Nên ta đành chưng cất chữ tình yêu…

(VNBĐ – Đọc sách). (Đọc tập thơ Giữ mãi hương quê (NXB Hội Nhà văn, 2022) của nhà thơ Quế Anh)

Tôi may mắn được nhà thơ Quế Anh chia sẻ những sáng tác của mình nên có cơ hội đọc thơ anh một cách có hệ thống. Từ tập Tiếng mùa (2018) đến Mai về giũ bụi đường xa (2019), và giờ, là bản thảo mới nhất của anh – Giữ mãi hương quê. Bằng giọng thơ trữ tình da diết, thơ anh chạm đến đa dạng chủ đề. Nhưng dù viết về gì, thì tình yêu và quê nhà vẫn luôn là thứ kết dính, tạo nên những từ trường cảm xúc, liên tưởng trong anh. Suốt dọc dài tháng năm xa quê, những ảnh hình ấy càng hiện diện nhiều, làm dày thêm những thi ảnh trong thơ Quế Anh.

Giữ mãi hương quê như anh bộc bạch, là ngàn xưa, là những ký ức tình, là chuyện đã qua miền cố thổ khiến anh nao nao xúc động và chọn thơ để ký gửi.

Nỗi nhớ đã chảy vào anh thành thơ. Và nội hàm trong hai chữ “quê hương” dường như đã được anh mở rộng biên độ, đồng thời cũng cụ thể hóa trong những xúc cảm của tình yêu, tình người, tình đất… Càng viết, thơ anh càng đi gần về với những mộc mạc câu chữ. Đọc thơ anh, có thể mường tượng mạch chảy cảm xúc được vun tạo thành thơ rất nhanh, như anh sợ cái khoảnh khắc ấy sẽ trôi đi, khó kềm giữ và tìm lại được…

Tôi thích anh dùng những từ ngữ giản dị như gã nông dân thô tháp thiệt thà bên cánh đồng, gần gụi lời ăn tiếng nói chân quê nhưng cũng có lúc bạo dạn để tiệm cận hơn nét đẹp mỹ miều. Thì cứ thử đọc một đoạn thơ trữ tình này của anh: “Trả lại em khuôn trăng từ thuở mười lăm/ Cái thuở em đốn ngã tôi lên bờ xuống ruộng/ Đôi mắt lim dim, đôi tay mềm luống cuống/ Và cả cái phập phồng trên bờ ngực nõn tươi// Trả lại nụ cười ngượng ngập bờ môi/ Cái phút ngẩn ngơ nhìn nhau im thin thít/ Rồi ấp úng, rồi bâng khuâng vờ vịt/ Nửa trẻ thơ nửa cô gái trưởng thành…” (Trả em).

Không mấy khó để nhận diện chất trữ tình trong thơ Quế Anh. Những thi tình nồng nàn và đắm đuối. Yêu như đang yêu, như lần đầu được yêu, vượt hết những rào cản thời gian, khoảng cách địa lý, thi sĩ đã bước chân vào vườn yêu với bao mơ mộng, rạo rực. Tâm thế tận hiến cho tình yêu ấy, được anh đưa vào thơ mình không chút e dè: “Còn nếu anh có chết, sẽ chết trong bờ môi ngọt lịm của em…! Hãy trao nhau những nụ hôn, dẫu đang gần nhau hay vời vợi tận nửa vòng trái đất. Nụ hôn cách ly, nhưng nồng nàn đắm đuối đến vô biên!…//… Có con siêu virus nào giết chết được anh đâu/ Ngoài nụ hôn em nồng nàn đắm đuối/ Ôi nụ hôn, nụ hôn không tên tuổi/ Khủng hoảng cõi hồn/ rừng rực cháy tim nhau…!” (Chết thật rồi).

Xuyên suốt với mảng thơ tình, ta cũng tìm thấy nét đáng yêu khác của tác giả. Ấy là cái chất phóng khoáng, tự giễu, tửng tưng nhưng cũng ý nhị và bất ngờ. Như khi đọc bài thơ Cá tháng Tư, anh dí dỏm: “Tôi chát lại rằng: em có nhớ anh không?/ Chớ nói một đàng mà bụng thì một nẻo/ Lại tự vấn: cái miệng mình quá dẻo/ Còn tự hào, điếm số một là ta!// Không một tiếng trả lời/ Chỉ tiếng nhạc ngân nga/ Vội thức dậy, ngó quẩn quanh…/ Thì ra/ giấc mơ chiều mộng ảo!”. Tự giễu mình “dẻo miệng”, “điếm số một” thì không hẳn thi nhân nào cũng dám. Ở đây, bài thơ trở nên dễ thương và mang hiệu ứng xúc cảm độc đáo, khiến cho bạn đọc thích thú. Và, qua đó, bài thơ cũng thể hiện nét hào sảng của tố chất thi sĩ.

Quế Anh viết lục bát không nhiều, nhưng với tạng thơ này, anh có những câu thơ ngọt ngào. Sự ngắt dòng trong một vài bài thơ lục bát của anh như một cách để tạo nên cấu trúc hình thể của thơ nhằm tránh khỏi cái khung 6 – 8 cổ điển. Đồng thời, là cách để anh tạo ra nhịp điệu thơ. Ví như trong bài Ngắm nhìn, anh viết: “Ngắm tranh/ nhớ một bờ môi/ Ngẫm tình em/ với riêng tôi bọt bèo/ Ngắm người đi giữa phố chiều/ Nhìn tôi/ chiếc bóng đổ xiêu một mình”. Cũng ở thể thơ này, đôi khi ta thấy những hình ảnh liên tưởng thú vị. Thi sĩ nhặt mảnh tình rơi làm mồi, uống cho cạn cùng để vơi đi, quên đi nhưng sự cô đơn như thêm mênh mang, lênh loáng, phủ khắp tâm trạng ngui ngút buồn: “Chiều buồn nhặt mảnh tình rơi/ Bỏ vào ly rượu làm mồi nhâm nhi/ Uống hoài ly chẳng cạn ly/ Người ơi? càng uống sầu bi càng đầy!” (Uống với ta).

Nếu đặt câu hỏi chức phận của thơ là gì, có lẽ sẽ có hàng trăm, ngàn cách lý giải. Thơ bồi đắp tâm hồn để yêu thương nhiều hơn, để rọi thấu vào ngóc ngách thẳm sâu tâm thức mỗi người, để khẽ khàng những trang nhật ký cảm xúc tháng năm… Thơ Quế Anh mang những dấu ấn ấy. Mặt khác, người đọc sẽ tìm thấy ở nơi anh nhiều sự đồng cảm của một thi nhân. Anh viết để chia sẻ với bạn hữu thân tình, với đồng nghiệp cũ, với những người mà anh quý trọng thân thương. Như khi dành những câu thơ về những nghệ sĩ, nghệ nhân gắn đời mình với nghệ thuật sân khấu truyền thống, nơi mà bản thân anh từng có một thời gian dài gắn bó máu thịt: “Anh đâu biết rằng sau buổi chia ly/ Câu hát tiễn nhau còn vọng hoài nơi cố quận/ Em vẫn xiêm y, vẫn má đào son phấn/ Vẫn rực rỡ hoàng cung khắp chốn hý trường// Ngần ấy năm rồi, ta làm khách ly hương/ Đau đáu nỗi niềm đợi một ngày hạnh ngộ/ Để lại gặp em ngày xưa đầu phố nhỏ/ Em hát ta đàn câu Xuân Lụy hợp tan” (Gửi em).

Trong những năm đại dịch Covid bùng phát, khi chứng kiến bao nỗi đau oằn lên trên xứ sở nguồn cội của mình, anh đã xót xa cho những thân phận, cho tang thương chia cách của nhiều gia đình. Và giận, và phẫn uất trước cái ác, trước những gieo rắc tạo nên bao lầm than. Ở đó, anh có nhiều bài thơ khiến người đọc phải suy ngẫm như Mẹ và con, Tháng Bảy nghẹn lời, Mi là ai?

Nhiều năm nay, Quế Anh định cư bên Mỹ, nhưng trái tim anh vẫn bỏng rạc một nỗi nhớ quê nhà, biểu đạt rõ rệt bằng câu thơ xúc động: “Đi giữa quê người cháy nỗi nhớ quê xa…”. Nỗi nhớ ấy luôn khiến người ta day dứt mong ngóng tìm về, dù là tìm về trong hoài niệm, trong trí tưởng. Quế Anh đã yêu quê nhà bằng một trái tim lãng mạn theo đúng nghĩa một người thơ, để trong cái mạch chảy trữ tình xuyên suốt ấy, ta nhận ra sự mãnh liệt của hoài vọng, của khao khát tìm về.

Vào những ngày thu đang đậm dần, những cơn mưa mùa đang trải ra trên ruộng đồng, trên phố thị, đang nhòa đi dấu chân người khách bộ hành, lúc ấy, khi đọc thơ anh, tôi nhận ra vết tích nỗi buồn của người xa quê và bao mong ước trở về, ngược tìm kỷ niệm. Khi đọc những dòng thơ anh viết một cách dung dị về tâm sự của một người nhớ quê trong những ngày giáp Tết, lòng như rưng rưng: “Tôi lại ngồi đong đếm thời gian/ Của những ngày tháng Chạp/ “Mưa vẫn mưa bay …” trên mái đầu điểm bạc/ Đi giữa quê người cháy nỗi nhớ quê xa/ Tháng Giêng nhà người và tháng Chạp quê ta/ Chỉ khác nhau ở một đầu một cuối/ Lại giống nhau trong lòng người nhớ về nguồn cội/ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh…”// Có ai về bên ấy đón xuân/ Cho tôi gởi theo chút tình người viễn xứ/ Rằng ở đây, tháng Chạp quê vẫn giữ/ Cho đến khuya ba mươi để đón mộng xuân về” (Tháng Chạp).

Các sáng tác của nhà thơ Quế Anh hầu hết theo lối thơ truyền thống, nhịp nhàng vần điệu. Ở tập thơ mới này, anh vẫn giữ nhịp điệu ấy. Anh không chạy theo hình thức thể hiện, đổi mới hay lạ hóa ngôn từ để tạo những sinh nghĩa cho thơ mà chỉ khẽ khàng những câu từ mộc mạc, nhẹ nhàng để lại nhiều đồng cảm với bạn đọc. Và có lẽ, như một quan niệm sáng tác, điều đó được nhà thơ thể hiện rõ trong bốn câu thơ ở bài Hương viễn xứ: Thơ ta viết cho em lời dung dị/ Không tô son điểm phấn, mỹ miều/ Ta và em tựa nhân duyên tri kỷ/ Nên ta đành chưng cất chữ tình yêu.

Quế Anh là bút danh của NSƯT Cao Trọng Quế. Anh sinh năm 1954, quê gốc ở Nghệ An. Từ năm 1975 đến 2010, anh làm việc ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định). Sau đó, anh định cư tại Mỹ.
Dịp cuối năm 2022, tại Vinh Thạnh, Tuy Phước – quê hương của Hậu tổ Tuồng Đào Tấn, Quế Anh đã tổ chức chương trình giới thiệu 03 tập thơ của mình. Buổi giới thiệu ấm cúng, thân tình với sự tham gia của nhiều bạn văn và người yêu mến thơ Quế Anh.

PHI NGUYỄN

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.