(VNBĐ – Tùy bút). Tháng Ba năm 1955, chúng tôi một lũ lóc nhóc mấy chục đứa (từ 9 đến 15 tuổi) được tập hợp lại thành một đoàn. Ấy là đoàn thiếu nhi con cán bộ thuộc một số xã của huyện Tuy Phước chuẩn bị lên đường tập kết ra Bắc.
Trước đó vài tháng, cũng đã có mấy chú mấy anh từ Phú Yên, Khánh Hòa… ra tạm trú ở làng tôi để chờ ngày xuống Quy Nhơn theo tàu ra Bắc. Hình như cả miền Nam chỉ có Quy Nhơn là nơi đón cán bộ và học sinh miền Nam những chuyến cuối cùng trước khi “đối phương tiếp quản” quê hương mình!
Chúng tôi đi bộ ra bến sông gần chợ Háo Lễ, lên một chiếc thuyền có mui che nắng. Thuyền xuôi theo dòng sông Côn xuống Gò Bồi và ra đầm Thị Nại. Đến chiều chúng tôi lên bờ và vào trú tạm trong Tháp Đôi đầy gạch vỡ và phân chim. Tháp cao sừng sững, bom đạn Pháp tàn phá suốt trong 9 năm kháng chiến mà tháp chỉ lở lói chứ không sập. Lòng tháp rộng đủ cho chúng tôi sinh hoạt, nghỉ ngơi. Các chú trong “Ban 300 ngày” đón tiếp, chăm sóc chúng tôi thật cẩn thận chu đáo. Tôi được giao một bịch kẹo để phân phát cho tất cả các bạn. Ai cũng vui sướng hớn hở chờ lúc được lên tàu!
Sáng hôm ấy, chúng tôi được lên một chiếc xe lớn không mui, chạy dọc theo đường Gia Long (sau năm 1975 đổi thành đường Trần Hưng Đạo) xuống biển. Từ trên xe nhìn hai bên đường thấy thành phố Quy Nhơn hoang tàn vắng vẻ, chỉ thưa thớt một số ngôi nhà gạch đổ nát.
Để tiếp cận tàu, chúng tôi phải lội bộ một đoạn nước cạn khá xa, rồi trèo lên một chiếc ca nô đang nổ máy đợi sẵn. Quy Nhơn lúc ấy không có “bến cảng”, nói gì đến “cảng nước sâu” nên con tàu to lớn của nước bạn Ba Lan vào đưa người đi tập kết chỉ có thể đỗ ngoài xa đợi ca nô “Trung chuyển”! Mấy em nhỏ chia tay mẹ, vừa khóc vừa lội xuống nước, cứ liên tục ngoái lại nhìn lên bờ! Lội được một đoạn ngắn thì mấy đứa nhỏ nhất lại được các chú trong ban tổ chức “ba trăm ngày” cõng ra ca nô.
Được biết đây là chuyến tàu thứ sáu, hình như cũng là chuyến áp chót đưa người tập kết từ bến Quy Nhơn ra miền Bắc!
Từ dưới ca nô lên tàu, từng người một phải bám vào cái “thang dây” leo lên từng nấc, khó nhọc và sợ hãi… nhưng rồi cuối cùng tất cả chúng tôi cũng đều lên được trên tàu! Mấy chú thủy thủ người Ba Lan cao lớn mà rất thân thiện hướng dẫn, chăm sóc, dặn dò từng tí một. Đám trẻ được sắp xếp nằm ngay ngắn trên một sàn gỗ dài trong khoang tàu. Sàn gỗ, có vẻ như nó vừa mới được thiết kế thêm để đáp ứng yêu cầu chuyên chở nhiều người. Chúng tôi vui mừng, ngỡ đã bình yên nằm ngủ cho tới lúc đến nơi. Nào ngờ con tàu chạy được một lúc thì rung lắc mạnh dần. Càng về chiều con tàu nghiêng qua nghiêng lại càng mạnh. Mọi người lăn cù từ đầu này qua đầu kia rồi lăn trở lại… Lũ trẻ bắt đầu khóc và nôn mửa. Suốt ngày không ăn được gì, dù thấy có bánh mỳ trắng rất ngon. Những ngày ấy dường như biển có bão xa. Sau mấy ngày vượt biển, con tàu cập vào bến Quý Cao, Thái Bình. Ở đây tàu thả cầu nối vào bờ, chúng tôi đi qua, không phải lội xuống nước nữa.

Lần đầu tiên đặt chân lên đất Bắc, một không khí và quang cảnh thật lạ lùng. Các bà các mẹ áo nâu, tóc vấn khăn màu trắng xinh đẹp hiền hòa ngồi dọc hai bên đường nhìn chúng tôi, cười âu yếm và phát quà cho từng đứa. Hình như có sự sắp xếp chủ tâm để trấn tĩnh, an ủi chúng tôi rằng: có mẹ ở đây rồi, các con đừng sợ! Chúng tôi lại khóc, vì cảm động và vì nhớ mẹ, nhớ quê.
Rồi từ ấy, đất nước trải vô vàn biến cố và sự kiện lớn lao. Hai mươi năm đằng đẵng cắt chia cũng là hai mươi năm chúng tôi lớn lên, học hành, phấn đấu, trưởng thành… và nhiều người đã “vượt Trường Sơn” trở về giải phóng quê hương.
Hai tiếng Quy Nhơn trong lòng những người con “tập kết” xa quê cứ vang lên như tiếng gọi yêu thương thầm lặng với bao xót xa, giục giã, đợi chờ!
Tháng Ba năm 1974, vượt bao chướng ngại đời thường, vượt bao gian nguy rừng núi và bom đạn quân thù, chúng tôi trở về như đã hẹn.
Quy Nhơn vẫn đó, nhưng ngày chúng tôi về, chỉ được đứng ngóng từ xa!
Từ Kim Sơn – “thủ phủ” của vùng giải phóng Bình Định, chúng tôi vượt qua Quốc lộ 1 đầy “chốt” giặc canh giữ nghiêm ngặt ngày đêm, chui rúc qua từng bụi cây, hốc đá núi Bà cheo leo hiểm trở tìm đường về lại với Quy Nhơn. Từ chùa Ông Núi trên dãy núi Bà, chúng tôi nhìn xuống Quy Nhơn như “đôi tình nhân” cách trở, nhìn thấy đó mà không đến được! Biển Quy Nhơn vẫn cát trắng nắng vàng, bầu trời xanh trên đầu và sóng biển dìu dặt dưới kia… ước gì được đặt chân lên bãi cát mịn màng êm ái của ngày xưa, được bơi lội một vòng trong vùng nước trong xanh thương nhớ ấy!
Tháng Ba năm 1975, sau những lần khốn đốn trong vòng vây, phục kích của địch ở Tuy Phước, khu Đông chúng tôi tiến dần xuống Quy Nhơn. Đêm ấy, Quy Nhơn vẫn còn vang tiếng súng, tôi đã có mặt trong một ngôi nhà sát biển của dì Năm. Bãi biển Khu 1 lại có những người lội xuống nước để ra tàu! Con tàu vẫn đậu từ ngoài xa nhưng không có ca nô “trung chuyển”, không có ai cõng những em bé lên tàu giống ngày chúng tôi đi tập kết… mà chỉ thấy đầy sắc áo ngụy binh nhốn nháo chen nhau muốn lên tàu “di tản”! Con tàu mang cờ Mỹ chừng như có nguy cơ “quá tải”, nó lùi ra xa dần để từ chối nhận thêm… nhưng có rất nhiều người vẫn bất chấp cố lao theo, và đã có một số người đuối nước!
Cảnh tượng biển Quy Nhơn ngày tôi giã từ ra đi tập kết và ngày tôi từ Trường Sơn trở về gặp lại, cách nhau tròn 20 năm, vừa dằng dặc như hàng thế kỷ, vừa như khoảnh khắc của một trò chơi số phận!

Đến nay, đã 70 năm từ ngày chúng tôi lên đường “tập kết” và 50 năm ngày trở về giành lại quê hương, biển Quy Nhơn vẫn vậy, hiền hòa, trong trẻo và thân thiện như vòng tay, ôm cả cuộc đời này.
Chiến tranh và hòa bình, cắt chia và đoàn tụ… Thời gian làm phai nhạt biết bao điều, nhưng những kỷ niệm về ngày “tập kết” 1955 và ngày trở về của hai mươi năm sau đó, vẫn còn mãi trong tôi như những vết khắc, đau đớn mà đẹp đẽ, ngậm ngùi và biết mấy yêu thương!
LỆ THU