Phù Cát đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”

(VNBĐ – Thời sự). Ngày 12.9, tại Trường tiểu học số 1 Cát Tường, huyện Phù Cát, Sở VH&TT phối hợp UBND huyện Phù Cát tổ chức lễ đón bằng ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Chứng nhận của Bộ VH,TT&DL công nhận nghề chằm nón ngựa Phú Gia là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: P.N

Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện Phù Cát và Nhân dân địa phương.

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia ở Cát Tường, Phù Cát đã có hơn 200 năm. Nón ngựa biểu tượng cho sự mạnh mẽ, quyền uy, gắn với đội quân Tây Sơn thần tốc. Gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa. Theo các nghệ nhân ở Phú Gia, nón ngựa được làm thủ công với hàng chục công đoạn như: làm mê, dấn sườn, lợp lá, chằm chỉ, thêu hoa văn, làm chóp nón… Đây là sản phẩm mỹ nghệ thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân địa phương và đã được công nhận là sản phẩm OCOP truyền thống của Cát Tường (Phù Cát). Trải qua những thăng trầm của lịch sử, vượt lên chức năng che nắng, che mưa, nón ngựa Phú Gia đã trở thành đồ trang sức, vật phẩm kỷ niệm cho nhiều du khách khi ghé thăm Bình Định. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, nghề chằm Nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 956/QĐ-BVHTTDL ngày 09.4.2024.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan giới thiệu cho các đại biểu về sự độc đáo của nón ngựa Phú Gia. Ảnh: P.N

Phát biểu tại lễ đón bằng di sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh: “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề; tôn vinh, biểu dương cộng đồng dân cư và các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây vừa là niềm vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phù Cát nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung”.

Để bảo tồn và phát huy nghề chằm nón ngựa Phú Gia, đồng chí Lâm Hải Giang cũng đã đề nghị huyện Phù Cát cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết, lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để gắn giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế và du lịch. Cùng với đó là xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ thể di sản, Nhân dân; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy; đẩy mạnh kết nối đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để xây dựng tour, tuyến phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế, hướng đến mục tiêu xây dựng du lịch làng nghề nón ngựa Phú Gia là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN