Ngân tiếng tà dương

(VNBĐ – Văn trẻ).

Minh họa: Lê Duy Khanh

Tháng Tư vừa sang. Cái rét nàng Bân vừa hết. Trời bắt đầu ấm dần lên. Những tiếng chuông buổi sớm từ chùa Nộm ngân vang khắp chân núi Trâu Sơn như gọi bình minh thức dậy. Ni sư Hương Tràng trở dậy từ lúc trời còn mờ tối. Chẳng hiểu sao ni sư thấy lòng nóng như lửa đốt. Những tiếng mõ trầm trầm, đều đều vang lên trong trai phòng cũng chẳng thể mang lại cảm giác tĩnh tâm. Có tiếng bước chân vội vàng chạy lại. Người tiểu ni vốn là thị nữ thân tín trước kia của ni sư bước vào, hốt hoảng:

– Ni sư, tiểu ni vừa hay tin, quốc vương Chiêm đã cất quân đòi lại hai châu Ô, Rý.

Tiếng mõ đột ngột dừng lại. Ni sư chắp tay trước ngực, nguyện cầu Bồ Tát cho nàng đủ dũng lực. Nàng đã là người xuất gia, nương nhờ cửa Phật, duyên trần và mọi chuyện quá khứ đã buông bỏ từ lâu. Nhưng chẳng hiểu sao ni sư vẫn thấy lòng mình đau như có ai cứa. Vết thương cũ ngỡ đã lành lại sưng tấy.

Châu Ô, châu Rý, mảnh đất là sính lễ vua Chế Mân dùng để hỏi cưới nàng. Nàng đã dùng thân phận công chúa đi hòa thân để đem về hai mảnh đất ấy cho Đại Việt.

***

Năm Huyền Trân tròn 12 tuổi, phụ hoàng của nàng, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử xuất gia tu Phật, lấy đại hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Mùa Xuân năm 1301, người vân du phương Nam rồi sang thăm Chiêm Thành theo lời mời của vua Chế Mân. Trước khi rời thành Đồ Bàn, phụ hoàng đã hứa gả nàng – công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân để thắt chặt thêm tình hòa hiếu hai dân tộc Chiêm Việt. Một lời hứa định đoạt số phận đứa con gái mới 13 tuổi đầu của người. Chẳng biết lúc đưa ra lời hứa, phụ hoàng có thoáng nghĩ đến cảm nhận của nàng không. Mà cảm nhận của nàng ra sao cũng đâu quan trọng bằng giang sơn, xã tắc. Nàng là con gái họ Trần, nàng là công chúa lá ngọc cành vàng, tức là nàng phải có trách nhiệm với nước non, với con dân Đại Việt. Gả cho vua Chiêm là sứ mệnh cao cả và vinh dự của nàng, chẳng có gì đáng tiếc. Nàng không có quyền lựa chọn. Cũng như bà cô của nàng – công chúa An Tư, chắc hẳn lúc đứng trước sự sự an nguy của xã tắc cũng chỉ có thể lựa chọn con đường làm thiếp cho giặc. Nàng may mắn hơn, được gả đi một cách đường đường chính chính, được đưa tiễn, đón rước. Còn công chúa An Tư, chẳng biết trong đêm bước vào trại giặc, nước mắt của bà có thấm ướt hết tấm khăn lụa hay phải nuốt ngược vào trong để làm tròn sứ mệnh. Hết cuộc chiến, cũng chẳng ai nhắc đến tên. Có nhớ, cũng chỉ dám nhớ thầm trong lòng thế thôi.

Nàng nghe theo sự sắp xếp của phụ hoàng, học tiếng Chiêm, văn hóa Chiêm, học y lý, học các phong tục tập quán, lối sống của dân gian cùng những người thầy là các bậc cao nhân của Đại Việt. Phụ hoàng còn bổ Quan Nhập nội Hành khiển Trần Khắc Chung làm giáo thụ cho nàng. Mỗi ngày, Trần Khắc Chung sang chỗ nàng dạy học. Nàng nghe danh tiếng của vị quan Nhập nội Hành khiển đã lâu. Đây chính là người làm sứ giả sang thương thuyết với Ô Mã Nhi, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nàng đọc đi đọc lại lời đối đáp của Trần Khắc Chung với Ô Mã Nhi do sử quan chép lại và mến mộ sự khảng khái mà khéo léo ấy. Phụ hoàng của nàng vẫn thường nói Trần Khắc Chung là người mưu trí, dũng cảm, có tài ứng đối lại có kiến thức uyên thâm. Nhận trọng trách phụ hoàng nàng giao phó, Quan nhập nội hành khiển dốc hết sức dạy nàng. Ông am hiểu văn hóa Chiêm Thành, lại có lối giảng giải thu hút khiến nàng mong ngóng những giờ học mỗi ngày. Một cách kín đáo và tế nhị, ông giảng giải cho nàng về tình yêu gắn liền với trọng trách, sứ mệnh của một nàng công chúa. Huyền Trân hiểu. Nàng là một đứa con gái họ Trần. Tình yêu là gì? Nàng chưa kịp biết tình yêu là gì thì số phận của nàng, cuộc hôn nhân của nàng, phu quân của nàng đã được sắp đặt sẵn. Tình yêu! Với một đứa con gái sinh ra trong hoàng tộc, tình yêu không bao giờ có thể đặt lên trên trọng trách. Ngoài chấp nhận, nàng chẳng thể làm gì khác.

Trần Khắc Chung không bao giờ nhắc đến những lời dị nghị. Nhưng dù có giấu kín thế nào thì nàng vẫn nghe được. Người ta bảo, nàng là công chúa duy nhất của Thượng hoàng và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh, em gái ruột của vua Trần Anh Tông và Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn, cháu ngoại của Trần Hưng Đạo. Nàng là viên ngọc quý của hoàng tộc mà lại phải chấp nhận một cuộc hôn nhân không tương xứng. Có người chép miệng thương cảm một nàng công chúa cao quý lại phải gả cho vua của một tiểu quốc lạc hậu, một xứ sở xa xôi đầy lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc. Chính anh nàng, nhà vua Trần Anh Tông cũng cảm thấy phân vân. Ngài thương đứa em gái mới sáu tuổi đầu đã mồ côi mẹ, dẫu được kế mẫu cũng chính là dì ruột Thái hậu Tuyên Từ chăm bẵm, dạy dỗ. Nhưng năm Huyền Trân mười hai tuổi, Thái hậu Tuyên Từ cũng ra khỏi cung, lập am Bình Dương để tu Phật. Đứa em gái thông minh, đẹp dịu dàng và tinh khôi như một nụ hàm tiếu. Đứa em gái mà mỗi lần nhìn nó, ngài lại như thấy bóng hình của mẹ. Lẽ nào phải gả đứa em gái tới một mảnh đất xa xôi từng thù địch. Lẽ nào phải gả đứa em gái ngây thơ mới mười sáu tuổi cho một người đàn ông đã hơn bốn mươi tuổi, đã có hai hoàng hậu và nhiều thê thiếp. Em gái ngài sẽ phải tranh đấu ở chốn hậu cung đầy phức tạp ấy như thế nào khi những người thân, quê nhà đều xa ngái. Phân vân vậy, nhưng ngài cũng không thể trái lời của Thượng hoàng. Là vua một nước, gánh nặng sơn hà đặt lên vai, ngài hiểu dụng ý của phụ hoàng. Phương Bắc vẫn chưa yên. Nhà Nguyên luôn nhòm ngó và nuôi ý định thôn tính Đại Việt một lần nữa. Nếu không hòa hảo với Chiêm Thành, phía Bắc nhà Nguyên tấn công, phía sau Chiêm Thành thù địch thì thế nước tất nguy. Vì lợi ích lâu dài của xã tắc, chỉ có thể để Huyền Trân đi làm dâu xứ người.

Huyền Trân hiểu, nàng chấp nhận tất thảy. Nàng đã chấp nhận từ những ngày đầu tiên bắt đầu học tiếng Chiêm, học văn hóa Chiêm.

Tháng Sáu, năm Bính Ngọ, Hưng Long năm thứ 14, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý làm sính lễ rước dâu.

Nàng vâng lời phụ hoàng, vâng lời anh trai, cúi đầu gạt lệ, từ biệt mảnh đất Thăng Long bước qua Chiêm Thành làm hoàng hậu. Dòng Nhị Hà thấm những giọt nước mắt của nàng. Trời Thăng Long thấm nỗi buồn của nàng. Đâu đó trong những lời từ biệt, có ai đó thở dài “Thương cho cây quế giữa rừng…”. Những tiếng thở dài ấy xa dần, xa dần, con thuyền trôi giữa sóng nước mênh mang đưa nàng rời xa Hoàng thành, rời xa Thăng Long, rời xa Đại Việt. Những con sóng viễn xứ dội vào ngực nàng nỗi chênh chao của phận gái yếu liễu đào tơ gánh trên mình sứ mệnh mở mang bờ cõi. Chẳng biết, nàng có thể làm tròn được những mong ước ấy. Chờ đợi nàng phía trước kia là những mênh mông, mờ mịt tựa như mặt biển xa ngút tầm trời.

Giữa tháng Tám, nàng tới Đồ Bàn.

Trong nỗi xót xa vì phải rời xa cố quốc để làm dâu ở một đất nước xa lạ, Huyền Trân cũng mong gặp mặt vua Chiêm Thành, phu quân của nàng. Trong những câu chuyện kể về chuyến vân du của mình, phụ hoàng nàng vẫn thường hay khen ngợi Chế Mân là ông vua mẫn tiệp, bác ái, lễ nghĩa và giỏi võ công. Nhà vua là người hùng của dân tộc Champa, người đã giữ từng tấc đất của vương quốc Chiêm, người đã lãnh đạo quân dân Chiêm Thành sát cánh cùng quân dân Đại Việt đánh bại kẻ thù chung là đế quốc Mông Nguyên. Những câu chuyện ấy đã nhen nhóm trong nàng lòng cảm mến về vị vua chưa từng gặp mặt. Cảm xúc ban đầu nhẹ nhàng, mơ hồ, đến chính nàng cũng chưa nhận ra được cho đến khi người anh hùng ấy đón nàng. Người đàn ông tráng kiện, mạnh mẽ với nước da ngăm ngăm đen và nụ cười hồn hậu cầm tay nàng, tuyên bố nàng là Hoàng hậu với thần dân bằng đám cưới suốt mấy ngày đêm liền. Nhà vua tấn phong nàng là Hoàng hậu Paramecvari, hoàng hậu có vị trí cao nhất trong các hoàng hậu. Từ sự cảm mến, từ những rung động mơ hồ của người thiếu nữ dành cho người anh hùng mình ngưỡng mộ, nàng đã yêu.

Những ngày còn ở Đại Việt, học tập lễ nghi, phong tục, văn hóa của đất nước Chiêm Thành, trong những đêm không ngủ được, có lúc nàng cũng tự hỏi mình tình yêu là gì. Trong cung cấm, chẳng ai dám nhắc đến điều đó. Nàng đành tự mình quan sát, tự mình lắng nghe và suy ngẫm. Nàng nghĩ, tình yêu có lẽ giống như ông ngoại mình, Hưng Đạo Vương. Ông đã bước qua mọi rào cản để đến với bà ngoại nàng – công chúa Thiên Thành ngay trong ngày bà chuẩn vị làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương, ý trung nhân mà vua cha đã lựa chọn cho bà. Năm ấy ông ngoại nàng hai mươi ba tuổi, lợi dụng lúc nửa đêm, vượt qua lính canh cẩn mật ở dinh thự của Nhân Đạo Vương để vào phòng bà ngoại nàng đang tá túc. Vì sự liều lĩnh ấy mà ông ngoại nàng đã cưới được người mình yêu. Hoặc tình yêu là giống như mẹ nàng, Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Mẹ nàng đã không màng đến nguy hiểm, đến tính mạng của bản thân mà đứng ra chắn trước cha nàng, bảo vệ an toàn cho cha trước con hổ dữ xổng chuồng, trong khi những người hầu đều bỏ chạy tán loạn.

Tình yêu của nàng dành cho phu quân không sôi nổi, cháy bỏng như tình cảm ông ngoại nàng dành cho bà ngoại. Cũng không nhẫn nại, bền bỉ như tình cảm của mẹ nàng dành cho phụ hoàng. Tình yêu của nàng dành cho đức vua Chế Mân là tình cảm từ sự ngưỡng mộ thiếu nữ, sự cảm mến một người đã mang đến cho nàng những chiều chuộng ấm áp khi nàng không có bất cứ người thân nào bên cạnh. Tình cảm ấy hòa quyện với trách nhiệm của một cô công chúa Đại Việt. Nàng đã sống trong những ngày ngập tràn hạnh phúc, đã cùng nhà vua đi khắp vương quốc, tìm hiểu những phong tục tập quán, xây dựng thêm những ngôi tháp mới trên mảnh đất Chiêm Thành nắng gió. Trong niềm hạnh phúc lứa đôi, nàng có thêm niềm vui của một nàng công chúa đã làm tròn sứ mệnh phụ hoàng giao phó. Những nhóm cư dân đầu tiên của Đại Việt đã vào tiếp quản đất đai hai châu Ô, Rý. Giang sơn, cương vực của nhà Trần đã mở rộng tới Bắc sông Thu Bồn. Tưởng như mọi thứ càng thêm trọn vẹn khi tình yêu của nàng và vua Chế Mân được kết tinh bằng một sinh linh bé nhỏ đang hình thành.

Nhưng hạnh phúc ngắn ngủi quá. Nàng chưa kịp cảm nhận hết những ngọt ngào thì phu quân của nàng đột ngột qua đời. Tình yêu của nàng, chỗ dựa duy nhất của nàng tại Chiêm Thành đã không còn nữa. Hoàng hậu Tapasi truyền những lời đồn thổi khắp nơi, khoét sâu mối thù Chiêm Việt trong lòng quan quân. Hoàng hậu Tapasi chưa bao giờ hòa hợp với Huyền Trân. Vị hoàng hậu gốc Java luôn coi Huyền Trân là cái gai trong mắt, là người đã cướp mất sự sủng ái của vua Chế Mân. Khi nhà vua còn trên dương thế, người che chở, sủng ái Huyền Trân nên hoàng hậu Tapasi chỉ có thể âm thầm che giấu những hờn ghen, oán thán của mình. Những lời đồn thổi do hoàng hậu Tapasi truyền đi khiến sự giận dữ của người dân bùng lên. Người dân Chiêm Thành chưa bao giờ coi Huyền Trân là hoàng hậu, là mẫu nghi của nước Chiêm. Nàng chỉ là món hàng trao đổi của Đại Việt để lấy hai châu Ô, Rý. Người ta đồn rằng chính vì nàng mà vua Chế Mân mất sớm. Nàng hiểu. Sự thù hằn vốn đã tồn tại từ lâu đời, từ thời nhà Tiền Lê, từ thời Lý khi ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính bị mất, từ thời bà vương phi họ Mỵ chết tức tưởi, oan khuất ở sông Châu. Việc nàng được gả sang đây làm hoàng hậu, việc vua Chế Mân băng hà chỉ như giọt nước làm tràn ly. Người ta la ó đòi giết nàng. Nàng ôm bụng, không biết mình phải làm gì để bảo vệ mình và thai nhi trong bụng. Nàng thương chồng. Nàng xót xa cho phận mình, xót xa cho đứa con trong bụng chưa kịp chào đời đã mồ côi. Và rất có thể, con nàng sẽ mồ côi cả mẹ ngay khi chào đời. Nàng nhớ phụ hoàng, nhớ anh trai, nhớ Đại Việt. Giữa những cơn mộng mị, ngất xỉu vì mệt lả khi đứng hầu quan tài suốt ngày đêm, dòng sông Nhị Hà, hoàng thành Thăng Long như ẩn, như hiện. Có lẽ, người ta chờ nàng sinh con xong sẽ hỏa thiêu nàng. Không biết linh hồn nàng có nhớ đường để tìm về với cố quốc?

Người thầy năm nào của nàng, Trần Khắc Chung theo lệnh của anh trai nàng sang viếng tang. Chẳng biết vị quan Nhập nội Hành khiển năm nào có thấy hối hận vì đã ủng hộ vua Trần Anh Tông gả nàng sang Chiêm Thành hay không! Mà hối hận bây giờ liệu có ích gì. Chính bản thân nàng cũng không hối hận. Từ lúc chấp nhận giao phó mình cho số phận, chấp nhận giã từ kinh thành về làm dâu Chiêm quốc, nàng đã không thể quay đầu và không có quyền hối hận. Nhưng nàng lại chẳng thể nào ngăn nổi những xót xa, bàng hoàng và cả những yếu đuối của người đàn bà vừa mới được làm mẹ. Vậy nên, nhìn thấy Trần Khắc Chung, lòng nàng chợt bật lên những chua xót, tủi nhục, những oán trách chẳng thể nói nên lời. Nàng chẳng muốn nhìn mặt, chẳng muốn nghe những lời của người đã từng là thầy nàng nói.

Nàng bước đi như người mộng du. Trần Khắc Chung nói với người Chiêm: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương. Chi bằng, hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn vua cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Đoàn thuyền đưa nàng ra bờ biển Thị Nại. Sương phủ mờ mặt nước. Màn sương trắng xóa, mông lung như ký ức của nàng. Huyền Trân thấy mình như tan ra, trôi đi cùng màn sương lạnh lẽo ấy. Chẳng biết khi ngọn lửa bốc lên, thiêu đốt nàng, nàng có khóc lóc, van xin không. Nàng dặn lòng phải tỏ ra cứng cỏi. Nàng là cháu ngoại của Hưng Đạo Đại vương, vị anh hùng với những chiến công lẫy lừng ba lần chiến thắng quân Mông Nguyên. Nàng là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, vị vua nổi tiếng nhân từ, yêu nước, thương dân. Trong người nàng chảy dòng máu Đông A kiên cường, nàng không thể yếu đuối. Nhưng nàng cũng là một người mẹ. Nàng nghĩ đến đứa con mới chào đời của nàng. Chẳng biết đêm nay không có vòng tay của nàng ôm ấp, con trai nàng có khóc đòi mẹ không. Chẳng biết phụ hoàng và các anh trai nàng khi biết tin có đau lòng không. Quan Nhập nội Hành khiển Trần Khắc Chung, chứng kiến nàng lên giàn hỏa thiêu, ông sẽ có cảm giác như thế nào. Ông sẽ kể lại cho phụ hoàng của nàng, cho anh trai nàng về cái chết của nàng hay ông sẽ bẩm báo nàng đã làm tròn sứ mệnh của một cô con gái nhà Trần, một cô công chúa Đại Việt. Những câu hỏi chập chờn trong đầu, chẳng thể thốt lên thành câu hỏi khiến nàng không nhận ra chiến thuyền của Đại Việt đã áp sát vào thuyền của nàng, đưa nàng sang thuyền rồi lặng lẽ rẽ sóng trở ra hướng Bắc. Tận đến khi mặt trời lên, sương mù tan hết, nàng mới nhận ra nàng đang trở về quê hương, xứ sở, trở về với mảnh đất nàng đã sinh ra và lớn lên. Nàng quay đầu nhìn lại Chiêm Thành dần xa, chỉ còn lại những vệt mờ chẳng rõ hình hài. Bầu ngực căng tức. Nàng úp tay vào mặt, òa khóc. Nàng đành lòng bỏ lại đứa con thơ ở thành Đồ Bàn cho người khác chăm nuôi. Đứa con tội nghiệp của nàng, chưa ra đời đã mồ côi cha, giờ lại xa mẹ mãi mãi. Nàng cũng từng là một đứa trẻ mồ côi mẹ, chưa qua tuổi ấu thơ, cha cũng xa nàng, cởi hoàng bào ẩn vào núi tu Phật. Nàng còn may mắn nhận được tình yêu thương của ông ngoại Trần Hưng Đạo, của người anh trai Trần Anh Tông, sự dạy dỗ, bảo ban, chăm bẵm của người dì Tuyên Từ. Còn con nàng, nó đã thiếu hơi ấm của cha mẹ lại chẳng có ai thân thích bên cạnh. Nhưng nếu nàng quay trở lại, chờ đợi nàng cũng là giàn hỏa thiêu. Mối dây Chiêm Việt mà phụ hoàng nàng muốn kết nối, sự giao tình được dựng lên bởi mối quan hệ thông gia, bằng một cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và cô công chúa Đại Việt đã chẳng thể níu được nữa rồi. Con trai nàng có hiểu cho nỗi lòng của nàng không. Sau này lớn lên, đứa bé ấy có oán hận, trách móc nàng không.

Trời bất ngờ nổi dông bão. Cơn cuồng nộ của thiên nhiên cũng dữ dội như những cơn sóng ngầm đang cuồn cuộn dâng trào trong lòng Huyền Trân. Nàng nhớ con, nàng thương xót cho vua Chế Mân và thương xót cho chính bản thân mình. Nhưng nàng chẳng thể nào khóc nổi. Nỗi đau như lặn vào bên trong, hóa thành hàng trăm ngàn mũi kim chích vào lòng nàng buốt nhói. Nàng mong nhanh về đến Đại Việt, rời thật xa những ngày tháng cũ, mong thời gian có thể làm dịu đi những vết thương nát bấy nhưng lại mong thuyền đi chậm thôi. Mỗi một thời khắc trôi qua nàng lại rời xa con nàng một chút. Sự chia ly này, nàng biết là vĩnh viễn không có ngày gặp lại. Nàng sẽ chẳng thể nào được chứng kiến đứa bé lớn lên, chẳng bao giờ được nghe nó gọi nàng một tiếng mẹ. Ở lại Đồ Bàn, đứa bé mang trong mình dòng máu lai ấy liệu có bị bắt nạt, có phải chịu những ấm ức. Nếu bị người ta ghét bỏ, nó biết tìm ai để chia sẻ. Lòng nàng quặn thắt. Nàng muốn nhào xuống mặt biển để chấm dứt nỗi đau của mình. Nhưng những thị nữ đã giữ nàng lại. Ai đó nói với nàng rằng, cha nàng, thượng hoàng Trần Nhân Tông và các anh trai nàng sẽ đau lòng, sẽ tự dằn vặt trách móc nếu như không thể đưa nàng trở về. Nàng dằn nỗi niềm của mình xuống tận đáy lòng. Vết thương này, nàng chỉ có thể tự mình giữ kín, tự mình xót xa. Và nàng mãi mãi sẽ chẳng thể vượt qua được nỗi đau phải rời bỏ hòn máu của mình.

Những con thuyền nhỏ bé không thể vượt qua những trận cuồng phong, những cơn mưa như trút nước và triều cường dâng cao, đành ghé vào Hóa Châu trú ẩn. Trước dông bão, thuyền bè còn có nơi neo đậu chờ bão tan. Còn nàng? Nàng biết ghé vào đâu để nỗi đau có nơi neo đậu lại mà nguôi ngoai. Nàng ở lại mảnh đất phên dậu nơi chính cuộc tình duyên của nàng khai lập, cùng những người dân ở hai châu Ô, Rý ăn cái Tết đầu tiên từ khi thuộc về Đại Việt.

Chờ mưa ngừng bão tạnh, mãi đến cuối tháng Hai năm sau, đoàn thuyền mới đưa nàng trở về Thăng Long. Chẳng biết có phải trời đất thấu hiểu cho nỗi lòng của một nàng công chúa trở về cố quốc với những vết thương lòng đầm đìa, bấy nát mà Thăng Long đón nàng bằng những cơn gió lạnh buốt, tê tái. Trời Thăng Long hôm ấy xám xịt những quầng mây nặng nề u ám.

Nàng gặp lại phụ hoàng ở Yên Tử. Nàng đọc được trong mắt phụ hoàng những lo lắng. Nàng biết, dù đã tìm đến Phật nhưng trong lòng cha nàng vẫn canh cánh nỗi lo về phương Bắc. Giờ mối giao hảo với phương Nam cũng bị phá vỡ, nỗi lo lắng trong lòng người càng nặng nề thêm. Nhưng người chẳng trách móc nàng. Nụ cười nhân từ của người khiến lòng nàng như dịu lại. Người nói đã truyền thánh ý để anh trai nàng và triều đình nhanh chóng cho thuyền đưa những người Chiêm Thành bị ép theo đoàn thuyền Đại Việt được trở về lại khiến nàng thấy mình đỡ day dứt, ăn năn. Người nhẫn nại ngồi nghe Huyền Trân kể lại những ngày tháng sống ở Đồ Bàn, về nỗi lòng người dân Chiêm Thành, về những điều oan trái mà Huyền Trân phải hứng chịu. Mây núi Yên Tử xoa dịu nỗi đau của nàng. Rời Yên Tử, nàng trở về kinh thành, một lòng hướng Phật những mong câu kinh tiếng mõ giúp mình quên đi nỗi nhớ thương da diết nhúm ruột ở phương Nam cách xa vời vợi. Đấy cũng là lần cuối cùng nàng được ở bên cạnh phụ hoàng.

Một đêm mùa đông, phụ hoàng của nàng, Trúc Lâm Đại Sĩ viên tịch. Huyền Trân xuất gia tu Phật, chẳng màng thế sự, chẳng màng giải thích những lời đàm tiếu bên ngoài về nàng và Trần Khắc Chung. Nàng mở lớp học đồng ấu dạy chữ cho đám con trẻ nhà nghèo, bốc thuốc chữa bệnh. Nàng dạy người dân trồng cấy giống lúa mới của Chiêm Thành. Nàng buông bỏ hết duyên trần, buông bỏ cả những tháng ngày quá khứ. Nhưng nàng chẳng thể khiến lòng mình yên ả như không có gì khi nghe tin chiến tranh Chiêm Việt xảy ra. Dù là người Chiêm hay người Việt cũng đều từng là con dân của nàng. Một bên là quê hương, xứ sở, một bên là nơi nàng từng làm hoàng hậu, từng chứng kiến những giây phút hạnh phúc của nàng cùng những đau khổ tột cùng của nàng. Chém bên nào cũng thấy xót như chém vào chính da thịt nàng. Châu Ô, châu Rý, từ mấy năm nay người Việt và người Chiêm chung sống hòa thuận, cùng trồng lúa, làm ăn, dựng vợ gả chồng, xây dựng thành mảnh đất Thuận Hóa ấm no, yên bình. Chiến tranh nổ ra, người dân là những người phải chịu khổ nhiều nhất.

Nàng chắp tay nguyện cầu chư Phật cho cuộc chiến này sớm kết thúc để người dân bớt lầm than.

***

Vua Chế Chí chỉ huy mười ngàn quân binh tiến vào cửa Eo vào lúc mờ sáng, phối hợp với năm ngàn quân do trưởng lão Chế Toàn chỉ huy vượt qua sông Cu Đê nhằm đòi lại hai châu Ô, Rý. Đoàn Nhữ Hài cùng mười ngàn dân quân vốn là những nông dân trong các đợt di dân vào khai phá vùng đất Thuận Hóa đã cầm cự với mười lăm ngàn quân Chiêm suốt nhiều ngày liền. Nhưng vì chênh lệch quân số nên quân Đại Việt phải co cụm lại ở rừng Bạch Mã. Toàn vùng duyên hải châu Ô, châu Rý bị quân Chiêm Thành kiểm soát.

Nhận được tin, ni sư Hương Tràng cố nén một tiếng thở dài, tay lần tràng hạt để tịnh tâm. Nàng là người xuất gia, không có quan hệ gì với cuộc chiến này. Nhưng hai châu Ô, Rý, mảnh đất được người Việt đổi thành châu Thuận, châu Hóa ấy có liên quan trực tiếp đến quá khứ của nàng, làm sao có thể không quan tâm cho được. Nàng đứng ở đâu trong cuộc chiến này. Nàng có phải là nguyên nhân gây nên cuộc chiến này hay không. Nàng không biết nữa!

Từ Thăng Long, hoàng thượng Trần Anh Tông cùng các thuộc tướng Trần Quốc Chẩn, Trần Khánh Dư và Trần Khắc Chung dẫn theo mười lăm ngàn quân và trên 100 chiến thuyền ra khơi tiếp viện cho Thuận Hóa. Vua Anh Tông và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư tiến vào cửa Eo, Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn và Hành khiển Trần Khánh Chung tiến vào cửa Việt. Hai cánh quân đánh dồn địch về phía Nam. Cuộc chiến ác liệt nổ ra. Xác người chết, người bị thương chất chồng lên nhau. Chỉ trong ba ngày, quân Đại Việt thiệt hại hết một phần ba, quân Chiêm chỉ còn hai nhóm nhỏ chạy lạc ở Lăng Cô và rừng Bạch Mã. Vua Chế Chí bị bắt. Vua Anh Tông đưa Chế Chí về Gia Lâm, phong làm Thuận Trung vương.

Ni sư Hương Tràng hay tin trận chiến đã kết thúc, quân Chiêm thất bại, thiệt hại tới hơn một vạn quân và không thể lấy lại hai châu Ô và châu Rý. Đại Việt đã chiến thắng nhưng cái giá phải trả cũng đầy đau đớn. Ni sư nhìn nắng chiều xiên xiên về phía núi, hiu hắt phủ lên cây cỏ ánh tím buồn bã, thê lương, bất chợt trong đầu hiện lên hình ảnh những đoàn người dắt díu nhau chạy loạn trong cuộc chiến. Trên đường chạy loạn, bao nhiêu người đã chẳng thể tránh được đường gươm, mũi giáo vô tình. Có đứa trẻ nào bị lạc mất cha mẹ, có người mẹ nào mất con, người vợ nào mất chồng gào khóc đến khản hơi, tắt tiếng. Ni sư Hương Tràng chắp tay trước ngực, khấn nguyện “A di đà Phật”. Ni sư cầu mong bình yên cho mảnh đất Đại Việt và cả mảnh đất Chiêm Thành ở phương Nam xa vợi.

Tiếng chuông chùa ngân vang như siêu độ, dẫn lối cho những linh hồn tìm về đất mẹ, buông bỏ những oán than trần thế.

ĐÀO THU HÀ
(Văn nghệ Bình Định Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Giếng trời

Khi tôi vụn vỡ, chỗ vỡ ra tạo thành một cái giếng trời. Nắng sẽ xuyên qua thiêu đốt. Và mưa sẽ len lẻn hắt vào cho mục mủn mòn hao…

Nỗ lực thể hiện niềm đam mê, sáng tạo

Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ lần thứ VIII – năm 2024 được tổ chức từ ngày 12 – 16.8.2023 với sự tham gia của 23 tác giả trẻ có niềm đam mê và năng khiếu sáng tác…

Chùm thơ của My Tiên

Xin hãy treo em lên ngọn gió lang thang
Để em được sống tự do trong ý nghĩ
Sự ích kỷ được sải cánh bay
Và áng mây sẽ xóa đường chỉ tay lầm lỡ
Trả lại em giấc mơ…

Biển quê

Anh có về uống giọt quê xưa
nơi căng phồng cả một thời tuổi trẻ
nơi mẹ khom lưng cạy hà, chiếc nón nhấp nhô 
biển chưa bao giờ lặng lẽ