Người gieo hạt giống văn hóa, giáo dục, bác ái ở Bình Định đầu thế kỷ XX

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Paul Maheu sinh ngày 24.01.1869, tại Paris. Sau khi học xong lớp Tiểu chủng viện St. Nicolas ở Chardonnet và triết học ở Đại chủng viện Issy-les-Moulineaux, ông nhập Chủng viện MEP năm 1890 và chịu chức Linh mục ngày 30.6.1895, rồi nhận lệnh đi truyền giáo ở Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Năm 1930, Linh mục Maheu về Pháp, ông mất ngày 27.2.1931, yên nghỉ tại nghĩa trang Montparnasse. Hơn 30 năm ở Việt Nam, ông đã không ngừng gieo những hạt giống tốt đẹp trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bác ái xã hội: Giám đốc Nhà in Làng Sông, sáng lập Hội học Pháp – An Nam Qui Nhơn và Trại phong Qui Hòa.

Giám đốc Nhà in Làng Sông
Paul Maheu rời Paris vào ngày 31.7.1895, xuống tàu tại cảng Marseille vào ngày 04.8 đến Việt Nam. Ông học tiếng Việt tại cảng Qui Nhơn, sau đó được bổ nhiệm làm phụ tá cho Linh mục Villaume, tại Phan Rang, rồi được bổ nhiệm làm việc tại Ninh Hòa một thời gian ngắn, ông bị suy giảm sức khỏe, đi Hồng Kông an dưỡng một năm. Khi trở về, ông được gửi đến vùng truyền giáo Bahnar – Kontum, bốn tháng sau, sức khỏe suy yếu, ông phải trở lại Viện điều dưỡng Bêthanie ở Hồng Kông. Tại đây, Linh mục Maheu học vận hành máy in, đúc và sắp chữ, đóng gáy sách ở xưởng in Nazareth.

Trở lại nhiệm sở của mình vào tháng 7.1904, Linh mục Maheu quản lý Nhà in Làng Sông. Tháng 5.1913, ông kiệt sức vì áp lực công việc, phải trở về Pháp. Sau đó, ông phục vụ tại Tiểu Chủng viện Conflans. Được lệnh tổng động viên, ông làm việc ở Bordeaux với nhiệm vụ giám sát thư từ từ bản địa và từ miền Viễn Đông. Cùng với một đồng nghiệp từ Qui Nhơn, ông thành lập câu lạc bộ Pháp – Việt. Năm 1919, Linh mục Maheu trở về nhiệm sở của mình, tiếp tục quản lý Nhà in Làng Sông.

Linh mục Paul Maheu (người ngồi). Ảnh: T.L

Thời gian Paul Maheu làm Giám đốc từ năm 1904 đến năm 1930, là thời kỳ cực thịnh của Nhà in Làng Sông. Với người quản lý nhà in giỏi về kỹ thuật, hệ thống máy in được trang bị mới, khổ rộng và hiện đại nhất lúc bấy giờ, một số lượng sách, báo rất lớn đã được nhà in xuất bản. Trong năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của Nhà in Làng Sông trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in(1).

Imprimerie de Lang Song, Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn, Imprimerie de Qui Nhơn hoặc Librairie Imprimerie Quinhon cùng là ấn quán của giáo phận Đông Đàng Trong. Ngoài sách tiếng Latin và tiếng Pháp, Nhà in Làng Sông đã in một số lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại như: Giáo lý, kinh thánh, giáo dục ấu học, trung học, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng hát Bội, lịch, sách dịch… Những ấn phẩm của Nhà in Làng Sông được thống kê trong Mémorial – Bản thông tin hàng tháng của địa phận và được tổng kết vào trang cuối năm, bằng tiếng Pháp xen với tiếng Việt (Quốc ngữ).

Một trang Mémorial thống kê sách đã in của Nhà in Làng Sông năm 1910 có 36 đầu sách, trong đó 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, số còn lại là tiếng Pháp. Chia thành 4 nội dung: Sách trường học, sách giáo lý, sách cầu nguyện – đạo đức và các sách khác. Đáng chú ý, loại sách trường học được tái bản nhiều lần và được xếp mục đầu tiên, gồm có những đầu sách như: Phép đánh vần (tái bản lần thứ 5), Con nít học nói (tái bản lần thứ 3), Ấu học (tái bản lần thứ 3), Trung học, Địa dư Sơ lược. Ngoài ra, nhà in còn xuất bản các loại sách Quốc ngữ nâng cao dân trí, như: tiểu thuyết, tuồng hát bội, kịch nói, nông nghiệp… Đáng chú ý, quyển Hai chị em lưu lạc xuất bản năm 1927, được ghi nhận là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi đầu tiên của văn chương Nam Trung bộ. Bản thống kê của Mémorial có ghi cụ thể giá tiền từng đầu sách.

Tháng 11 năm 1933, Nhà in Làng Sông bị bão sập. Một nhà in mới của giáo phận Đông Đàng Trong được khởi công xây dựng vào năm 1934 tại Qui Nhơn (trong khuôn viên chủng viện Qui Nhơn hiện nay). Năm 1935, Nhà in Qui Nhơn hoạt động song song với Nhà in Làng Sông (đã được tu sửa sau cơn bão). Ít lâu sau, Nhà in Làng Sông sát nhập vào Nhà in Qui Nhơn.

Ấn phẩm của Mémorial Làng Sông/ Qui Nhơn ra số cuối cùng tháng 12.1953. Đến tháng 10.1957, ấn phẩm Bản thông tin địa phận Qui Nhơn bằng tiếng Việt được in tại Nhà in I – Đại, Qui Nhơn (một nhà in tư nhân) thay thế cho Mémorial bị gián đoạn trước đó. Như vậy, đến năm 1954 Nhà in Làng Sông/ Qui Nhơn, sau gần một thế kỷ hoạt động đã giải thể, toàn bộ hệ thống thiết bị máy móc của nhà in chuyển vào Dòng Giuse Nha Trang.

Nhà in Làng Sông/ Qui Nhơn (Bình Định) – Giáo phận Đông Đàng Trong, Nhà in Nhà Chung/ Tân Định (Sài Gòn) – Giáo phận Tây Đàng Trong và Nhà in Kẻ Vĩnh/ Ninh Phú (Hà Nội) – Giáo phận Tây Đàng Ngoài, là ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.

Theo Maheu, “lo phần xác thì tốt nhưng chưa đủ, phải lấp đầy tri thức, làm cho nó phát triển”(2). Ngoài công việc in ấn, Linh mục Maheu còn có những hoạt động bác ái xã hội: thành lập Nhà tế bần tại Làng Sông dành cho người già neo đơn, nghèo khổ, bệnh tật, tổ chức một trạm y tế, dựng những túp lều tranh thu nhận những bệnh nhân nội trú(3). Maheu sáng lập Hội học Pháp – An Nam Qui Nhơn (1928), ông cùng bác sĩ Le Moine đi tìm địa điểm, vận động tài chính thiết lập Trại phong Qui Hòa (1929).

Sáng lập Hội học Pháp – An Nam Qui Nhơn
Linh mục Maheu đã loại bỏ những vấn đề chính trị và tôn giáo ra khỏi hai cơ sở này của ông, đây là điều đáng khâm phục nơi một vị tu sĩ. Mục đích duy nhất của ông là sự xích lại gần nhau giữa người Pháp và người Việt, giúp những con người ưu tú của hai dân tộc này hiểu nhau(4)…

Buổi họp đầu tiên của Hội học Qui Nhơn diễn ra vào ngày 02.9 (1928), dưới sự điều hành của Linh mục Paul Maheu và Linh mục Antôn Huỳnh Ngọc Thạnh; 17 người Việt tham dự, bầu ông Nguyễn Văn Tờn là Hội trưởng. Tên của Hội là: Cercle d’études franco-annamite de Quinhon (Hội học Pháp – An Nam Qui Nhơn). Địa điểm của Hội là ngôi nhà thứ ba từ sở Quản lý Nhà Chung đến chợ cũ(5) (hiện nay là số 124 Trần Hưng Đạo, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Quy Nhơn).

Cercle d’études franco-annamite de Quinhon (Hội học Pháp – An Nam Qui Nhơn). Nay là 124 Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn. Ảnh: T.L

Hội học dành cho tất cả những người Pháp và người Việt có học thức: thương nhân, công chức, thông dịch viên, giáo sư, thư ký v.v… không phân biệt tôn giáo. Các thành viên của Hội học liên kết với nhau: – Thực hiện các nghiên cứu chung về các vấn đề đạo đức, tôn giáo, khoa học, lịch sử, kinh tế và xã hội; – Thuyết trình bằng tiếng Pháp và tiếng Việt; – Hợp nhau và tiêu khiển một cách thanh bạch.

Ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, Hội học Pháp – An Nam Qui Nhơn là một sáng kiến văn hóa lớn của Đông Dương nói chung và của Địa phận Qui Nhơn nói riêng. Ngày khai trương (10.11.1928) đã được loan tin rộng rãi trên các báo chí ở Pháp cũng như tại Đông Dương. Tờ Bulletin Catholique indochinois (của Pháp) số tháng 11 có bài tường trình về ngày khai trương này. Nhật báo Văn hóa Comaedia, số thứ Hai ngày 03.12.1928, đã đưa tin: “Từ Qui Nhơn, người ta viết cho Hãng tin Fides, rằng Cha Maheu và một người Việt tên là Thạnh vừa khai trương ở Qui Nhơn (Đông Dương) một trung tâm học hỏi đầu tiên dành cho thanh niên Việt. Có khoảng hai mươi người tham gia”.

Báo Lời Thăm của Địa phận Qui Nhơn đã tường thuật chi tiết về sự kiện trọng đại này với bài “Mầng khánh thành nhà Hội học (Cercle d’Études) Pháp Nam tại Qui Nhơn”:

“… Cuộc lễ nầy đã được mỹ mãn lắm, gần hết các người Pháp trong châu thành và những bậc thức giả tại Qui Nhơn, là các viên quan chức sắc, các ông giáo sư trường học, những nhà thương mãi lớn và mấy ông bang trưởng người Tàu đều đến dự…

Linh mục Maheu, người sáng lập Hội học đọc lời chào mừng quan khách và giới chức, mục đích của Hội: Biết nhau để hiểu rõ nhau hơn, mà hiểu rõ nhau, cho đặng mến và giúp đỡ lấy nhau. Ông Nguyễn Văn Tờn, Hội trưởng, thông ngôn tòa sứ diễn thuyết cảm ơn hết thảy đã có lòng chiếu cố, đến họp mặt đông đảo vui vầy và tỏ tấm lòng nhiệt thành cùng Hội…”.

Ngay từ tháng đầu tiên sau ngày khai trương, Hội đã có những hoạt động văn hóa theo tôn chỉ của Hội, đã có 3 tham luận của ông Bác sĩ, ông Gravelle (quản lý Nhà ngân hàng Đông Pháp ở Tourane) và một người Việt…

Sau một năm thành lập, Hội đã có những bước tiến triển khá thuận lợi: 117 hội viên, trong đó có 31 người Pháp, một con số đáng kể so với cư dân Pháp ở Qui Nhơn lúc bấy giờ. Một thư viện với hơn 1.200 cuốn sách (do Maheu trao tặng), Hội đặt mua hơn 100 đầu sách, và để cho các thành viên nắm bắt được tin tức của đất nước và thế giới, Hội cũng đã đặt mua 6 tạp chí và 8 nhật báo. Theo đề nghị của ông Công sứ Volny Dupuy, các lớp học tiếng Việt dành cho người Tây đã được tổ chức tại trụ sở của Hội, giáo viên đầu tiên là ông Ung Lang…

Hội là Hội học, nỗ lực chính yếu là khía cạnh trí thức. 11 cuộc Hội thảo khác nhau đã được triển khai do những người có thẩm quyền và cử tọa tham dự rất đông. Đồng thời, để cho mọi thành viên phát biểu và tham gia thảo luận, Hội đã tổ chức các buổi diễn thuyết và nói chuyện vào các ngày thứ Năm trong tuần. Hội thảo bàn về nhà ở sạch, giá rẻ và bệnh truyền nhiễm do bác sĩ Le Moine báo cáo, vì phần lớn nhà cửa người dân không đáp ứng các điều kiện vệ sinh, và ở Đông Dương hiện có sự gia tăng các căn bệnh truyền nhiễm, nhất là lao phổi… Những vấn đề xã hội khác cũng được nghiên cứu và trình bày tại trụ sở của Hội, “nơi mà tất cả mọi quan tâm chính trị hay tôn giáo phải bị loại bỏ, tất cả những phấn đấu tư lợi đều không được biết đến. Đây phải là mảnh đất thuận lợi cho việc phát triển mối tương quan trung thành và thân tình giữa hai dân tộc qua con đường thênh thang và đẹp đẽ của trí thức, vì lợi ích cho đất nước chúng ta”, lời tổng kết của ông Nguyễn Vỹ, Thư ký Hội, vào ngày 26.02.1930…

Việc truyền bá chữ Quốc ngữ cũng được cổ vũ ở đây, vì là nơi thu hút những thành phần trí thức quan tâm đến tương lai của đất nước: học sinh, giáo chức, viên chức các công sở. Hội là nơi tập trung để đọc sách báo, chơi cờ tướng, nghe diễn thuyết… Trong hai năm 1938 – 1939, Hội tổ chức liên tiếp các cuộc diễn thuyết của Nguyễn Xuân Lữ nói về tự do dân chủ, Phan Thanh nói về cải cách dân chủ và truyền bá chữ Quốc ngữ.

Đêm 21.5.1941, tại nhà Cercle Qui Nhơn (văn phòng Hội) đã tổ chức một buổi diễn thuyết do ông Trần Văn Hích, giáo sư ở Phan Thiết, nói về sự hợp tác giữa gia đình và học đường, thính giả phần đông là viên quan, quý thầy làm việc, các giáo sư và những vị tai mắt trong thành phố. Theo diễn giả: Nước nhà được mở mang tiến bộ, một phần rất lớn do sự đào tạo thanh niên. Vấn đề quan trọng này không chỉ một phụ huynh, hoặc một mình thầy, mà phụ huynh và thầy dạy phải phối hợp. Về vấn đề thể dục, diễn giả chú trọng vào những cuộc vận động không mất tiền, như tập chạy, bơi lội… Qua vấn đề trí dục, diễn giả nói phụ huynh và thầy phải cùng nhau xem xét trí tuệ đứa bé để chọn lựa nghề nghiệp phù hợp…”. Linh mục Maheu còn viết một cuốn từ vựng bỏ túi Pháp – Việt: Petit lexique de poche français-annamite, 326 trang, in tại Librairie Imprimerie Quinhon năm 1910.

Sáng lập Trại phong Qui Hòa
Bị ảnh hưởng bởi số lượng lớn người mắc bệnh phong ở các quốc gia khác nhau của Liên minh (Đông Dương), đặc biệt ở An Nam. Vào những năm 1920, Bình Định được xác định có 360 người mắc bệnh phong, nếu tính cả những ca chưa được chẩn đoán, sống rải rác ở vùng nông thôn, thực tế có thể lên tới 1.200 ca, một con số đáng kể so với tổng số 70.000 dân của tỉnh. Năm 1929, trước tình cảnh hết sức cấp thiết, để quy tụ và chăm sóc những bệnh nhân này, Paul Maheu rời bỏ công việc in ấn rất thành công của mình cùng bác sĩ Lemoine, bác sĩ chăm lo sức khỏe cộng đồng ở Qui Nhơn, đã thành lập Laproserie de Qui Hoa – Trại phong Qui Hòa, người dân quen gọi là Làng phong Qui Hòa, cách Qui Nhơn 5km về phía Nam, tại một thung lũng bình yên vắng lặng hiếm có, được bao bọc xung quanh là núi đồi, mặt hướng ra đón gió biển. Bác sĩ Le Moine, chép: “Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi thấy trong một chiếc thuyền mành lỉnh kỉnh một chiếc giường gỗ, vài cái ghế, một cái bàn, một máy quay đĩa, nhiều sách, một nhà tu khổ hạnh với đôi mắt sáng ngời. Đó chính là Cha Maheu, người sẽ cống hiến cuộc đời mình cho những người phong cùi…”(6).

Quan tâm giúp đỡ cho sáng kiến, chính quyền địa phương của An Nam hứa sẽ hỗ trợ tài chính cho người sáng lập, nhưng vì nguồn vốn cung cấp không đủ, Maheu kêu gọi cộng đồng tham gia, và đã chiếm được sự ủng hộ nhiệt tình ở Đông Dương. Dự án của Maheu là thiết lập khu Trại phong, gồm: nhà nguyện dành cho nhân viên bệnh viện, phòng thăm, văn phòng, bệnh xá, khu điều trị – nơi sẽ dành cho những bệnh nhân nặng, những người bị cách ly khỏi gia đình, người được chăm sóc liên tục theo yêu cầu, và nhà ở riêng cho mỗi gia đình bị phong cùi.

Việc xây dựng chưa hoàn thành, Trại phong đã chứa 120 người phong hủi, tiếp nhận và điều trị những người phong cùi ở các tỉnh thuộc Trung phần An Nam, phòng bệnh lúc này là những ngôi nhà tranh vách đất. Bác sĩ Marcel Le Moine phụ trách chuyên môn y khoa. Một thầy thuốc Đông y có bài thuốc gia truyền chữa bệnh phong cùi cộng tác với bác sĩ. Ngoài ra, có các Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn giúp băng bó, lau rửa vết thương… Năm 1930, Trại phong đã có 140 bệnh nhân.

Năm 1932, để chăm sóc cho số lượng bệnh nhân ngày càng lớn, sáu nữ tu Phan Sinh người Pháp đã từ Marseille, lên đường tới Qui Nhơn. Khi đến nơi, họ vừa củng cố cơ sở vật chất, vừa chăm sóc, tắm rửa cho 180 bệnh nhân mỗi ngày. Những ngôi nhà tranh được dựng thêm để phục vụ các bệnh nhân và người nhà đến ở cùng.

Năm 1933, Trại phong bị một cơn bão tàn phá, từ những tàn tích, một cơ sở mới rộng rãi, khang trang đã được xây dựng. Khuôn viên Trại phong giờ đây có thêm nhà thờ, tu viện cùng 200 ngôi nhà cho bệnh nhân lưu trú.

Hiện nay, Khu Bệnh phong – da liễu Trung ương Qui Hòa có khoảng 1.000 nhân khẩu với gần 300 hộ gia đình, họ sống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt lên nỗi đau bệnh tật, một “nơi tình người bao la”. Tượng Paul Maheu được tạc đặt trang trọng trên bục cao trong cổng Bệnh viện.

Tạm kết bài viết, xin mượn lời của nhà văn Jacques Lê Văn Đức, đăng trong Courrier Saigonnais, 4 Mars 1931:

“… Không một người Đông Dương nào mà không cảm thấy đau buồn khi biết tin Cha P. Maheu qua đời tại Paris vào ngày 27 tháng 2 năm 1931.

Ở vùng Đông Dương ai mà không biết đến con người tốt bụng này, một con người có nhiều phẩm chất cao quý nhất: lòng tốt, sự tận tâm, vị tha, nhân ái. Ngài sống chỉ để làm điều thiện, hoàn toàn quên mình trong việc hoàn thành sứ vụ tông đồ của mình. Ngài chỉ thấy mình được hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc, dù người đó là ai, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt người Pháp hay người Việt. Ngài đặc biệt cống hiến hết mình cho những người nghèo khổ, thất học, bị bỏ rơi…”.

NGUYỄN THANH QUANG – Linh mục Gioan VÕ ĐÌNH ĐỆ

* Chú thích:

1. AMEP. M. Gaillot, Rapport annuel des évêques, 1922.
2. Xem L’Écho annamite, 17 Mars 1930.
3. https://irfa.paris/en/missionnaire/2170-maheu-paul/.
4. Xem L‘Écho annamite, 18 Mars 1930.
5. Mémorial Mission de Quinhon, Sept. 1928, trang 142.
6. https://irfa.paris/en/missionnaire/2170-maheu-paul/.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…