Rơi ngược thời gian

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). “Bố đâu rồi?”, bà nói. “Thiệt tình, em không nhớ được lời những bài hát của em”. Bà sáu mươi hai tuổi và đang ngồi trên mép ghế trường kỷ, cây đàn ghi ta thùng cũ của bà đặt trên đầu gối.

Người chồng chung sống bốn mươi bảy năm của bà từ nhà bếp đi vào phòng khách. “Có chuyện gì đó, Mẹ?”, ông nói. Đã nhiều thập niên, từ khi hai người có đứa con thứ ba, ông đã gọi bà là Mẹ và bà gọi ông là Bố.

“Em không nhớ được đoạn thứ hai bắt đầu như thế nào?”.

“À, em đang hát gì đó?”.

“Nhất định là anh đang không ngó ngàng gì tới em. Em chỉ đang cố hát một bài hát trong suốt hai mươi phút”.

George, chồng bà, ngước nhìn lên trần. “À, xem nào”, ông nói, xoa xoa cụm râu bạc. “Bài Hái hoa trong mưa phải không?”.

Bà cười và rải đàn ghi ta một hợp âm tùy hứng. “Anh đoán hay quá”.

“Đoạn nhì là khi trời nổi mưa. Có gì đó sẽ rơi trên những cánh hoa, anh tin vậy”.

“Đúng rồi”. Bà gật đầu ngay. “Làm sao em lại có thể quên được nhỉ?”.

Bà lại bắt đầu đánh đàn, những hợp âm đơn giản trên cây ghi ta gỗ, và hát một bài hát bà viết hồi bà còn trẻ hơn nhiều. Bài hát kể chuyện hai người yêu nhau đi dạo trong một cánh đồng hoa dại. Một cơn mưa ấm áp bắt đầu rơi, và thay vì chạy tìm nơi trú ẩn, họ cùng nhau hái hoa và nhận ra rằng họ đang yêu.

***

“Bố ơi?”, bà gọi. Bà sáu mươi bốn tuổi. “Nhờ anh đến cái tủ bên cửa và…”.

“Gì đó, Mẹ?”, ông nói. Ông lập tức đứng dậy, sẵn sàng thực hiện yêu cầu của bà. “Em muốn anh làm gì?”.

Ông nhìn vẻ mặt bà và hạ người ngồi vào ghế lại. Ông ghét vẻ mặt ấy, mặc dù ông thường thấy nó, nó đã trở thành người bạn già khó chịu của ông. Đó là một vẻ mặt bối rối, một vẻ sợ hãi hoang mang.

“Em quên mất em muốn gì rồi”. Bà lắc đầu, dựa lưng vào ghế.

“Không sao. Em sẽ nhớ lại”.

Bà nhìn thẳng phía trước. Hai chiếc ghế của họ đặt trước máy truyền hình, nhưng bà ít khi xem truyền hình nữa. Sau một vài phút, bà quay đầu sang phía ông. “Mình sẽ làm gì khi em không nhớ được gì hết?”.

“Các bác sĩ nói bệnh em có thể không tệ hơn. Em biết mà”.

“Nhưng nếu bệnh tệ hơn thì sao? Nếu một hôm em thức dậy và quên hết mọi chuyện thì sao?”.

Ông vói tay qua chiếc bàn nhỏ đặt giữa hai người và vỗ vỗ tay bà. “Thì anh sẽ nhắc em mọi chuyện”.

Bà mỉm cười với câu nói này và vẻ mặt xấu xí phai đi. Phía trên cái truyền hình là một kệ liền tường có nhiều khung ảnh. Toàn bộ gia đình bà, từ ông bà của bà cho đến cháu chắt có trên kệ ảnh đó. Bà không quan tâm đến truyền hình và nhìn các bức ảnh, dù chúng ở khá xa không thực sự thấy rõ. Sau vài phút, bà nói, “Chân em lạnh. Anh lấy giùm em cái chăn trong tủ bên cạnh cửa nha?”.

***

“Anh đã đổ xăng đầy bình như em dặn chưa?”, bà hỏi. Bà sáu mươi lăm tuổi. Bà cũng bốn mươi tám tuổi. “Khi mình trên đường đi, em không thích dừng lại đổ xăng”.

Ông nhìn bà một chút, khẽ lắc đầu, rồi lại xem truyền hình.

“Sao anh không trả lời em?”.

“Anh thực không biết em đang nói về chuyện gì, Mẹ nó à”.

“Bình xăng. Anh đổ đầy bình xăng chưa?”.

Thở dài, ông tắt tiếng chương trình ông đang xem về dân tộc cổ xưa ở Peru. Ông luôn luôn muốn xem những tàn tích của người Inca ở Machu Picchu. Nhiều năm trước, ông đã đinh ninh với ý nghĩ ông sẽ không bao giờ đi đâu. “Anh đổ xăng đầy bình làm chi? Mình chẳng bao giờ đi đâu ngoài việc đến cửa hàng bách hóa mỗi tuần một lần”.

Bà cười lắc lắc đầu. “Thỉnh thoảng anh thật chậm hiểu. Vực Grand Canyon!”.

“Vực Grand Canyon à?”.

“Ngày mai mình đi”.

“Mẹ, mình đi đến vực Grand Canyon cách nay hơn mười lăm năm rồi. Mẹ không nhớ sao?”.

“Bà đưa một ngón tay lên để sửa sai ông, rồi dừng lại, mắt mơ màng nhìn vào khoảng không. Ngón tay đưa lên môi dưới của bà. “Nhưng, anh…”.

Ông nhìn bà một lúc vì mặt bà không có biểu hiện cảm xúc, suy nghĩ nào. Ông nghĩ đến vực Grand Canyon, là nơi họ đã viếng một thời gian ngắn sau khi ông nghỉ làm ở xưởng vì hết tuổi lao động. Vào ngày đầu tiên ông hết làm việc, ông gửi vào ngân hàng hầu như tất cả tiền của họ và mua một xe lưu động có những tiện nghi như một ngôi nhà. Họ lái xe đi khắp nước – nhưng trước tiên, là đến Grand Canyon. Họ gọi đó là Cuộc phiêu lưu Lớn, cuộc rong chơi dài ba năm của họ từ bờ đại dương này đến bờ đại dương kia và trở về. Trong thời gian đó họ cảm thấy khá trẻ trung.

Ông mở lại âm thanh chương trình truyền hình và, như mọi khi, cố hít thở qua nhịp đập của tim ông.

“Em nghe người ta nói họ có những con la để anh có thể cỡi xuống vực”, bà nói. “Anh nghĩ có thật không?”.

Bàn tay bà đang đặt trên chiếc bàn giữa hai người. Ông vói tay nắm lấy tay bà. Trong trí tưởng ông thấy cơ thể bà lắc lư tới lui khi con la đi qua lối mòn lởm chởm đá, mái tóc hung đỏ của bà sáng lên ở phía sau vì nắng sa mạc.

“Anh nghĩ là thật”, ông nói.

***

Một bàn tay đặt trên vai ông lay ông tỉnh giấc. Ông chống tay trên giường và nhìn đồng hồ. Gần bốn giờ sáng. “Có gì vậy Mẹ? Có chuyện gì?”.

“Em cần nói với anh một chuyện”. Bà sáu mươi bảy tuổi. Bà ba mươi mốt tuổi.

Ông ngồi dậy mở ngọn đèn chụp chân cao.

“Wendell Thurber hôn môi em hôm nay”, bà nói.

“Wendell Thurber à?”.

“Chúng em đã ăn trưa cùng nhau gần đây và hôm nay anh ấy hôn em”. Bà đưa mắt nhìn xuống tấm chăn. “Anh ấy hôn nhanh làm em không kịp biết chuyện gì xảy ra nữa”.

George nhớ lần trò chuyện này. Đã cách đây nhiều năm rồi, trong thời gian bà làm việc ở xưởng nhiều tháng trời phụ để dành tiền mua căn nhà đầu tiên của họ. Ông nhìn bà nhưng không nói gì.

“Có điều này, George”, bà nói. “Nhiều chuyện đã xảy ra không đúng giữa chúng ta trong một thời gian dài. Có vẻ anh không cảm thông với em nữa”.

“Anh thông cảm em”.

“Anh không cư xử như anh nói”.

Hồi đó, ông đã không cư xử như thế. Vì lý do nào đó, ông đã lâm vào một tình trạng như lơ là bà, xem thường bà, mà không nhận ra ông đang làm như vậy. Đây là cuộc trò chuyện khi bà to tiếng với ông.

“Em đã phải lòng với Wendel Thurber một thời gian”, bà nói. “Hôm nay, anh ấy cho em biết rằng anh ấy cũng cảm thấy như vậy”. Bà kéo tấm chăn về phía mình. “Em nói với anh chuyện này vì em yêu anh. Em muốn anh biết là có những người đàn ông khác có thể đối xử với em theo cách em đáng được đối xử”.

Đây đúng là một cơ hội mà bà tận dụng. Ông đã có thể giận dữ gọi bà là con điếm. Ông đã có thể bỏ bà. Bà đã đặt cược cuộc sống chung của họ vào phản ứng của ông trước một nụ hôn của người đàn ông khác. Và đã hiệu quả. Thay vì trở nên giận dữ, ông ôm bà trong vòng tay ông. Ông thay đổi. Ông lại bắt đầu tỏ ra dễ thương đối với bà.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Và rồi một điều kỳ diệu xảy ra. Ông càng tử tế với bà, và làm những việc chỉ để bà hạnh phúc, thì bà càng làm những việc cũng như vậy đáp lại ông. Chẳng mấy chốc, quan hệ ứng xử giữa hai người giống như một cuộc thi để xem ai có thể là người tuyệt vời nhất, là người có thể cho nhiều tình yêu nhất.

Mỉm cười, ông kéo bà vào vòng tay ông. “Anh sẽ thay đổi”, ông nói. “Anh hứa đấy”.

“Anh đang nói về chuyện gì?”, bà nói.

Ông nhìn bà và thấy mắt bà chăm chú nhìn đồng hồ.

“Bốn giờ sáng rồi”, bà nói. “Anh thức dậy làm gì?”.

“Anh… không ngủ được”.

“Thôi, tắt đèn và cố ngủ đi”. Bà nằm xuống và trở mình nằm nghiêng.

Ông nhìn bà một hồi lâu. Rồi ông tắt đèn và nhắm đôi mắt đang mỏi trong bóng tối.

***

“Em biết anh lén lấy chiếc nhẫn của em”, bà nói. “Nó đâu?”. Mắt bà nheo lại nhưng đầy vẻ bực tức. Bà hai mươi ba và sáu mươi tám.

“Anh không biết nó ở đâu, Mẹ nó à”. Ông đang đứng trong nhà bếp, những mảnh thủy tinh bể của bình cà phê vương vãi chung quanh đôi bàn chân trần của ông.

“Anh là người nói dối”.

“Chắc em lại giấu nó rồi. Hãy bình tĩnh và mình sẽ đi tìm nó”.

Bà la thật lớn, đó là âm thanh ông không nghĩ là bà có thể phát ra, và cầm tô đựng trái cây lên.

Đưa hai tay lên che mặt, ông nói, “Xin đừng ném vật gì vào anh nữa, Mẹ”.

“Đừng có gọi tôi như thế! Tôi không phải là mẹ anh. Anh chỉ là một lão già bẩn thỉu”.

“Em không nhận ra anh sao? Anh đây, George”.Bà dằn cái tô xuống quầy, đủ mạnh để làm nứt nó. “Anh không phải là George của tôi. Anh là một ông già. Anh giam giữ tôi ở đây. Anh lấy cắp tất cả tiền của tôi, và bây giờ anh lấy chiếc nhẫn cưới của tôi nữa”.

“Không phải như thế”.

Bà không nói gì trong một lúc, mệt nhọc thở.

“Anh đã cho em chiếc nhẫn đó”, ông nói. “Anh chẳng bao giờ lấy lại nó từ em”.

Bà thở nhanh hơn, gần như hổn hển. Nước mắt viền quanh đôi mắt bà và nước mắt đó cào xước trái tim ông hơn bất cứ gì khác.

“Thôi mà em”, ông nói.

Đột ngột, bà quay lại chạy ra khỏi nhà bếp. Ông nghe tiếng cửa kính nhà trước đóng sầm, và với những ý nghĩ bà ở ngoài đường, đi lạc, tổn thương, ông bước qua thủy tinh vỡ rượt theo bà. Đã nhiều năm ông không chạy nhanh như thế. Tim ông như phồng sưng lên trong ngực. Ông vật bà xuống trong đám bùn đất ven đường, những ngón tay ông đau vì viêm khớp, níu lấy áo ngủ của bà. Bà tát vào mặt ông, đấm vào ngực ông. Ông chỉ đủ sức ôm bà ở đó, vùng vẫy trong bùn đất.

Lát sau bà thôi vùng vẫy. Cơ thể bà khoanh tròn và run. Ông dỗ bà đứng lên và rồi đi về nhà. Khi nước ấm từ vòi sen chảy, ông đứng trong nhà tắm kế bên bà và đỡ bà dưới những tia nước. Bùn lăn xuống từ mái tóc bạc của bà, trên làn da trắng của bà và trộn với máu loang từ chân ông thành những vết loang xoắn ốc màu hồng.

***

Bà mười sáu tuổi. Ông già lại đang nhìn bà, nhưng bà không chú ý như thường khi. Bà có nhiều điều quan trọng để suy nghĩ hơn là ông già lo lắng luôn luôn tức tưởi.

Hôm nay George sẽ đến. Nàng biết anh sẽ đến để hỏi anh có thể thân mật với nàng không. Anh ve vãn chị nàng đã mấy tuần rồi, nhưng chẳng đi đến đâu. Chị nàng đẹp, nhưng George không ngừng ngoái nhìn cô em gái có mái tóc đen, dài. Hôm nay, anh sẽ đến vì nàng. Nàng bước ra hiên. Con đường đất trước cửa nhà nàng chạy xuống đồi đổ vào thung lũng nhỏ, rồi quanh qua một khúc cua ở đó nó biến vào một rừng thông. Ở phía bên kia rừng thông là chiếc cầu gỗ vắt qua sông Sandy rồi đến con đường hỏa xa. Bà ngoái đầu và thấy ông già đã ra ngồi ngoài hiên, tay đặt tréo trên lòng. “Anh muốn gì?”, bà nói với ông. Đưa hai tay lên như không hiểu, ông đáp, “Sao em hỏi vậy, đâu có gì, Mẹ. Anh chỉ xem truyền hình”.

Ông già lão suy. Bà không hiểu nổi chuyện gì ông nói.

Jason Helmandollar là một công chức, nhưng rất đam mê sáng tác. Ông hiện sống ở Columbus, bang Ohio, Hoa Kỳ. Các truyện ngắn của ông đã in trên nhiều tạp chí: Encounters Magazine, Bartleby Snopes, Title Goes Here và Sideshow Fables.

Truyện ngắn Rơi ngược thời gian viết về tình yêu của đôi vợ chồng già. Nhân vật nữ mắc bệnh Alzheimer – bệnh mất trí do tế bào não suy thoái – lẫn lộn thời điểm hiện tại và những thời điểm quá khứ. Người chồng già có khả năng thông cảm tâm trạng vợ sâu sắc, và hết lòng làm mọi việc để đem lại hạnh phúc cho người vợ yêu dấu của ông.

Nàng quay trở lại nhìn con đường đất. Anh kia rồi, ló ra từ rừng thông, mặt quần jeans và chiếc áo phông trắng ngắn tay lụng thụng trên cơ thể gầy nhưng rắn chắc của anh. Anh đi những bước ung dung, chân hơi khuỳnh khuỳnh khi anh qua khúc cua và rồi cúi đầu dấn bước trên đường lên đồi. Sau một lúc, anh ngước nhìn lên và nàng vẫy tay. Anh đáp lại chỉ với cái gật đầu. Chàng trai này quá hãnh diện nên không vẫy tay đáp trả, nhưng chàng không quá hãnh diện để không hái một bó hoa dại mà bây giờ nàng thấy chàng cầm trong tay. Những bông hoa ấy làm nàng mỉm cười, và trong đầu nàng một bài ca bắt đầu thành hình. Nàng biết không chút nghi ngờ rằng đây là chàng trai nàng sẽ yêu suốt cuộc đời nàng. “Em đang vẫy tay với ai vậy, Mẹ?”, ông già hỏi. “Chồng tôi”, bà nói. “À, anh ở ngay đây. Em đang vẫy tay với bức tường”. Ông già đáng thương. Ông lão suy, nhưng tử tế. Bà quay lại và vẫy tay với ông. Nâng bàn tay lên đáp lại, ông nói, “Chào em yêu”.

***

Nhiều khuôn mặt chung quanh bà, lơ lửng. Bà không thể cử động, nhưng có thể nhìn thấy chúng. Những khuôn mặt không có tên. Trong bà, chẳng có kỷ niệm nào vì bà chỉ là một em bé. Bà có cảm giác mơ hồ rằng có gì đó đã bị cởi ra, giật đi ngoài ý muốn của bà, nhưng không gây nguy hiểm cho bà. Những khuôn mặt làm bà yên tâm. Vì mặc dù những khuôn mặt không có tên, bà biết rằng chúng yêu thương bà, và bà cũng yêu thương chúng.

Bà cảm thấy mình thở. Chầm chậm. Hít vào thở ra.

Những khuôn mặt che khuất tầm nhìn của bà, từng khuôn mặt một. Những lời không hiểu được rơi từ những đôi môi. Nước mắt rơi từ những đôi mắt buồn. Bà hít vào từng khuôn mặt và bà cảm thấy êm ái. Khuôn mặt cuối cùng có vẻ quen quen. Hình dáng của nó quen quen – cảm giác ran rát khi một gò má áp vào gò má của bà. Đôi môi quen quen chạm trán bà. Bà nhìn khuôn mặt này và nhận ra rằng trong khi mọi thông tin đã bị lột đi, cảm xúc còn lưu lại. Nguyên vẹn.

Khuôn mặt đó cho bà cảm giác an toàn, và bà thấy mình đủ sức để rơi ngược thời gian một lần cuối cùng.

***

Bà nằm trong bụng mẹ, vây quanh là nước ấm. Trong nước, không cần thở. Vì thế bà ngừng thở. Mắt bà nhắm lại.

Bà thấy George phía trước bà. Anh ở xa, nhưng anh đã qua khúc cua. Bà biết họ sẽ không ở cùng nhau vào lúc nào đó, nhưng vậy cũng tốt. Đầu anh cúi xuống và anh đã bắt đầu đi lên con dốc dài.

(JASON HELMANDOLLAR)VÕ HOÀNG MINH dịch
(Từ “The backward fall”)
Nguồn:http://www.eastoftheweb.com/short-stories/UBooks/BackFall879.shtml

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…