Soi trong mắt trẻ…

(VNBĐ – Bút ký dự thi).

Đại dịch Covid-19 đi qua, không ít trẻ em ở Bình Định rơi vào cảnh mồ côi, đối diện với bao khó khăn trong cuộc sống. Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các em vững tin đi về phía trước.

Thắp những chồi xanh

Tôi lặng đi một lúc lâu khi nghe các nhân vật trong chương trình “Giao lưu, tôn vinh điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua quyết thắng Lực lượng vũ trang tỉnh giai đoạn 2019 – 2024” diễn ra vào trung tuần tháng 7.2024 chia sẻ về nỗi đau quá lớn đã từng xảy ra mang tên Covid-19. Không gian hội trường với hàng trăm chiến sĩ và đại biểu im lắng trước những con số của sự mất mát mà đồng bào ta đã gánh chịu từ dịch. Bình Định là một trong số những địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề của dịch, nhiều em nhỏ đã trở thành trẻ mồ côi khi tuổi đời còn quá thơ dại. Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Nhung ở tổ 41A, khu phố 12, phường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn kể lại câu chuyện của gia đình. Bà là bà nội của ba cháu mồ côi đã được các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh nhận đỡ đầu khi mẹ các cháu mất do dịch Covid-19… Những trái tim được trui rèn qua nắng mưa thao trường, rắn rỏi trước kẻ thù lại như mềm ra se thắt trước những hoàn cảnh của các cháu nhỏ mất cha, mất mẹ.

Sau này, khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi được nghe Trung tá Trần Văn Quân, Trưởng Ban Dân vận (Bộ CHQS tỉnh) kể tường tận từng hoàn cảnh một của các bé. Anh Quân là một trong số cán bộ trực tiếp đi khảo sát hoàn cảnh các gia đình có trẻ mồ côi do Covid-19 trên toàn tỉnh. Vào tháng 4.2022, Phòng chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, chỉ đạo mỗi cơ quan, đơn vị trong Lực lượng vũ trang tỉnh nhận đỡ đầu 01 trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19 đến 18 tuổi, hỗ trợ phần nào đó hoàn cảnh đáng thương của các bé. Bộ CHQS tỉnh có 17 đầu mối cơ quan, đơn vị đã nhận đỡ đầu 17 cháu. Ngoài bốn phòng: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật của Bộ CHQS tỉnh, còn có sự tham gia của Ban CHQS 11 huyện, thị xã, thành phố; Trung đoàn Bộ binh 739 và Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh. Lần giở lại chuyện như vừa hôm qua, anh Quân tâm sự: “Ban đầu, chúng tôi đi khảo sát 38 trường hợp, sau khi tìm hiểu hoàn cảnh kỹ càng, chúng tôi hỗ trợ cho 17 trường hợp. Từ nguồn tăng gia, sản xuất và các nguồn có thu khác, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/cháu/tháng. Ngoài ra, các đơn vị còn tặng quà, động viên các cháu và gia đình nhân các dịp lễ, Tết. Nhất là vào ngày khai giảng năm học mới, các đơn vị tặng sách, vở, đồ dùng học tập và đưa các cháu đến trường”.

Mỗi hoàn cảnh một câu chuyện nhưng có chung nỗi mất mát. Ở đó, dịch Covid-19 đã cướp đi người thân yêu nhất của những đứa trẻ non nớt. Đó là người cha phải xa quê vào Sài Gòn mưu sinh, “mắc kẹt” cùng dịch nơi xứ người, khi trở về quê hương chỉ còn hũ tro cốt lạnh ngắt và những giọt nước mắt của người ở lại. Là người trẻ chưa tròn niềm vui làm mẹ đã phải dừng lại một cuộc người. Khi nhắc về hoàn cảnh của em Hồ Nhật Huy, sinh năm 2009, ở thôn Xuân Khánh (xã Hoài Mỹ, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn đang được Phòng Hậu cần hỗ trợ, chúng tôi như lặng đi. Cha chạy thận mười năm rồi mất vì Covid-19 vào cuối năm 2021. Mẹ thiểu năng trí tuệ. Ông bà nội ngoại đều lớn tuổi, mất sức lao động. Cuộc sống gia đình chỉ nương nhờ vào hai sào ruộng quê, cái nghèo bám víu, trì níu những phận người dai dẳng. Anh Quân kể, khi về khảo sát những gia đình như thế, anh em trong đoàn ai cũng đứt ruột đứt gan…

Tôi chú ý đến những trường hợp các cháu nhỏ sinh năm 2021. Đó là khoảng thời gian mà chúng ta còn chống chọi với đại dịch. Hầu hết các bé đều mồ côi mẹ. Dù chưa đủ tháng để sinh một cách tự nhiên, nhưng trước tình thế hiểm nguy, sức khỏe của mẹ suy yếu, bị vi-rut Covid-19 tàn phá nặng nề, đành phải mổ để cứu đứa trẻ. Người mẹ đã vắt kiệt chút sức cuối cùng để cho con mình chào đời, những mong con sẽ khoẻ mạnh, bình yên. Như trường hợp cháu Lê Nguyễn Cẩm Tiên ở đường Phùng Khắc Khoan, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, có mẹ Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1982. Mới mang thai Tiên được tám tháng thì mẹ Huyền buộc phải mổ để cứu Tiên. Hoặc như trường hợp đau lòng của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung: cháu Tạ Hầu Ân (sinh năm 2012), Tạ Lê Bảo Ngọc (sinh năm 2018) và Tạ Lê Khánh Lưu (sinh năm 2021) đã thành trẻ mồ côi khi mẹ là chị Lê Thị Lâm (sinh năm 1986) phải mổ để cứu bé Lưu, lúc ấy chị Lâm đang mang thai bảy tháng rưỡi…

Tôi chợt nhớ đến một người bạn cùng quê của tôi, Châu Mỹ Hiệp ở An Nhơn, cũng rơi vào hoàn cảnh như thế. Nhà Hiệp thuần nông, vất vả từ nhỏ. Ai cũng mến Hiệp vì cái tính hiền khô, lúc nào cũng nghĩ cho người khác. Lấy chồng ở huyện Hoài Ân xong, vợ chồng Hiệp dắt díu nhau vào tỉnh Tây Ninh sinh sống. Chắt nhặt mãi hai vợ chồng mới mở được gian hàng thuốc bé xíu phục vụ bà con trong xóm, vừa kiếm thêm tiền chợ búa vừa lo cho con nhỏ ăn học. Đùng một phát, cả nhà Hiệp đều bị dính Covid-19. Vì đang bụng mang dạ chửa nên sức chống chọi của Hiệp với vi-rut yếu ớt. Ngày ấy, đọc những lời kêu cứu của Hiệp qua tin nhắn bạn bè mà không ai kềm được nước mắt. Hiệp nói trong đau đớn: “Tao không muốn bỏ con tao đâu…”. Nhiều lần Hiệp nhắc với các bác sĩ, nếu em có mệnh hệ gì, hãy cứu lấy con em. Cuối cùng, các bác sĩ đành phải phẫu thuật để cứu lấy đứa bé mới hơn bảy tháng tuổi trong bụng mẹ. Hiệp mất, đứa con thiếu tháng yếu ớt, may còn tình thương của cha và những tấm lòng nhân ái của cộng đồng. Nghĩ về Hiệp, về mẹ Lâm, mẹ Huyền hay bao người mẹ giàu đức hy sinh khác, tôi thấy họ thật vĩ đại, luôn nghĩ cho con đến giây phút cuối cùng.

Giờ mẹ đã “tro bụi trên sông”, đã ba năm mà chuyện như mới hôm qua, những đứa trẻ bước ra từ nỗi đau đớn kia nay đã dần lớn lên như chồi xanh bật mầm khỏe mạnh sau cơn bão, nhờ những quan tâm san sớt quanh mình.

Những vòng tay ấm

Góp chút yêu thương cho trường hợp các cháu nhỏ khó khăn, nhưng làm sao để trao những hỗ trợ về mặt vật chất lẫn tinh thần ấy cho đúng trường hợp là điều mà Bộ CHQS tỉnh luôn chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Trên tinh thần đó, có những địa phương có tới hai, ba hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị dù ở huyện khác cũng dang tay chia sẻ. Khi nhắc về trường hợp cháu Trương Ngọc Ánh Tuyết, sinh năm 2013, hiện đang sinh sống cùng cha ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, Thượng tá Đỗ Công Luận – Chính trị viên Ban CHQS huyện An Lão liền nói ngay: “Đó là một hoàn cảnh rất đáng thương”. Gia đình có 05 người đều bị nhiễm Covid-19. Riêng mẹ của cháu Tuyết mất vào tháng 8.2021 tại BVĐK tỉnh Bình Định. Cha làm nghề thợ hồ, từ ngày bị nhiễm Covid-19, sức khỏe của anh cũng không còn được như bình thường. Chị ruột của Tuyết ở chung nhà mang thai, do mắc Covid-19 phải mổ để cứu cháu bé, hiện đang nuôi con nhỏ. Ông bà hai bên nội, ngoại đều già yếu, người mất người còn. Anh Trương Văn Thiều, cha của bé Trương Ngọc Ánh Tuyết bộc bạch: “Sau Covid-19, sức khỏe tôi giảm sút. Công việc phụ hồ bữa đực bữa cái. Gia cảnh túng thiếu khó khăn đủ bề. Tuyết giờ đã lên lớp Sáu. Tối nói chuyện với con, tôi hay động viên con bé gắng học hành, khổ mấy ba cũng ráng lo cho con. Và thực sự, tôi rất xúc động vì các anh ở Ban Chỉ huy quân sự An Lão đã hỗ trợ cho con gái tôi, giúp cho gia đình tôi có thêm động lực nuôi nấng, cho con đến trường”.

Ban CHQS huyện An Lão nhận đỡ đầu, trao tặng quà cho bé Trương Thị Ánh Tuyết ở Hoài Ân. Ảnh: Ban CHQS huyện An Lão

Một chiều đầu thu, nắng như dịu đi, thôi cái hanh hao dư âm ngày hè, tôi theo chân Trung tá Trần Thanh Hoàng – Chủ nhiệm chính trị và Thiếu tá Nguyễn Thanh Tú – Trợ lý Chính trị của Trung đoàn Bộ binh 739 đến thăm gia đình ba em nhỏ trường hợp cháu của bà Nguyễn Thị Nhung. Trung đoàn Bộ binh 739 nhận đỡ đầu cho bé Tạ Hầu Ân. Trước đó, khi có dịp ngồi cùng các chiến sĩ ở “Bảy Ba Chín”, tôi đã nghe anh Hoàng kể tường tận về trường hợp ba anh em nhà Ân. “Mẹ mất sớm. Cha lái xe đường dài, bấp bênh. Ba đứa trẻ nheo nhóc. Ông bà thì lớn tuổi không có sức lao động. Nhà khó thêm khó, ngặt nghèo đủ đường…”. Lời anh Hoàng như những nét vẽ đậm và dày trên toang, dựng lên những hình ảnh rõ nét về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Cứ mỗi tháng, Trung đoàn Bộ binh 739 lại đến thăm trao quà, hỏi han động viên Ân và gia đình, có lúc mua thêm những nhu yếu phẩm cần thiết cho các cháu. Đặc biệt, đây là gia đình mà cả ba cháu được ba đơn vị trong Lực lượng vũ trang tỉnh nhận đỡ đầu. Ngoài cháu Ân, thì Cháu Tạ Lê Khánh Lưu do Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh đỡ đầu. Cháu Tạ Lê Bảo Ngọc do Ban CHQS TP. Quy Nhơn đỡ đầu. Chúng tôi phải đi bộ qua hai con hẻm nhỏ mới đến nhà của ba cháu. Những đứa trẻ ríu ran chơi đùa như chẳng hề có dấu tích nào của cơn đại dịch đã qua. Nhưng khi bước vào nhà, nhìn di ảnh của người mẹ đã gắng gỏi để con mình được chào đời, tôi hiểu, nỗi đau vẫn còn âm ỉ đâu đó trong muội tro của thời gian. Khi chúng tôi đến chưa lâu, thì hai “mẹ” của các cháu Lưu, Ngọc cũng vừa đến. Đó là Thượng tá Lê Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh và Thiếu tá Lâm Thị Phúc Huệ của Ban CHQS TP. Quy Nhơn, cùng đến thăm các cháu nhân năm học mới.

Trong gian phòng nhỏ hẹp của ngôi nhà cấp bốn, cháu Tạ Lê Khánh Lưu đôi mắt trong veo nằm gọn lỏn trong vòng tay của ba. Thỉnh thoảng, mắt bé nhìn như dò xét vì thấy tôi là người lạ. Nhưng dường như, Lưu đã quen với hình ảnh của các cô chú với màu xanh áo lính. Khi bà Nhung ẵm Lưu trong vòng tay và chỉ lên tấm hình treo trên vách, khẽ nói với Lưu: “Mẹ con đó”. Lưu nhìn vào ảnh, mắt em vẫn trong veo hồn nhiên vì còn non nớt chưa nhận biết được nỗi đau mất mẹ. Nhưng một điều, mỗi chúng tôi đều hiểu rằng, cảm giác thiếu khuyết một vòng ôm ấm áp, được ủ ấp bên bầu vú mẹ thuở thơ ấu, vẫn đang vô thức hiện hữu trong mắt trẻ. Chị Lê Thị Mỹ Liên nhìn âu yếm bé Lưu như con gái mình. Chị bảo, đơn vị nhận đỡ đầu cho bé Lưu nhưng đều quan tâm, yêu thương cả ba anh em. Mong tình yêu thương từ gia đình và chút đồng hành của chúng tôi và những tấm lòng hảo tâm sẽ bù đắp những mất mát của các con. Bên một góc nhà, chị Lâm Thị Phúc Huệ ôm cháu Tạ Lê Bảo Ngọc vào lòng và hỏi han ân cần chuyện học hành, kết bạn. Ngọc có cười nụ cười thật sáng. Em lém lỉnh khoe với “mẹ” Huệ những người bạn cùng xóm, bảo rằng con chơi với các bạn rất vui. Nhìn các con, cha của ba đứa trẻ – anh Tạ Quang Thảo cũng thấy ấm lòng. Anh trải lòng: “Vì hoàn cảnh, có khi mình chạy xe hàng đi qua tận biên giới Trung Quốc với lịch trình dài ngày. Lúc nào cũng nhớ và lo lắng cho tụi nhỏ, nhưng không đi làm, thì không đủ chi phí lo cho cả nhà. Có khi xe hàng bị “giam” ở nước bạn cả tháng ròng, nhớ con đằng đẵng mà chẳng biết làm sao. Khi thuận lợi, mình lại tức tốc trở về để thăm các con”.

Mẹ đỡ đầu Lâm Thị Phúc Huệ khăng khít bên cháu Tạ Lê Bảo Ngọc. Ảnh: V.P

So với hai em, Tạ Hầu Ân đủ lớn để hiểu nỗi mất mát người mẹ ruột thịt. Cuộc sống khó khăn, cha phải đi làm xa, chắt chiu từng đồng gửi về, Ân sớm hiểu chuyện nên gắng học hành và phụ ba và ông bà chăm các em. Ân tâm sự: “Ba anh em nhà con được các cô chú bộ đội hỗ trợ nhiều. Nhìn mấy chú rất thương! Trông to đen bự con hầm hố vậy nhưng tình cảm lắm, rất quan tâm hỏi han động viên bọn con. Chúng con sẽ cố gắng học và phụ ba và ông bà, sẽ chăm sóc cho các em”.

Khi các anh, chị bộ đội đã ra về, tôi nán lại lúc lâu cùng gia đình. Khi ấy, bà Nhung ôm các cháu vào lòng, giọng bà rưng rưng: “Tôi cảm thấy rất xúc động vì những tình cảm đặc biệt của các cô, chú bộ đội đã dành cho gia đình tôi. Gia đình tôi được như ngày hôm nay là nhờ công lao rất lớn của các đơn vị bộ đội, nhờ vậy mà các cháu của tôi có thêm điều kiện được đi học, đây chính là động lực để các cháu tôi quyết tâm học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Tôi vô cùng cảm kích trước những việc làm của các chú bộ đội. Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, các cô, các chú đều đến thăm và mua cho các cháu đủ các loại sách vở, đồ dùng học tập, còn dẫn các con đi mua sắm đồ áo, chơi Tết Trung thu, xem các cháu như là người thân trong gia đình. Tôi mong muốn bộ đội sẽ giúp đỡ được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn như tôi”.

Nhìn lại những hoạt động đầy tính nhân văn của chương trình “mẹ đỡ đầu”, Thượng tá Võ Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh không giấu được niềm vui: “Chúng tôi thực sự vui mừng vì đã góp một phần nào đó hỗ trợ cho các cháu và gia đình sau mất mát của đại dịch. Đã hơn hai năm từ khi chương trình bắt đầu hoạt động, gia đình các cháu đã nguôi ngoai hơn nỗi đau mất người thân, dần dà ổn định trở lại, bắt nhịp với cuộc sống. Với tinh thần một người lính, các đơn vị luôn tận tụy và hết lòng với hoàn cảnh mà mình đảm nhận. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình người. Việc làm trên đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp cho trẻ mồ côi phần nào nhận được những tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia và vơi bớt đi những mất mát, đau thương. Tôi tin tưởng rằng, với những tình cảm tốt đẹp mà những người lính trong lực lượng vũ trang dành cho các cháu, sẽ là ngọn nến thắp sáng tình yêu thương, dẫn dắt các cháu trong quá trình trưởng thành và trở thành công dân tốt của xã hội”.

Tôi nhớ mãi sự bịn rịn chia tay của gia đình bà Nhung cùng các bé với những “mẹ” là bộ đội. Ánh mắt của những đứa trẻ từ hẻm phố bình yên kia dõi theo bóng dáng những người lính áo xanh đến khi khuất hẳn nơi cuối con hẻm nhỏ. Soi vào mắt trẻ, như thấy những nhẫn nại chân thành, tình yêu thương của người lính gửi trao. Tình thương và sự san sớt ấy, sẽ là sự động viên, tiếp thêm những tin cậy để các em và gia đình khép lại nỗi đau, hướng về ban mai phía trước.

VÂN PHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…