Thư Ban biên tập

Bạn thân mến!
Vào thượng tuần tháng 3 năm 2023 này, tạp chí Văn nghệ Bình Định chính thức ra mắt độc giả ấn phẩm mới: Văn nghệ Bình Định điện tử với tên miền https://vannghebinhdinh.vn/. Một niềm vui lớn đối với giới văn nghệ sĩ Bình Định và đối với bạn đọc yêu mến tạp chí Văn nghệ Bình Định từ nhiều năm qua.

Từ đây, cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định có thêm một kênh thông tin hòa mạng internet nhằm mở rộng đối tượng độc giả, tăng cường tính thời sự trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua tác phẩm văn học, nghệ thuật; cập nhật tình hình hoạt động văn học, nghệ thuật trong tỉnh, trong nước; phổ biến các công trình nghiên cứu phê bình, các sáng tác văn học, nghệ thuật và cả những vấn đề phát triển kinh tế – xã hội địa phương dưới góc nhìn nhân văn và tiến bộ của văn nghệ sĩ…

Sau hơn 10 năm ra mắt bộ mới, tạp chí Văn nghệ Bình Định đã phát triển không ngừng, liên tiếp nhận được những tín hiệu vui. Quý 4 năm 2012, sau thành công của Đại hội Hội VHNT tỉnh Bình Định nhiệm kỳ IV (2012 – 2017), tạp chí Văn nghệ Bình Định được củng cố, thực hiện tái cấu trúc toàn bộ từ đội ngũ cán bộ, phóng viên đến hình thức và nội dung của ấn phẩm. Tạp chí Văn nghệ Bình Định đánh số bộ mới được phép xuất bản trở lại từ tháng 11.2012. Tiếp đó, tháng 01.2014, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ, cho phép tạp chí xuất bản mỗi tháng một kỳ. Tháng 8.2021, đánh dấu một bước ngoặt 100 số tạp chí bộ mới đã được xuất bản! Và đầu năm 2023 này, sau những nỗ lực không mệt mỏi của Ban biên tập và cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho tạp chí in Văn nghệ Bình Định sau thời hạn 10 năm và cấp giấy phép hoạt động cho tạp chí Văn nghệ Bình Định điện tử. Tỉnh Bình Định trở thành một trong số rất ít ỏi địa phương trong cả nước có tạp chí Văn nghệ điện tử!

Hơn 10 năm qua, Ban biên tập tạp chí Văn nghệ Bình Định vẫn luôn một tham vọng: làm ra một ấn phẩm văn học nghệ thuật sang trọng, hấp dẫn, vừa có bản sắc riêng của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nghệ thuật vừa thực hiện chức năng của một ấn phẩm báo chí, hội nhập sâu với làng báo tỉnh nhà và đặc biệt, vươn lên tốp đầu trong số các tạp chí Văn nghệ địa phương.

Trong tình hình hiện tại, khi cả nước có cả chục tạp chí Văn nghệ in ở các tỉnh, thành phải đóng cửa vì nhiều lý do, mà phần lớn là thiếu nhân lực và kinh phí, việc tạp chí in Văn nghệ Bình Định không ngừng nâng cao chất lượng, được bạn đọc trân quý đón nhận và có thêm ấn bản điện tử là một sự thành công đáng kể.

Sự thành công này có được trước hết là từ sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ tận tình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định. Chính Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2066/QĐ-UBND ngày 28.5.2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định mà tạp chí Văn nghệ Bình Định được quy hoạch là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh Bình Định và từ đó ấn phẩm tạp chí Văn nghệ Bình Định điện tử ra đời.

Sự thành công này có được là từ sự kiên trì chuyên nghiệp hóa tạp chí Văn nghệ Bình Định vì mục tiêu phục vụ độc giả ngày càng tốt hơn của Ban biên tập. Trong điều kiện thiết lập một tòa soạn rất ít người, phần lớn là hoạt động kiêm nhiệm, kinh phí dành cho tạp chí không nhiều, nhuận bút không cao, sự phát triển của tạp chí Văn nghệ Bình Định cho đến nay phần lớn là nhờ ở sự hỗ trợ, cộng tác tâm huyết và vô tư của đội ngũ cộng tác viên gồm những nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ… tài năng trong và ngoài tỉnh.

Sự thành công của tạp chí cho đến hôm nay gắn với những kỷ niệm đẹp đẽ trên một hành trình bên nhau hỗ trợ hết lòng của các cơ quan: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, Phòng An ninh văn hóa (PA03) Công an tỉnh…

Bước qua cuộc hành trình mới, với sự xuất hiện thêm tạp chí Văn nghệ Bình Định điện tử, Ban biên tập tạp chí vừa mừng vui song lại trong lòng cũng nặng trĩu lo âu. Trong khi tại một số tỉnh, thành có tạp chí Văn nghệ điện tử đã có trụ sở, có bộ máy hoạt động tương đối độc lập với cơ quan chủ quản và chế độ nhuận bút khá cao thì tạp chí Văn nghệ Bình Định, cả nhân lực và tài chính đều rất khó khăn. Ban biên tập, từ Tổng biên tập cho đến các thành viên đều là lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định kiêm nhiệm, phóng viên được hưởng lương trong biên chế chỉ có một người. Nhuận bút của tạp chí Văn nghệ Bình Định hiện nay so với Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 14.3.2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí xuất bản và Quyết định số 92/2020/QĐ-UBND ngày 22.12.2020 của UBND tỉnh Bình Định về nhuận bút thù lao đối với các tác phẩm được đăng trên Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh là rất thấp…

Biết mình là để tìm giải pháp vượt qua và cũng để tiếp tục mong cầu sự quan tâm, giúp đỡ, cảm thông của các cơ quan, đơn vị và những cộng tác viên từng gắn bó thân tình.

Văn nghệ Bình Định tự hào là một ấn phẩm văn chương nghệ thuật gắn liền với hơi thở của đời sống xã hội và có tính xung kích trước những vấn đề đặt ra của cuộc sống. Những bài bình luận chính trị, kinh tế, xã hội sắc sảo; những bút ký, tản văn hừng hực hơi thở cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất xây dựng quê hương; những tiếng nói mạnh mẽ và xác đáng của văn nghệ sĩ trước thực tiễn của đời sống xã hội; những chùm phóng sự ảnh tươi roi rói chất đời… Tất cả sẽ thôi thúc đội ngũ thực hiện tạp chí Văn nghệ Bình Định tận dụng mọi nguồn lực, vượt qua khó khăn, bước tiếp trên hành trình mới, tạo nên sự phát triển mới đáp ứng yêu cầu của bạn đọc đang ngày càng nhiều hơn về số lượng và phong phú hơn về đối tượng.

TỔNG BIÊN TẬP

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phát huy bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia là góp phần gìn giữ di sản…