Nhà báo, nhà thơ Vân Phi

(VNBĐ – Gương mặt thơ). Trong mươi năm gần đây, Bình Định xuất hiện một loạt cây bút trẻ xuất sắc, cả văn lẫn thơ, cả nam lẫn nữ. Nhà báo, nhà thơ Vân Phi là một trong số đó. Anh sinh 1990, ở Nhơn Hòa, An Nhơn, Bình Định. Đây cũng là địa chỉ trước khi về làm phóng viên Tạp chí VNBĐ, Vân Phi ghi dưới mỗi tác phẩm của mình. Lúc ấy, khi đọc thơ anh gửi về, tôi cứ ngỡ tác giả là một cán bộ của xã, cho nên khi gặp, khá bất ngờ. Và bây giờ, Vân Phi đã là cây bút đằm chắc của nhiều thể loại: Bút ký, chân dung, phê bình, ghi chép… trên Tạp chí VNBĐ và là tác giả của hai tập thơ: Ngày mắc cạn (NXB Hội Nhà văn, 2020), Gốm lưu lạc (NXB Hội Nhà văn, 2024) cùng một loạt giải thưởng: Giải C, Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ Ngày mắc cạn; Giải khuyến khích cuộc thi thơ Huế 2023, do Tạp chí Sông Hương tổ chức; Tặng thưởng 2023, mảng thơ của Tạp chí VNQĐ; Giải B, Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2015 – 2020); và một số giải thưởng khác ở lĩnh vực báo chí và văn học.

Thơ Vân Phi dào dạt xúc cảm của một người trẻ đầy hoài niệm, trăn trở với thời cuộc và những hư hao, mòn khuyết của bao giá trị trên quê hương. Đọc thơ anh, hiện rõ một cái tôi thao thiết, lầm lũi giữa cõi người được được, thua thua; từ đó cất lên những xót xa, cảnh báo: “Có một sớm loài người mắc cạn/ trên xác ngày ngỡ tươi tắm dưới bình minh/ họ đã trao nhau niềm tin bọc qua kẹo ngọt” (Ngày mắc cạn); “mặc lòng người tham bạc/ ngọn gió vẫn rời rợi tóc em” (P – rah Jớ biên niên)…

Nhà thơ Mai Thìn (chọn và giới thiệu).

Nhà báo, nhà thơ Vân Phi. Ảnh: NVCC

Trong đêm

tôi đã chìm vào bóng tối
hay bóng tối chìm vào tôi
ăn – mòn – nhau

ai đốt lửa phía bên kia bãi soi
những vụn rơm giòn vào xao xác
ngún trong tôi ký ức

thăm thẳm vọng về trong khuya khoắt
em gặt lúa dưới trăng
lưỡi liềm cong mi mắt
cứa vào anh ran rát nụ yêu đầu

những con đường đưa ta về đâu
thị thành bỏ ngải
hun hút đồng đêm
hun hút gió
ai cắm câu vào ký ức
nằng nặng bãi trăng

người đi xa như muôn thuở
ta chưa kịp ngoái nhìn
bất giác thấy mình như gió
lưu lạc lũng khuya.

 

Sông ly hương

Lặng lẽ đời sông
âm thầm trong đục
trăm năm nghe nhịp đập phố phường
nghe đời cát bụi
nghe bóng cây gáo già trầm ngâm đếm tuổi
đã xa xưa dáng một con đò

Những chiều rơi vụn xa xôi
người cúi mặt soi bóng mình đã cũ
nhớ mẹ đò đưa khách trú
người Bắc người Nam biền biệt xứ nào
mẹ vội và những hạt ca dao
bao năm nhớ một mùi cơm quá lửa…

Đêm trên đò vắng
sào khuya treo một ánh nhìn
qua rồi lưỡi gươm mài sắc
sóng gợn lên dáng dấp đền đài
dòng Hương trôi
tuổi thơ trôi
sao vẫn âm âm một dáng ngồi cây cỏ
đã xao xác rồi, tôi, một gốc cây buồn
ngả vào chiều phố thị
đã bện nương cội rễ dòng Hương

Tôi hành khất nắng mưa bên trời chạng vạng
ly hương từ độ dại khờ
hơn ba mươi năm chẳng còn nghe câu hò điệu lý
chỉ nhớ chớm khê rượu gạo
nhớ tiếng em ca câu mái đẩy mái nhì
và ngày đi, hành lý một dòng sông

Dòng sông ly hương
róc rách trong tôi, thầm thĩ trong tôi, ghì đôi chân tôi bên bờ huyền mộng
sông rồi sông chẳng phố thị ồn ào
sông rồi sông nghe mẹ hát ca dao
sông rồi sông – nước mắt – rỏ vào mây viễn xứ
và cơn mưa
nơi ngõ cũ ngọt ngào…

Giấc cổ tự

(Viết dưới chân Thập Tháp)

Tiếng chuông cổ tự
ba trăm năm cuộc người

từ phía nào nghe thời gian rong rêu tường đỏ

Người quét lá sân chùa
người thiền định dưới gốc bồ đề
nghe tiếng gió vỗ vào cổ mộ

thầm thĩ lời kinh

Tháng Mười Hai se sẽ
sen nở nghịch mùa

ngấn nước thẫm xanh vết bùn cuống rạ

Mùa nổi nênh
lòng ai thành lập thể

cỏ ngụ dưới sân chùa đếm nhịp trần ai

Chiều nào tiếng chuông cổ tự
vọng vào tháp cổ
người đếm một hai đôi bước chân mình
người đàn ông già ngả lưng trên ghế đá
chiếc xe kẹo kéo tụng niệm bóng chiều

phía những câu kinh

Tiếng chuông cổ tự
ba trăm năm cuộc người

bỗng vụt qua như tiếng lá rơi trên nền gạch thẫm

Ngàn năm mây trắng vẫn bay
đền đài nào lặng dưới đất sâu nghe loài côn trùng
trẩy hội
ai đâu bắt gió trời giãn cách
chỉ có cái cúi đầu từ tâm nơi cửa Phật
ngả về đất từ bi…

 

P – rah Jớ(*) biên niên

Phía sau ngọn đồi, nơi ngọn cỏ ủ giấc mơ làng
con nhện nhả tơ
hạt mưa làm tổ
con tò vò cõng hạt đất nâu ủ mùa thu bên ngạch cửa
trong giọt giọt nước trời chiêm bao vũng núi

nghe vọng về tiền sử thâm âm…

P – rah Jớ, tiếng đánh lưỡi của loài cô độc
xao xác những linh hồn lá mục
con suối chảy mát ruộng đồng

chảy mát giấc mơ thiếu nữ

P – rah Jớ, nơi dòng nước mải mê cọ rửa
những luống mây trời
những khối đá xanh rêu vẫn nằm yên vị
tạc những dáng ngồi

tạc những ký tự biên niên

Chẳng ai buồn giải mã
chỉ biết rằng mạch nguồn đã nghìn năm
lưu dấu kẻ khai hoang
người rửa mặt bên vũng nước trong
người hoang đàng giấc ngủ
mơ gieo hạt trên những luống mây ngũ sắc

phía đường cày của gió

P – rah Jớ, chảy vào đất làng câu ca lúa mới
mặc cho ngàn năm sao dời vật đổi
mặc lòng người tham bạc

ngọn gió vẫn rời rợi tóc em

P – rah Jớ chiều nay thác đổ âm âm
tiếng người làng vọng vào rừng thăm thẳm
về thôi, chiều đã xuống!

phía bên kia trời, ai thảy hạt bình yên?

V.P
(*).  P – rah Jớ còn được gọi là Hà Dớ, tiếng Bana nghĩa là “bắn cái hũ”. Đó là tên một con suối ở xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Màu đen huyền bí

Cậu chủ một lần nữa bước ra ngoài, để lại bức tranh và những cây bút màu ở lại. Bọn bút màu lại nhảy hết ra khỏi hộp, tò mò nhìn ngắm bức tranh…

Tiếng nhạc mưa

Đêm nay mưa chơi nhạc
Gõ nhịp lên mái nhà
Gọi tất cả lá hoa
Cùng reo cười nhảy múa

Ông Thần Nông gặt lúa

Muôn vì sao lấp lánh
Như những hạt thóc vàng
Cánh đồng trời thênh thang
Đang bắt đầu chín rộ

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…