm bậc đá lát lên đến giữa sườn đồi nhưng tôi không thấy nóng. Màu xanh của rừng tự nhiên đã rợp mát cả binh trạm. Những cây sầm ná bên lán phẫu, mận núi bên bếp ăn trong câu chuyện các anh chị kể nay đã cao to lắm rồi. Tán nó tròn đều, tỏa rộng. Hoa nó xinh xinh, thoảng hương khắp cả khu rừng.

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…