(VNBĐ – Truyện ngắn). Tôi tỉnh giấc bởi những tiếng lộc cộc ngang ngõ nhà mình. Những âm thanh quen thuộc như chiếc đồng hồ báo thức mỗi sáng. Tiếng bà vợ cằn nhằn những đứa con cứ lặp đi lặp lại như lập trình máy tính khi chúng cố ngủ nướng thêm dăm phút. “Dậy đi học. Gia đình ông Tám đã đi kiếm ăn rồi mà còn ngủ là sao?”, làm chúng miễn cưỡng mở mắt. Tôi dắt xe lao về quán cà phê quen thuộc để kịp chuyện phiếm cùng mấy ông bạn trước khi đi làm.
Buổi sáng quán nhỏ nơi góc phố lao xao những vị khách thư giãn đầu ngày. Cái quán ngay góc đường nên khách khứa tấp nập. Bên này, hội thể dục nhịp điệu ngồi uống cà phê mà mình mẩy mồ hôi nhễ nhại. Bên kia có mấy bà trung niên không biết làm gì mà thường ngồi ở quán như lên đồng miệng nói oang oang như chốn không người. Hội chúng tôi mỗi người một nghề khác nhau nhưng hay quan tâm đến “thế sự” nên tranh luận rôm rả hẳn. Không gian náo nhiệt như đàn ong vỡ tổ. Tôi ngồi trầm ngâm giữa sự ồn ào lắng nghe tiếng nhạc nhừa nhựa mỗi lúc một gần. Khi cái loa kẹo kéo dừng trước cửa quán, mọi con mắt như đổ dồn vào anh “ca sĩ” đeo kiếng đen đang gân cổ ca theo nhạc beat bài hát Tình cha. Giọng hát khàn đặc không chút cảm xúc, lời bài hát lại u sầu cất lên lúc sáng sớm làm cho vài người khách tỏ vẻ khó chịu. Nhìn đôi bàn tay anh quờ quạng tìm tay nắm của chiếc loa để đẩy đi mọi người mới biết anh mù. Người phụ nữ đứng cạnh bên lật đật, chới với nắm lấy vai anh để đi theo. Đôi mắt chị đục ngầu, trắng bệch liếc qua, liếc lại vô hồn. Hai đôi chân dò dẫm từng bước một chờ thằng con mang giỏ bánh kẹo và đủ thứ “tạp – pí – lù” từ trong quán ra dẫn đường. Anh bạn ngồi bên móc ví mua cây kẹo cũng chẳng phải để ăn cũng chẳng phải để thưởng thức thứ âm nhạc như chọt vào tai những âm thanh chát chúa. Anh thương thằng nhỏ bé như cái kẹo đã phải theo ba mẹ mưu sinh rồi. Tôi biết gia đình anh Tám mù hay đi qua ngõ nhà mình mỗi sáng. Họ kiếm miếng ăn bằng đủ thứ nghề và hôm nay lại thêm chiếc loa di động lang thang nơi góc phố tập trung những quán cà phê. Ngó theo họ như đang chơi trò rồng rắn lên mây từng bước chậm chạp, nặng nề trong thế giới bóng tối giữa cái nắng bình minh nơi góc quán nhộn nhịp thấy thương lắm lận.
***
Gia đình anh Tám mù đến cắm chốt mưu sinh ở khu vực này đã vài năm nay. Tôi biết đôi vợ chồng này vì đôi lần gặp nhau trên hè phố tôi hay bắt chuyện. Anh chỉ cười khi người ta hỏi đến quê của mình. Cuộc sống rày đây mai đó làm cho anh như quên mất quê hương bản quán của mình. Anh gặp người vợ của mình trong Trung tâm bảo trợ người tàn tật rồi ghép những mảnh đời bất hạnh lại với nhau để nương tựa kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Anh hay nói:
– Ông trời ổng thương hai đôi mắt mù lòa mà cho cặp đèn này nè anh!
Vừa nói, anh vừa vỗ vào vai thằng bé con của anh ngồi bên rồi cười ặc ặc. Nhìn sự di chuyển của những cơ mặt lúc anh cười đủ thấy niềm hạnh phúc lan tỏa lên tận xoáy trên đỉnh đầu rồi. Những lúc đứng chờ thằng Sáng mang cái giỏ trước ngực chất đủ thứ từ bánh kẹo, bấm móng tay cho đến móc khóa… len lỏi vào bán trong quán, anh hay tâm sự khi tôi:
– Ông trời không lấy gì của ai tất cả anh à. Tôi mù lòa nhưng cũng có được vợ đẹp con ngoan đấy thôi.
Anh lúc nào cũng tự hào lấy được “vợ đẹp”. Có lẽ anh cảm nhận cái đẹp qua trí tưởng tượng của mình chăng? Anh nói mỗi sáng thức dậy cứ nghe tiếng “mình ơi!” là lòng rộn ràng quên cả ăn uống. Hạnh phúc cảm nhận qua đôi tai tinh tế của mình, qua những cử chỉ chăm sóc nhau hàng ngày của người vợ cũng mù lòa như anh. Ngày trước, khi thằng con còn nhỏ, anh gửi vợ con cho những người trong xóm trọ trông giúp để theo Hội bảo trợ người mù bán tăm tre khắp nơi đến vài tuần mới về nhà. Bao chua xót, cơ cực trên những nẻo đường mưu sinh ở khắp dải đất miền Trung này anh đều chịu đựng được hết, nhưng chỉ duy nhất nỗi nhớ vợ, nhớ con hàng đêm giày vò thân xác không lành lặn mà anh đành phải tìm sinh kế khác. Anh ra góc những chợ quê đứng bán hộp quẹt, tăm bông và vài ba thứ linh tinh khác. Tiền lời hàng ngày cũng chỉ đủ để mua gạo sống lay lắt qua ngày. Những lúc con ốm đau đành nhờ đến sự bảo trợ của xã hội và giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng. Hôm sinh nhật thằng con anh lúc nó bốn tuổi, lần đầu tiên cu cậu được cái bánh sinh nhật thơm nức mùi kem. Mẹ nó hỏi:
– Nay cu Sáng lớn rồi, con dẫn đường để ba mẹ bán vé số kiếm thêm lúc rảnh rỗi được không con?
Thằng bé vui mừng ra mặt vì nó đã có thể giúp được ba mẹ. Thế là nó làm cái đèn soi dẫn đường để vợ chồng anh đi bán vé số. Nhiều hôm cả nhà đi mỏi cả chân mà bán được có mấy tờ. Người ta sáng mắt lại đi xe đạp, xe máy nên họ tiếp cận nhanh người mua vé số ở các quán cà phê, quán nhậu còn vợ chồng anh phải dò dẫm từng bước trên những con đường vốn rất nhộn nhịp vào buổi sáng. Có hôm anh bán trưa ở quán nhậu đông nghịt thực khách, tiếng rao mời vé số của anh như lọt thỏm giữa muôn vàn tiếng mời nhau “dô… dô…”. Anh mò mẫm theo thằng con chìa tập vé số về phía có tiếng nói cười nhưng có bao giờ anh thấy được những cái lắc đầu nguầy nguậy đâu. Chỉ có những câu trả lời “không mua” buông ra anh mới rờ vai thằng con bước tiếp. Đi tới cái bàn có tiếng cụng ly rổn rảng, anh quờ quạng chìa tập vé số chẳng may trúng mặt của một gã mặt mày đỏ gấc. Gã ta hất mạnh tay, nạt nộ: “không mua”. Những tờ vé số từ tay anh bay lả tả, rơi rớt trên đống vỏ lon bia ngập ngụa dưới bàn. Đôi bàn tay gầy gầy, xương xương bối rối, quờ quạng nhặt những tờ vé số rơi gấp gáp.
– Chú ơi! Để con nhặt cho.
Tiếng cô bé phục vụ đứng gần đó làm anh Tám bình tĩnh trở lại. Anh sợ mất vé không đủ tiền đền cho đại lý. Thằng Sáng con anh đứng gần đó thấy vậy nước mắt rưng rưng. Ra tới cổng, anh vuốt mái tóc ngắn cũn cỡn của nó mà an ủi nó và người vợ đang đứng chờ cha con anh:
– Không sao đâu con. Ở đời vẫn còn nhiều người tốt như cô bé phục vụ bàn lúc nãy đó. Rồi ba sẽ tìm sinh kế khác để cu Sáng của ba được sung sướng.
Anh ôm con vào lòng, đôi bàn tay gầy gầy xương xương lại rờ lên cái đầu thằng bé với mái tóc mềm mềm rồi dặn vợ để dành tiền mua cho con cái mũ rộng vành cho bớt nắng nôi chứ tóc nó vàng hoe cả rồi đây. Anh chỉ nghe nói thế chứ vợ chồng anh có biết màu sắc nó ra làm sao đâu. Trước mặt họ chỉ là màu đen u tối như cuộc đời mình. Thằng Sáng nghe ba nó than cái mái tóc vàng hoe thì phì cười rồi hối thúc đi. Cái thằng nhỏ xíu mà đã biết lo rồi:
– Từ sáng giờ bán có mấy tờ mà lại còn suýt mất vé số nữa. Thôi đi quán khác bán đi ba.
Cả nhà cười vui như trên đời này họ là những người hạnh phúc nhất và lại rồng rắn bước chậm chạp trên vỉa hè nơi đỗ toàn những chiếc ô tô và xe máy đắt tiền.
Tiếng những bước chân chìm vào sự hối hả của dòng xe cộ đang lưu thông vào giờ cao điểm.
Qua cái bận bị người ta lừa lấy vé số, anh Tám mù không đủ tiền đền cho đại lý nên người ta không giao vé cho anh bán. Nhân lúc đang thịnh hành phong trào vừa hát vừa bán kẹo, anh gom tiền mua cái loa rồi tập hát để mưu sinh. Những ngày đầu chưa quen, anh hát rả cả họng và giọng anh khàn đặc, mất tiếng đến mấy ngày. Thằng cu Sáng nhỏ thế mà thương ba. Nó nói để mai con hát cho ba mẹ bưng kẹo bán. Mẹ nó cười bảo không có “đèn” làm sao đi được còn ba vỗ đầu nó bảo “người ta có ai mà nghe “Cháu lên ba” với “Bắc kim thang” bao giờ đâu. Nó tiu nghỉu nhưng vẫn cố thử. Hôm sau, nơi ngã tư đường, những người uống cà phê buổi sáng vừa tức cười, vừa thương khi thấy thằng Sáng đứng chưa cao hơn cái loa ca những bài hát mẫu giáo cho ba mẹ nó lần mò từng bước bán kẹo. Ai cũng động lòng nên mua giúp. Chỉ được vài hôm anh Tám mù không cho con hát nữa vì tối về nó ho cả đêm làm vợ chồng anh xót ruột lo cho con. Anh ráng bám lấy cách mưu sinh này bằng cái giọng nhừa nhựa, khàn khàn của mình. Mỗi khi anh đi qua, người ta mua kẹo của vợ con anh vì thương hoàn cảnh mù lòa chứ không phải vì hâm mộ giọng hát của anh. Có hôm, hai cha con anh bán ở quán nhậu lề đường, mấy cậu thanh niên ngà ngà say bắt anh hát đến chín mười bài rồi ép anh uống đến mấy ly bia mới trả cái giỏ kẹo cho cha con anh đi trong tiếng cười khoái trá. Cả cuộc đời anh nào biết đến mùi bia rượu nên tối đó anh chóng mặt loạng choạng té ngã ngoài đường. Từ đó, anh rất sợ khi đi bán ở những quán nhậu mà chuyển qua bán ở chợ. Mấy bà bán hàng ngồi phẩy ruồi trề miệng chê:
– Sao dạo này ông Tám mù hát dở quá. Bài “Duyên phận” nó ngọt lịm vậy mà ổng ca sao lạt nhách. Nhạc đi một đường hát đi một nẻo. Nghe cứ tréo ngoe cẳng ngỗng.
Có bà còn vô duyên giựt cái micrô ca mấy đoạn mà không ủng hộ cây kẹo nào. Còn mấy bà hàng quần áo khó tính hối cả nhà anh đi cho nhanh để họ còn bán chứ anh đứng trước hàng của họ xui lắm. Cả nhà anh chen chúc một cách khó khăn giữa những lối đi trong chợ đông nghẹt người. Có hôm đi qua chừng hai dãy hàng, anh bảo thằng Sáng dừng lại cho anh thở chút chứ anh không hát nổi. Nhìn người vợ mù lau từng giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng của chồng mới thấy cái tình họ dành cho nhau. Thảo nào mà anh thường hay khen vợ anh đẹp trong con mắt mù lòa của mình. Họ đói khát, thiếu thốn vật chất chứ tình yêu họ có thừa. Chị vợ thương chồng quá mà rỉ tai bằng cái giọng buồn thê thảm:
– Hay mình để em đi xin ăn phụ giúp mình được phần nào.
Nói đến đây giọng chị nghẹn lại, những dòng lệ chực trào từ khóe mi đôi mắt đùng đục, vô hồn. Anh ngồi hẳn lên cái loa thùng tay quơ quơ níu lấy người vợ của mình vào lòng.
– Không được đâu mình ơi! Bởi tui mù lòa không nuôi nổi vợ con để mình phải khổ. Cơ cực bao nhiêu tui cũng chịu được nhưng phải kiếm sống bằng sức lao động của mình. Không được đi xin sự bố thí đâu.
Thằng Sáng đang ngẩn ngơ ngắm dòng người đi chợ mà nó nào hay nỗi buồn thấu tận tâm can ba mẹ nó. Bà Lan bán hành tỏi đứng gần bên nước mắt lưng tròng khi vô tình nghe được câu chuyện của họ. Bà cũng buôn gánh bán bưng nên có giúp được gì nhiều cho gia đình này đâu. Ai thấy cảnh này cũng xúc động mà buông ra câu “tội quá”. Trời đã gần trưa, cái nóng hầm hập như chụp xuống dãy lều nhếch nhác, tạm bợ trong chợ. Dòng người đi chợ thưa dần, cả nhà anh Tám mù lại lần mò kéo cái loa với hai giỏ kẹo và đủ thứ linh tinh khác tìm chỗ mát trên những mái hiên nhà gần chợ ngồi nghỉ. Vợ anh lôi ra gói xôi mua từ nửa buổi sáng chia ra làm ba để cả nhà cùng ăn. Thằng Sáng nhai chưa đầy một phút đã hết bén cục xôi. Nhìn nó thèm thuồng gỡ từng hạt nếp dính trên mấy ngón tay mà thấy thương. Cơn gió hiếm hoi thổi mái tóc vàng hoe lòa xòa trên khuôn mặt non nớt, tội nghiệp.
Chiều nay, tôi lại thấy gia đình anh Tám mù lục tục kéo nhau qua ngõ. Nghe tôi cất giọng hỏi thăm có bán được nhiều hông thì anh nở nụ cười mà khuôn mặt biểu cảm thấy xót. Đôi kính đen che cặp mắt cứ như muốn tuột khỏi cái sống mũi. Vợ chồng anh đã mở được một tiệm mát xa người mù phục vụ những cụ già loanh quanh trong khu phố này vào những lúc chiều muộn. Ban ngày thì đi hát bán linh tinh đủ thứ, chiều về lại chung tay chuẩn bị cho buổi mưu sinh cuối ngày. Hy vọng việc làm mới này sẽ giúp họ có thêm thu nhập mà nuôi thằng con nên người. Ai cũng sống một cuộc đời và ai rồi cũng trở về với cát bụi nhưng sao thấy họ loay hoay, xoay xở để tồn tại mà thương quá…
BÙI DUY PHONG