(VNBĐ – Tản văn). Buổi sáng tôi thường dậy rất sớm, đi bộ thể dục và tắm biển. Có ba con người gieo trong tôi ấn tượng sâu sắc. Người thứ nhất là ông cụ hàng xóm, còn người thứ hai là cô Bốn bán bún và người thứ ba là chị bánh xèo đầu ngõ.
Ông cụ cứ tầm ba giờ sáng là thức dậy, bắc cái ghế nhựa ra ngồi trước hiên đốt thuốc… Bên ông là mấy chậu rau, có cải rổ, cà chua, xà lách, rau thơm… Và hình như cả ngày ông cứ quanh quẩn bên nó như những người bạn thân thiết. Cả những khi trời giá lạnh tôi vẫn thấy ông ngồi đó như tượng từ rất sớm, có thêm chiếc áo khoác dày cộp, đốt thuốc hết điếu này tới điếu khác. Khói phà ra mù mịt. Tôi đi ra biển, ngang qua ông và thường cúi đầu chào…
Chẳng bao giờ tôi hỏi ông câu nào và cũng chẳng cần biết sao mà ông dậy sớm thế.
Ông có những nỗi niềm riêng của tuổi già…
Đi tắm biển về tôi hay ghé chỗ vỉa hè đó, mua bún của cô Bốn. Tôi biết cô ở Đập Đá, nơi nổi tiếng làm bún ngon. Có lúc về sớm không thấy cô, tôi phải ngược đường một đoạn thì thể nào cũng gặp; cô bưng cái thúng bún trĩu nặng một bên hông, người ẹo một phía! Có lẽ vì bưng như vậy quá lâu, cái cột sống của cô bị vẹo khiến cái dáng đi của cô luôn như dấu hỏi trên đường. Những lúc đón cô, tôi thường rước thúng bún bưng đi, cóng róng vì nặng.
Còn chị đúc bánh xèo đầu ngõ cũng dậy từ rất sớm, nhen lò khi đèn đường chưa tắt. Con tôi thích ăn bánh xèo tép nên thỉnh thoảng tôi vẫn mang tép tươi mua được từ chợ sớm nhờ chị đúc cho và gửi dư tiền công cho chị. Nhưng chị lại quyết không lấy tiền dư. Chỉ hôm nào bán ế, nhìn thấy tôi đi về chị lại bảo: “Hôm nay bột còn nhiều quá anh”. Tôi hiểu ý và ghé mua giúp cho chị. Chỉ chừng ấy, chị cũng đã rất vui!
Ba con người thân thương tôi hay gặp mỗi sáng ấy giờ không còn nữa. Ông già bị đột quỵ. Chị bán bánh xèo thì theo con vào thành phố rồi chuyển làm nghề osin. Còn cô Bốn bị tai nạn giao thông khi cô bưng thúng bún qua đường, chiếc ô tô quẹt cái thúng làm cô ngã sấp.
Mà lạ làm sao, những con người ấy dù mất đi lại thân thương với tôi đến như vậy. Sáng nào đi tắm biển tôi vẫn cứ nhìn chăm chăm vào khoảng trống nơi mái hiên ông già hàng xóm, nhớ cái dáng ngồi như tượng, cái đốm thuốc lập lòe, mù khói; khoảng trống nơi vỉa hè, nhớ cái chỗ ngồi quen thuộc của chị bán bánh xèo và hiểu mình sẽ chẳng bao giờ được ăn thứ bánh xèo tép vì không ai chịu bán, chịu đúc gia công cho mình; nhớ cái dáng đi như dấu hỏi của cô Bốn bán bún và thấy như cuộc đời mình không còn được ăn thứ bún ngon đến lạ lùng như thế nữa!..
Như vậy đấy, những người quanh tôi dù họ hết sức bình thường nhưng họ sống và biết gieo vào tâm trí người khác những ấn tượng khó phai…
Còn bạn? Bạn sẽ gieo gì vào xúc cảm của người khác?
Không làm được điều phi thường, có lẽ xin hãy cứ bình thường như thế để người ta còn thấy được cái khoảng trống khi bạn đã rời đi. Như ông già, như chị bánh xèo và như cô Bốn…
TRẦN QUANG KHANH
(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)