Những chân dung Mẹ

(VNBĐ – Đọc sách).

(Đọc tập bút ký “Còn đó nỗi đau” của nhà văn Trần Duy Đức, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Tháng 7.2022, nhà văn Trần Duy Đức ra mắt bạn đọc tập ký Còn đó nỗi đau. Sách dày gần 500 trang, viết về lịch sử An Nhơn, về các anh hùng lực lượng vũ trang, và đặc biệt là khắc họa chân dung của hơn 45 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) tiêu biểu của vùng đất An Nhơn. Cuốn sách khiến người đọc xúc động về những chân dung Mẹ, thấy nhói lòng trước những nỗi đau, sự mất mát quá lớn do chiến tranh gây nên.

1.

Tôi tin rằng, tác giả Trần Duy Đức đã viết nên những trang sách này bằng sự chân thành xúc động, bằng tấm lòng tri ân của một đứa con dành cho mẹ, cho quê hương. Bản thân ông, khi tuổi mới đôi mươi đã thấm thía nỗi đau mất mẹ, mất cha. Trong dòng hồi ức của mình, khi nhắc về bức thư cha gửi từ miền Bắc xa xôi và nỗi đau mất mẹ, ông viết: “Năm 1966, mẹ tôi bị lính Nam Triều Tiên giết hại, trong người còn giấu bức thư ấy, thư cha viết bằng giấy poluya mỏng mịn nên mẹ cuộn gọn chỉ bằng ngón tay cái, gói chung với hai chiếc nhẫn vàng cưới của cha mẹ (mỗi chiếc một chỉ), bỏ vào cái túi vải nhỏ vuông vắn giống như cái phái, cài kim băng phía trong ngực áo yếm. Rồi đến năm 1970, cha tôi cũng hy sinh ở chiến trường Phú Yên ác liệt. Đã hơn nửa thế kỷ, bức thư của cha tôi vẫn còn giữ cho đến ngày nay, đến ngày giỗ mẹ, giỗ cha là lấy ra đọc”.

Chiến tranh đã gây ra bao chia cách, ly loạn mất mát. Ở An Nhơn, hàng trăm liệt sĩ của Sư đoàn 3 Sao Vàng ở ngôi mộ chung chẳng xác định được thông tin bản quán cụ thể. Họ mãi nằm lại nơi đất mẹ bao dung. Bao cuộc tìm kiếm hài cốt của thân nhân như trôi vào vô vọng. Khi đọc những dòng ghi chép của tác giả về một người vợ quê ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nhiều lần vào An Nhơn tìm hài cốt chồng mà rưng rưng: “Lần nào cũng thế, người vợ liệt sĩ ấy cũng đành thành tâm khấn nguyện, đặt mấy cành hoa tươi và thắp ba nén nhang thơm lên ngôi mộ chung, với hy vọng mong manh có xương cốt chồng mình trong đó, rồi sụt sùi lau nước mắt đón tàu xe về lại quê lúa Thái Bình”.

2.

Qua trang sách của Trần Duy Đức, những chân dung anh hùng lực lượng vũ trang, người chiến sĩ cách mạng một thời được phác tạc cụ thể. Người đọc hiểu nhiều hơn về những anh hùng cách mạng một thời như Nguyễn Bèo, Phan Năm, Võ Thị Yến, Trần Thị Kỷ. Đặc biệt hơn hết, cũng là phần chính cuốn sách là những trang viết khắc họa chân dung của hơn 45 Mẹ VNAH tiêu biểu của An Nhơn. Trong đó, có gia đình đến tám liệt sĩ và bốn Mẹ VNAH như nhà Mẹ Nguyễn Thị Đẩu ở Tân Kiều – Nhơn Mỹ; có nhà sáu liệt sĩ và ba Mẹ VNAH như nhà Mẹ Lê Thị Ngọc ở Quan Quang – Nhơn Khánh; có Mẹ có ba người con trai khi đi kháng chiến chưa có gia đình và đều hy sinh, nên không còn ai nối dõi tông đường như Mẹ Lê Thị Chiểu ở Đại Bình – Nhơn Mỹ… Các Mẹ – người mất người còn, nhưng điểm chung là có những nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn khiến người đọc lặng thắt.

Lật giờ bất kỳ trang sách nào về một Mẹ VNAH trong Còn đó nỗi đau, người đọc đều như thấy những hy sinh lớn lao của các Mẹ. Như, khi đọc về chân dung Mẹ VNAH Bùi Thị Bốn (sinh năm 1906, quê ở Nhơn Phong), người đọc không khỏi bùi ngùi. Gia đình Mẹ có đến bốn liệt sĩ: “Gồm 3 con trai và một cháu nội hy sinh trong cả ba thời kỳ cách mạng: Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả”. Mẹ Bốn mất năm 1989, nhưng những người lớn tuổi của vùng đất Nhơn Phong còn nhắc nhớ đến Mẹ – một người phụ nữ quả cảm, chịu nhiều thiệt thòi nhưng mãi giữ đức tính nhân hậu, độ lượng, được bao người quý mến, thương yêu.

Hoặc, người đọc không khỏi xót xa khi đọc lại những trang viết về Mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1928, ở Nhơn Lộc). Mẹ Xuân mất chồng ở tuổi 30. Chồng của Mẹ vì đau ốm liên miên, không chịu được sự khủng bố của địch nên qua đời khi còn khá trẻ. Mẹ Xuân ở vậy nuôi bốn người con. Tên bốn người con khi ghép nối lại như là một gửi gắm hy vọng: Vĩnh – Viễn – Tồn – Tại. Nhưng chiến tranh, đã cướp mất sinh mệnh hai người con trai của Mẹ Xuân. Tác giả đã ghi lại cụ thể quá trình hoạt động cách mạng và sự hy sinh của hai liệt sĩ Lê Văn Vĩnh và Lê Văn Viễn – con của Mẹ Xuân: “Người con trai thứ là Lê Văn Viễn đang học trung học ở quận lỵ (thời ấy thuộc xã Nhơn Hưng, nay là phường Bình Định) tham gia tổ chức biệt động thành mang tên Liên chi đoàn Trần Văn Ơn, hoạt động hợp pháp trong quận lỵ, thị trấn. Lê Văn Viễn rất nhanh nhẹn năng nổ, Mẹ bảo Viễn cưới vợ nhưng anh chưa chịu vì còn trẻ và lập gia đình sẽ vướng chân khó hoạt động. Đến năm 1971 bị lộ, nên thoát ly hoạt động trong đội vũ trang công tác xã Nhơn Lộc, khi chiến dịch Xuân Hè – 1972 mở ra, địch ra sức phản kích, Lê Văn Viễn bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1972, tại đình Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, mới bước sang 20 tuổi”. Và: “Hiệp định Paris vừa ký kết, đối phương đã huy động tối đa binh lực triển khai kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” càn quét lấn đất vùng ta làm chủ, cắm cờ giành dân gây cho ta không ít khó khăn, tổn thất. Tỉnh có chủ trương động viên anh em thanh niên trẻ tuổi xung phong ra phía trước. Lê Văn Vĩnh lúc ấy đang học trường nông nghiệp trên căn cứ của tỉnh ở Kim Sơn, huyện Hoài Ân, tình nguyện xung phong vào Tiểu đoàn 56 bộ đội tỉnh, cùng đồng đội chiến đấu chống địch lấn chiếm cứ điểm núi Bằng Đầu, thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ và đã anh dũng hy sinh vào ngày 02 tháng 3 năm 1973, mới vừa tròn 23 tuổi, chỉ còn hơn hai năm nữa là quê hương Nhơn Lộc và cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc”.

3.

Chân thực đến đau đớn. Nỗi đau hiển hiện rõ rệt qua từng lát cắt thời gian, qua từng khuôn ảnh của các mẹ. Khi đọc đến bài viết “Một gia đình có tám liệt sĩ, bốn Mẹ VNAH”, chắc hẳn khó ai cầm được nước mắt bởi sự khủng khiếp của chiến tranh và nỗi đau quá lớn đối với một người mẹ.

Trong tập sách, còn biết bao Mẹ VNAH của vùng đất giàu truyền thống cách mạng An Nhơn làm người đọc nhói lòng, những Mẹ Bốn, Mẹ Thu, Mẹ Nhì, Mẹ Chiểu, Mẹ Năm, Mẹ Liễu, Mẹ Bảy, Mẹ Gài, Mẹ Muôn, Mẹ Thiển, Mẹ Tý, Mẹ Trợ, Mẹ Thà… Họ là những người mẹ trong hàng trăm Mẹ VNAH của An Nhơn và chục vạn Mẹ VNAH trên cả nước xứng đáng được ghi nhận, dành sự tri ân, lưu vào trang sử cách mạng của quê hương, đất nước. Nhà văn Trần Duy Đức bộc bạch trong sách rằng: “Nhiều Bà Mẹ VNAH hy sinh cả chồng, con, cháu và cả bản thân Mẹ, có gia đình đến bảy tám liệt sĩ, ba bốn Bà Mẹ VNAH. Đã mấy mươi năm rồi mà nhiều người thân của liệt sĩ mòn mỏi kiếm tìm vẫn chưa xác định chồng con mình nằm ở đâu để quy tập về nghĩa trang, tại các nghĩa trang thì còn nhiều lắm những tấm bia liệt sĩ chưa rõ tên. Nỗi đau và nước mắt của họ không đo bằng năm tháng, mà đo bằng cả cuộc đời… Những điều tôi mạnh dạn ghi lại trong tập sách Còn đó nỗi đau trên quê hương An Nhơn anh hùng, cũng chỉ là những điển hình, rất tiêu biểu trong hàng ngàn hoàn cảnh do chiến tranh gây nên. Không thể ghi chép đầy đủ, diễn tả hết nỗi đau mất mát quả lớn, mà đằng sau đó là lấp lánh niềm vinh dự, tự hào của một thế hệ vàng son”.

Sách Còn đó nỗi đau dày dặn, thể hiện sự công phu của người viết. Tập ký mang màu sắc lịch sử, thế mạnh về thông tin, tư liệu với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị như là một món quà tri ân những anh hùng, những Mẹ VNAH đã có nhiều đóng góp cho nền độc lập hôm nay. Sách cũng là nguồn tư liệu quý để bạn đọc hiểu rõ hơn về con người, văn hóa lịch sử, tinh thần cách mạng của vùng đất giàu truyền thống cách mạng An Nhơn.

PHONG NHI

(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.