(VNBĐ – Thơ và lời bình). Thực tế 13 cán bộ, chiến sĩ bị vùi trên đường đi cứu nạn ở Rào Trăng (Thừa Thiên- Huế) trong mùa mưa bão năm 2020 làm nhức buốt tâm can cả nước. Thực tế đó đã dội đập vào trái tim người cầm bút khiến ngòi bút của họ cũng rướm máu. Và máu đã nhỏ xuống mỗi dòng thơ ở bài thơ Cơn mưa không có nước của nhà thơ Mai Thìn.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh những chiếc mũ “còn nguyên vẹn những ngôi sao” của các chiến sĩ bị vùi lẫn trong bùn lầy, “lẫn trong xương thịt của rừng”, Mai Thìn đã để cho mạch cảm xúc đớn đau, cảm khái của mình chảy suốt từ đầu đến cuối bài thơ. Hình ảnh ngôi sao trên mũ là biểu tượng cao quý cho vẻ đẹp anh bộ đội Cụ Hồ đã tạc vào thơ của Vũ Cao: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”. Còn hôm nay, “không có súng bom/ không nghe đạn nổ/ chỉ là một cơn mưa” thôi, nhưng 13 cán bộ chiến sĩ đã bị vùi trên đường đi cứu nạn ở Rào Trăng.
Mưa là chuyện của trời từ khai thiên lập địa, nhưng “cơn mưa đêm qua” rất lạ. Nó “không như ngàn vạn cơn mưa trước”. Cái lạ nằm ở chỗ mưa mà “không có nước”. Không có nước, vậy cơn mưa có gì? “ròng ròng máu/ và nước mắt”. Thật rùng rợn, thảm khốc. Hoàn toàn không giống với cách nói ẩn dụ (cơn mưa bàn thắng, cơn mưa cú đấm…), mưa máu và nước mắt được tạo nên từ trường liên tưởng với mưa của trời. Và giữa chúng có mối quan hệ nhân quả. Chính mưa lũ đã gây nên “máu” và “nước mắt” cho con người, hay chính con người đã gây nên máu và nước mắt của thiên nhiên?
Mai Thìn không kể lể nhiều mà chỉ bằng hai thi ảnh “máu” và “nước mắt” được tạo nên từ trường liên tưởng mưa trời, ngòi bút của anh đã thấu đến tận cùng cái khủng khiếp, tàn khốc của thiên tai, làm ám ảnh người đọc.
Cái độc đáo của Mai Thìn là không đi sâu vào tả, kể sự hy sinh của 13 cán bộ chiến sĩ, mà chỉ bằng hai câu thơ: “Lẫn trong xương thịt của rừng là những chiếc mũ/ còn nguyên vẹn những ngôi sao” cũng đủ gieo bao đớn đau, ngậm ngùi, thương tiếc về sự hy sinh của người lính. Cái hay của câu thơ trên còn nằm ở cụm từ “xương thịt của rừng”, “thân xác của rừng”. Nhìn thấy bùn lầy, đất đá, cành trơ mà liên tưởng ra “xương thịt”, “thân xác của rừng” là một phát hiện, một liên tưởng khá mới mẻ, độc đáo. Cho nên, nhà thơ không chỉ xót thương 13 cán bộ chiến sĩ bị vùi ở Rào Trăng mà còn biểu lộ nỗi xót xa về cái chết của bà mẹ thiên nhiên. Sinh mạng của rừng cũng chính là sinh mạng của con người. Con người cả khi đang sống và cả lúc chết đi cũng hòa với rừng, với thiên nhiên là một.
Khổ cuối bài thơ lập lại cảm hứng chủ đạo vẫn là hình ảnh ngôi sao trên mũ người lính: Các anh đi/ những chiếc mũ/ còn nguyên vẹn những ngôi sao/ rưng rưng sáng.
Lần này, hình tượng ngôi sao trên mũ xuất hiện thêm một sắc thái mới “rưng rưng sáng” nằm ở dòng thơ cuối đã gói trọn cái bi hùng của toàn bộ bài thơ. Hình ảnh các anh sẽ sống mãi trong lòng đồng đội, nhân dân. Dù các anh không còn nữa, nhưng vẫn “vẹn nguyên” phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ. Cả nước khóc tiễn các anh bằng triền miên mưa, những “cơn mưa không có nước”, mà “ròng ròng máu / và nước mắt/ đổ xuống Rào Trăng”…
Cơn mưa không có nước chính là nén tâm nhang mà nhà thơ Mai Thìn kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt những chiến sĩ quả cảm hy sinh ở Rào Trăng về với đất Mẹ. Và đó cũng là hồi chuông về sự tàn khốc của thiên nhiên đang ngày càng bị cùng kiệt.
Cơn mưa không có nước (Tưởng nhớ 13 cán bộ, chiến sĩ bị vùi trên đường đi cứu nạn ở Rào Trăng) MAI THÌN Lẫn trong xương thịt của rừng là những chiếc mũ không như ngàn vạn cơn mưa trước thân xác các anh hòa với thân xác của rừng các anh đi |
TUỆ MỸ
(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)