Mưa về tháp cổ

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi).

1.

Mẹ từng nói tháp cũng biết buồn. Chỉ là nó không thể nói ra. Dáng đứng trầm mặc suốt nghìn năm là minh chứng rõ nhất cho nỗi buồn miên mải đã ngấm sâu vào lòng tháp. Cũng giống như mẹ. Tháp chứng kiến những sự rời đi của lớp lớp người từ nghìn năm trước. Còn bà, chỉ giương mắt nhìn người mình yêu đi xa mải miết, mặc cho đời mình rệu rã, mà không thể làm được gì khác.

Mẹ đã sinh ra tôi, dù không muốn. Mẹ đã nuôi tôi khôn lớn, dù không muốn. Bầu sữa của mẹ là máu huyết của tôi. Hơi thở của mẹ là sự sống của tôi. Vậy mà mẹ phủ nhận tất cả. Mẹ gạt bỏ những sự ân cần, âu yếm khi vòng tay tôi cố siết chặt lấy mẹ. Mẹ vẫy vùng để thoát khỏi đứa con gái có gương mặt của kẻ ác tâm.

Mẹ chạy lên đồi vào những chiều mưa giăng tầm tã. Mưa ngút ngát. Mưa ràn rạt đau. Mưa xối vào mặt mẹ tôi từng cơn nhức nhối bầm gan tím thịt khi những ký ức trong quá khứ ùa về. Nó bủa vây bà. Nó ngấu nghiến bà. Nó giằng xé bà trong muôn triệu ẩn ức. Giữa những yêu thương và hận thù đan xen lấy nhau, mẹ tìm đến men rượu. Những lúc ấy, bà mặc kệ tôi đang ngồi bó gối ở một góc tháp sau khi cố sức đuổi theo bà trên cung đường đầy sỏi đá.

Tôi lén nhìn bà ngất ngưỡng giữa cơn say. Bà thường hát đi hát lại một khúc nhạc buồn. Đôi chân trần rỉ máu nâng lên hạ xuống theo từng điệu hát. Mẹ hát, rồi múa. Những điệu múa Chăm Pa mà tôi chưa bao giờ hiểu được.

Bóng mẹ nhòe đi dưới mưa. Tôi đã nhiều lần có cảm giác bà sẽ tan ra, như những giọt mưa rơi trên mình tháp. Mưa ngấm dần rồi hòa chung một màu gạch ẩm ướt, cũ kỹ.

Mẹ tôi cũng vậy. Đời bà là một bức tranh đã cũ. Không ai có ý định đến gần người đàn bà suốt ngày đi nhặt rác. Quần áo lôi thôi. Tóc tai luộm thuộm. Nụ cười méo mó của bà ẩn hiện trên gương mặt chằng chịt nếp nhăn. Không ai nhìn thấy ánh mắt bà sâu thẳm thế nào. Chỉ có tôi. Trong những chiều mưa như thế, tôi và tháp tựa vào nhau, chỉ để nhìn bà, nhìn sâu vào đôi mắt hun hút nỗi đau.

Tôi sợ bà sẽ biến mất. Tháp cũng sợ bà sẽ biến mất.

Tháp ở đây, chứng kiến bao thế hệ đến rồi đi. Dấu chân của họ còn nằm lại sau những phế tích tưởng đã mất biệt vào lịch sử. Nhưng hồn thiêng sông núi vẫn nằm lại, vẫn thổi vào đời tháp những ngọn gió bi hùng của nghìn năm lịch sử. Bà và tôi cũng là một phần trong bức tranh ký ức nơi này. Chúng tôi đã từng đút cho nhau những mẩu bánh mì nát vụn trong một chiều mưa mịt mù nấp tạm vào lòng tháp. Chúng tôi từng co ro tựa vào nhau, cầu xin hơi ấm của đức thần Shiva ban ơn và cứu vớt trong những đêm sương giăng buốt người. Bà đã khóc ở đây, đã cười ở đây. Bà đã suýt nhiều lần chết đi về mọi nghĩa cũng chính ở nơi này. Tháp ôm lấy nỗi buồn của bà. Tháp giằng lấy tủi nhục của bà, rồi ném giữa thênh thang đồi cao lộng gió. Đứng trước tháp, bà thấy mình lẻ loi. Nhưng thật may khi những đau buồn, tủi nhục của bà chỉ mình tháp thấy biết. Cũng vì thế, bà luôn tìm đến nơi này mỗi khi muốn ngụp lặn trong mặc thinh.

Nếu bà biến mất, không chỉ tôi mà tháp cũng sẽ rất buồn.

Một lần quên mất mình đang say, mẹ thều thào nói, tôi đến với bà vào một sớm mù sương. Phía xa, mặt trời chỉ vừa kịp hé những tia sáng đầu tiên. Tháp vẫn say ngủ. Tiếng lích rích chim sâu thi thoảng mới vang lên giữa tĩnh mịch đất trời. Trên bãi cỏ đẫm sương, bà giương đôi mắt đỏ quạch của mình nhìn vào thăm thẳm. Màu ửng hồng của bầu trời vừa rạng là thứ mà mẹ không bao giờ quên được. Một màu trời có lẫn mùi tanh của máu.

Cuộc hẹn uống trà đón bình minh của ba người bạn chỉ còn là những nhục nhàu bủa vây. Người mẹ yêu đã quay lưng về phía tháp sau khi đánh ngã nhoài thằng bạn thân vừa làm trò đồi bại. Tháp đã bao phen ly biệt, nay chỉ thêm một lần không níu được một dấu chân đi. Mẹ cũng không thể giữ được đôi bàn tay từng rất ấm. Giữa lồng lộng gió, chỉ có mẹ và người đàn ông còn vướng hơi men đứng lại. Tim mẹ vỡ ra. Nát bấy!

Từ ngày ấy, mẹ thôi không lên tháp nữa. Cho đến khi một cơn đau thúc ngang hông quặn nhói, bà lại tất tả ôm lấy chiếc ba lô cũ mèm đã bỏ sẵn khăn áo, rồi tiến về phía tháp.

Nếu ngày ấy, mẹ có thể nhẫn tâm, hẳn tôi đã có một cuộc đời khác. Có thể tôi đã nằm lại với tháp, gieo thêm một linh hồn thuần khiết nhưng đáng thương cho ngọn đồi hun hút gió. Có thể tôi đã không đeo mang cái tên “Hận” suốt tuổi ấu thơ của mình và bị mọi người dè bỉu. Và biết đâu, mẹ cũng bớt đau thương khi không phải nhìn vào gương mặt tôi trong những đêm chuếnh choáng say và ngược dòng về ký ức.

Đêm hôm ấy, hai tay của mẹ ôm lấy cái bụng căng tròn đang cuộn trào những cơn đau. Bà bấu chặt từng cọng cỏ. Đất cát lẫn vào những móng tay. Bà cố sức bò vào chân tháp. Mưa giăng. Đêm giăng. Nước mắt của mẹ lẫn giữa những nhầy nhụa đỏ ngầu.

Bà cắn chặt chiếc khăn vừa tự mình nhét vào miệng để gồng gắng với cơn đau. Tôi ra đời giữa một đêm tháng Mười chớm lạnh. Bà đã cắt rốn cho tôi. Bà dùng khăn quấn lấy tôi và ngay ngắn đặt tôi dưới chân ngài Shiva. Bà đăm đăm nhìn tượng ngài và cầu xin một sự che chở. Bà nhìn tôi, là gương mặt của kẻ ác tâm.

Bà nhếch cười rồi chới với đứng dậy.

Gió lồng lộng thổi. Bà quay lưng lại, chọn cách rời đi. Bà dự tính sẽ mặc kệ đời mình nát nhàu trong ân hận, chỉ cần không nhìn thấy gương mặt của người đàn ông năm đó.

Một tiếng khóc sơ sinh xé tan màn đêm, vang lên nhức nhối.

Tim bà rơi xuống.

Bà quay phắt lại. Đôi mắt khép hờ của thần Shiva rọi thẳng xuống bà những tia nhìn nửa trách móc, nửa yêu thương. Bà như nghe thấy giữa thăm thẳm mịt mù những âm ba vang vọng “đừng bỏ rơi giọt máu đáng thương”. Gió xéo xắt ghì chặt đôi mắt bà. Từng dòng lệ ứa ra mặn chát.

Bà mang tôi về. Bà cho tôi bú những dòng sữa mẹ đã quyện lẫn với oán giận, đau thương. Bà tập cho tôi chập chững những bước đầu tiên trên tháp.

Một lần khác, mẹ lại nói rằng, bà nhặt được tôi ngay dưới chân ngài Shiva trong một hôm mưa về tháp cổ.

Bà đặt cho tôi tên “Hận”.

Tôi hỏi bà “vì sao là Hận?”.

Nếu tôi chỉ là một đứa trẻ mồ côi được bà nhặt về, vì sao lại đặt cho tôi cái tên ấy. Tôi không có ý định sẽ hận người đã sinh ra tôi. Chắc hẳn phải có lý do thì họ mới để tôi lại giữa lòng tháp đêm ấy. Tôi vẫn biết ơn vì ít ra họ đã cho tôi hình hài.

Lúc ấy, mẹ chỉ nhìn sâu vào mắt tôi, lặng im không nói. Đến khi quay lưng đi, tôi nghe bà thều thào một mình, rất nhỏ, nhưng đủ để gió thổi ngược về phía tôi “mày là con của kẻ ác tâm”. Tiếng cười ai oán của bà, lẫn vào tiếng gió, thênh thênh đau.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Từ ngày đó, tôi thôi không hỏi về gốc gác của mình. Đã hai mươi năm, chúng tôi tựa vào tháp, dõi mắt mình về những xa xăm. Những lúc ấy, tôi không biết mẹ đang nhìn gì. Có lẽ bà đang tìm kiếm cuộc đời mình vương vất đâu đó nơi bao la gió cát. Không dưới nghìn lần, bà lẩm bẩm lặp đi lặp lại rằng “mày không phải con tao”. Bà phủ nhận dòng máu đang chảy trong người tôi.

Còn tôi, cũng nghìn lần tự ủi an lòng mình bằng những duyên nghiệp ngàn đời ngàn kiếp. Tôi đã tin, hẳn phải có lý do thì tôi mới đến cuộc đời này theo cách ấy.

2.
Mẹ nâng ly rượu, vừa nhấp từng ngụm, vừa miết những ngón tay lên bức tường gạch đỏ. Bà vẫn thường làm thế mỗi khi muốn nói những điều hệ trọng. Bà đi qua đi lại. Những bước chân ngập ngừng như vướng phải điều gì lưỡng lự. Chốc chốc, bà buông tiếng thở dài. Gió cuốn hơi thở của bà trôi giữa mênh mông.
Bỗng nhiên, mẹ quay phắt sang tôi. Ánh mắt mẹ nhìn thẳng vào tôi, sâu hút.

Mẹ nói: “Mày đi tìm cha mày đi”.

Tôi sững mắt nhìn mẹ.

– Cha con là ai?

– Là thằng ác tâm.

– Cha con tên gì?

– Là thằng ác tâm.

– Cha con ở đâu hả mẹ?

Mẹ nhìn tôi, lặng thinh. Dường như nước đã đầy lên trong mắt bà. Tôi thấy gương mặt méo mó đáng thương của mình hiện sâu trong ấy.

Tôi sợ hãi lảng tránh ánh mắt bà. Những hình người, hình thú phía chân tháp dường như chuyển động. Chúng hiện ra trước mặt tôi, nửa mơ hồ, nửa như thực. Khỉ thần Hanuman nhìn tôi. Chim thần dang cánh bay về phía tôi. Từng đàn hổ, từng bầy voi ùa vào mắt tôi gấp vội. Tôi sợ hãi nhắm mắt lại, cố hình dung ra gương mặt của kẻ ác tâm.

Là tôi!

Mẹ bỗng chạy thật nhanh về phía nắng. Nắng trên đỉnh đầu. Nắng rọi thẳng xuống vạt cỏ những tia vàng vọt cháy rát. Cánh tay bà đưa lên, che lấy mặt trời.

Mái tóc xõa dài, lấp lánh nắng.

Bà hát. Giọng hát dội thẳng giữa thinh không. Giọng hát có những đớn đau chẳng kết thành hình. Giọng hát tan ra. Rồi trôi về miên mải.

3.
Chiều hôm ấy, hoàng hôn chậm rãi trườn về phía tháp. Người đàn ông đứng giữa đồi cao. Mái tóc hoa râm bồng bềnh bay giữa gió chiều hun hút. Ông khoanh hai tay trước ngực, lặng im. Dáng đứng vững chãi của ông dường như ẩn chứa nhiều khắc khoải. Bóng ông trải dài dưới ánh chiều đang nhuộm tím từng ngọn cỏ.

Ông giật mình, vội vã quay lại khi tiếng hát của mẹ cất lên.

Ông nhìn mẹ.

Mẹ nhìn ông.

Tháp vẫn lặng im như muôn thuở.

Bỗng dưng tôi nghe lồng ngực mình vỡ ra, tan tác. Gương mặt của kẻ ác tâm.

Không đúng, là gương mặt của tôi. Nó đang hiển hiện trên hình hài người đàn ông đã bị thời gian khắc chạm những vết nhăn chằng chịt.
Mẹ tôi hét lên. Nước mắt bà trào ra. Hai bàn tay nắm lấy đầu tóc của mình, bà cấu xé, bà quằn quại. Bà gào thét giữa chiều hoang tím ngắt. Bà lao vào lòng tháp. Bà nấp bên tượng thần Shiva đang cúi nhìn những nhá nhem đời tối sáng. Đôi mắt Người như muốn thiêu đốt tất thảy những ngang trái của phận đời, phận người.

Tôi hoảng sợ chạy theo mẹ, mặc cho người đàn ông đứng chôn chân một chỗ.

Tôi đưa tay ra.

Bà xua tay tôi, hét lên dữ dội “Đi đi, đi với kẻ ác tâm”.

Tôi van nài trong nước mắt. Bà càng co mình lại.

Bóng chiều nhập nhoạng len vào tháp, phả xuống gương mặt mẹ tôi những ai oán khôn cùng. Tôi từ từ đứng dậy. Tôi vịn lấy thân tháp, thầm cầu xin cho mình một chút sức lực. Tôi cố nhoài người về phía nắng chiều sắp tắt. Người đàn ông có gương mặt giống tôi vẫn ở đó. Ông ấy nhìn tôi với tất cả sự hoài nghi. Là cắn rứt chăng? Là hãi hùng chăng? Tôi không biết.

Tôi lại nhìn về phía mẹ. Người đàn bà đáng thương đang run rẩy tự ôm lấy mình.

Thì ra, tôi không chỉ là Hận.

Tôi còn là đau thương, là mất mát, là những dằn vặt đau trong lòng người đàn bà khốn khổ đã sinh ra tôi trong lòng tháp hai mươi năm về trước.

4.
Người đàn ông đã rời đi. Bóng chiều kéo ông ấy đi thật xa. Những đụn mây sà xuống. Mây nghiêng về phía tháp. Mây che lấp dáng hình vạm vỡ đầy mệt nhoài của người đàn ông còn chưa dám tin sự hiện diện của đứa con gái có gương mặt giống mình.

Trong đêm mưa rả rích, mẹ đánh thức tôi dậy và kéo tôi lên tháp.

Mưa thấm vào người, se sắt. Từng bậc cấp cũ mèm ướt đẫm mưa đêm. Chúng tôi đã từng đến đây hơn nghìn lần. Những dấu chân in dày trên lối nhỏ dẫn về đồi tháp. Không hiểu sao hôm nay chợt trở nên lạnh lẽo.

Mẹ ghì lấy đôi vai, ép tôi quỳ xuống ngay trước mặt ngài Shiva. Tiếng bà lẫn giữa mưa đêm, vọng trong lòng tháp, dội thẳng vào ngực tôi từng nhát đập nhói buốt:

– Mày thề đi!

– Thề chi hả mẹ?

– Mày phải thề. Mày không được đi theo kẻ ác tâm đó.

Tôi nhìn mẹ sửng sốt. Dẫu tôi đã có một cuộc đời không trọn vẹn, dẫu bà chưa từng một lần nói lời yêu thương thì tôi cũng chưa bao giờ có ý định sẽ rời đi. Dẫu mẹ chưa từng dang đôi tay ra ôm lấy tôi và đặt một nụ hôn lên má như tôi từng khao khát. Nhưng, chính bà đã nuôi tôi khôn lớn.

Bà đã hiện diện trong tuổi thơ tôi dẫu nắng mưa, gió bão. Bà là người đã khắc chạm nên tôi với đủ đầy những thương tổn khó lành lặn. Và cũng chính bà là người cõng tôi trên lưng, băng qua những cung đường nhầy nhụa đất bùn để kịp đến trạm xá trong một đêm không trăng. Chính bà vắt từng chiếc khăn lau cho tôi hạ sốt. Bà đói, để tôi được no. Bà rét, cho tôi được ấm. Vậy thì, có lý do gì tôi lại rời đi, chỉ để đến bên cạnh một người đàn ông xa lạ trót mang một gương mặt giống mình?

Tôi nhìn mẹ rũ rượi trước ánh đèn lập lòe sáng dưới chân ngài Shiva. Nửa đau xót. Nửa hoang mang.

Tôi dập đầu thật mạnh lên nền đất.

Tôi ngửa mặt lên, nhìn thẳng vào tượng thần Shiva – đức tin miên viễn của mẹ “Con thề, con sẽ mãi mãi ở đây với mẹ, con không đi với ai hết, dù có là ai đi nữa”.

– Không, mày phải thề. Nếu mày trái lời, ngọn lửa của thần Shiva sẽ siết chặt lấy mày, sẽ thiêu đốt đời mày. Cả mày và cả kẻ ác tâm đó đều không được hạnh phúc.

Mẹ vừa nói, vừa để mặc cho nước mắt giàn giụa rơi xuống.

Tôi hoang mang tự hỏi, chính mẹ đã yêu cầu tôi “Hãy đi tìm ba”, rồi cũng chính bà không muốn một mình ở lại khi người đàn ông ấy đột ngột trở về.

Bất chợt, mẹ tôi gục xuống. Mẹ ôm lấy ngực mình, cất lên một tràng ho rũ rượi. Từng tiếng ho vỡ ra như biết bao uất nghẹn tuôn trào.

Tôi chạy đến, ôm chầm lấy mẹ.

Mẹ nhìn về cửa tháp. Đêm réo gọi những tiếng gió đại ngàn. Đêm trôi tuột vào mắt mẹ tôi những ánh nhìn hoang hoải bất lực khi trăng mờ đã bị màn mưa bôi xóa. Mẹ nhìn thẳng vào gương mặt tôi, thì thào nói khẽ “kẻ ác tâm”.

Bóng người đàn ông chợt vụt qua. Trong tích tắc, tôi hãi hùng nhìn theo bóng gió. Chỉ có đêm.

Hơi thở tôi cạn lại. Tôi giương đôi mắt mình, nhìn vào màn đêm đặc quánh, hun hút sâu.

Từng giọt mồ hôi rịn ra ướt đẫm. Tôi giật mình thức giấc. Những tiếng thở rền rỉ của mẹ vang lên phía dưới lồng ngực gầy gò, yếu ớt.

5.
Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng “Những người chúng ta nên gặp, đều sẽ gặp. Những chuyện nên đến, đều sẽ đến”. Tôi mặc định những gì xảy ra trong đời mình đều là sự sắp đặt của số phận.

Có đôi khi, tôi tựa vào vách tháp, đăm đăm nhìn về tượng thần Shiva vẫn thâm trầm soi chiếu thế gian suốt ngàn năm sóng gió. Tôi tự hỏi Người có đến ba mắt thấu tỏ quá khứ, hiện tại và tương lai, liệu Người có thấy biết số phận của tôi như thế nào. Tôi sẽ ra sao khi những nhân duyên đến ngày phải tụ hội?

Chúng tôi gặp lại người đàn ông ấy giữa một chiều sương nơi tháp cổ. Tóc ông ướt đẫm. Gương mặt hốc hác dường như vừa trải qua một cơn khủng hoảng kinh khiếp. Đôi mắt trũng sâu của ông nhìn thẳng vào tôi. Không nói một lời.

Bên cạnh ông là một người đàn ông khác. Cũng mái tóc đã điểm hoa râm. Cũng ánh nhìn đầy thương cảm như chứa đựng cả vạn điều muốn nói. Hai người đàn ông cùng nhìn mẹ. Tất cả lặng thinh.

Giữa thinh không rớt xuống một tiếng nấc nghẹn ngào. Lần đầu tiên, tôi thấy mẹ nở một nụ cười trong nước mắt. Ánh mắt bà chan chứa những yêu thương mà tôi chưa bao giờ chứng kiến.

Họ đi về phía mẹ.

Hai tiếng “Xin lỗi” cùng được họ thốt lên. Ánh mắt ba người chạm vào nhau. Đất trời đều gom tụ về phía ấy.

Chỉ có tôi, chới với giữa sương chiều lạnh buốt. Sương rơi trên da thịt, chợt nhói đau. Tôi không thể bước chen vào giữa họ để kiếm tìm cho mình một vị trí mà có thể tôi hoàn toàn được quyền nhận lấy.

Đêm ấy, mẹ chong lên một ngọn đèn dầu sắp cạn. Bà xõa tóc mình về phía trăng.

Mẹ mở chiếc hộp nhỏ bằng gỗ đặt phía đầu giường. Chiếc hộp có những hoa văn chạm khắc tỉ mẩn của một thời xa lắm. Một chiếc khăn tay thêu hình uyên ương. Một chiếc nhẫn bạc. Một chiếc lược ngà trơn bóng.

Mẹ nói khẽ: “Sang đây, chải tóc cho mẹ”.

Lần đầu tiên, bà nói với tôi bằng âm giọng của một người mẹ. Tôi cứ ngỡ cuộc đời đã bỏ quên mình. Nhưng lời bà nói đã kéo tôi khỏi vũng lầy của hai mươi năm dài đằng đẵng.

Mái tóc của bà rối bù trên tay tôi. Từng sợi tóc mỏng tang, yếu ớt.

Tôi đã nhiều lần khẽ chạm vào tóc mẹ, khi bà lim dim ngủ. Tôi vuốt từng sợi tóc sương xơ xác và ngắm nhìn những dấu vết thời gian đã mỏi mòn đè nén trên gương mặt kham khổ ấy. Chỉ là, tôi chưa từng được làm điều ấy khi bà tỉnh giấc.

Tôi chải nhẹ mái tóc. Tóc đáp trên đôi vai bà gầy rộc, hanh hao. Tóc lơ thơ bay đến trước mặt bà, rồi rơi xuống nền đất lạnh căm.
Mẹ vẫn lặng im trong tư thế ấy, bất chợt nói khẽ: “Thần Shiva chỉ hủy diệt những điều xấu xa, Ngài chẳng trách móc ai chỉ vì mưu cầu hạnh phúc chính đáng và tốt lành”.

Tôi không hiểu những lời mẹ nói. Mãi cho đến khi bà ngủ quên, không dậy nữa.

Đó là một bình minh đến sớm. Nắng chen vào khe cửa, rọi thẳng vào góc nhỏ nơi mẹ tôi nằm ngủ. Nụ cười của bà vẫn còn in nơi khóe miệng đã khép. Tay bà nắm chặt cái áo sơ sinh của đứa trẻ tôi khi vừa ra đời trong lòng tháp năm ấy.

“Đi đi con, đi về phía có nắng và sống cuộc đời mình. Mẹ xin lỗi ngàn lần và thương con cũng ngàn lần”.

Tôi nhìn nét chữ nguệch ngoạc của bà trên trang giấy xé vội từ số rác vừa nhặt hôm qua.

Lòng tôi trống hoác. Tim vỡ ra.

Mẹ đã đi về phía có tháp để múa những vũ điệu riêng mình.

6.
Hôm nay, tôi đưa mẹ về với tháp. Tôi chỉ cho mẹ thấy những vạt cỏ đẫm sương vẫn trong trẻo và mát lành như ngày tôi vấp ngã lần đầu tiên khi chập chững tập đi. Mặc cho những vạt cỏ ngày xưa đã héo rũ và ngấm vào mạch đất, nơi này vẫn mọc lên những chồi non tràn căng sức sống.

Tôi thầm thì kể cho mẹ nghe từng góc tháp in dấu những chiều hoang mẹ múa, tôi xem, những khúc hát của mẹ đã lẫn vào từng thớ gạch, từng mạch đá như thế nào.

Tôi ôm lấy mẹ. Tôi chỉ cho mẹ những đám mây xanh ngắt giữa thênh thang gió chiều. Mây bay muôn phương. Mây nhìn thấy hết, nhưng cũng tan đi hết.

Mưa lại về với tháp. Lần đầu tiên tôi thấy mưa vui đến thế. Mưa tái sinh tôi sau những nhục nhàu của một đời hận thù mà mẹ đã gieo vào tâm hồn non nớt của đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn trong lòng tháp năm ấy. Giờ thì tôi đã biết vì sao mình được sinh ra. Tôi là nỗi đau của mẹ, nhưng cũng là sự cứu rỗi đời bà. Tôi tha thứ cho cha mình vì đã tạo ra tôi theo cách ấy. Tôi tha thứ cho mẹ vì đã dằn vặt đời bà, và cả đời tôi theo cách ấy. Tôi tha thứ cho tôi vì đã hơn nghìn lần muốn nằm lại giữa thênh thang gió đồi, chỉ để thử xem liệu mẹ có đau buồn hay không.

Tôi đã quên vì sao mình được đặt tên là Hận. Vậy thì, mẹ cũng nên quên đi thôi.

Mưa phả vào mặt tôi mát rượi. Giữa đồi cao tháp cổ, ánh cầu vồng chớm hiện phía xa xa. Tôi thấy mẹ đứng trên những gam màu cầu vồng sặc sỡ. Mẹ nâng cánh tay lên. Tay xòe ra một điệu múa thân quen. Mẹ múa. Rồi hát. Tiếng hát vẳng giữa thinh không. Mẹ nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười của sự buông bỏ.

Thênh thang đồi cao. Thênh thang gió.

Mẹ đã đi về phía ấy, phía có ngài Shiva mà mẹ hằng kính ngưỡng. Riêng tôi đứng lại tự ru mình với những mênh mông.

Lời thề trước tượng thần Shiva miên mải nằm lại dưới chân người.

Tôi sẽ rời khỏi nơi này, đi về phía tương lai – phía có mẹ đã mở lối để hạnh phúc được một lần nảy mầm thực sự.

TỊNH VŨ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Một áng phù vân

Con thuyền nhỏ mái vòm nhẹ trôi trên dòng sông Côn, xuôi dần về phía Đông. Đất trời Giêng Hai, xuân vẫn còn xuân lắm. Ông đò hứng cảnh sông nước, đứng thẳng người mà ngâm mấy câu ca…

Trắng giấc Diêm Vân

Những cơn mưa trôi dài trong ký ức của Vũ. Cơn mưa xứ biển thoáng chốc ồn ào, thoáng chốc giằng xé, rồi day dứt, gặm nhấm. Muối cứ rỉ ra rồi tan đi, ngấm vào lênh loang nước…

Tường thành mặt trời

Tôi siết tay Xuyến, chạy giữa biển, trong khi nghĩ về căn phòng có mùi nhang khói thấm vào ga giường. Cái sân sáng như sân khấu. Má ở đó, cha ở đó, Lam và mọi người ở đó. Chỉ có tôi là khán giả…

Chiều về trên bến sông quê…

Có những chiều ngồi lặng im cùng sông, chỉ để nhớ về một thời đã qua. Để thấy sông mênh mông mà đời mình thì nhỏ bé. Bến sông tuổi thơ vẫn lặng lẽ bồi đắp phù sa…