Phía sau ngón tay trỏ

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.
“Đoàng!”.

– Con ơi! Con ơi! Trời ơi con tôi!

Tiếng súng nổ và sau đó là tiếng khóc ai oán thê lương của người đàn bà vang lên. Tưởng như trên đời không còn âm thanh nào đau đớn, thảm thiết hơn thế nữa. Tiếng khóc xé nát tâm can, tê điếng cả linh hồn.

Trong khoảnh sân nhỏ, mấy trăm con người bị trói, quỳ mọp xuống đất, cắn chặt môi để không bật ra tiếng. Mấy thằng lính mang giày bốt, đeo súng ống, mắt một mí, mặt gườm gườm, nghiến răng trèo trẹo đi qua, đi lại. Không khí im bặt hãi hùng. Một đứa trẻ tầm ba tuổi, mặc mỗi cái áo cộc tay lấm lem, chợt reo lên vui sướng “Mẹ ơi”, “Mẹ ơi” vừa lẫm chẫm chạy tới mẹ trong sự kinh hãi không thốt nên lời của bao nhiêu con người trước mặt. Viên đạn lạnh lùng xuyên qua tim. Máu từ lưng đứa bé chảy túa ra như cái chum nứt, tay chân tròn trĩnh bé xíu nằm ấp sấp giữa sân trong tiếng gào của người mẹ. Người mẹ vùng chạy điên cuồng tới ôm con, bà chưa kịp chạm vào con, đã bị phát đạn thứ hai, rồi ba, bốn phát nữa. Người mẹ ngã xuống. Ngón tay vẫn cố rướn tới bàn chân bé xíu. Một bé gái trạc bảy tuổi, thất thần kinh hãi vì cảnh tượng ấy, nó khóc thét, hoảng loạn lao ra khỏi hàng tìm mẹ bị bắn vào chân. Đứa bé ngã quỵ, càng gào khóc to hơn. Một thằng lính trong số đó ghét tiếng khóc trẻ con, nó vứt khẩu súng, lấy một cái rựa chém vào đứa bé. Tiếng khóc ngưng bặt. Mặt và thân hình thằng lính vương đỏ máu. Tất cả diễn ra chỉ trong vài giây. Máu bắn tung tóe lên mặt ông Mười, văng cả vào miệng mặn tanh…

Ông Mười giật mình bật dậy, trán rịn mồ hôi, tay chân lạnh buốt. Ông lom khom bò dậy, ra hè múc gáo nước mưa uống. Cả cuộc đời ông sống với những giấc mơ ấy, những âm thanh ấy, chưa từng thôi kinh hãi. Ông biết chúng luôn giết trẻ con trước là vì chúng nhận ra cách hành hạ đau đớn, tàn bạo nhất cho những người đàn bà đang quỳ trước mặt kia. Có người mẹ phát điên lao vào đầu họng súng của chúng, có người mẹ tự đập đầu vào đá mà chết. Ông Mười gục mặt vào vò nước, nước sặc sụa, chảy ròng ròng xuống cặp mắt thất thần. Từ rất lâu rồi, mắt ông không còn nhìn thấy gì phía trước mặt nữa.

Đêm đêm, ông thắp cái đèn hột vịt trên bàn thờ. Vầng sáng nhỏ chỉ đủ để sáng một khoảnh tròn như cái nia, càng làm xung quanh căn nhà, chỗ giường ông nằm tối thui. Vài đóm nhang đỏ còn cháy trong bóng tối đủ biết căn nhà ấy có người ở. Ông nằm im trên giường, trời không có gió, ông cũng không động đậy mà tiếng động cứ vang lên bốn phía, đồ đạc cứ va đụng lịch kịch. Trong nhà ông như còn người khác đi lại, lục đục làm gì đó. Xoài rụng lộp độp trên mái nhà, nhánh xoài gãy răng rắc. Thi thoảng có mấy miếng ngói tự dưng bật ra, rơi xuống đất bể choang, lộ ra một cột sáng sâu hút trăng trắng rọi xuống chỗ ông nằm. Có khi mấy quả xoài đột nhiên bay qua cửa sổ, va vào tường uỳnh uỵch. Ông Mười cứ nằm im, chả buồn cục cựa. Trên mái nhà vọng tiếng trẻ con đùa nghịch, cười giỡn râm ran. Chúng chơi ở cây xoài ấy bao nhiêu năm nay, chúng không lớn lên, cũng không đi đâu xa, chắc đâu còn trò gì khác để chơi. Những đứa trẻ không biết sợ ông, chọc ghẹo ông miết. Khi những đứa cháu ông theo ba mẹ nó lần lượt rời khỏi căn nhà này, ông đã xem đám trẻ oan hồn trên mái nhà như cháu của mình. Đôi lúc cảm thấy bớt cô quạnh.

2.
– Am này thiêng lắm, bà con trốn vào đây! Chúng sẽ không giết người ở những đền thờ!

Hai tốp khoảng tầm mấy chục người, gồm đàn ông, đàn bà và dắt díu cả trẻ em, hớt hải chạy theo lời của người đàn ông mặc áo bà ba. Am là một cái miếu nhỏ, nằm phía sau nhà ông Mười, bên trong thờ bốn bà chúa mặc áo đỏ, nhang khói nghi ngút. Trong am có một hầm bí mật, nắp hầm ngụy trang bằng những viên gạch xi măng ốp nền nhà. Xa xa văng vẳng tiếng súng đì đoàng của tụi lính đang lùng sục khắp các hang cùng ngõ ngách. Đi tới đâu, chúng giết trâu, giết bò, đốt phá để tìm người. Tìm thấy người nào, chúng hỏi một câu gì đó rồi bắn chết. Những con người líu ríu chui vào hầm, nín thở. Số còn lại nấp dưới bàn thờ chúa Mẫu.

“Pờ si!”. “Pờ si!”… Thằng lính gằn giọng quát tháo một cậu thiếu niên, mắt nó long lên sòng sọc tựa như con thú đang bị chọc tiết, miệng nó nghiến răng sùi bọt mép. Một tay nó xách cổ áo cậu, chân hổng khỏi mặt đất, tay kia nó dí họng súng vào đầu cậu. Cậu thanh niên lắc đầu, không hiểu gì, nó vứt cậu xuống, bắn vào bàn chân cậu hai phát và tiếp tục hỏi: Pờ si! Pờ si! Dường như hiểu ra nó muốn hỏi điều gì, trong cơn đau đớn hoảng loạn, cậu khóc lóc van xin và đưa ngón tay run rẩy chỉ về hướng đó. Thằng lính đang gầm rú như một con ác thú bỗng đớp được miếng mồi, nó lập tức đá văng cậu thanh niên sang một bên và ngoắc đám sau lưng tiến vào am. Tại đây, chúng đã giở nắp hầm, lôi lên từng con người tội nghiệp rồi quẳng ra trước sân nhà bà Mai Thị Mười. Xóm nhỏ như rung chuyển vì tiếng khóc thảm thiết của những em bé, tiếng cầu xin của đàn bà, tiếng la hét của những người đàn ông lẫn trong tiếng súng đì đoàng liên hồi không ngớt. Tiếng súng nổ ghê rợn tựa tiếng đi săn của tử thần. Tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng nói nào phát ra từ đám giặc. Chúng giết người một cách máu lạnh và man rợ như giết những con vật nhỏ. Chúng thất thần xả súng vào đám người vô tội, vừa bắn vừa thản nhiên nhai kẹo cao su lách chách trong miệng. Những xác người nằm lăn lóc, chất chồng không một phép màu nào che chở nữa…

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Ông Mười gục mặt bên ngôi mộ khóc rưng rức, đôi chân đau như có hàng ngàn gậy sắt đập vào ống quyển. Đất dính trên hai bàn tay, trên mặt ông nhầy nhụa như máu, ông kinh hoàng chùi vào người, càng chùi bàn tay và khắp người ông càng nhiều máu và cả thịt tươi nhầy nhụa. Ông nôn ọe, nằm vật vã bên nấm mộ không sao thoát ra được như một con giun đất quằn quại vì bị chặt đứt lìa từng khúc…

Đất đá lăn lóc cử động, cỏ cây lay nhẹ, đêm tối lạnh tanh. Trước mặt, sau lưng như ẩn hiện những cái bóng lướt thướt, lang thang, quanh quẩn, lúc gần lúc xa.

– Ông có biết đường nào ra Am Xác Luyến không?

Nghe tiếng ai đó sau lưng, ông Mười như tỉnh cơn đau, quay lại, thấy một người đàn ông vác trên lưng cái bao tải to lắm, lưng khòm xuống vì nặng. Ông đưa tay chỉ về hướng ngược lại, quay lại, không thấy người đàn ông đâu nữa.

– Ông thấy con tôi đâu không? Nó mặc quần đùi, tầm ba tuổi, vừa biết đi chập chững. Tiếng người đàn bà hỏi ngay bên tai làm ông giật mình. Bà ta hớt hải, nước mắt đầm đìa, chân run lẩy bẩy. Ông cũng đưa tay chỉ về hướng ngược lại.

Ông lại thấy một người đi câu lươn, mặt mày nhìn không rõ hình dạng, dường như không có mặt, đi ngang qua ông, lại hỏi Am Xác Luyến ở đâu. Ông chưa kịp chỉ thì đột nhiên có tiếng “ầm”, chim chóc bay lên, người đó biến mất, chỉ còn những đóm sáng ma trơi xanh lè bay lấp thấp trên bờ ruộng.

Phía bụi tre, chỗ gò đất nhô cao có rất nhiều cái bóng đen lô nhô, đang lầm rầm bàn bạc gì đó, ông Mười lau mặt, cố đứng dậy, lê lết đến gần, toàn thân ông lạnh buốt mà mồ hôi vã ướt trán, ông vẫn ráng nuốt nước bọt:

– Các ông, các bà có thấy người đàn ông nào mặc bộ đồ bà ba nâu không?

Trong bóng tối nhờ nhoạng, tiếng rì rầm im bặt, ông ráng lết lại gần thì sau gò đất không có ai nữa cả. Chỉ có mấy cái ụ mối nhỏ lúp xúp nằm san sát nhau. Ông Mười ngồi vật xuống đất, ông đã nhìn thấy nhiều oan hồn đến vậy, tất cả đều như đang tồn tại quanh đây, thế mà ông vẫn không thể nào gặp lại người đó. Lòng ông buồn bã, trống rỗng như bị rút đi linh hồn…

Năm ấy, chỉ trong một buổi chiều, bọn lính chư hầu Nam Triều Tiên đã săn lùng, bắt sạch từng người sống trong bốn xóm nhỏ quanh thôn Nho Lâm. Làng quê nhỏ yên bình phút chốc bị xóa sạch, chỉ còn lại một vùng đất tiêu điều, thảm khốc, thê lương như bãi tha ma. Xác người chất chồng ngổn ngang từng đống. Chúng trải rơm lên đốt xác, đốt cả những ngôi nhà lân cận. Chưa thỏa mãn cơn điên cuồng, từ tháp Bánh Ít chúng đặt những khẩu pháo lớn bắn xuống cánh đồng làm thi thể người tan nát trăm ngàn mảnh, bắn tung tóe khắp nơi. Cái am linh thiêng người dân nương náu chỉ còn một đống gạch vụn. Duy chỉ có căn nhà ông là chúng chừa lại. Bên tai ông Mười vẫn văng vẳng giọng thằng lính phiên dịch “Giết sạch”, “Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”…

Ở thôn Nho Lâm này, nơi nào cũng có mộ, mộ nhiều hơn nhà, người sống và người chết ở chung. Xóm của ông Mười, tuy gọi là xóm vì còn vài ba cái nhà nhưng cũng chỉ còn nhà ông là có người ở. Nhà ông cũng chỉ còn mỗi ông ở. Con ông bảo vong đất này không tốt, làm ăn cứ cùn mạt dần nên chúng nó dọn đi ở xa hết. Mà cũng không xa gì mấy, quanh quẩn trong xã, chỉ trừ thôn xóm của ông.

Ông Mười kéo gàu nước từ cái giếng bên mộ, dây thừng buộc gàu trầy trụa chừng sắp đứt. Từ bao lâu rồi, ông và người nằm dưới đất uống chung một dòng nước. Nước trong vắt mát lành như được chưng cất từ trong lòng đất. Ông lặng lẽ thắp nhang, để lên đĩa một nhánh chuối xanh, lịnh khịnh vái ba vái rồi ngồi xuống, nhìn ngó xa xăm. Đôi mắt đục mờ như có một màn sương mù kéo qua. Dù có vẻ như đang nhìn chăm chú nhưng từ lâu ông đã không thấy những gì tồn tại trước mặt mình nữa. Đôi chân tàn phế cột chặt ông mãi trong ngôi nhà cũ kỹ. Ông sống một mình lủi thủi, trẻ con bảo ông giống ma, không dám lại gần. Vì ban ngày chúng chẳng bao giờ nghe thấy ông nói chuyện, còn ban đêm thì nhà ông lúc nào cũng râm ran tiếng gì đó không rõ. Có người đi săn chim sẻ trên mấy bụi tre, có lần chui qua hàng rao nhà ông Mười để bắt chim, ngó qua ngôi mộ thấy trên tấm bia khắc: Tháng 3.1968. Mộ ông Cao Chí.

Chiều chiều, đài phát thanh văng vẳng những bài hát, những câu khẩu hiệu xây dựng nông thôn mới. Ông Mười bắc ghế ngồi ngó xa xăm, tất cả cứ nhòe nhoẹt như nhìn từ dưới nước, có vẻ như tất cả đã bị thời gian chôn vùi, chỉ mỗi ông vẫn y như vậy.

Đêm ấy, trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ, ông thấy một người đàn ông mặc bộ đồ bà ba nâu, đầu quấn khăn rằn, bước từ ngoài cửa vào, đứng ở đuôi giường, nhìn ông mỉm cười. Ông Mười dụi mắt, tim đập tan hoang trong lồng ngực, miệng lắp bắp: “Cha… cha… Cuối cùng, con cũng tìm thấy cha!”. Ông nghẹn ngào trào nước mắt, định nhào tới ôm cha thì “Đoàng” một phát đạn xuyên qua mình, thêm ba, bốn, năm, sáu phát liên tiếp bắn tan nát tấm lưng. Cha ông nảy lên bần bật rồi ngã sấp trước mặt, mắt vẫn mở. Cuối cùng, bao nhiêu năm chờ đợi, ông đã thấy cha mình rồi, nhưng đau đớn quá! Tàn khốc quá! Đôi mắt cha nhìn trừng trừng vào ông. Ông không bao giờ dám nhìn vào mắt cha mình và đôi mắt của bao nhiêu con người trong buổi chiều hôm ấy. Tim ông Mười đau đớn tựa những viên đạn bắn vào ngực, ông không gọi cha thành tiếng, ngực ông đau dữ dội, ngất lịm đi…

Ông không còn nhớ mình đã sống bao nhiêu lâu, hình như rất lâu rồi nhưng sao mãi vẫn chưa được chết. Ông buồn bã thở từng hơi não ruột. Đêm ấy, ông mơ thấy mình bị bắn chết, bom dội ngay vào xác mình, tay chân văng tứ phía hòa chung trong khói lửa, máu thịt thấm vào đất, hồn ông bay vút lên cao. Giấc mơ thật đẹp. Gió Nam từ ngọn núi Mò O, bay qua sông mương, qua cánh đồng mênh mông, qua gò đống hoang vu, thổi vào nhà ông thơ thới, mát rượi. Cây xoài trổ bông vàng rụng li ti đầy gốc rồi đến trổ những chùm quả xanh lủng lẳng. Không đứa trẻ nào hái ăn, xoài tự chín cây, chim ăn rồi rụng xuống, bể nát, nhão nhoẹt, vài con gà đứng mổ mổ, lá xoài khô ran rụng dày trên sân.

3.
– Cha ơi! Cha!

Tiếng Hai Châu, con trai lớn ông Mười về, dựng chân chống xe Honda, nó cầm vô cho ba một bịch trà thảo mộc. Thấy ông Mười nằm yên trên giường, tưởng ông mệt, nó lấy bình thủy rót nước, pha trà. Ngồi xuống bộ bàn ghế cũ, nhìn lên bàn thờ mẹ thấy vẫn ấm nhang khói, nhánh chuối xanh vẫn còn tươi. Mùi thơm cũ kỹ của ký ức vẫn phảng phất. Hai Châu thầm nghĩ, ba lúc nào cũng chu đáo với người đã khuất, chăm nom hệt như còn sống.

– Hay là ba theo con xuống phố ở, ở đây buồn quá, lỡ ba có mệnh hệ nào làm sao con cái hay biết?

Ông Mười vẫn im lặng, nó tưởng ông đã nghe lọt tai những lời nó nói. Nó lại tiếp tục:

– Ngôi nhà này cũng cần phải bán đi thôi ba, nó quá nhiều ký ức đau buồn, phong thủy không tốt. Ba muốn để lại làm nhà từ đường nhưng sau này chúng con sẽ không thể ở đây…

Thấy ông Mười vẫn im lặng, nó hỏi lại:

– Ba chịu không để mai con kêu người tới coi đất rồi định giá?

Chợt ông Mười kêu lên ứ ứ, ngón tay ông cứ chỉ về phía trước, cặp mắt trợn trắng và từ từ khép lại, hơi thở yếu từ từ mỏng dần, lồng ngực xẹp xuống, hơi thở hắt ra, đứt hẳn. Cánh tay ông rơi xuống, buông thõng. Đó là cơn đau tim cuối cùng trong cuộc đời ông Mười. Hai Châu dập đầu ân hận vì nghĩ mình đã hại chết cha.

Năm ấy, chính ngón tay ông Mười đã khai ra nơi trốn của cả làng và trong đó có cả cha ông đang trốn. Giặc bắn chết cha trước mặt ông và tha cho ông vì đã hợp tác với chúng. Mấy chục năm ròng, ông Mười sống trong sự trừng phạt từ những cơn tra tấn của lương tâm. Chiến tranh qua đi nhưng cơn ác mộng đeo bám mãi mãi biết đến bao giờ mới dứt. Những người đã nằm yên dưới mộ và những người xây mộ cho mình nhưng mãi chẳng được chôn. Có những ngôi mộ vô danh không tên tuổi khắp mặt đất và cả những ngôi mộ vô hình trong làn gió thổi qua cánh đồng mênh mông…

Thôn Nho Lâm bình yên giữa những xóm nhỏ rải rác, những mái nhà thở lên những làn khói trắng hiu hắt. Chiều chiều, đám trẻ con chăn bò hay lẻn vào một gò đất nổi lên ở giữa cánh đồng. Người đi đường qua lại thấy trên gò có một tấm bia lớn khắc chữ: Di tích Am Xác Luyến. Đêm đêm, không còn tiếng khóc rú văng vẳng sau nhà. Xóm không người đi qua lại, chìm dần trong màn sương mù quên lãng, chỉ có cánh đồng xanh tốt từ những lớp bùn đất màu mỡ phì nhiêu. Tiếng gió rì rào trên bụi tre hệt như tiếng thì thào của những nấm mộ, những nấm mộ tan vào đất vào trời, vào hơi thở của đất mẹ quê hương.

MY TIÊN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tháng Mười Hai chạm vào miền nhớ

Tháng Mười Hai dịu dàng như một bản nhạc dương cầm, từng phím đàn vang lên trong trẻo giữa tiết trời se lạnh, mang theo hơi thở của những ngày cuối đông…

Cái cân của nhà Balek

Một trong những luật mà nhà Balek đặt ra cho dân làng là không ai được phép giữ cân trong nhà. Luật ấy xưa đến nỗi chẳng ai nghĩ đã có từ lúc nào và vì lý do gì, nhưng nó phải được tuân theo…

Mẹ con Chèo Bẻo

Mùa gặt đến, Chèo Bẻo mẹ cần mẫn nhặt từng cọng rơm vàng ở cánh đồng rất xa về để xây một ngôi nhà xinh đẹp trên ngọn cây…

Mùa đông của tôi

Bay qua chiều vắng
Người là nắng mùa đông
Là góc phố là mái ngói là những chiếc lá biết tạm biệt lá cành cành lá 
Hãy rơi như ta chẳng có gì níu giữ 
Lấp đầy những con phố