Nỗ lực thể hiện niềm đam mê, sáng tạo

(VNBĐ – Văn trẻ). LTS: Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ lần thứ VIII – năm 2024 được tổ chức từ ngày 12 – 16.8.2024 với sự tham gia của 23 tác giả trẻ (tuổi đời dưới 35) có niềm đam mê và năng khiếu sáng tác thuộc 3 chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Tham gia trại sáng tác, các trại viên đã có chuyến tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa tại huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn…; giao lưu với các tác giả thành danh, các tác giả trưởng thành từ Trại sáng tác Trẻ và dành thời gian sáng tác. Kết quả, có 57 tác phẩm (42 tác phẩm văn học thuộc các thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn, phê bình văn học; 10 tác phẩm mỹ thuật và 05 ca khúc) được hoàn thành từ trại sáng tác lần này. Theo đánh giá của Ban chuyên môn, chất lượng tác phẩm có sự vượt trội ở mảng văn học, mỹ thuật với sự tìm tòi, sáng tạo, khẳng định mình của các trại viên đã từng dự trại những năm trước, cũng như sự nỗ lực của các trại viên lần đầu tham dự trại.

Trân trọng giới thiệu nhận xét của các thành viên Ban chuyên môn trại sáng tác.

 Họa sĩ – NĐK Lê Trọng Nghĩa (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, thành viên Ban chuyên môn mảng Mỹ thuật) 

Tôi đánh giá cao tinh thần tham gia và chất lượng tác phẩm Trại sáng tác trẻ lần thứ VIII này. Hầu hết các em đều ý thức trách nhiệm và cố gắng thể hiện năng khiếu sáng tác của mình trong những ngày ở trại.

Tôi rất mừng khi thấy em Lê Thị Thảo lần này đã khá hơn Lê Thị Thảo vào năm ngoái. Cũng một nội dung đề tài vẽ những khuôn mặt Tuồng nhưng lần này em đã có sự tìm tòi kỹ thuật biểu chất và khám phá gam màu mới đạt hiệu quả thị giác và cảm xúc hơn rất nhiều.

Minh Nguyệt đã cho thấy sự vững vàng trong xử lí cân bằng các yếu tố ngôn ngữ tạo hình, bố cục. Ngoài bức tranh sơn mài dang dở em mang tới để vẽ, em còn hoàn thành thêm một bức tranh acrylic. Sự nỗ lực sáng tác và chất lượng tác phẩm của Minh Nguyệt ở trại rất đáng khen ngợi. Ở Hồng Phi, mặc dù theo học thiết kế đồ họa nhưng em đã thể hiện một khả năng kỹ thuật trực họa màu nước. 04 bức vẽ của em tuy chưa tạo ấn tượng sống động ý tưởng tình cảm nhưng đã thể hiện một tinh thần hội họa và khả năng đi xa hơn về việc khai thác chất liệu này về lâu dài. Tranh của Bá Đạt (02 tác phẩm) có chiều sâu và ý tưởng. Dù vẽ khá đơn giản về bố cục tạo hình nhưng cũng tạo được ấn tượng, suy ngẫm. Rất tiếc, kích thước bức tranh quá nhỏ nên không đủ truyền tải nội dung mà bạn muốn gửi gắm. Tôi hy vọng và chờ đợi trại lần sau, tranh của em sẽ gây được tình cảm đặc biệt. Trẻ nhất trong nhóm là Thanh Ngân, mới chỉ học lớp 11 (vừa tốt nghiệp trung cấp hội họa). Em đến với trại chỉ đơn giản là vẽ chính chân dung mình. Cái tình mà em gửi qua bức vẽ thật đáng yêu, rất tâm tư, mơ màng nhưng không kém phần sâu lắng. Và hội họa đối với người trẻ như Thanh Ngân có khi chỉ cần vậy. Hy vọng em sẽ còn nuôi dưỡng tình yêu hội họa để khắc phục những hạn chế xử lí tỉ lệ – hình và ý tưởng nghệ thuật trong nhiều câu chuyện cuộc sống khác.

Các đại biểu thưởng lãm tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại buổi bế mạc. Ảnh: P.V

Nhìn chung, mỗi em đều có cách sáng tác riêng thể hiện trên việc lựa chọn chất liệu và kích thước. Nếu những trại trước chúng ta chỉ thấy các em chủ yếu sử dụng chất liệu acrylic, thì lần này ta thấy có thêm các bức tranh màu nước và sơn mài. Sự phong phú chất liệu chắc chắn đã tạo hứng khởi khi xem kết quả. Đây là một trong những điều mà chúng tôi luôn mong muốn khích lệ. 05 bức acrylic, 04 màu nước và 01 bức sơn mài là kết quả ngoài mong đợi. Các em lặng lẽ góp phần làm nên một diện mạo của trại thêm phần sôi động. Điểm hạn chế chung là tranh của các em chưa có chiều sâu ý tưởng, có cảm xúc tình cảm nhưng chưa đủ mạnh để gây hiệu ứng xúc cảm thị giác. Chưa tinh tế trong xây dựng bố cục. Nhiều bức hơi vênh tỉ lệ, lỗi bố cục nên tạo sự khó chịu về thị giác; chưa biết cách thổi linh hồn ý nghĩa cảm xúc vào các yếu tố ngôn ngữ hội họa để toát lên chủ đề nội dung…

Hy vọng với tình yêu nghệ thuật, sự duy trì đam mê và kiên trì tìm tòi học hỏi, trải nghiệm sáng tạo, các em sẽ khắc phục những hạn chế và từng bước khẳng định mình.

L.T.N

Nhà thơ Trần Hà Nam (Chi hội phó Chi hội Văn học, thành viên Ban chuyên môn mảng Thơ)

 Trại sáng tác trẻ 2024 sau thời gian 5 ngày (12 – 16.8) đã thu về một mùa sáng tác bội thu nữa. Năm nay mảng Văn học có 16 thành viên đăng ký, với các lĩnh vực văn xuôi – thơ – lí luận phê bình đã là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ đầy hứa hẹn cho văn học tỉnh nhà. Trại năm nay được trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Quang Trung, Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan, Thập Tháp di đà tự, Thành Hoàng Đế. Những ngày cùng ăn ở, sinh hoạt, trao đổi chuyên môn đã giúp cho các bạn trẻ gắn kết nhau hơn, học hỏi được kinh nghiệm sáng tác, nâng cao chất lượng từng tác phẩm của mình.

Riêng mảng thơ, ban chuyên môn đã nhận được những chùm thơ của : Nguyễn Xuân Sang, Trương Thị Diễm Phúc, Hạ Lam, Thục Vy, Lê Thị Phước. Bên cạnh đó, một số cây bút chuyên về mảng văn xuôi cũng góp mặt một số tác phẩm thơ như: Mị Dung, Hồ Nguyệt Linh…

Nhìn một cách toàn diện, trong đợt trại này, văn xuôi có vẻ chiếm ưu thế hơn nhưng không vì vậy mà thơ tỏ ra lép vế. Các bạn trẻ đã mạnh dạn thử sức mình ở nhiều hình thức thơ truyền thống cũng như thơ hiện đại. Đề tài chiếm số lượng áp đảo là tình cảm quê hương, gia đình, những rung cảm tuổi thanh xuân… Bên cạnh đó là những thu hoạch từ chuyến trải nghiệm trong đợt trại. Đáng ghi nhận là những cảm xúc được các bạn thể hiện cho thấy sự nhạy cảm, hồn nhiên và cố gắng chuyển tải thông điệp đến người đọc. Có những bản thảo được chỉnh sửa nhiều lần mong tạo ra sản phẩm tốt nhất. Nhưng điểm hạn chế của các cây bút thơ phần lớn ở chỗ quá tập trung vào nội dung mà chưa thật sự xây dựng được cấu tứ vững chắc cho ý tưởng của mình. Cách diễn đạt từ ngữ, hình ảnh, vần điệu, hài thanh chưa thật chắc tay ở các cây bút trẻ trong độ tuổi THPT. Âu đó cũng là điều bình thường khi  các em phải thử sức ở thể loại dễ mà khó này!

Nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định tặng giấy khen của Hội cho các tác giả trẻ. Ảnh: P.N

Gương mặt thơ đáng chú ý và có thể xem là phát hiện của đợt trại này là Nguyễn Xuân Sang, sinh năm 1994, hiện là giáo viên trường Tiểu học ở Phước An, Tuy Phước. Chùm thơ 7 bài “nộp quyển” trong đợt trại này đều là những bài có chất lượng. Trong đó, các bài Tạ ơn cánh đồng, Thửa ruộng cháy, Hồi ức tháng Tư, Nhớ ngày cuối năm thể hiện sự gắn bó, tình yêu thương sâu sắc làng quê, người quê với những hồi ức thật sống động và đằm thắm. Cây bút này tỏ ra chắc tay và nhuần nhuyễn trong ngôn từ thấm đẫm chất thơ, cấu tứ từng bài thể hiện độ chín trong nhận thức. Cái tôi trữ tình của tác giả đau đáu những nỗi niềm suy tư về cuộc sống của người nông dân, đồng cảm với những phận người nhỏ bé, tạo được sự đồng cảm ở người đọc. Hãy thử lắng nghe điệu hồn tác giả qua một vài đoạn thơ:

– Nắng bừng lên, mặt người bừng lên
Tiếng máy gặt lật tung những âu lo mệt nhọc
Xào xạc hạt thóc
Dạt dào ngày mai
(Tạ ơn cánh đồng)

– Người đàn bà co ro nơi xa
Những đứa trẻ đơn côi
Những ngôi sao ai soi
Ngày cũ chẳng còn tiếp nối?
Người đàn bà co ro trong xuân
Bước chân vẫn rảo quanh ngang phố
Quẻ cầu may nở rộ
Nụ cười tươi nhen nhóm quê nhà
(Nhen nhóm quê nhà)

Cách quan sát, cảm nhận của Nguyễn Xuân Sang từ hành trình tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn cùng các bạn cho thấy em có cách tiếp cận hiện thực khá sâu sắc. Xin được chia sẻ trọn vẹn tác phẩm Qua nếp gấp thời gian này:

Quá khứ vọng về
Ngang qua nếp gấp thời gian
Hương khói kể tôi nghe vùng đất Tây Sơn tam kiệt
Bao nhiêu nốt nhạc trầm bổng
Bao nhiêu khúc ca khải hoàn
Say sưa hát
Lời thơ được thăng hoa
Kín đầy những trang sách chưa trọn vẹn

 Đôi tượng voi bước ra từ thành Hoàng Đế
Hừng hực với những trận đánh
Vang vọng non sông
Nối liền gấm góc
Lặng lẽ rêu phong
Triệu năm sau còn trên bia đá

 Hòn đá chém với những vong hồn đã khuất
Mặc niệm quá khứ
Những tiếng kinh gõ vào cuối chiều.

Một gương mặt thơ khác đáng được ghi nhận trong đợt trại này là Trương Thị Diễm Phúc, sinh năm 2001 ở Cát Sơn, Phù Cát, với chùm thơ 5 bài khá thú vị. Thậm chí em còn viết và dịch hẳn một bài thơ tiếng Anh Love/ Tình yêu cho thấy khát khao thầm kín đưa thơ vào hành trình hội nhập toàn cầu. Thơ Diễm Phúc có những rung cảm nhẹ nhàng, có những tìm tòi về thi ảnh đáng ghi nhận:

Mặt trăng bàng bạc trời xa
Cong như vầng trán mẹ
Mẹ vuốt hoài đồng tiền không chịu đẻ…
(Lại nhớ lời ru)

Hốc đá mọc mầm xanh
Rễ bám ghì bên bờ vực
Con đường nhựa chảy như máu và nước mắt
Đôi chân gầy ghim vào thửa ruộng cằn
Lật lên cơm áo…

Màu da trộn màu bùn
Vết bùn nứt lên cây mạ
Cánh đồng nắng khét
Gạn lọc dòng sữa thơm ngần
(Câu chuyện trong hốc đá)

Chuyến trải nghiệm đến Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan cũng kịp đọng trong em những cảm xúc đẹp, đầy trân trọng trước một tài hoa của thi ca Bình Định:

Lúa xanh bên nẻo đường làng
Gặt vầng trăng bỏ tơ vàng bên sông
Câu thơ khi chấm hết dòng
Còn trong người đọc tiếng lòng dư âm…
(Dưới bóng thi nhân)

Hy vọng những tìm tòi của Diễm Phúc sẽ giúp em tiến xa hơn với giấc mơ nâng cánh thơ của mình.

Hai cây bút thơ còn rất trẻ là Thục Vy và Hạ Lam cùng sinh năm 2006 cũng góp mặt với những tìm tòi riêng. Thục Vy tham gia trại lần thứ hai, và góp mặt với chùm thơ 5 bài. Hạ Lam lần đầu tham dự trại cũng góp mặt 4 bài với chủ đề “Quê hương em”. Ở những bạn trẻ này, chất học trò có chút rụt rè và hồi hộp như khi chờ đợi thầy trả bài kiểm tra, nên chưa dám bung phá trong ý tưởng, cảm xúc một cách tự nhiên nhất. Điều này thể hiện trong những đề tài thơ gắn với tình bạn, tình yêu, về ý thức giới. Chẳng hạn các bài Tâm tình sóng biển, Con gái (Thục Vy) hay Đôi bạn, Để gió cuốn đi (Hạ Lam). Cây bút thơ trẻ nhất là Lê Thị Phước, sinh năm 2007, ở Ân Thạnh Hoài Ân cũng góp hai bài thơ, trong đó đáng chú ý là bài Đường làng đã có sự xâu chuỗi về đường làng thuở ông tôithuở bố tôi – đến đời tôi để rồi bộc bạch tình cảm thật dễ thương:

Ký ức ngày xưa còn vẹn nguyên xanh ngắt
Bóng tre ôm trọn bước chân về
Tiếng ve gọi vang vọng chiều yên ả
Hương lúa thơm quyện gió thoảng đồng quê

Những vần thơ thật dung dị hồn nhiên chưa có nhiều dụng công nhưng thật đáng quý ở sự chân thành. Đó cũng là điều cần thiết phải luôn được nuôi dưỡng ở buổi đầu chập chững. Mong rằng cùng với sự trưởng thành của bản thân, các em sẽ mạnh dạn hơn, tự nhiên hơn trên hành trình đến với thơ của mình.

Một đợt tập trung lực lượng sáng tác trẻ ngắn ngủi nhưng những thành quả ban đầu thật sự cho chúng ta niềm tin vào thế hệ kế cận sẽ góp phần tạo nên bản sắc của văn học nghệ thuật Bình Định. Cùng những bạn trẻ đang khẳng định mình vững vàng hơn, trưởng thành hơn qua các lần dự trại, những nhân tố mới được phát hiện năm nay cần tiếp tục trau dồi ngòi bút, nuôi dưỡng tâm hồn với tình yêu văn chương nghệ thuật để có thể vươn cao, bay xa hơn!

T.H.N

 Nhà văn Lê Hoài Lương (Chi hội trưởng Chi hội Văn học, thành viên Ban chuyên môn mảng Văn xuôi)

Cây bút người Tây Sơn Nguyễn Trần Thanh Trúc với tản văn Thắp đèn soi ký ức và truyện ngắn Hẻm cụt đã cho thấy khả năng ngôn ngữ diễn đạt tốt. Ngọn đèn dầu đã gắn với đời sống gia đình nhiều năm trước dù bây giờ có đèn điện, không còn sử dụng nữa, cũng nên giữ gìn như một kỷ vật, thỉnh thoảng thắp lên “soi ký ức”, là một ý tưởng hay. Hẻm cụt là bối cảnh những công nhân xa nhà lên thành phố kiếm sống với mùi cống, ánh đèn vàng vọt, sự chật chội, bẩn thỉu và những cảnh sống khó khăn chung quanh, khiến con người cứ căng ra chịu đựng và cứ thường trực ý nghĩ trở về quê nhà, dù còn khổ nghèo vẫn ấm áp gần gũi. Truyện diễn đạt tâm lý, tâm trạng nhân vật tốt nhưng mọi thứ vẫn còn đơn giản, chưa có tình huống truyện và chưa bật lên một vấn đề bức thiết. Còn truyện ngắn Về nhà sớm mai của cây bút này là những bức bối đời sống gia đình: cô gái quá lứa lỡ thì luôn bị bà mẹ sĩ diện và cay nghiệt gây sức ép. Bi kịch gia đình tạng cổ hũ này vẫn còn rơi rớt ở nhiều vùng quê và đàn kiến mải miết di tản suốt truyện như một bổ trợ cho ý tưởng. Rất tiếc cái kết truyện về số phận con chó hơi khiên cưỡng.

Nguyễn Anh Nhật viết truyện ngắn Áo bằng bút pháp khá hiện đại: vấn đề không gian và thời gian nhập nhòa chứ không thật tường minh, đơn giản. Như ranh giới, cương vực nhìn từ không trung; như cái đồng hồ trước mắt chỉ giờ sẽ không đúng với giờ một người ở nơi xa trò chuyện qua điện thoại; như con người viết thư cho nhau, cái thì hiện tại từ người viết sẽ đến người nhận thì tương lai, và người nhận hồi đáp cũng vào một tương lai kế tiếp… Và cuộc sống cứ trôi qua, có cũ – mới, nhớ – quên, quen – lạ, người ở – người về…, đủ mọi cung bậc, nhưng như chiếc áo – vật ngoài thân – có thể còn có thể mất. Áo hòa trộn và nhập nhòa, thực – ảo trên nền sự việc, lời thoại cũng nhập nhòa vào nhau. Truyện ngắn là một thể nghiệm thú vị, sẽ có tiếp nhận đa chiều từ bạn đọc.

Đại biểu và các trại viên chụp ảnh lưu niệm tại lễ bế mạc Trại sáng tác. Ảnh: P.N

Nguyệt Linh gửi chùm 03 truyện ngắn: Không phẩy hai độ C, Đại dươngThiên thanh. Nếu Không phẩy hai độ CThiên thanh viết về tình yêu, về những xúc cảm giới khá xinh xắn, gọn ghẽ dung lượng và tinh lọc diễn biến, thì Đại dương là một ý tưởng lạ về sự sống, cái chết, qua cuộc đối thoại với nhân vật Thần Chết. Truyện ẩn dụ, khơi gợi triết lý về lẽ sinh tồn mạnh mẽ con người có thể vượt thoát giới hạn số mệnh.

Giếng trời của Thụy Hân như một khoảng trống, một yếu điểm khó phòng bị, một vết thương trong tâm hồn. Nó ám ảnh cô gái điều bất an. Mà bất an thật, qua cái giếng trời, cô gái nhìn lên thấy những tòa nhà chọc trời như những cái gai cắm vào bầu trời, nhìn xuống thấy kẻ cố cùng sống với lũ chuột. Giếng trời ở đây là cái phần nứt toác, vụn vỡ của tâm hồn. Truyện bất ngờ khi kẻ cố cùng khao khát một lòng thương đã tự tạo ra vết thương giả, dù giả trá là điều xấu, nhưng “vết thương cần được thăm hỏi mỗi ngày”, vì nếu ủ kỹ vết thương lâu ngày, cơ thể người sẽ hoại tử. Truyện đọng lại nhiều dư vị, ám ảnh từ cách diễn đạt có phần siêu thực từ cái “giếng trời” đầy ẩn dụ.

Truyện Morphine của Thụy Hân là một góc riêng, kiểu những cung bậc tình yêu: có yêu và xa, còn và mất, và điều quan trọng là dù chỉ rời đi, “cả cuộc đời này cũng không còn trở lại”. Truyện không kể tuần tự, gốc tích chuyện tình, mà chỉ là những khoảnh khắc gắn kết, những ấn tượng, cảm hoài về cuộc tình. Nhưng với đề tài này, Morphine chưa phải là truyện tình ấn tượng, đằm sâu.

Hai người đàn ông là một tạng truyện không có cốt truyện của Thụy Hân, chỉ miên mải trong dòng suy tưởng về những biểu tượng, ẩn dụ. Ở đây là đốt lửa, cái đống lửa sưởi cho người sống đêm lạnh, đêm giao thừa, và đống lửa cho người chết sau hạ huyệt. Cũng thật nhàm tẻ, lê thê sự chờ đợi một cuộc hẹn nào đó, thật vô vị cái ấm nước trên bếp lửa cứ sôi rồi lại chêm nước lạnh để được sôi tiếp… Nói chung, những dòng suy tưởng có thể gây thích thú nhỏ khi đọc nhưng chung cục khó gây nên một bùng vỡ nhận thức, cảm xúc.

Đỗ Mỹ Dung (Mị Dung), một nhà báo người Hoài Nhơn, năm 2023 từng gây tiếng vang với truyện dài đầu tay Ngẩng mặt nhìn mặt, đến với Trại sáng tác bằng truyện dài 20 chương: Chùm đảo ngồi nhớ chùm ruồi như một góp mặt giao lưu với văn nghệ tỉnh nhà. Cây bút trẻ với nguồn năng lượng dồi dào về vùng đất Bắc Bình Định này là một góp mặt chất lượng cho Trại trẻ năm nay.

Truyện ngắn Bốn người chồng của nội tôi của Mị Dung kể về người đàn bà có 4 “lần đò” như điều lạ ở làng quê xứ Hoài. Thực ra, trên vùng đất chiến tranh khốc liệt này, 3 chồng trước của bà – người cả 2 phía – đã chết vì chiến tranh, người chồng thứ tư còn một mắt, là thợ mộc, đang sống cùng bà, thì lý do nhiều chồng không lạ. Chuyện chẳng có truyện gì mấy, nhưng cách kể của tác giả khá hoạt: thân phận người đàn bà mất mát đau thương lớn từ chiến tranh đã được thể hiện nhẹ nhõm, tự nhiên như không, là thành công đáng ghi nhận.

Truyện ngắn Đôi chân của Nguyễn Đức Bình kể về một bi kịch gia đình: người bố khi cố gắng tự mình xây dựng ngôi nhà cho hoàn thiện đã bị tai nạn ngã từ mái nhà xuống, sau nằm viện là liệt đôi chân phải ngồi một chỗ. Cú sốc này lớn đến mức ông không thể chấp nhận thực trạng và đổi tính, cáu bẳn, ích kỷ, riết róng với vợ con, suốt ngày trĩu nặng nỗi ám ảnh về cái mảng trống lớp ngói cuối cùng của mái nhà. Lỗ hổng này được dàn dựng như một ẩn dụ về khiếm khuyết trong tâm hồn người, nhưng khá khiên cưỡng, và truyện chưa tìm thấy cái đích cần hướng tới.

Nguyễn Nhật Khoa với truyện ngắn Ngục tù khai thác các khía cạnh ảo giác, trầm cảm vì chứng mất ngủ. Xoay quanh mối quan hệ nam nữ và những cơn mộng mị, lạc thần, các nhân vật cứ miên man trôi trong ma mị, rợn ngợp, như phim kinh dị: người phụ nữ ở nghĩa địa, tầng 5 hoang phế ở bệnh viện, những cơn ngủ triền miên và tỉnh giấc trong tư thế lõa thể cả nam, nữ, căn bệnh của người vợ… Các tình tiết hỗn loạn gây một trì đọng, nặng nề về cuộc sống, nhưng nhìn chung, các hỗn độn và rời rạc chưa phải là kết cấu cần thiết của truyện ngắn.

Cây bút lý luận phê bình gửi hai bài viết khá chắc tay: Sự chuyển hóa tư tưởng của người phụ nữ trong thơ My TiênĐọc bài thơ “Một mai thức dậy” của Lữ Hồng. Ở bài bình bài thơ, khả năng cảm nhận, so sánh, liên tưởng về cảm xúc, ý tưởng trong sáng tạo của Thái Dương Nương khá chu đáo, tỉ mẩn. Nhưng cách bình, cảm từng khổ thơ, câu thơ không phải là lựa chọn hay. Ở bài viết về tập thơ Vùng da thiêng của My Tiên, Thái Dương Nương đã chọn cái lõi căn bản từ 3 bài thơ trong tập, để hướng tới các giá trị mỹ cảm, sự chuyển hóa tình yêu và thân phận người nữ trong tập thơ. Lựa chọn này đã giúp tác giả bằng thủ thuật điểm xuyết đã khái quát hóa thành công của cây bút nữ Bình Định, và bài viết khá chất lượng. Ở thể loại nhiều người chỉ loanh quanh cảm nhận, Thái Dương Nương là một tín hiệu tốt.

Truyện ngắn Tôi trong chính bản thân của Nguyễn Thị Huyền Trang viết về một thế giới bần cùng, cô đơn từ tầng lớp thị dân, qua góc nhìn con trẻ: thằng Ri, thằng An – những đứa trẻ đã tự kiếm sống cùng gia đình. Ở không gian nhiều rủi ro, cả tội ác, cướp giật hỗn độn này, đâu đó vẫn có những bảng đèn led quảng bá về “Một thế giới mới” – một thực tế lạc điệu. Tản văn Thì thầm cùng trăng của Lê Thị Phước là một tìm tòi trong cách thể hiện: tác giả trò chuyện cùng trăng để nói về nỗi buồn của mình khi gia đình không có sự đầm ấm, bữa cơm chẳng mấy được quần tụ bên nhau và khắc khoải một ước mơ, hy vọng. Còn Đóa tinh tú của Thục Vy là tản văn cảm và luận về chiến tranh của thế hệ trẻ hiện tại, khi chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ. Dù những cảm, luận khá ổn, nhưng đề tài lớn này không dễ  đạt tầm sâu sắc với một thanh niên mới lớn như Thục Vy.

20 tác phẩm có truyện dài, truyện ngắn, tản văn của Trại lần này nhiều truyện ngắn có chất lượng. Một số khá ổn về cấu tứ, diễn đạt. Đã có cách viết mới, hiện đại, có các ẩn dụ, biểu tượng ám gợi. Vài tác giả ngôn ngữ văn học tốt nhưng chưa tạo sự bùng vỡ khi kết truyện do ý tưởng chưa hoàn chỉnh.

Đã có những tác giả thực sự có nghề. Nhìn chung, Trại sáng tác trẻ lần này cái được nhất là các cây bút khá ổn về ngôn ngữ, diễn đạt, một điểm tích cực so với các Trại trước. Hy vọng tình yêu và độ chín trong thời gian tới, họ sẽ là những tác giả trẻ thực sự.

L.H.L

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Câu chuyện trong hốc đá

Hốc đá mọc mầm xanh
Rễ bám ghì bên bờ vực
Con đường nhựa chảy như máu và nước mắt
Đôi chân gầy ghim vào thửa ruộng cằn
Lật lên cơm áo…

Nhen nhóm quê nhà

Người đàn bà co ro đêm ba mươi
Ngón tay run tựa vào hơi thở
Tôi thấy sự thiện lương rạng rỡ
Tấm vé số vơi dần đi