Nghị quyết là bước chuẩn hóa chính sách VHNT của tỉnh nhà, tạo động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo

(VNBĐ – Thời sự). Tại kỳ họp lần thứ 17, khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra từ ngày 10 – 12.7.2024, HĐND tỉnh Bình Định đã thông qua 35 nghị quyết, trong đó có “Nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ xuất bản, phổ biến, tặng thưởng các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ sáng tác và đạt giải thưởng trong hai năm 2024 và 2025” (Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND). Ngày 09.8.2024, UBND tỉnh đã có văn bản số 6112/UBND-VX về việc triển khai Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND ngày 12.7.2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh, trong đó giao Hội Văn học Nghệ thuật chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND.
Phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND.

Nhà thơ Mai Thìn – Chủ tịch Hội VHNT Bình Định

P.V: Thưa nhà thơ Mai Thìn, đến thời điểm này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã triển khai thực hiện văn bản số 6112/UBND-VX của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND về “chính sách hỗ trợ xuất bản, phổ biến, tặng thưởng các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ sáng tác và đạt giải thưởng trong hai năm 2024 và 2025” như thế nào?
Nhà thơ Mai Thìn: Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Hội VHNT đã họp, triển khai việc thực hiện Nghị quyết này. Theo đó, Hội đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định, đánh giá, xếp loại các tác phẩm, chương trình tham gia hỗ trợ xuất bản, phổ biến. Để Nghị quyết đi vào đời sống, Hội cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và các ban ngành liên quan hướng dẫn cho văn nghệ sĩ tham gia. Theo kế hoạch, Hội sẽ tổ chức thực hiện việc xét hỗ trợ, tặng thưởng năm 2024 vào cuối năm nay.

P.V: Chính sách hỗ trợ xuất bản, phổ biến, tặng thưởng các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ sáng tác và đạt giải thưởng theo Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND có điểm gì mới so với chính sách hỗ trợ mà văn nghệ sĩ Bình Định đã được thụ hưởng trước đây?
Nhà thơ Mai Thìn: Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh được xây dựng trên cái nền của Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh về việc Ban hành mức hỗ trợ xuất bản, phổ biến và mức tặng thưởng đối với các tác phẩm về VHNT do văn nghệ sĩ tỉnh Bình Định sáng tác đạt giải trong hai năm (2021 – 2022), cho nên về cơ bản các khung hỗ trợ không khác mấy. Chỉ khác là lần này đối tượng thụ hưởng, phạm vi thụ hưởng được mở rộng hơn, kể cả mức hỗ trợ cũng được nâng cao hơn. Trước kia, mỗi tác giả có 02 tác phẩm khác nhau, nhưng cùng thể loại thì chỉ được hỗ trợ 01 tác phẩm, giờ thì các tác phẩm khác nhau của cùng một tác giả đều được xét hỗ trợ, chứ không hạn chế về thể loại như những lần trước. Trước kia, chỉ tặng thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đang sinh sống, làm việc và sáng tác VHNT tại tỉnh Bình Định có tác phẩm đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. Lần này còn mở rộng ra giải thưởng của Bộ VH,TT&DL và giải thưởng Quốc tế. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ ngoài tỉnh có tác phẩm về đề tài Bình Định đạt giải thưởng các tổ chức nói trên cũng được đưa vào diện tặng thưởng.

P.V: Văn nghệ sĩ tỉnh nhà “đón nhận” Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND như thế nào, thưa nhà thơ?
Nhà thơ Mai Thìn: Có thể nói, Bình Định là tỉnh rất quan tâm đến văn học nghệ thuật. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, UBND tỉnh đã thành lập Giải thưởng VHNT Đào Tấn – Xuân Diệu để trao thưởng cho các tác phẩm VHNT xuất sắc, 05 năm một lần. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm VHNT cho văn nghệ sĩ cũng được duy trì, và có tác dụng lớn trong hoạt động sáng tạo. Nhờ vậy, thời gian qua chúng ta có thêm nhiều tác phẩm, công trình VHNT mới đạt các giải thưởng lớn trong cả nước và quốc tế; đặc biệt xuất hiện thêm nhiều gương mặt văn nghệ sĩ mới được cả nước chú ý, làm phong phú đời sống VHNT tỉnh nhà và cả nước. Cho nên, Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND lần này là một bước chuẩn hóa chính sách VHNT của tỉnh nhà. Hy vọng sẽ tạo nhiều động lực tốt cho văn nghệ sĩ trong sáng tạo và đặc biệt là việc phổ biến tác phẩm VHNT, tạo thêm không khí sôi động cho các hoạt động VHNT ở tỉnh nhà.

UBND tỉnh trao giải A, Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu về VHNT lần thứ VI (2015 – 2020) cho các tác giả. Ảnh: P.V

P.V: Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND có thời gian thực hiện trong hai năm 2024 và 2025. Vậy sau năm 2025, chính sách hỗ trợ xuất bản, phổ biến, tặng thưởng sẽ như thế nào, thưa nhà thơ?
Nhà thơ Mai Thìn: Với khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ tỉnh nhà và sự quan tâm đầu tư thỏa đáng từ các chính sách của tỉnh, tôi hy vọng Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND chắc chắn sẽ có tác động tốt trong đời sống xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để Hội VHNT và các ban ngành sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất tỉnh tiếp tục duy trì chính sách này trong giai đoạn tới.

* Xin cám ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này.

P.V (thực hiện)

Nhà nghiên cứu VHDG Trần Xuân Toàn (Chi hội VNDG, tác giả của 07 tập sách nghiên cứu, chuyên luận về VNDG và 2 tập thơ)
Văn nghệ sĩ Bình Định rất vui mừng trước sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự quan tâm sâu sắc của UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành của tỉnh đối với hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Cụ thể, chính sách hỗ trợ phổ biến tác phẩm VHNT lâu nay dành cho giới văn nghệ sĩ, là sự quan tâm rất lớn của UBND tỉnh. Bên cạnh Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu dành cho VHNT mà tỉnh trao tặng 05 năm một lần, chính sách hỗ trợ này, trong nhiều năm qua đã tạo không khí sôi nổi, phấn chấn trong sáng tạo, hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhiều tác phẩm, trong đó có một số tác phẩm chất lượng cao được ra đời; hoạt động văn hóa, văn nghệ thêm phong phú và hiệu quả, nhiều tác giả văn học nghệ thuật có điều kiện được khẳng định! Bức tranh văn hóa văn nghệ tỉnh ta ngày thêm khởi sắc.

Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND về “Quy định một số chính sách hỗ trợ xuất bản, phổ biến, tặng thưởng các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ sáng tác và đạt giải thưởng trong hai năm 2024 và 2025” được HĐND tỉnh Bình Định thông qua ngày 12.7.2024 là tiếp nối sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh đối với văn nghệ sĩ. Điểm mới của Nghị quyết lần này là về mức hỗ trợ so với những năm trước đây đã bám sát thực tế hơn, định mức hỗ trợ cao hơn, điều kiện hỗ trợ có mở rộng và thông thoáng hơn; tạo điều kiện thuận lợi hơn để văn nghệ sĩ xuất bản, phổ biến tác phẩm, giành được nhiều giải thưởng cao hơn.

Nhìn chung là giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà rất phấn khởi trước Nghị quyết của HĐND tỉnh!

Nhạc sĩ Thế Tuyên (Chi hội Âm nhạc, tác giả của 07 tập ca khúc được xuất bản)
Sáng tác âm nhạc (chủ yếu là các ca khúc) của các tác giả Bình Định nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng. Đó không chỉ là sự sáng tạo của các nhạc sĩ mà còn là sự đầu tư về mặt vật chất để tác phẩm được đến với công chúng. Các nhạc sĩ ở Bình Định đa số là lực lượng giáo viên âm nhạc, là công chức trong ngành Văn hóa, sống dựa vào đồng lương là chủ yếu. Từ đó, việc muốn tổ chức được một đêm nhạc, liveshow hoặc in tập ca khúc rất khó khăn. Tổ chức một đêm nhạc (gọi là chương trình tác giả, tác phẩm) ít nhất phải 10 ca khúc, phụ thuộc vào việc hòa âm, phối khí (làm nhạc beat) chi phí thấp nhất 1,5 triệu đồng/ ca khúc, thuê phòng thu âm khoảng 500 ngàn đồng/ ca khúc; bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn của ca sĩ 500 ngàn đồng/ ca khúc; các yếu tố phụ trợ khác như âm thanh, ánh sáng, khán phòng… khoảng hai triệu đồng/ chương trình. Tính ra chi phí gần 25 triệu đồng/ chương trình. Nếu in một tập ca khúc 30 bài (số lượng 300 quyển) chi phí hơn 20 triệu đồng.

Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND ngày 12.7.2024 đã có sự điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn so với những năm trước đây. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật trong tỉnh, động viên các nhạc sĩ thực hiện các chương trình tác giả – tác phẩm âm nhạc, hoặc xuất bản các tuyển tập ca khúc mới phục vụ công chúng.

Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền (Chi hội Mỹ thuật, tác giả của 05 cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân)
Điểm mới của Nghị quyết của HĐND về chính sách hỗ trợ, xuất bản, phổ biến tác phẩm tăng về mức hỗ trợ và mở rộng về đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, mảng mỹ thuật mức hỗ trợ chưa tương xứng. Có thể nhìn thấy rõ điều này qua quá trình sáng tác tác phẩm mỹ thuật như: đầu tư cho một tác phẩm mỹ thuật các họa sĩ phải cần điều kiện đi lại để thâm nhập thực tế; phác thảo… Khi dựng lên tác phẩm cần phải có điều kiện về vật tư và họa phẩm. Đối với hội họa cần có khung trong và khung ngoài, kính, vải, sơn dầu, lụa…; với điêu khắc cần có đất sét, thạch cao, đay, sắt, gỗ, đồng… Về điều kiện để tổ chức triển lãm cá nhân (hoặc nhóm tác giả): cần phải thuê địa điểm triển lãm; trưng bày, dàn dựng tác phẩm, in catalogue, tuyên truyền trực quan, tổ chức khai mạc… kinh phí tổ chức không dưới 35 triệu đồng/ cuộc triển lãm. Trong khi, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết mức cao nhất (loại A) 500 ngàn đồng/ tác phẩm và không quá 25 triệu đồng cho một cuộc triển lãm.

Nghệ sĩ Võ Chí Hà (Chi hội Nhiếp ảnh, tác giả của 03 cuộc triển lãm ảnh cá nhân và nhiều cuộc triển lãm ảnh nhóm tác giả)
Phổ biến tác phẩm đến công chúng là việc làm cần thiết song cũng là điều trăn trở của người sáng tác. Vì để có tác phẩm VHNT có giá trị, ngoài hao tốn công sức và tài lực, việc phổ biến tác phẩm càng ảnh hưởng không nhỏ đến “cơm áo gạo tiền” của từng tác giả. Để hoàn thiện một tác phẩm nhiếp ảnh trưng bày cho công chúng thưởng lãm thì phải chi khoảng 500 ngàn đồng/ tác phẩm. Một cuộc triển lãm Ảnh nghệ thuật, tác giả phải chi từ 25 – 30 triệu đồng. Đây chính là rào cản lớn mà các NSNA không thể phổ biến những “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng. Nhiều cuộc triển lãm Ảnh nghệ thuật của tác giả: Võ Chí Hà, Nguyễn Ngọc Tuấn, Trần Đình Hùng, Nguyễn Tùng Đệ… được tổ chức thành công trong những năm qua là nhờ có sự hỗ trợ một phần kinh phí của các cơ quan, đơn vị và sự nỗ lực của chính tác giả.

Về mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND, theo tôi, đây là “điều kiện đủ” để tác giả mạnh dạn hơn trong phổ biến tác phẩm chứ thực sự chưa phải là nguồn lực để tái tạo sáng tác tác phẩm. Tôi mong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND sớm, kịp thời, nhằm động viên, khích lệ tinh thần lao động, sáng tạo nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ. Qua đó, góp phần quảng bá tác phẩm VHNT đến với công chúng, tạo thêm không gian giao lưu nghệ thuật giữa các văn nghệ sĩ và giữa văn nghệ sĩ với công chúng.

P.V (ghi)

Toàn văn Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND ngày 12.7.2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh:

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chống hoạt động IUU bao giờ kết thúc?

Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản…