Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

(VNBĐ – Bút ký dự thi). Trải dài trên 3.260 km bờ biển của dải đất hình chữ S là rải rác những hòn đảo lớn nhỏ. Những cái tên như: Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… từ lâu đã thu hút bao khách thập phương và trở nên quen thuộc. Riêng đảo Cù Lao Xanh, con mắt tuần tra của thành phố Quy Nhơn mới chỉ quen thuộc với người dân Bình Định và cũng được du khách phương xa ít nhiều biết đến vài năm gần đây.

Khi được mời tham gia đoàn thực tế sáng tác do Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tôi đã rất háo hức vì biết mình sẽ được đặt chân đến hòn đảo quê hương dù chỉ cách đất liền mười ba hải lý.

Gần hai tiếng rưỡi đồng hồ vượt sóng trong cái nắng gắt của những ngày tháng Tám, những vách đá cheo leo của bãi Bấc đã hiện ra, rồi vòng theo bãi Nồm để tàu cập bến.

Ba cùng” với bộ đội

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt. Dẫu đã được nghe, được đọc nhiều về đời sống của những người lính đảo nhưng đây là lần đầu tiên tận mắt chứng kiến khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Nụ cười thân thiện của những gương mặt trẻ măng khoác trên mình bộ quân phục trong cuộc họp đầu tiên với đoàn, những cánh tay chào theo kiểu nhà binh khi được đồng chí thượng úy Phùng Đặng Hùng Long, Chính trị viên đại đội giới thiệu làm phấn khích các văn nghệ sĩ. Người phụ nữ mà chúng tôi gặp lúc mới vào đang loay hoay trong bếp ăn của đại đội giờ cũng trang phục chỉnh tề tiếp đoàn với quân hàm đại úy. Trong buổi cơm chiều cùng nhau, tôi mới biết Nguyễn Thị Thúy là đàn chị duy nhất, người phụ trách “cơm lành canh ngọt” cho các chiến sĩ. Chị gắn cuộc đời binh nghiệp cùng với nơi chôn nhau cắt rốn của mình đã hai mươi mùa xuân. Lần đầu ăn cơm cùng lính đảo, trong tôi pha trộn nhiều cảm xúc. Bữa ăn có vị ngọt ngào của tình quân dân; vị đắng chát từ những giọt mồ hôi của lính trẻ hàng ngày chăm bón vườn rau, liếp cà, đàn gà, đàn heo; vị mặn mòi của biển cả nơi đầu sóng ngọn gió của quê hương mình. Nhìn các bạn lính trẻ tay cầm chén đũa đi từng hàng thẳng tắp, đều bước vào nhà ăn và không khí tập trung của bữa cơm, tôi nói nhỏ vào tai nhà báo Vũ Đình Thung “sinh hoạt vô trật tự như mình nhìn họ dị quá” rồi cả hai anh em phá lên cười.

Đơn vị tổ chức hành quân rèn luyện. Ảnh Tư liệu Đại đội

Chúng tôi thả bộ vòng quanh đơn vị thấy nơi nào cũng ngăn nắp. Đây là vườn gia vị xanh mướt các loại rau trong từng ô vuông vắn với mướp, mồng tơi, tía tô, rau sam…; kia là vườn thuốc Nam với nhiều chủng loại có thể dùng để sơ cứu những bệnh thông thường. Chuồng chăn nuôi bò, heo phòng những khi biển động không nhận được sự tiếp phẩm từ đất liền. Thượng úy trẻ Nguyễn Minh Trí, Bí thư Chi đoàn của đại đội cười “bẽn lẽn” giới thiệu với chúng tôi về cơ sở vật chất cũng như nếp ăn, nếp ở của đơn vị.

Nắng chiều đã trải một màu vàng ươm lên đảo đá, lên mặt biển lấp lánh ánh bạc phía sau doanh trại nhưng ở bãi tập các chiến sĩ trẻ vẫn miệt mài rèn luyện. Những bộ quân phục rằn ri trườn mình trên bãi cát nóng bỏng với bao tư thế của người chiến sĩ nơi thao trường mới thấy sự nghiêm khắc rèn giũa của quân đội. Các câu khẩu hiệu được đục trên đá dựng nơi thao trường như “Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập” hay “một phút hăng say hơn một ngày chiếu lệ”… như nhắc nhở trách nhiệm đối với mỗi chiến sĩ.

Đêm đầu tiên, lạ nhà khó ngủ, tôi thức giấc lúc trời đã sang canh, lặng nghe tiếng xào xạc của những rặng phi lao ven bờ, của những cây bàng xòe tán che nắng, che mưa nơi nhiều sóng gió. Ngọn hải đăng, con mắt biển duy nhất trên đảo, qua 134 năm quét dòng ánh sáng khi tỏ khi mờ làm không gian thêm huyễn hoặc. Tôi chợt giật mình bởi tiếng hô “Nghiêm!” đanh thép vang lên trong màn đêm tĩnh mịch. Một tiểu đội tuần tra đang hàng ngũ ngay ngắn điểm danh trước sân cờ chuẩn bị xuất phát thực thi nhiệm vụ. Thế mới biết đảo tiền tiêu vẫn ngày đêm trong bước chân tuần tra của những người lính trẻ, chưa một phút giây xao nhãng.

“Đâu cần thanh niên có…”

Thượng úy Nguyễn Minh Trí, người bí thư nhiệt tình, năng động kể cho tôi nghe về hoạt động của Chi đoàn thanh niên. Sức trẻ của người lính đảo được khơi dậy từ năm thành viên của ban chấp hành luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo cùng với các đoàn viên thực hiện nhiều đầu việc với tinh thần của người lính cụ Hồ. Vào mùa mưa lũ hàng năm ở Cù Lao Xanh, sức trẻ của Chi đoàn lại được huy động tối đa nhằm giúp dân kéo thuyền bè, khơi thông dòng chảy. Tình quân dân gắn bó không chỉ khi có thiên tai, địch họa mà còn trong nhiều hoạt động “ngày thứ bảy xanh” dọn vệ sinh bãi biển, phòng cháy chữa cháy, cắt tóc miễn phí cho trẻ em, xây dựng khu vui chơi cho trường học…

Trong các ngày lễ lớn của dân tộc và đặc biệt là ngày giải phóng xã đảo Nhơn Châu (03.3), giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao giữa thanh niên Cù Lao Xanh cùng các chi đoàn của những lực lượng đứng chân trên địa bàn như Đồn biên phòng, Đại đội 7 Lữ đoàn công binh 270 thuộc Quân khu 5 được tổ chức trong không khí thân ái, đoàn kết. Hoạt động tập thể của Chi đoàn tập trung vào hai giai đoạn huấn luyện quan trọng trong năm từ tháng Ba cho đến tháng Mười hai, thời gian mà đơn vị bảo đảm quân số đông nhất. Nhờ sự gắn bó từ các sinh hoạt này mà những người lính trẻ không cảm thấy cô đơn, buồn tẻ hay nhớ nhà. Những hoạt động như “Ngày hội bánh chưng xanh”, “Tọa đàm thanh niên”, “Diễn đàn thanh niên đảo”… luôn là sự đợi chờ của cánh lính.

Cán bộ chiến sĩ trang trí chuẩn bị đón Tết. Ảnh Tư liệu Đại đội

Ở lại với đảo, chúng tôi có buổi giao lưu văn nghệ và được hòa mình cùng buổi sinh hoạt chính trị diễn đàn thanh niên. Nhìn mấy chàng lính trẻ đi tìm hái những bông hoa dại ven trên núi sau giờ huấn luyện về ngồi bó thành từng bó nhỏ để trao tặng các nhạc sĩ, ca sĩ trong đêm giao lưu, chúng tôi mới thấy sự háo hức ấy. Những cánh tay đưa lên, tranh nhau trả lời các câu hỏi về hiểu biết lịch sử, pháp luật làm những vị khách mời trong đoàn văn nghệ sĩ cũng hào hứng theo. Binh nhất Phan Minh Long sinh năm 2005, say sưa kể cho tôi nghe về những lần dự sinh nhật đồng đội ở đơn vị, những lần tham gia thi sáng tạo trẻ hay các cuộc thi do cấp trên khởi xướng. Từ môi trường quân đội này mà nhiều bạn trẻ đã chững chạc, trưởng thành hơn. Nguyên bí thư Chi đoàn nhiệm kỳ 2022 – 2024, thượng úy Phùng Đặng Hùng Long và đại úy Đinh Trung Khiếu đã từng đạt giải C cuộc thi Tìm hiểu về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và được mời ra tận miền Bắc nhận giải. Nhìn danh sách thành tích dài dằng dặc từ năm 2021 đến giờ của đơn vị làm tôi không khỏi ngỡ ngàng, thán phục cho sức trẻ của Đại đội hỗn hợp Cù Lao Xanh này.

Tiền tiêu xanh mãi xanh

“Bình Định có núi Vọng Phu / Có đầm Thị Nại có Cù lao Xanh” câu ca dao khẳng định những địa danh nức tiếng ở Bình Định nên ra đến nơi du khách ai cũng muốn lượn một vòng. Từ lúc ánh nắng đầu tiên trong ngày chưa hắt lên mặt biển, tiếng động cơ của những chiếc tàu nhỏ đánh cá gần bờ đã làm rộn vui bến thuyền “viên ngọc xanh”. Hoạt động mua bán nhộn nhịp chỉ diễn ra chốc lát rồi trả lại không khí bình lặng vốn có của đảo. Chúng tôi thuê hẳn một chiếc xe chở khách du lịch “độ chế” để khám phá hòn đảo 362ha này. Những địa danh như Đá Hòn, Bãi Bấc, Bãi Nam, Bàn Cờ Tiên, Giếng Cổ… lô nhô du khách thập phương ghé thăm, chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc hiếm có trong đời. Đứng trước cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc đang tung bay trên đỉnh núi đá, lòng tự hào dân tộc của chúng ta lại thổn thức. Những câu hát “Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời vạn tấc đất đớn đau…” cứ đâu đó văng vẳng lên trong bóng của lá cờ phấp phới trong gió. Chợt nhớ mấy câu trong bài thơ “Bồng bềnh Cù Lao Xanh” của nhà thơ, trưởng đoàn Trần Quang Khanh đọc trong đêm giao lưu làm bồi hồi xúc động cả diễn đàn.

 … Cù Lao Xanh
đảo Cù Lao Xanh
trẻ con
người lớn lưng trần
trùi trũi da nâu sáng trưng cười nụ
Áo chiến sĩ bợt mồ hôi muối…

Những gương mặt rạng ngời của bao người dân, những cụ cười thân thiện của các chiến sĩ mà chúng tôi gặp đây đó trên đường đi, những ngôi nhà được xây kiên cố thấp thoáng bên bờ đá cho thấy sự khởi sắc của đảo xanh. Rồi đây Cù Lao Xanh sẽ là một điểm đến đầy hứa hẹn trong hành trình khám phá nước non Bình Định. Tiền tiêu xanh mãi xanh vì nơi đó có tay súng vững chắc canh giữ biển trời cửa ngõ quê hương của sức trẻ mang màu áo lính.

BÙI DUY PHONG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

An nhiên cùng mây chiều, lửa tối

Chúng tôi đến bãi cỏ Đồng Vuông – trung tâm cao nguyên xanh La Vuông – vào giữa buổi chiều hè. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đây là sự khác biệt về khí hậu…

Chạm ngõ La Vuông

La Vuông, cái tên đẹp như một bài thơ trữ tình. Vùng cao nguyên xanh với núi non trùng điệp này không chỉ có cảnh sắc thanh bình thơ mộng, mà còn lưu giữ bao điều thú vị trong làn sương…