Những bông hoa hạnh duyên

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Ga Diêu Trì giữa ngày cuối hạ. Mặt trời như đậu trong tấm gương. Hơi nóng từ khung đường ray cộng hưởng cùng những ngọn gió Nam hầm hập phả lên bỏng rẫy. Chờ tàu, mấy người khách du lịch mồ hôi đầm đìa, gương mặt đỏ bừng, ai nấy đều lộ rõ vẻ mỏi mệt. Mặc! Thời tiết không làm cho người chiến binh dạn dày trận mạc bận lòng. Ông Trung điềm nhiên vuốt nhẹ mái tóc bồng bềnh sương trắng, ánh mắt ngời lên, hình như ông đang vui vì trên đường xuống đây được ngắm quê hương mình từng ngày đổi mới. Nhưng rồi, ông đưa bàn tay gân guốc mân mê chiếc ba lô đã bạc, lại tần ngần nắn vết sẹo dài ửng hồng trên vành tai trái, gương mặt phong trần trùng xuống, lòng ông dâng lên một nỗi cảm hoài. Ngược Bắc lần này, việc trọng đại là tính chuyện cưới xin cho thằng Bình. Bên cạnh đó ông cũng muốn kết hợp tìm kiếm thông tin, giải tỏa nỗi ray rứt hằn sâu như vết cứa vào trái tim ông từ những ngày gian khó.

***

Đại đội 4 phối thuộc với tiểu đoàn bạn tham gia chiến dịch tấn công vào vùng núi giáp biên giới Thái Lan. Đơn vị hành quân suốt mấy ngày vẫn chưa tới vị trí tập kết. Toàn đội hình được lệnh dừng chân tạm dưới một trảng trống lúp xúp cây bụi, một số ụ mối và những gốc dầu cổ thụ đã bị pháo kích của cả hai bên phạt ngang, cháy sém, đen trũi như những cây than trơ trốc, lập lờ giữa trời chiều chạng vạng. Phía trước mặt là một eo núi thấp. Hai bên lừng lững những mỏm núi đất nhấp nhô.

Hành quân đường dài, lính tráng mỏi mệt, vạ vật, tranh thủ giở cơm nắm ra ăn. Bất thần, từng loạt cối 60, 82, DKZ, 12ly8 thi nhau chụp xuống đội hình. Lửa đầu nòng nhoáng nhoàng như những tia chớp liên thanh rạch sáng trời biên địa. Lính tráng nhốn nháo, mạnh ai nấy lăn vội vào những vị trí khả dĩ có thể ẩn nấp. Một số đã trúng đạn, có tiếng kêu la thất thanh, có tiếng nấc nghẹn ứ trong miếng cơm chiều nhai dở. Các cấp chỉ huy la lối, hô hào anh em bình tĩnh bắn trả. Từng trái B40, B41, cối ta xé gió vút lên. Nhưng địch quân ở trên cao, tầm quan sát tốt, còn mình ở dưới thấp lại bị động, rõ ràng thập phần bất lợi. Quân ta cố gắng đột phá, tạo đường máu rút lui nhưng không thành bởi chúng tập trung bắn phá điên cuồng với lưới lửa hỏa lực dày đặc, mạnh mẽ.

Chừng nửa giờ, địch bắt đầu xung phong. Từ các điểm cao trên cả ba mặt, từng đoàn, từng lớp áo đen tràn xuống, tiếng đạn nhọn rát rạt, tiếng hỏa lực yểm trợ ùng oàng, tiếng “chô, chô” vang động. Sự dũng cảm không thể bù đắp được sự thất thế về địa hình, về nhân sự lẫn vũ khí trang bị, quân ta rơi vào tình trạng mất kiểm soát, các đơn vị bị chia cắt, từng mảng miếng dần tan rã.

Hồi lâu, bóng tối sụp xuống, cộng với khói bụi mịt mùng rất khó phân biệt được ta địch. Tiếng đạn im bặt. Nhưng không vì thế mà bớt phần nguy hiểm. Một sự yên lặng chết chóc. Vừa di chuyển vừa thủ thế, đang lúc tập trung cao độ, tôi vấp phải một thân người rồi ngã dúi dụi vào lùm cây. Có tiếng rên khe khẽ, lại có tiếng bước chân, tôi định thần quan sát. Ôi trời! Năm cái bóng áo đen. Người tôi run lẩy bẩy, mồ hôi túa ra như tắm. Kẻ thù ngay trước mặt mà sao lại thế cơ chứ? Tôi thầm trách mình. Vội hít vào một hơi thật sâu, cơ thể dần điều hòa, tôi thấy tên chỉ huy chừng như đang lệnh cho bốn tên còn lại sục sạo kiếm tìm. Tôi lùi sâu vào lùm cây, ôm súng chờ đợi. Cả bọn đi tới, lưỡi lê lăm lăm, nếu chúng xiên xuống tôi sẽ xử ngay. Nhưng không, chúng phạt ngang, tôi lanh lẹ rụt người, cành lá ngả sang bên vô tình như chiếc áo ngụy trang che đỡ. Chợt một tên ngoặt lại. Nó phát hiện gì chăng? Tôi căng mắt theo dõi. Từng giây. Từng giây. Thời gian như ngừng trôi. Mọi nơ ron thần kinh giăng hết cỡ. Trái tim tôi như muốn vỡ tung. Trong sát na sinh tử tinh túy con người lẩn khuất đâu đó chợt bung ra. Tôi lẹ làng búng viên sỏi lên phía trước. Tiếng động làm năm tên khựng lại. Tôi búng tiếp viên nữa, lần này dụng lực mạnh hơn. Cả lũ lướt qua hướng ấy. Thật hú vía! Thần chết chưa muốn bắt tôi đi.

Nằm yên hồi lâu, không thấy động tĩnh gì, tôi nhẹ nhàng trườn lại chỗ có tiếng rên khi nãy. Ối! Một tên Pốt. Tôi nâng lê. Chợt đôi mắt nó từ từ hé mở, môi mấp máy điều gì? Tôi không hiểu. Chỉ thấy ánh mắt thật ngây thơ, khuôn mặt non choẹt. Chắc nó chỉ độ mười ba, mười bốn tuổi. Đôi mắt ấy nặng nề ứa vài hạt lệ. Trước vành móng ngựa kẻ tội đồ nào chẳng tỏ ra lương thiện. Không thể yếu mềm được. Nó là kẻ thù, nó đã hại nhiều người dân vô tội và rất có thể nó cũng đã sát hại những đồng đội của tôi. Lưỡi lê đã gần chạm ngực, chợt nhớ ngày bé, nội dạy học võ là để cứu khốn phò nguy. Làm sao có thể xuống tay với một đứa trẻ? Chắc chắn nó bị bắt lính. Không có chế độ man rợ Khơ me đỏ hẳn là nó đang ngồi trên ghế nhà trường và cũng như tôi nếu không có chiến tranh, xứ Nẫu quê hương đang rất cần sức trẻ…

Trận địa yên ắng lạ. Bóng tối thăm thẳm. Thoáng thấy hai dáng người lướt qua, tôi cắm cúi chạy theo. Dù thế tôi rất cảnh giác khi không biết hai người ấy là ta hay địch. Và tôi đã mừng đến suýt kêu lên thành tiếng khi khoảng cách gần hơn, một, rồi hai chiếc ba lô ẩn hiện. Họ chừng cũng đã nhận ra tôi nên không phản ứng gì cứ tiếp tục leo lên rồi tụt xuống. Đến một gốc dầu cổ thụ, khi đã qua ba ngọn núi cao, anh đi trước chợt dừng lại và nói: “Đã ra xa trận địa, tạm thời an toàn, cần phải tìm cách trở về đơn vị!”. Chúng tôi tựa vào gốc cây nghỉ tạm. Hỏi ra mới hay mỗi người một B. Anh Thành là B trưởng B3, còn Hạ cũng là lính mới, mới bổ sung về đơn vị như tôi.

Phía xa, một tiếng nổ rền vang. Có lẽ lính ta vấp mìn. Bọn Pốt lại chĩa hỏa lực về hướng ấy. Anh Thành thở dài, rồi xẵng giọng: “Đ.m mấy thằng trinh sát, bọn Pốt đến cả trung đoàn như vậy mà không phát hiện ra!”. Chúng tôi cùng nhìn nhau ngán ngẩm. Anh lại nói tiếp: “Giờ nếu mình quay trở lại thì rất dễ rơi vào ổ địch. Chi bằng cứ nằm đây, sáng mai cắt rừng về!”. Lời anh là lệnh. Tôi và Hạ nằm gối đầu lên rễ dầu thao thức. Trận đầu tiên trong đời lính là thế này sao? Nguy hiểm, khốc liệt, mất mát hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi tưởng. Đêm cuối tháng, vài ngôi sao đơn côi ẩn hiện trên nền trời đen thẫm. Rừng khuya tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió vi vút thổi như lời thầm thì của các anh linh đồng đội vừa ngã xuống chiều nay.

Chợt anh Thành cất tiếng: “Hai thằng ngủ đi, giờ tao gác trước, rồi đến thằng Hạ, Trung gác cuối!”. Bên anh Thành, tôi và Hạ có phần vững tâm hơn. Sớm mai, chúng tôi lên đường. Đang giữa cao điểm mùa khô, cây cỏ gầy đét, tong teo. Anh Thành dẫn đầu mở đường, tôi và Hạ thay nhau chặn hậu. Ba ngày cơ bản không có vấn đề gì. Đói, mệt, chúng tôi ngồi nghỉ, lấy gạo sấy ra ăn. Anh Thành chỉ dạy cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm bổ ích. Tôi có thời gian quan sát anh thật kĩ. Dáng người cao to, cân đối, cơ bắp săn chắc, da ngăm đen, đôi mắt sáng tinh anh. Ấn tượng nhất là đôi tai to, dày, dái tai rất đầy đặn, xệ xuống như tai Phật. Chất giọng đặc trưng xứ Thanh nặng trịch nhưng chắc chắn, đầy uy lực. Anh hai mươi mốt, hơn tôi hai tuổi. Còn Hạ, một chàng trai mười tám, nhỏ nhắn, thư sinh, ánh mắt mộng mơ như đất trời quê hương xứ Huế. Vậy là chúng tôi đều cùng chung khúc ruột miền Trung, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, gặp nhau trong hoàn cảnh này tự nhiên thành ra thân thiết, gắn bó.

Đêm hôm sau, anh Thành vẫn gác ca đầu, tôi và Hạ đổi ca. Vừa mơ màng ngủ, chợt tiếng: “à, uôm” vang động khắp núi rừng, mùi hôi thối ở đâu nồng nặc bay đến, tôi và anh Thành choàng tỉnh. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Đồng thời một con hổ to như con bò mộng lao thẳng tới Hạ với tốc độ và sức mạnh kinh hoàng. Thêm một tiếng nổ rát rạt. Hạ lĩnh nguyên một cú tát như trời giáng. Anh bay ra, đập vào thân cây gần đó rồi bất động. Con hổ cũng bị trúng đạn, nó đau đớn, mặt chảy máu đỏ lòm, điên cuồng cắn xé. Nói thì lâu nhưng thời gian xảy ra chỉ trong chớp mắt. Tôi và anh Thành cùng xả một tràng đạn. Con quái thú gục đầu chết hẳn. Hạ ra đi thật thê thảm. Cặp mắt vẫn mở trừng trừng. Khuôn mặt vẫn còn hằn lên vẻ hoảng sợ cực độ. Chúng tôi khiêng anh ra xa, vuốt mắt rồi chôn cất. Anh Thành vun từng nắm lá khô lên nấm mộ. Tôi cố kiếm vài bông hoa nhưng không thể đành ngắt mấy nhành cỏ dại cắm lên thay nén nhang đưa tiễn. Tôi và Thành cùng thì thầm khấn vái cầu mong linh hồn Hạ sớm được siêu thoát trở về đất mẹ và phù hộ cho anh em tôi nhanh tìm được đơn vị.

Tờ mờ sáng, vĩnh biệt Hạ, chúng tôi tiếp tục lên đường. Hướng thì đã xác định nhưng vì tránh địch nên vẫn phải đi theo đường zíc zắc. Anh Thành đi đầu, vừa trinh sát vừa tìm nguồn nước. Hai ngày nữa trôi qua. Những mảnh lương khô vụn cũng đã hết. Bình toong chỉ còn một chút xíu, chẳng đủ tạo nên tiếng óc ách dù thật nhẹ. Rất nhiều lần tôi đã lén mở nắp liền bị anh Thành giữ lại bởi anh nói chỉ khi nào không thể chịu đựng nổi mới được dùng những giọt nước cuối cùng ấy. Trưa hôm sau, chúng tôi tới một vùng bạt ngàn lau lách. Cũng lạ! Nắng cháy thế mà lau cứ bời bời tốt. Những bông lau cứ ngồm lên, vươn mình mà trắng, miên man, tít tắp, hoang dại, kiêu hùng. Thi thoảng có cơn gió trườn qua, cả cánh rừng biến hình thành đại dương bao la dập dềnh trăm nghìn con sóng trắng. Hết vùng lau, tới một lòng chảo, một hồ nước thì phải? Chúng tôi khấp khởi mừng thầm! Nhưng rốt cuộc, chỉ thấy những vạt đất nứt nẻ, còng queo. Một đêm nữa lại nặng nề qua đi trong đói, khát. Mới hửng sáng, chúng tôi đã vội vàng kiếm tầng cây thấp, liếm từng hạt sương mỏng manh còn đọng trên cánh lá rồi tìm ít búp dầu non nhai cho đỡ xót lòng.

Chiều lưng lửng, khi đang luồn trong lòng suối cạn, chợt một tiếng nổ đinh tai. Tôi hoảng hốt chạy lên. Anh Thành nằm ôm bụng lăn lóc. Mảnh đạn quái ác khoét một lỗ lớn. Một mớ hỗn độn, bùng nhùng, nhoe nhoét. Anh thều thào: “Tao không ổn rồi Trung ơi!”. Tôi hoảng loạn thật sự, một lúc mới trấn tĩnh lại. Tìm cuộn băng cá nhân vừa băng bó vừa động viên anh mà mồ hôi đẫm áo. Máu, dịch vẫn cứ tràn ra. Mặt anh tái dại, giọng nói yếu ớt, đứt quãng. Anh kêu tôi đỡ anh di chuyển ra nơi khác. Tôi hiểu ý, cố gắng đưa anh lên chếch bên phải chừng trăm mét. Anh đã yếu lắm, đôi môi nhợt nhạt, thều thào: “Nước… cho… nước…!”. Tôi vội chạy tới vị trí cũ. Vừa cầm được bình toong thì những tiếng nổ long trời, đất đá tung bay mù mịt, chỉ thấy người lơ lửng rồi chìm vào vô thức. Không biết bao lâu, tôi choàng dậy. Ngơ ngác hồi lâu mới hiểu, tôi bị sức ép đạn pháo thổi bay ra xa, ngất đi. Ngay lập tức tôi chạy lên chỗ anh. Kỳ lạ! Vệt cỏ còn in hằn, máu còn đọng lại một vũng thâm sì. Mà anh đâu? Tôi tìm khắp xung quanh. Không có dấu vết bò trườn. Với lại anh đã yếu vậy rồi thì sao có thể tự mình di chuyển? Mà nếu anh đã mất thì phải còn thân xác chứ? Hay anh đã bị hổ tha đi? Trời ơi, tôi không dám nghĩ tới nữa! Dù là lý do gì thì sự thực tôi đã mất anh rồi. Tôi quỳ xuống chỗ anh nằm. Bàn tay tôi vân vê, sờ soạng trên từng cọng cỏ như tìm kiếm, bấu víu một thứ gì vô giá. Lạnh ngắt. Trống không. Đêm rải màu tăm tối. Gió chờn vờn đung đưa mấy tàng cây như bóng ma vờ vật. Tiếng chim kêu thê lương. Tôi ôm mặt khóc nức nở.

Một lúc sau, tôi quay lại, bới tìm trong đống hoang tàn, mấy chiếc ba lô tả tơi, hai chiếc bình toong bay đi đâu mất. Tìm mãi mới thấy cái báng súng. Súng đã hỏng, tôi tháo chiếc lưỡi lê dắt vào thắt lưng. Giữa chốn nguy nan này, tay không tấc sắt sao đành? Tôi càng thêm căm hận lũ Pôn Pốt khát máu đã gieo tang tóc, đau thương cho chính dân tộc họ, cho cả đồng bào tôi, buộc chúng tôi phải thực hiện cuộc chiến tranh bắt buộc nhằm bảo vệ nhân dân tôi, cứu lấy những người Khơ me chân chính. Để rồi máu của tuổi trẻ lại đổ trên những cung đường chinh chiến.

Tôi nằm vật trên cỏ. Mệt mỏi. Não nề. Cái đói, cái khát lại kéo đến. Tôi đi tìm cây dầu. Áp từng chiếc lá thô ráp vào miệng, vào mặt, vào mũi. Chưa có giọt sương nào kịp đọng. Tôi ngắt vội mấy búp non. Đắng nghét. Tôi lại thiếp đi.

Chợt có tiếng lạo xạo. Tôi tỉnh dậy nghe ngóng. Tiếng động càng lúc càng gần. Quét mắt về phía ấy, hai bóng đen đang thập thễnh bước trên vạt rừng ruộm lá. Vội nép mình vào một mô đất, cầm chắc lưỡi lê, nếu là Pốt tôi sẽ liều mạng với chúng. Mà đúng hai tên Pốt thật, một nam, một nữ bộ dạng cũng chẳng khá hơn tôi là mấy. Lửa căm hờn ngùn ngụt cháy, tôi quyết định nhanh. Lưỡi lê bén ngọt như cơn gió lướt qua. Tên Pốt nữ gục xuống. Thằng Pốt nam quay lại sửng sốt chưa kịp phản ứng gì đã bị ngọn lê xuyên ngay giữa ngực. Đao pháp Bình Định gia truyền được rèn luyện từ khi lên mười đã phát huy uy lực. Hai tên ác ma phải đền tội. Tôi lục tìm đồ của chúng. Thì ra chúng cũng đói khát như mình. Thần chiến tranh gieo rắc sự tàn phá, chết chóc. Hai bên tham chiến lại có lúc cùng chung cảnh ngộ. Càng thêm xót xa cho những phận người giữa cơn binh lửa. Tôi lựa một khẩu súng cùng băng đạn, rồi thắt thẻo đi về phía hừng đông…

***

Đôi mắt trầm tư nhìn vào mênh mang vô định, nhịp lòng chuồi theo bánh tàu quay. Ông Trung đang tự kể chuyện cuộc đời mình. Ông chợt thèm một hơi thuốc mà ông đã cố bỏ gần chục năm nay. Tụt xuống sàn tàu, với tay rút một điếu trên bàn, không quên cầm theo chiếc hộp quẹt, ông đi ra chỗ nối giữa hai toa, châm thuốc, hít một hơi thật sâu rồi nhả từ từ qua ô cửa. Khói thuốc bị gió thổi ngược trở vào, không gian đậm đặc, mịt mờ như tiền đồ của ông ngày ấy.

…Tôi tiếp tục đi. Vật vờ. Lẻ bóng. Lại điệp khúc sương rơi trên cánh lá, búp dầu non đắng lòng. Chẳng có gì hơn. Cánh rừng vẫn cứ ngút ngàn, mang sắc màu thần chết. Không khí vẫn oi nồng. Hoàng hôn xòa chiếc váy khổng lồ đầy những gam đỏ quạch như dòng huyết lệ. Tôi lê tấm thân te tướp để lại những tia sáng gớm ghiếc ấy sau lưng. Đằng đông là đơn vị, là đồng đội, là quê hương đất nước thân yêu. Chả vòng vèo, tránh né gì nữa, tôi cứ nhắm thẳng hướng, đạp lên lá rừng, rẽ cây cỏ mà đi.

Đêm lại giăng màn, bóng tối bao trùm muôn nẻo. Ngả người trên mặt rừng bạc phếch, nghe lớp lá khô rào rạo, tôi khát khao có được miếng bánh đa vừng trong chiếc thúng bà đi chợ Hôm ngày nào. Bao tử rỗng tuếch thét gào. Cái đói cuộn lên từng cơn, từng cơn dữ dội. Ngồi dậy, đảo ánh mắt đờ đẫn. Bốn xung quanh chỉ xám ngoét một màu. Lại khát. Rát bỏng. Khô khốc. Nứt nẻ. Quay cuồng.

Chợt thấy hình ảnh ông nội rung rinh chòm râu bạc ngồi bên hiên ngôi từ đường đang nhâm nhi ly rượu rồi khoan thai vấn điếu thuốc rê rít một hơi dài, phút chốc phả lên không trung luồng khói trắng uốn lượn như rồng bay, khuôn mặt già nua ánh lên niềm hân hoan y như ngày cả dòng họ đón đứa cháu đích tôn chào đời. Trên khoảnh sân rộng rãi trước hiên nhà, cha đang thị phạm những chiêu thức cuối cùng của bài võ gia truyền đầy ảo diệu rồi nắn từng động tác cho tôi. Đôi môi dày cương nghị của người nở nụ cười lộ rõ vẻ tự hào, tin tưởng.

Dòng sông Côn mơ màng chảy phiêu bồng trong ánh trăng vàng rỡ. Dãy Hoành Sơn với những hòn Bút, hòn Nghiên, hòn Ấn, hòn Kiếm,… thảnh thơi gối đầu ngơi nghỉ. Gió từ cánh đồng An Ngãi mang theo hương lúa đương thì hòa cùng hơi nước dòng Côn mát rượi. Tôi lao mình xuống dòng nước trong văn vắt. Uống. Lại uống. Ngọt lịm. Thuê thỏa. Căng tràn. Từng tế bào như được gột rửa, bơm tưới. Cơ thể cứ nở dần ra. Sinh lực trở về. Tràn đầy. Sung mãn. Rồi một đĩa bánh ít lớn đang bốc khói nghi ngút, thơm nồng. Bà và mẹ hiền từ ngồi bên xé từng cọng lá. Tôi nhai vội nhồm nhoàm, trôi. Chao ôi là ngon! Có hương vị nào trên thế gian này bằng được vị bánh ít quê tôi cơ chứ? Cái ngọt ngào, dẻo quạnh của bột nếp, sự thơm nhẹ, giòn dai của lá gai cùng vị béo mềm của nước cốt dừa và bùi ngậy của đậu xanh quấn quyện trong khoang miệng giục giã, khai mở mọi giác quan. Thoáng chốc hết veo. Tôi dang tay, dang chân nằm duỗi dài ra bờ cát rồi hét lên một tràng xao động cả mặt nước Côn giang. Khoan khoái lạ lùng!

Một làn gió thơm nồng nàn hương bưởi quyện cùng mùi hương trinh nữ nguyên sơ. Đúng là Lan, Lan thật rồi! Gương mặt trái xoan ửng hồng. Đôi má lúm đồng tiền e lệ. Đôi môi trái tim tươi rói. Ánh mắt đen, hun hút, đang nhìn tôi dịu dàng, đằm thắm. Bàn tay thon thả nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay tôi ấp vào chiếc má mềm mại, ấm nồng rồi nhỏ xuống những giọt nước mắt thương yêu. Một luồng khí nóng chảy tràn trong huyết quản, tôi lâng lâng bay lên trong niềm hạnh phúc chưa từng. Lửa tình như Hỏa Diệm sơn rừng rực, miên viễn tuôn trào. Tôi choàng lấy em, ghì siết vào lòng rồi đặt lên đôi môi trinh nguyên những nụ hôn nồng nàn, bỏng cháy. Nữ thần tình yêu đang xòe đôi cánh diễm kiều dẫn dắt chúng tôi phiêu du trên khung trời mộng. Không gian bừng sáng, muôn loài kì hoa dị thảo về khai hội. Từng bầy chim mang theo tiết tấu róng riết, hoang dã chốn non cao rừng thẳm hòa cùng nhịp điệu nhấn nhá cuồng say nơi đại dương bao la và giai âm êm đềm dịu nhẹ của khúc nhạc đồng xanh. Tất cả cùng dệt lên bản luân vũ diệu kỳ…

***

Tàu đã tới địa phận xứ Thanh. Ba giờ khuya. Giường bên, bác Hai đang say ngủ. Giường dưới, bà Lan cũng yên giấc. Chỉ có Bình ở giường chót, lâu lâu lại trở mình. Chắc cu cậu hồi hộp vì chuyến ra mắt bố mẹ vợ tương lai. Ông Trung vẫn thao thức. Việc cưới xin chắc chắn êm đẹp vì hai bên gia đình đã có trao đổi qua điện thoại. Thằng Bình nhà ông là kỹ sư công nghệ làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Bé Hòa là cô giáo cũng đang giảng dạy trong đó. Đôi lứa xứng đôi, hai ông bà rất ưng lòng. Ông chỉ băn khoăn là làm sao tìm kiếm được thông tin của Thành. Ngày đó bên nhau, ba ông dù không nói nhưng ai cũng đã coi nhau như anh em ruột thịt. Ông Thành kể quê ông có dòng sông, ngọn núi gì đó rất đẹp? Tiếc rằng hơn bốn mươi năm đằng đẵng, thời gian và khói bụi phù sinh làm ông quên mất! Ông Thành cũng từng nói quê mình có nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng mà đã đôi lần, trên triền cao dông tố xứ Miên, Thành đã đọc cho ông nghe: “Chiều hành quân/ qua những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt…” để ông và Hạ cứ ám ảnh mãi màu hoa tím.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi. Cảnh sắc thật yên bình. Nhà ông sui ở giữa làng. Căn nhà mái bằng xinh xắn. Dọc lối vào là hai hàng trà mạn được cắt tỉa công phu, bình dị nép mình dưới hàng cau cao vút. Cạnh bên, một cái ao hình chữ nhật rộng chừng trăm mét vuông được kè xung quanh, bầy cá tung tăng bơi lượn giành nhau đớp những quả sung chín đỏ rụng xuống từ thân cây choãi ra ở góc bờ bên phải. Khoảng sân lót gạch bát rộng rãi, sạch sẽ, nước men ánh lên màu năm tháng. Thêm một hàng cau ngang trước sân đang trổ buồng, từng nhành hoa nở trắng, những nụ hoa lấm tấm như hạt gạo theo gió đưa hương. Đối diện gian chính, một cụm giả sơn với những tiểu cảnh mĩ kì dựa lưng vào dàn trầu không xanh tốt, những dây trầu mập mạp, khỏe khoắn vươn mình quấn quýt mấy thân cau.

Vợ chồng ông sui tương lai niềm nở ra tận cổng đón khách. Những cái bắt tay thắm tình, những tiếng nói cười rổn rảng. Ông Trung chú ý ngay tới ông sui, đôi tai Phật, cặp mắt sáng… Ông Trung thoáng chút ngập ngừng: “Anh… núi Tượng Lăng,… C4… D3,… Hạ,… Màu tím hoa sim!”. Ông Thành ngẩn người, chú mục vào dáng vóc ông xui, gân quốc, tầm thước, vành tai…

– Ôi! Trung sẹo, Trung sẹo phải không?

– Anh Thành! Em đây, Trung sẹo đây! Anh còn sống sao?

Hai ông ùa vào nhau, vành tai ông Trung đỏ lựng, thân hình cao lớn của ông Thành chùng xuống, cơ thể hai người lính già cứ rung lên từng chặp. Niềm vui quá bất ngờ, họ tu tu khóc như những đứa trẻ trước sự ngỡ ngàng của hai bên gia đình nội ngoại. Gió từ Lèn giang lao xao thổi, đỉnh Vân Hoàn rung rinh chòm râu trắng, bầy chim bồ câu xõa những đôi cánh mềm mại, thiện hòa rồi vút lên nền trời còn lương vương sương sớm, ánh ban mai đơm hoa trên hai mái đầu bạc. Dấu hỏi lừng lững tự ngày nào cuộn lại khắc lên những nếp gấp hằn sâu, thập thễnh đi vào từng giấc chiêm bao của hai người lính già giờ đã vươn mình đứng dậy thành dấu chấm than đầy cảm xúc. Họ cứ ôm ghì lấy nhau. Hồi lâu, ông Trung mới thổn thức:

– Ngày ấy, em tìm không thấy anh đâu, em đã tưởng…

– Tỉnh dậy trên giường bệnh, hỏi ra mới biết mình may mắn. Khi ấy, có mấy người lính D3 phát hiện đưa về cứ. Lại vừa kịp có chiếc trực thăng chở thương binh, tử sĩ đang chuẩn bị về nước. Họ chuyển anh qua thẳng Quân y viện 175. Điều trị ba tháng ròng, anh xuất ngũ với thương tích hạng II. Còn em?
Khuôn mặt ông Trung giãn ra, khí sắc đã có phần tươi sáng, ông đưa tay sờ soạng lên ổ bụng của ông Thành rồi mới từ tốn trả lời:

– Ơn trời! Thật phúc đức! Phần em, lạc địa bàn, lúc kiệt sức gặp được nhóm đặc công E3. Có anh C trưởng là đồng hương, em thì rất mê đặc công nên đã năn nỉ xin ở lại, tiếp tục chiến đấu đến năm 1987 mới xuất ngũ.

Bà Hoa – vợ ông Thành – quệt nước mắt, đon đả:

– Thôi, vậy là vui lắm rồi! Mời cả nhà vào nhà rồi hẵng tâm sự thêm!

Bữa cơm thân mật được bày biện ngay sau đó. Niềm vui nhân đôi, hai bên gia đình thật hạnh phúc, họ chúc tụng, nói cười rôm rả. Ông Thành và ông Trung hòa niềm vui chung rồi lại cụng đầu khề khà vô cùng tâm đắc.

– Anh còn nhớ Hạ không?

– Nhớ chứ, nhớ chứ, làm sao quên được!

Ông Thành cất tiếng oang oang, khẩu khí vẫn mạnh mẽ như ngày nào.

Cụng thêm một chén, giọng ông trầm dần:

– Càng có tuổi lại càng nhớ. Nhiều đêm trong giấc ngủ chập chờn thấy hình ảnh của nó thấp thoáng mà thương quá!

– Em cũng vậy! Sau vụ đó, đơn vị hành quân luôn. Với anh đã biết ngày ấy em hãy còn non nớt nên không tài nào nhớ được nơi nó nằm lại.

Ông Thành đôi mắt đỏ hoe, rót đầy thêm một chén. Lại lấy thêm cái bát gắp chiếc đùi gà vàng ươm, để đôi đũa nằm ngang, ngậm ngùi:

– Mình mời nó một chén đi chú!

Ông Trung nâng chén rồi nghẹn ngào:

– Xong việc cho hai con, anh em mình đi tìm Hạ một lần xem sao?

***

Huế đón họ bằng cơn mưa rào mát rượi, bằng những khuôn mặt thiện lành, những nụ cười mến thương và nhất là bằng chất giọng ấm trầm, ngọt lạ. Họ bắt taxi về Hương Trà. Hai bên đường, hàng phượng tím vừa được gội rửa thuê thỏa bởi những giọt nước tinh khôi nên điệu đàng làm duyên trong nắng chớm. Những ngôi nhà rường rêu phong kín đáo, trầm mặc nép mình bên những khu vườn yên ả. Vào phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hỏi về liệt sĩ Bùi Hạ. Thật may mắn, người cán bộ phụ trách lại là em bà con của Hạ! Tuyệt vời hơn, hai ông biết được nhờ cơ duyên, hài cốt của Hạ đã được đưa về nghĩa trang thị xã.

Trong không gian thơm ngát hương trầm giữa ánh chiều bịn rịn, họ quây quần trước mộ Hạ rỏ những giọt nước mắt tương phùng. Trời đất xứ kinh kỳ chừng cũng xúc động trước tình cảm sâu nặng của ba anh em người lính nên lặng lẽ cúi đầu. Chợt từng cây nhang chuyển động, ngôi mộ sáng bừng, bát nhang đùng đùng cháy. Làn khói nhang lãng đãng ngược dòng Hương Giang, lướt thướt trôi theo điệp trùng Trường Sơn hùng vĩ, vượt qua ngã ba biên giới rồi vấn vít trên cánh rừng xa lắc. Sau đó vút trở về quấn quyện quanh hai người lính chiến kết nên dáng hình những búp dầu non xanh mướt rồi bất chợt bung nở thành những bông hoa hạnh duyên hồng tươi rực rỡ.

MAI XUÂN THẮNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Anh hùng, gió chướng và con nước

Nguyễn Huệ trở về khi toàn thân ướt đẫm. Khuôn ngực vạm vỡ đầy những vết sẹo hiện ra dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ. Năm ấy, Nguyễn Huệ ba mươi mốt tuổi…

Bạch đào

Chiều muộn. Vườn đông se sắt buốt giá. Những cội đào sần sùi rêu mốc đang co mình trong giá lạnh. Lơ phơ vài chiếc lá đào vàng úa còn sót lại trên cây như ủ cả một mùa đông năm cũ…

Nhà thơ Hương Đình

Ta về ngậm ngải người ơi
Bóng trầm khuất khuất trăng rơi ròng ròng
Ta về cất tiếng tru không
Tiếng ta chìm giữa mênh mông rừng tàn

Vang trưa

Một trưa của ngày hai mươi bốn tháng Mười Hai, đúng hai mươi bốn năm sau. Gã một mình trở lại suối Tiên bằng chiếc tắc xi bắt từ khách sạn. Nắng lấp lóa và nỗi nhớ lấp lóa…