KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ TẾ HANH (20.6.1921-20.6.2021)
(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình).
LTS: Nhà thơ Tế Hanh (1921-2009) sinh ở một làng chài thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Hội Văn nghệ, rồi tham gia Ban Biên tập tuần báo Văn nghệ của Hội. Tế Hanh còn là Ủy viên Ban chấp hành và Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I. Vào những năm cuối đời, mắt ông mù dần và mất năm 2009 tại Hà Nội, để lại gần 30 tập thơ cùng nhiều thành tựu xuất sắc.
1.
Tình yêu quê hương là một tình cảm đặc biệt trong trái tim mỗi người. Quê hương, vì thế, bao giờ cũng là nơi lưu giữ những gì thiêng liêng nhất trong tâm thức con người suốt hành trình sống ở đời. Điều này, ta có thể tìm thấy ở tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh mà biểu hiện của tâm thức văn hóa ấy chính là tình yêu tha thiết đối với làng quê mà thi nhân rất hạnh phúc, tự hào, mỗi khi giới thiệu về quê hương mình:
Làng tôi vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo vội vã vượt trường giang
Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…(*)
(Quê hương)
Quê hương hiện lên trong thơ Tế Hanh bằng những hình ảnh chân mộc, hồn nhiên đến lạ lùng, không hề có một chút “tô vẽ phấn son”. Chính vì vậy, Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Q. hạ) Ba thế hệ của nền văn học mới (1862 đến 1945), Nxb. Trình bày, 1967, đã xếp “Tế Hanh vào khuynh hướng các nhà thơ tả chân cùng với Anh Thơ, Bàng Bá Lân”. Sự chân mộc ấy, phải chăng được kết tinh từ cuộc sống những người nông dân ở “làng chài lưới” quê ông. Vậy mà, khi đọc lên, không ai, lại không cảm thấy nao lòng khi nghĩ về làng quê của mình. Bởi lẽ, đã là người, ai cũng có một làng quê để chào đời, một làng quê để lớn lên và một làng quê để thương nhớ. Tất cả những điều ấy đã hội tụ lại và kết tinh thành tâm thức văn hóa làng trong mỗi con người. Tâm thức văn hóa làng đã trở thành một sức mạnh tinh thần trong hành trình dựng nước, giữ nước và bảo tồn “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc. Vì lẽ đó, dân tộc Việt Nam, có thể “bị mất nước nhưng không bao giờ để mất làng” và từ sự trường tồn của làng chúng ta lại khôi phục lại đất nước. Bởi, nói như Eveque: “Chỉ có tình yêu quê hương có thể làm cho quê hương trường tồn”. Làng quê, vì thế, không chỉ là nơi nuôi ta lớn khôn mà cũng là nơi để chúng ta tìm về sau những ngày tháng “phiêu linh” vì sinh kế trong cuộc đời trần thế.
2.
Cách đây 100 năm, Tế Hanh đã cất tiếng khóc chào đời trên chính quê hương mình ở làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cách đây 12 năm, ông đã lặng lẽ đi sau một thời gian trọng bệnh, để trở về với cõi vĩnh hằng, ẩn náu trong “mảnh hồn làng” mà ông đã ôm ấp từ những ngày còn “tuổi hoa niên”. Tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh, vì thế đã trở thành một phẩm tính trong hành trình sáng tạo thơ của ông, có khả năng diệu kỳ trong việc đánh thức tình yêu văn hóa làng quê trong tâm thức người đọc.
Từ góc nhìn địa văn hóa, làng quê của Tế Hanh là một vùng sông nước nằm ven bờ hạ lưu sông Trà Bồng, con sông đã “tắm mát đời tôi”, như chính ông đã chia sẻ. Đây cũng là nơi tạo nên nguồn cảm hứng để thi nhân sáng tác những bài thơ nổi tiếng, ẩn chứa trong đó cái “hồn” của tâm thức văn hóa làng mà hình ảnh sông nước quê hương đã trở thành một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh như một tâm thức hiện sinh theo suốt cuộc đời ông, kết tinh thành những dự phóng sáng tạo để cho ra đời những bài thơ đầy mỹ cảm văn chương, mà khi đọc lên lòng ta không khỏi rưng rưng, xao xuyến. Đó là những bài thơ đã trở thành tượng đài thơ ca khắc họa tâm thức văn hóa làng trong tâm cảm người đọc như: Quê hương, Nhớ con sông quê hương, Trở lại con sông quê hương, Bài thơ mới về con sông xưa… Chính vì vậy, trong Thi nhân Việt Nam (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003, tr.149), Hoài Thanh, Hoài Chân đã không tiếc lời ca ngợi: “Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng”, trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật…”. Phải chăng cái “thế giới rất gần gũi” trong thơ Tế Hanh mà Hoài Thanh – Hoài Chân đã nói đến trong Thi nhân Việt Nam chính là cái hồn/ tình quê da diết kết tinh thành tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh.
Là một thi sĩ vốn sống lặng lẽ, khiêm nhường nên điệu hồn trong thơ Tế Hanh luôn nhẹ nhàng, đằm thắm, đôn hậu, trong trẻo nhưng cũng không kém phần tinh tế và sâu sắc. Tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh, vì thế không bao giờ hiện hữu qua những hình ảnh thơ hoành tráng, mang tính ước lệ như một số nhà thơ cùng thời mà chỉ là những hình ảnh nhỏ nhoi, gần gũi, thân quen với cuộc sống hằng thường, nơi làng quê bé nhỏ, ở một vùng cù lao sông nước xa xăm với đồng ruộng, nương dâu mà ông luôn yêu quí:
Làng ấy buồn ủ rũ một bên sông
Hồn thương nhớ đắm chìm trong dĩ vãng
Thuở phong lưu sắc trời đầy tươi sáng
Tơ lụa vàng chói rạng khắp bao thôn
Dười trời xanh soi biếc cả tâm hồn
Dâu tăm tắp từ đồng ra đến bãi
(Một làng thương nhớ)
Là hình ảnh những “con đường quê” oằn mình trong mưa nắng để chia sẻ những nỗi vui buồn, gian khổ, cơ cực của người nông dân một nắng hai sương quanh năm lam lũ ở một làng quê xa ánh sáng thị thành:
Tôi con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng
Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng
Hương đồng quyến rũ hát lên vang
(…)
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất hương đồng chẳng ngớt tuôn
(Lời con đường quê)
Là một khu “vườn cũ” với đầy ắp nắng trưa, phủ trên những mái ngói rêu phong chứa đầy bao kỷ niệm tuổi thơ mà giờ đây những hình ảnh ấy vẫn đọng lại trong tâm cảm thi nhân như một ký ức không thể mờ phai. Tâm thức văn hóa làng, vì thế như một tiếng gọi thê thiết luôn hiện hữu trong huyết quản để nuôi dưỡng cái hồn/ tình quê nồng nàn trong trái tim thi sĩ:
Cánh cổng đi vào run rẩy đưa
Lối đi cỏ rậm phủ che vừa
Ngôi nhà mái cũ rêu in lớp
Hé bức rèm đơn đỡ nắng trưa
( …)
Nắng nhớ rưng rưng chớp lệ mờ
Mây buồn đôi mảnh vẫn lơ thơ
Cỏ cây im lặng như từ thuở
Đôi lứa xa nhau vẫn đợi chờ
(Vườn cũ)
Tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh, còn là hình ảnh ngôi trường làng bé nhỏ, ẩn mình lặng im, mà sau những tháng ngày xa cách, khi về thăm, thi nhân không khỏi chạnh lòng trước cảnh xác xơ của cái nơi đã từng ôm ấp bao kỷ niệm mộng mơ của tuổi học trò, giờ chỉ còn lại nỗi quạnh hiu làm tê buốt tâm hồn, khiến người thơ không khỏi bùi ngùi…
Và sự hiện hữu của tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh, có khi chỉ là hình ảnh “Chiếc rổ may” đơn sơ, bình dị nhưng chất chứa trong đó biết bao yêu thương của người mẹ, cả một đời chịu thương khó, hy sinh chính bản thân mình cho hạnh phúc những đứa con:
Thuở bé nhiều hôm tôi bỏ chơi
Cảm thương đứng ngó mẹ tôi ngồi
Vá bên chiếc rổ mùi thơm cũ
Như tấm lòng thơm của mẹ tôi
(…)
Mẹ ơi chiếc áo con đã rách
Con biết làm sao trở lại nhà
Để mẹ vá giùm? Con thấy lạnh
Gió lùa nỗi nhớ thấm vào da
(Chiếc rổ may)
Để rồi, tâm thức văn hóa làng đó, lớn dần theo năm tháng, hằn sâu trong tâm cảm thi nhân, trở thành một dưỡng chất nuôi sống hồn thơ Tế Hanh và tạo nên một phẩm tính riêng có của thơ ông: chân chất và thành thực, dào dạt và sâu lắng, tha thiết và ngọt ngào, trong trẻo và tinh tế. Chính vì vậy, cho dẫu sau này, khi nhà thơ đã bước “sang bờ tư tưởng” của một cuộc đời mới, không còn “vướng víu” nhiều với những buồn tủi, cô đơn của một “thời thơ thuở trước”. Nhưng không vì thế mà tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh bị biến đổi, trái lại, trong tâm thức văn hóa làng quê ấy, vẫn còn đó niềm tin yêu với những nhớ thương, thao thức đến nghẹn lòng mỗi khi nhà thơ hồi tưởng về hình ảnh quê hương. Và lúc ấy tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh lại hiện lên với những cung bậc tình cảm mới: da diết và nhói đau. Bởi, đây là thời gian nhà thơ phải ly hương “xa nhà đi kháng chiến”, để rồi sau đó phải sống dằn dặt xa quê với tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam” trong hơn hai mươi năm, khi đất nước bị chia cắt.
Tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh lúc nầy gắn liền với những hồi ức, những hoài niệm nhưng đó là hoài niệm của một thi nhân đã trải qua một quá trình nghiệm sinh trong đời sống, không phải là hoài niệm của một thi nhân thuở thiếu thời, trong sáng và hồn nhiên nên tâm thức làng quê trong thơ Tế Hanh lúc nầy cũng ẩn chứa sức nặng của những suy tư, ưu lo về lẽ sống không chỉ của riêng nhà thơ mà của cả đất nước, dân tộc.
Vì thế, lúc nầy tâm thức văn hóa làng hiện lên trong thơ Tế Hanh là hình ảnh một mảnh “vườn xưa” không chỉ có nắng trưa, có chim hót mà đó là một mảnh vườn cháy bỏng khát vọng tìm về trong khắc khoải nhớ thương đối với người mẹ mà tuổi già như một cánh cửa thời gian với những giới hạn đang từng ngày, từng giờ khép lại cuộc đời mẹ, mà hình ảnh người con ra đi kháng chiến vẫn cứ mờ xa trong nỗi chờ mong của mẹ: Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh/ Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc/ Hai ta ở hai đầu công tác/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa? (Vườn xưa).
Là hình ảnh “con sông quê hương” như một biểu tượng thiêng liêng của tâm thức văn hóa làng, cuồn cuộn chảy trong tâm khảm thi nhân, chuyên chở biết bao hồi ức, nhớ thương mà mỗi khi đọc bài thơ lòng chúng ta không khỏi cồn cào, se thắt khi nhớ về một dòng sông tuổi thơ nào đó!? Còn đây là hình ảnh “con sông quê” trong tâm thức Tế Hanh:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre.
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè,
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ.
(Nhớ con sông quê hương)
Và với “hồn/ tình quê” day dứt ấy, tâm thức văn hóa làng trong thơ của Tế Hanh không chỉ là hình ảnh “con sông quê hương”, là “mảnh vườn xưa” mà còn là “tiếng sóng” xào xạc trong hồn thơ của ông. Vì vậy, cho dù sống xa quê hương, “tiếng sóng” ấy vẫn hiện hữu trong tâm thức thi nhân. Bởi, với ông cái “hồn quê sông biển” ấy là hiện thân của quê hương, của văn hóa làng mà thi nhân luôn ấp ủ trong tâm hồn.
Nơi rất thực và cũng là rất mộng.
Của đời tôi yêu biển tự bao giờ
Trong giấc ngủ vẫn nghe tiếng sóng
Như tiếng lòng, giục giã những lời thơ
(Tiếng sóng)
Và cũng như bao người dân quê sống bằng “nghề chài lưới”, hình ảnh sông biển đã trở thành một biểu hiện sinh động của tâm thức văn hóa làng, là sự kết tinh của cái “hồn/ tình quê”, của văn hóa làng hiện hữu trong thơ Tế Hanh. Vì vậy, nói đến thơ Tế Hanh không thể không nói đến tâm thức sông biển như một phẩm tính thơ mà ông luôn hướng đến, muốn tìm về: Tôi nói đến trời mây, tôi nói đến/ Những cánh đồng, nhà máy, những hoa chim/ Nhưng muốn nói nhiều hơn về xứ biển/ Như cái gì thầm kín nhất trong tim (Tiếng sóng).
Quả thật, tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh chính là kết tinh của “mảnh hồn làng” và đó là cái làm nên giá trị của thơ ông. “Mảnh hồn làng” ấy đã ôm ấp trong nó không chỉ có sông biển quê hương, có con đường quê với những ngày nghỉ học, những toa tàu, những vườn xưa lối cũ, những bãi mía xạc xào, những tiếng lòng thương nhớ mà còn có cả hình ảnh của những con người dân quê lam lũ: “Sớm khuya chài lưới bên sông / Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng”. Kết tinh đẹp đẽ cho biểu tượng của những con người quê hương ở tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh là hình ảnh người mẹ dấu yêu, bên “cái rổ may”, bên “mảnh vườn xưa” năm nào với ước mơ: “Mẹ ơi! Ngày gặp mẹ/ Mùa thu hay mùa hè/ Con sẽ là đứa bé/ Đọc sách mẹ nằm nghe” (Nhớ mẹ).
Bên cạnh hình ảnh người mẹ, tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh, còn là hình ảnh người cha mà thi nhân hết mực kính trọng và thương yêu, qua nỗi nhớ về cái tủ sách của cha mà với nhà thơ “cái hòm nhỏ con con/ với tôi là của quý/ thơ đã hóa tâm hồn/ sách đã thành tri kỉ” (Cái tủ sách của cha tôi)… Và tất nhiên trong sâu thẳm của tâm thức văn hóa làng, không thể thiếu vắng hình ảnh “người thương” của “cái thuở ban đầu”, để rồi, cho mãi đến bây giờ thi nhân vẫn cứ thấy lòng ngẩn ngơ, trong tiếng xạc xào của tiếng sóng tình êm ái “ngây thơ tự thuở nào” với “cô bạn nhỏ”: Câu chuyện ngây thơ tự thuở nào/ Bây giờ nhớ lại ngỡ chiêm bao/ Ơi cô bạn nhỏ đâu rồi nhỉ?/ Chỉ thấy trong tôi mía xạc xào… (Mía).
Và, cái làm nên tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh là thế đó. Tất cả chỉ là những ảnh hình thiên nhiên, con người bình thường, gần gũi trong cuộc sống, không hề nhuốm một chút gì “hào nhoáng, màu mè” vậy mà lại ẩn sâu trong tâm cảm người đọc. Thơ Tế Hanh vì thế là thơ của tình yêu thương chan chứa và ông cũng chỉ thành công ở những bài thơ mang nặng tâm tình nầy. Đó là cái duyên, cái độc đáo trong thơ Tế Hanh tạo nên gương mặt riêng của Tế Hanh trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Điều ấy mãi mãi hiện tồn như chính cái “hồn quê” trong thơ ông. Và chính cái hồn quê thấm đẫm chất văn hóa làng thuần Việt này đã trở thành máu thịt nuôi sống ông.
3.
Suy niệm về hành trình sáng tạo thơ của Tế Hanh, đặc biệt là những bài thơ thể hiện tâm thức văn hóa làng, Phạm Hổ có nhận xét đại ý rằng: Có thể nói, Tế Hanh là một con người có tấm lòng gắn bó với quê hương một cách tự nhiên như “trời sinh” nhưng cuộc sống lại dành cho Tế Hanh những điều không may, mà lại rất may cho sự nghiệp làm thơ của mình: “Yêu quê hương nhưng không mấy khi được sống với làng quê!”. Phải chăng, chính cái điều tưởng chừng như nghịch lý này lại là căn tố hình thành nên tâm thức văn hóa làng trong thơ Tế Hanh và phóng chiếu thành những năng lượng để thi nhân sáng tạo những bài thơ viết về quê hương, đất nước hay và da diết đến như thế. Những bài thơ không chỉ đi vào sách giáo khoa, để lại những mỹ cảm trong tâm hồn bao thế hệ học trò, cũng như biết bao người đọc mà còn là tài sản vô giá của thơ ca Việt Nam hiện đại. Và điều này đã làm nên hệ giá trị riêng cho thơ Tế Hanh trên thi đàn thơ Việt.
Vì thế, dẫu hôm nay Tế Hanh đã đi ra “ngoài cõi sống” để trở về với “mảnh hồn làng” mà ông luôn trân quí và nhớ thương nhưng thơ ông, trong đó có những bài thơ chứa đựng tâm thức văn hóa làng quê vẫn là một giá trị vĩnh hằng trong cuộc sống, vẫn mãi mãi xanh tươi như “Bài ca sự sống” chứa chan tình yêu đất nước, quê hương, lòng trân quí văn hóa dân tộc.
(*) Thơ trích dẫn trong bài đều lấy trong Tuyển tập Thơ Tế Hanh, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1987, do Nguyễn Bao (sưu tầm, tuyển chọn).
PGS. TS TRẦN HOÀI ANH
(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)