Người cán bộ hợp tác xã năng động, tận tụy với công việc

(VNBĐ – Làm theo gương Bác).  Tôi gặp anh trong nhiều chuyến công tác trên vùng đất trung du Hoài Ân. Có chuyến, anh với vai trò là người hướng dẫn khách tham quan vườn, trại. Có chuyến, anh là người giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) đến với khách hàng. Và có khi, anh là nhân viên khuyến nông bám thực địa hướng dẫn nông dân trồng trọt, chăn nuôi… Anh là Thái Thành Việt – cán bộ phụ trách kỹ thuật của HTX NN Thanh niên Hoài  Ân – vừa nhạy bén vừa tận tụy với công việc.

Thái Thành Việt sinh năm 1985, ở thôn An Hậu, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh thi và học ngành Khuyến nông của trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Bình Định. Ra trường, Việt được nhận vào làm tại Trung tâm Khuyến nông huyện Hoài Ân. Tại đây, Việt năng nổ, tháo vát và luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Năm 2020, HTX NN Thanh niên Hoài Ân được thành lập, Việt là đoàn viên ưu tú lại được đào tạo chuyên ngành nông nghiệp nên được Đại hội chọn bầu vào Ban Quản trị với chức danh Phó Giám đốc.

Anh Thái Thành Việt đang giới thiệu với khách hàng về sản phẩm hữu cơ của HTX NN Thanh niên Hoài Ân. Ảnh: T.P

Trên cương vị mới, Việt là người rất “thức thời”, biết rõ người dân đang cần gì nên sớm định hình được hoạt động cho HTX. Anh mạnh dạn xây dựng và thông qua đề án “Liên kết sản xuất” bằng việc hỗ trợ cây – con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Nhờ hướng đi mang tính bền vững này mà thoáng chốc, số hộ thanh niên trong huyện tham gia làm thành viên của HTX tăng cao. Để có đủ kinh phí hoạt động lâu dài, ngoài số vốn điều lệ, Việt kêu gọi thành viên HTX góp thêm theo kiểu cổ phần và đã phát huy tối đa lợi tuất. Việt mạnh dạn đề xuất làm mới, mở rộng nhà xưởng: sản xuất, bảo quản, sơ chế, đóng gói… và cử người đi học các lớp công nghệ thực phẩm để về “làm mới” các sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động của HTX theo đó được mở rộng dần. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, HTX còn sản xuất các loại bún khô từ nông phẩm “sạch”, bánh tráng rừng bường, rượu nếp bưởi, chè Gò Loi, trà nụ hoa hòe, mứt sấy trái cây, gà thịt đóng gói,… góp phần giải quyết toàn bộ nông phẩm làm ra từ tay thành viên HTX, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.

Nhận thấy vùng đất Hoài Ân trồng được nhiều giống cây ăn trái vốn chỉ có ở Nam bộ và Tây Nguyên, Việt vào Google tra cứu, tìm hiểu và ghi chép cẩn thận quá trình sinh trưởng – phát triển, cách trồng – chăm sóc từng loại cây rồi tổ chức tập huấn cho các thành viên HTX. Để thông tin từ HTX đến được tất cả thành viên và từ thành viên đến HTX một cách nhanh nhất, anh lập 3 nhóm Zalo. Nhóm 1 gồm những gia đình đã có giống “cây mới” nhưng chưa cho quả hoặc cho quả ít, như: hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, dâu, bòn bon,… Nhóm 2 gồm những hộ bắt đầu trồng mới và nhóm 3 là nhóm chăn nuôi: gà thả đồi, heo đen. Anh thường xuyên đăng tải hình ảnh, kiến thức, kỹ thuật riêng cho từng nhóm; hằng ngày theo dõi, lắng nghe và trả lời cụ thể các câu hỏi từ phía thành viên. Anh đích thân đến nhiều công ty, vườn ươm giống cây trồng miền Nam chọn mua cây giống chuẩn, thuê xe chở về cung cấp cho hộ làm vườn.

Từ thực trạng “được mùa mất giá” là nguyên nhân chính làm nản lòng nhiều người và giảm doanh thu HTX, anh Việt trực tiếp tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ và VietGap do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Sau khi được bồi dưỡng, anh vận động thành viên HTX chuyển sang sản xuất “sạch”, vì chỉ có sản xuất “sạch” mới đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững. Sản phẩm “sạch” sẽ đủ điều kiện để đi rộng, đi xa và có mặt trên nhiều thị trường khó tính. Để làm được điều này, anh tổ chức tập huấn cho cán bộ tổ, nhóm về quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói,… rồi phân công anh em phụ trách nhóm vườn, nhóm trại theo từng địa bàn thôn, xóm. Anh đến từng vườn, hướng dẫn bà con cách làm phân hữu cơ, xua đuổi ruồi vàng, ốc sên,… và hợp đồng với những công ty có uy tín, cung ứng kịp thời phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường và chế phẩm sinh học cho hộ làm vườn.

Anh Thái Thành Việt kiểm tra nhãn mác rượu nếp bưởi của HTX trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: T.P

Nhận thấy Tết Nguyên đán là dịp tiêu thụ trái cây mạnh nhất trong năm, nhiều vựa lớn ở các tỉnh phải nhập hàng từ Đà Lạt hoặc miền Tây Nam bộ với giá rất cao, Việt vận dụng kiến thức học được từ những đợt tập huấn, chọn giống cây, chọn thời điểm, ra tay cắt cành, lảy lá, làm bồn – bón phân – tưới nước thí điểm. Và kết quả thật mĩ mãn. Tất cả các giống cây đều cho quả trái vụ. Bưởi, ổi, na chín đúng thời điểm, riêng dứa chậm mất một tuần. Lượng quả đạt gần 90% so với vụ chính. Thế là từ đây anh tự tin hướng dẫn hộ thành viên xử lý kỹ thuật cho cây trồng ra quả chín đúng vào dịp Tết. Nhiều người nhờ anh tận tình hướng dẫn mà Tết nào cũng có trái cây xuất bán. Nhiều hộ nhờ vậy mà thoát nghèo, xây được nhà mới, mua sắm được phương tiện làm ăn hiện đại. HTX cũng từ đó có đủ 50 tấn trái cây “sạch” cung cấp cho các siêu thị trong dịp Tết.

Đầu tháng 4 năm 2024, Việt hết tuổi Đoàn nên giao quyền quản lý – điều hành lại cho đồng chí mới rồi chuyển sang phụ trách kỹ thuật. Dù ở cương vị nào, anh cũng luôn tận tụy với công việc. Anh thường xuyên bám vườn thành viên, kiểm tra cây trái, hướng dẫn chăm sóc theo quy trình “sạch” và xử lý sâu bệnh hại. Vào những đợt dịch gia súc, gia cầm diễn ra trên diện rộng, anh bám sát chuồng trại hộ thành viên cùng với cán bộ thú y khoanh vùng, khống chế và dập dịch. Mùa thu hoạch trái cây, anh túc trực tại vườn, phụ trách khâu bảo quản sản phẩm nhằm tránh va đập, trầy xước. Chị Võ Thị Thúy Loan – người có vườn bưởi da xanh 0,5 ha ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh – cho biết: “Anh Việt nhiệt tình lắm. Anh thường xuyên đến vườn trại của bà con để kiểm tra. Đến vườn nào anh cũng ghi chép, nhắc nhở, hướng dẫn tận tình. Nhiều lúc, chủ vườn, chủ trại làm lèo khèo, anh phải làm thay!”… Anh luôn có mặt trong tất cả các lần hội chợ từ cấp huyện, cấp tỉnh đến khu vực với vai trò giới thiệu sản phẩm của HTX đến với khách hàng. Anh đã góp một phần không nhỏ làm nên thành quả lớn cho HTX NN Thanh niên Hoài Ân, nâng số lượng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lên con số 40, trong đó có 7 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao và làm đẹp thêm sắc màu thủ phủ trái cây Hoài Ân. Trò chuyện về năng lực của Việt ở HTX, anh Hoàng Anh Thiện – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân – cho biết: “Dù ở vị trí nào, Thái Thành Việt cũng luôn năng nổ, tháo vát, tận tụy với công việc, đem lại nhiều lợi ích cho bà con. Giao nhiệm vụ cho anh, chúng tôi rất an tâm!”. Anh Việt xứng đáng nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2020, nhiều giấy khen của UBND huyện Hoài Ân và bằng khen của UBND tỉnh Bình Định. Chia sẻ những kinh nghiệm giúp mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và giúp HTX NN Thanh niên Hoài Ân “ăn nên làm ra” trong thời buổi này, anh Việt bộc bạch: “Phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và phải biết liên kết sản xuất. Không nên để người dân tự túc, tự phát!”.

TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Ông Bụt” của người mù nghèo

Hơn 30 năm qua, có một bác sĩ cặm cụi làm việc, cần mẫn làm việc vì lương tâm trách nhiệm và lời căn dặn của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Bác sĩ ấy là Nguyễn Thanh Triết…