“Nguồn” ở Bình Định – một đơn vị hành chính đặc biệt

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Với vị trí địa lý khá đặc biệt của vùng đất Bình Định, từ xa xưa nơi đây trở thành một trung gian kết nối thị trường Đông và Đông Bắc Á với thị trường Nam và Tây Á với các thương cảng: Thị Nại (TK X-XV), Nước Mặn (TK XVII-XVIII), Qui Nhơn (từ TK XIX). Từ đó, một hệ thống nguồn ở Bình Định được hình thành để quản lý, khai thác thuế và trao đổi hàng hóa. Theo Lê Quý Đôn, nguồn ở vùng thượng du như là tổng ở đồng bằng.

Từ lâu, Bình Định có câu hát ru phổ biến và lưu truyền đến ngày nay:

Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên

Một số địa phương vùng Nam Trung bộ cũng cho câu hát ru trên là của quê hương mình, nhưng không thể phủ nhận phương ngữ Bình Định: nậu/ nẩu/ nẫu. Lại có dị bản thay măng le bằng mít non, nhưng có lẽ măng le hợp lý hơn, vì măng le là đặc sản vùng nguồn, mít non thì nơi nào cũng có. Câu hát ru đã khắc họa hình ảnh một thời giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi với nguồn – nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, nguồn: ngọn suối, lên nguồn: đi lên các xứ mọi ở trên nguồn [1]. Nguồn ra đời từ thời Lê sơ, dưới thời các chúa Nguyễn, nguồn được xác lập với tư cách là một đơn vị hành chính cơ sở đặc biệt tại khu vực trung du và miền núi. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn, nguồn ở vùng thượng du như là tổng ở đồng bằng: “Ở thượng lưu gọi là nguồn cũng như ở hạ huyện gọi là tổng… nguồn Cơ Sa gồm 7 thôn phường… nguồn Kim Linh gồm 8 thôn phường… ” [2]. Có thể nói, sự xuất hiện của nguồn là hệ quả của giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các dân tộc miền núi và người Kinh ở đồng bằng.

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đánh giá rất cao tính vượt trội về các mặt hàng xứ Quảng mà phần lớn do phủ Qui Nhơn sản xuất như: “thóc gạo, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, hồ tiêu, cá muối,…” [2]. Đánh giá về sản vật của phủ Qui Nhơn, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng ghi nhận: “Sản vật có nhiều như trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng, bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, cá, muối và các thứ gỗ đều tốt, thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể. Ngựa sinh ra ở hang núi có từng đàn đến trăm ngàn con, người Thổ trước đi chợ cỡi ngựa là thường. Núi sông có nhiều thắng cảnh lại có đầm nước nóng bốc lên rất lạ”. Dưới triều Lê, nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc chi phối, các chợ địa phương đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động nội thương, đáng chú ý là hoạt động trao đổi, mua bán ở các nguồn. Đầu thế kỷ XVII, Qui Nhơn đã nhanh chóng trở thành vùng đất trù phú của các ngành sản xuất và giữ vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa ở khu vực.

Cư dân miền núi – cư dân bản địa vùng đất Qui Nhơn/ Bình Định là các cộng đồng các dân tộc thiểu số: Bana, H’re, Chăm H’roi. Để thuận lợi cho việc cai quản địa bàn cư trú của cư dân bản địa và khai thác thuế khu vực trao đổi, mua bán miền Tây Qui Nhơn/ Bình Định, các chúa Nguyễn và đặc biệt là triều Nguyễn đã thiết lập ở đây một hệ thống các nguồn. Nguồn không phải là một đơn vị hành chính chính thức, không có chức năng thực thụ của một cấp hành chính địa phương. TS. Andrew Hardy trong bài viết: “‘nguồn’ có ba chức năng chính. Đây trước hết là một cái chợ, nối bằng đường sông xuống đồng bằng và bằng đường mòn lên miền núi. Thứ hai, là địa điểm đánh thuế hàng hóa, nơi đây có sự hiện diện của quân đội. Cuối cùng, đây là một đơn vị hành chính, gần tương đương với một tổng ở đồng bằng: vào thế kỷ XIX, 80 sách [3] miền núi được xếp dưới sự quản lý của “nguồn” Phương Kiệu… Tuy nhiên, chức năng chủ yếu và rõ ràng là lâu đời nhất của “nguồn” là kinh tế, có niên đại từ thời Champa. Dưới thời các chúa Nguyễn, chức năng kinh tế tiếp tục làm nền tảng cho những chức năng khác: hoạt động chủ yếu của quan lại triều đình là đánh thuế hàng hóa trong khi các đồn là để bảo vệ cả hoạt động buôn bán lẫn các nguồn thuế mà nó sinh ra. Không còn chức năng kinh tế, các hoạt động khác sẽ trở thành dư thừa” [4].

Theo TS. Trương Anh Thuận trong bài viết Bước đầu nghiên cứu các hệ thống nguồn ở Bình Định trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Đối chiếu, so sánh các sử liệu trong Phủ biên tạp lục (soạn 1776), Đại Nam thực lục (soạn từ 1821) và Đại Nam nhất thống chí, dưới thời chúa Nguyễn, toàn bộ khu vực miền núi phủ Qui Nhơn chỉ có 6 nguồn, bao gồm: Hà Nghiêu, Trà Đinh, Trà Vân, Ô Kim, Cầu Bông, Đá Bàn, đến thế kỉ XIX, con số này đã tăng lên 18 nguồn, nhiều nhất so với các địa phương ở Nam Trung bộ lúc bấy giờ, bao gồm: An Tượng, Cầu Bông, Đá Bàn, Đồng Trí, Hà Thanh, Hà Nghiêu, Hà Náo, Hải Đông, Kiều Bông, Lộc Động, Phương Kiệu, Ô Kim, Ô Liêm, Thạch Bàn, Trà Văn (Trà Vân), Trà Bình (Trà Đinh), Trà Sơn, Trà Đính. Sự gia tăng đột biến số lượng các nguồn, chia nhỏ địa hành chính khu vực miền núi phía Tây Bình Định thành nhiều nguồn khác nhau vào thế kỷ XIX, nhằm quản lý sâu sát và khai thác thuế lâm thổ sản của triều đình trung ương đương thời đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Cũng theo TS. Trương Anh Thuận: trong Phủ biên tạp lụcĐại Nam nhất thống chí, cho biết, các nguồn ở Qui Nhơn/ Bình Định rất giàu có về lâm, thổ sản quý. Lâm thổ sản tiêu biểu ở các nguồn như sau: An Tượng: lộc nhung; Cầu Bông: lộc nhung; Đồng Trí: lộc nhung, thuốc lá; Hà Thanh: mật ong, sáp ong, chiếu mây, bông, trám, song, dầu vừng, lộc nhung; Hà Nghiêu: lộc nhung; Kiều Bông: lộc nhung; Lộc Động: sáp ong, lộc nhung; Phương Kiệu: lộc nhung; Ô Liêm: sáp ong, mật ong, lộc nhung; Thạch Bàn: lộc nhung; Trà Vân: phong đăng (đuốc dó), sáp ong, lộc nhung; Trà Bình: ngà voi, mật ong, nhựa trám, lộc nhung; Trà Sơn: lộc nhung.

Dựa vào lợi thế này, chính quyền chúa Nguyễn và sau này là vương triều Nguyễn đã tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh tài nguyên của mỗi nguồn trên địa bàn Qui Nhơn/ Bình Định. Trong đó, tập trung vào một số nguồn có tiềm năng cung cấp nhiều loại sản vật khác nhau như: Hà Thanh (cách huyện Tuy Phước hơn 100 dặm về phía Tây Nam, thủ sở ở địa phận hai thôn Quang Thuận và Cảnh Vân), Trà Vân (Tây Bắc huyện Bồng Sơn, cách huyện hơn 60 dặm, giáp huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, thủ sở ở địa phận hai thôn An Đỗ và An Hội), Trà Bình (cách huyện Bồng Sơn hơn 70 dặm lệch về phía Tây Bắc, thủ sở ở địa phận thôn Hưng Nhân),… [5].

Cộng đồng các dân tộc ít người sinh sống tại các nguồn trên địa bàn Qui Nhơn/ Bình Định chịu sự quản lý của triều đình trung ương và phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho chính quyền. Ngoài thuế đinh áp dụng cho đàn ông người dân tộc thiểu số từ 18 đến 55 tuổi và thuế sản vật dựa trên tiềm năng, thế mạnh tài nguyên của các nguồn, nhà nước còn áp dụng loại thuế nguồn đánh vào hoạt động lưu thông hàng hóa giữa miền núi và miền xuôi ở các nguồn.

Các chúa Nguyễn khoán cho quan thân cận nắm giữ thủ sở các nguồn, nộp về triều một khoản thu nhất định dựa vào mức giao dịch trao đổi, mua bán, ngoài ra các quan tự đặt ra một khoản thu khác cho mình. Việc thu loại thuế này tại một số nguồn ở phủ Qui Nhơn được Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục như sau: Nguồn Hà Nghiêu hàng năm tiền thuế 166 quan 5 tiền, cùng thuế thổ ngơi 27 quan 5 tiền, mật ong 10 chĩnh, chiếu mây nhỏ 4 cuộn, bông 99 cân, kỳ hoa miên hoa 3 bao cân nặng 105 quan, trám 52 sọt, song 60 cây, dầu vừng 2 chĩnh, đèn lớn 3.325 chiếc, đèn nhỏ 600 chiếc, sáp ong 67 bát; Hai nguồn Trà Đinh và Trà Vân hàng năm tiền thuế 2.550 quan, trước cấp cho Ngoại tả Trương Phúc Loan, phải nộp bạc tốt 5 hốt, nguồn Trà Vân nộp đèn nhựa trám 150 chiếc; Nguồn Ô Kim hàng năm tiền thuế 749 quan 5 tiền, trước cấp cho Chưởng cơ Noãn, phải nộp bạc tốt 5 hốt; Nguồn Cầu Bông hàng năm tiền thuế 1.500 quan, trước cấp cho Chưởng cơ Khoan, phải nộp bạc tốt 10 hốt, 2 lạng 5 đồng cân; Nguồn Đá Bàn hàng năm tiền thuế 1.000 quan, trước cấp cho Chưởng cơ đạo Lưu đồn là Trường lộc hầu, phải nộp bạc tốt 8 hốt, tiền thổ ngơi 50 quan 2 tiền. Sách Phủ biên tạp lục còn chép về quan tham – Ngoại tả Trương Phúc Loan: “Phúc Loan chuyên quyền hơn 30 năm, tham lam tàn nhẫn, giết chóc rất nhiều. Ăn ngụ lộc ở nguồn Sái, nguồn Thu Bồn, nguồn Trà Đinh, nguồn Trà Vân, nguồn Đồng Hương, mỗi năm thu vào 4,5 vạn”.

Qui Nhơn là một trong những địa phương có loại kỳ nam hương tốt nhất. Sách Thiên Nam dư hạ tập cho biết một số nguồn ở phủ Qui Nhơn hàng năm đều cống nạp kỳ nam hương: “Hai nguồn Trà Đinh, Ô Kim huyện Bồng Sơn, thôn Nha Ca, nguồn Cầu Bông huyện Phù Ly và huyện Tuy Viễn đều hằng năm đều cống kỳ nam hương”. Theo thống kê Lệ thuế đầu nguồn ở phủ Qui Nhơn của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, ba nguồn: Cầu Bông, Trà Đinh, Trà Vân hàng năm nộp thuế tổng cộng là 4.050 quan, chiếm hơn 2/3 tổng số tiền thuế của 6 nguồn phủ Qui Nhơn lúc bấy giờ là 5.866 quan.

Ngoài chức năng là một địa điểm đánh thuế hàng hóa, có sự hiện diện của quân đội và một đơn vị hành chính, các nguồn còn đảm nhận vai trò quan trọng là chợ giao thương, buôn bán giữa miền ngược và miền xuôi. Các nguồn thiết lập ở vùng miền núi, hoạt động như những điểm thu gom hàng hóa và thu thuế đối với hàng hóa di chuyển giữa miền núi và đồng bằng. Ở các nguồn thường có trường sở buôn bán hay trường giao dịch do triều đình lập ra và quản lý. Sách Đại Nam nhất thống chí có đề cập đến sự tồn tại của các trường giao dịch tại một số nguồn ở Bình Định như sau: “Nguồn Thạch Bàn: ở cách huyện Phù Cát hơn 20 dặm về phía Tây, thủ sở ở địa phận hai thôn Thạch Bàn và Hội Sơn. Lại có hai trường giao dịch ở Hà Vị. Nguồn Phương Kiệu: ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía Tây, thủ sở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch”. Sách Đại Nam nhất thống chí (soạn năm Duy Tân thứ 3) chép: Các nguồn An Tượng (phía Tây huyện Tuy Viễn), Lộc Động (phía Tây Nam huyện Tuy Viễn), Thạch Bàn (phía Tây huyện Phù Cát), “Niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899) triệt bỏ (thủ sở), lại đặt “mậu dịch thị trường” hiểu dụ cho dân mán đến mua bán…”.

Đường Lên Nguồn Cầu Bông theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí. Nguồn: Phan Trường Nghị

Hàng hóa, sản vật từ các vùng rừng núi đều được chuyển đến các nguồn này để trao đổi, buôn bán. Các điểm buôn bán – “chợ nhỏ” ở các vùng lân cận nguồn hoạt động như những điểm thu gom hàng hóa cung cấp trực tiếp cho các nguồn. Ngoài ra, còn có rất nhiều điểm để người Thượng trao đổi hàng hóa, thường là thông qua sự thương lượng không chính thức ở trong làng, phụ thuộc vào vai trò trung gian của già làng, thương nhân người Kinh dựa vào mối quan hệ cá nhân với già làng để củng cố quan hệ buôn bán của họ. Các điểm buôn bán nhỏ trên nguồn được kết nối bởi nhiều nhóm khác nhau, theo mô hình “tiếp sức”, trong đó các nhóm di chuyển hoạt động trong những địa hình mà họ quen thuộc, theo hướng Đông – Tây. Mỗi nhóm di chuyển giữa các điểm buôn bán trên một đoạn của con đường thương mại. Không có nhóm nào hoạt động trên suốt toàn bộ hệ thống, do đó con đường giao thương bảo đảm được tính đa dạng về tộc người của hệ thống buôn nguồn.

Sách Dân làng Hồ của P. Dourisboure (Les Sauvages Bahnars. P. Dourisboure de la Société des Missions Étrangères. Paris 1929) cho biết: Vào năm 1848, trong lúc triều đình đang ra sức bắt đạo dữ dội, các thừa sai phải liên tục ẩn trốn, Giám mục Cuênot Thể – Giám mục Hiệu tòa Métellopolis, Đại diện Tông tòa cai quản Địa phận Đông Đàng Trong, tìm đường đi lên Tây Nguyên rao giảng Phúc âm cho các dân tộc thiểu số, có ghi chép về An Sơn thuộc nguồn Phương Kiệu là một địa điểm trao đổi, buôn bán quan trọng giữa người đồng bằng và người miền núi ở Bình Định: “Cận ranh giới phía Tây của tỉnh này, có địa điểm An Sơn, trung tâm buôn bán lớn giữa người Kinh và người Thượng. Chính địa điểm này vào cuối thế kỷ trước, đã là nơi xuất phát của 3 anh em Tây Sơn chống chúa Nguyễn… Người Kinh buôn bán trên miền Thượng du, di chuyển khắp nơi, từ bộ lạc này đến bộ lạc khác.” [6] và “Suốt dọc ranh giới phía Tây của miền Trung Vương quốc, trong khoảng cách từ hai đến ba ngày đường, các dãy núi rừng do người Thượng cư ngụ, đều thường có thương buôn người Kinh qua lại, trao đổi hàng hóa với thổ dân” [7]. Lệ thuế đầu nguồn trong buôn bán giữa đồng bằng và miền núi chiếm một tỷ lệ quan trọng trong ngân khố để giữ vững chế độ các chúa Nguyễn Đàng Trong. Trong đó, tiền thuế thu được từ các nguồn tại tỉnh Bình Định là 6.255 quan, chiếm khoảng 8% tổng số thuế thu được từ miền núi, đầm hồ, đèo và chợ ở Đàng Trong năm 1774 là 76.467 quan 2 tiền [8].

Tại nguồn Phương Kiệu thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc đã làm hai nghề: vừa buôn bán với người Thượng vừa thu thuế nguồn cho chính quyền. Nguyễn Nhạc có mối quan hệ chính trị gần gũi với người Thượng cũng như truyền thống của họ và khởi nghĩa Tây Sơn đã bắt đầu từ một trong những nguồn quan trọng ở Đàng Trong – nguồn Phương Kiệu. Địa bạ trấn Bình Định lập năm 1815 cho biết ấp Tây Sơn Nhất – khách hộ ấp thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn là quê hương các lãnh tụ Tây Sơn có ghi: “Tháng 9 năm 1819, Gia Long bắt đổi tên ấp Tây Sơn thành An Tây, sau đó lại đổi thành An Sơn” [9]. Hiện nay, ở thị xã An Khê có di tích An Khê Trường, là trung tâm đồn lũy ban đầu của ba anh em nhà Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghiệp, An Khê Trường đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.

Theo nhân dân địa phương, trường ở đây có nghĩa là trường sở buôn bán, trường giao dịch. Hiện nay, ở phía Nam di tích An Khê Trường còn có khu ruộng trũng mang tên Rộc Trường và cây ké Rộc Trường cao 30m chu vi 4,5m. Đáng chú ý, ở cách di tích An Khê Trường 300m về phía Tây, có một gò đất cao mang tên Gò Chợ, theo nhân dân cho biết là chợ An Khê trước đây.

Đến thế kỉ XIX, mặc dù trong tài liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn không thấy thống kê cụ thể về mức thuế thu được từ các nguồn ở Bình Định qua từng năm. Tuy nhiên, việc tồn tại hệ thống trạm giao dịch tại đây với sự thường trực của quân đội và quan lại triều đình như: “Nguồn Thạch Bàn ở cách huyện Phù Cát hơn 20 dặm về phía Tây, thủ sở hai thôn Thạch Bàn và Hội Sơn. Lại có hai trường giao dịch ở Hà Vị. Nguồn Phương Kiệu ở cách huyện Tuy Viễn hơn 150 dặm về phía Tây, thủ sở ở địa phận thôn An Khê, trước có trường giao dịch, lại có các đồn Trà Đình, Xuân Viên, Tam Giang, Hương Thủy, Trúc Lâm, Vụ Bản, Đài Tiền” [10], là những cứ liệu khoa học cho phép khẳng định triều Nguyễn vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trưng thu loại thuế này đối với các nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Qui Nhơn – vùng đất mới được xác lập vào nửa sau thế kỷ XV, nhưng với vị trí địa lý là cửa ngõ của khu vực Bắc Tây Nguyên, ưu thế về đường biển, hệ thống giao thông Đông – Tây và Bắc – Nam thuận lợi (đường thiên lý thượng đi theo chân dãy Trường Sơn, đường thiên lý hạ chạy dọc bờ biển) cùng với sự phong phú về sản vật, đã sớm tạo cho vùng đất này vừa là đầu mối giao thông liên lạc, vừa là trung tâm giao lưu hàng hóa của xứ Đàng Trong, từng là chỗ dựa cho chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam và có nhiều đóng góp về kinh tế cho triều Nguyễn sau này, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống nguồn ở Qui Nhơn/ Bình Định.

NGUYỄN THANH QUANG

(Văn nghệ Bình Định Xuân Nhâm Dần 2022)

CHÚ THÍCH
[1] Huình Thịnh Paulus Của. Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’ Adran, 4. 1895.
[2] Lê Quý Đôn Phủ biên tạp lục, tập I. sách viết năm 1776, bản dịch năm 1964, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 100.
[2] Lê Quý Đôn Phủ biên tạp lục, tập I. sách viết năm 1776, bản dịch năm 1964, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 337.
[3] Theo Lê Quý Đôn, nguồn (gồm nhiều sách) ở vùng thượng du tương đương với tổng (gồm nhiều xã) ở đồng bằng, như vậy về thứ bậc đơn vị hành chính sách ở vùng thượng du tương đương với xã ở đồng bằng.
[4] Andrew Hardy, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O). The Nguon in the Hybrid Commercial Economy of Dang Trong, (“Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong), bản dịch Đào Hùng và Nguyễn Thị Hồng Hạnh.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 37-38.
[6] P. Dourisboure. Les Sauvages Bahnars, P. Dourisboure de la Société des Missions Étrangères. Paris 1929 (Dân làng Hồ, Sài Gòn, 1972), tr. 7.
[7] P. Dourisboure. Les Sauvages Bahnars, P. Dourisboure de la Société des Missions Étrangères. Paris 1929 (Dân làng Hồ, Sài Gòn, 1972), tr. 6.
[8] Lê Quý Đôn Phủ biên tạp lục, tập II. Sách viết năm 1776, bản dịch năm 1964, Khoa học Hà Nội, 1977, tr. 9.
[9] Nguyễn Đình Đầu. Địa bạ trấn Bình Định, tập I, lập năm 1815, tr. 476.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, NXB Khoa học xã hội, 1971, tr. 38.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…