Một áng phù vân

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Con thuyền nhỏ mái vòm nhẹ trôi trên dòng sông Côn, xuôi dần về phía Đông. Đất trời Giêng Hai, xuân vẫn còn xuân lắm. Ông đò hứng cảnh sông nước, đứng thẳng người mà ngâm mấy câu ca dao thật mùi mẫn:

Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
Dòng sông Côn lênh láng mùa mưa
Đã bao tháng đợi năm chờ
Duyên em đục chịu, trong nhờ biết sao!

Sông nước như hiểu lòng người. Ông đò ngừng lời mà nước còn reo rào rào, vỗ ì oạp vào mạn thuyền. Vừa qua mùa mưa, mới chạm mùa nắng, nước sông Côn đầy đặn, xanh trong. Dòng trôi lững lờ, ông đò buông chèo, cúi xuống vốc nước rửa mặt. Thuyền trôi êm theo dòng rẽ vào một nhánh nhỏ của sông Côn. Nơi đây, sơn thủy hữu tình.

Vẳng trong không gian tiếng trống chầu rộn rã, thúc giục. Khách ngồi trên mũi thuyền chộn rộn, vội đứng lên nhìn ngó tứ phía Nam, Bắc, Đông, Tây. Ngơ ngác giữa mênh mông sông nước. Tiếng trống từ đâu? Đêm diễn sắp bắt đầu rồi sao? Ông đò vẫn bình thản nhịp chèo. Hóa ra là do khách tự huyễn mà thôi. Phía hữu ngạn là đồng lúa trải dài, đang thì con gái. Lúa xanh thẫm dưới nền trời đỏ ối lúc cuối ngày. Lâu lâu đôi cánh cò trắng vụt bay ra khỏi ruộng, vội vã vỗ cánh quay về tổ ấm, đánh rơi lại tiếng kêu thảng thốt khi nhận ra trời đã muộn. Phía tả ngạn là núi, cây lá xanh um. Khuôn mặt người đứng trên thuyền vừa lộ vẻ vui mừng, vừa ngơ ngác, rồi cau mày, bóp trán như đang cố nhớ điều gì.

– Sắp đến nơi rồi chú ạ! – Ông đò nhẹ nhàng nhắc.

– Có lẽ là đây rồi. Bác ghé chỗ nào tiện lên thì cho tôi lên bờ với nhé. Lâu quá rồi. – Giọng khách nghẹn lại, có vẻ như đang rất xúc động.

Ông đò không nói gì, lặng lẽ gật đầu. Thuyền chầm chậm trôi, một quãng ngắn thì tấp vào bờ. Khách bước lên bờ đứng bất động hồi lâu vì cảm thán cảnh xưa, đến khi quay nhìn lại, chiếc thuyền đã ngược dòng, khuất dần trên khúc ngoặt của dòng sông. Chỉ còn vẳng tiếng ông lái đò ngâm vang mấy ca dao quen thuộc:

Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
Dòng sông Côn lênh láng mùa mưa
Đã bao tháng đợi năm chờ
Duyên em đục chịu, trong nhờ biết sao!

Khách chợt thẫn thờ, hình ảnh đôi trai gái hiện ra trước mắt, mờ mờ trong ánh chiều chạng vạng. Họ ngồi bên nhau ngắm nhìn dòng sông đang lặng chảy trước mặt. “Đêm mốt em diễn Nguyệt Cô… Anh đến xem không?”. “Nhất định anh sẽ đến”. “Lan Anh, Nguyệt Cô, Đào Tam Xuân, anh thích ai?”. “Anh thích cả”. Cô gái khúc khích cười. “Tham thế!”. “Vậy anh thích em. Em là tất cả”. Khách phát hiện thấy đôi môi mình mấp máy lời của chàng trai. Hình ảnh trước mắt tan biến, còn mình khách. Đường vắng người lại qua.

Lâu lắm khách mới quay trở lại nơi này. Cảnh vật đã thay đổi rất nhiều, bỗng chốc trở nên lạ lẫm. Núi vẫn núi, sông vẫn sông. Nhưng dưới chân núi là một con đường rộng, quang thoáng, không phải mon men đường mòn, cây cỏ rậm rạp như trước nữa. Khách ngơ ngác đứng bần thần hồi lâu, nhắm mắt lại để hình dung cảnh cũ. Đi sâu vào trong, phía con sông uốn mình rẽ đi hướng khác để mở rộng dưới chân núi là một xóm nhỏ. Xóm nằm nép vào chân núi, mặt nhìn ra cánh đồng. Cả xóm gom lại vỏn vẹn chục nóc nhà, lúp xúp. Nhà nọ cách nhà kia cả một khu vườn rộng.

Khách đi theo trí nhớ. Nhiều khi phải cau mày. Hơn hai mươi năm trôi qua, cảnh vật đã không còn như xưa để mà nhớ nữa. Xóm nhỏ không còn nhỏ, nhà cửa đã san sát bên nhau. Đường vào xóm cũng hai ba nhánh rẽ. Bên tai khách cứ văng vẳng câu hát nam của người mình yêu. “Em hát thế được chưa?”. “Được, hay lắm”. “Em bắt bộ thế này ổn không?”. “Quá ổn, hay”. Nàng nói dỗi: “Anh cái gì cũng được, cũng hay hết trơn á”. “Ơ, hay thiệt mà. Hổng lẽ hay anh đi nói dở na?”. Rồi anh kéo nàng vào lòng, hôn lên gò má ửng hồng của nàng, thì thầm: “Mà người yêu anh, hát múa gì anh cũng thấy hay, thấy đẹp hết á!”. Nàng đẩy chàng ra, phát vào vai chàng: “Ghét à”. Rồi nàng ngồi trầm tư, đôi khi đang vui bên người yêu nàng lại ngồi trầm tư như vậy. Nàng bảo rằng “Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.

– Ông tìm nhà ai ạ?

Khách giật mình nhìn lên, thoáng ngỡ ngàng. Bà lão chừng bảy mươi, bên hông cắp theo bó cỏ, cái lưng còng gập xuống, nhìn mình chăm chăm. Khách bối rối, rõ ràng bà lão không nhận ra mình. Nhưng khách chắc chắn mình không nhầm. Dù bà lão già đi nhiều, dáng hình cũng thay đổi, nhưng khuôn mặt ấy vẫn vậy.

Khách buột miệng:

– Má hồi này khỏe chớ?

Đến lượt bà lão ngạc nhiên. Bà lùi ra xa mấy bước, ngước cặp mắt nheo nheo nhìn khách, mãi vẫn không nhận ra. Khách chẳng để bà lão phải hỏi, liền thưa:

– Con Tân, Hai Tân nè má. Má còn nhớ không?

– Bay về làm chi nữa Tân ơi, chừng ấy năm rồi còn gì. Rồi bà lão chỉ tay lên phía trên núi: Đó, Tư Hòa nó nằm trên đó đó.

Khách rụng rời, như không tin vào tai mình, không tin vào mắt mình. Phía trên đó theo hướng tay bà lão chỉ là núi, lúp xúp trong rừng cây là những ngôi mộ nằm rải rác. Tư Hòa nằm trên đó. Là sao? Tại sao Tư Hòa lại nằm trên chỗ mấy ngôi mộ đó, chẳng lẽ… Đầu óc khách quay cuồng, bấn loạn. Hết nhìn lên núi khách lại nhìn bà lão. Bà lão gật đầu, cái lưng còng như càng còng thêm.

– Phải, con Tư chết rồi. Nó chết sau đợt đó hai năm.

Tai khách như ù đi, đôi chân chẳng còn sức đỡ, lảo đảo. Cả thân hình như muốn đổ sụp xuống. Bà lão vứt bó cỏ xuống đất, rướn người đỡ lấy khách.

– Con muốn lên chỗ em Tư.

– Tối rồi, lên đến đó là tối rồi. Về nhà đã, sáng mai hãy lên.

Khách như không nghe thấy gì, đôi chân vô thức bước đi. Bà lão có vẻ như đã mệt sau một ngày dài, không thể đi theo lên núi được nữa. Bà rướn cổ nói với theo, chỉ chỗ cho khách rồi vội cúi xuống cắp bó cỏ lên, lặng lẽ quay về.

Khách men theo lối mòn ngoằn ngoèo lên lưng chừng núi. Mộ nàng nằm lọt thỏm trong màu xanh của cây rừng. Chiều muộn rồi. Bóng tối đang từ từ nuốt dần mọi vật. Tất cả đều sẫm màu. Khách nghe u u bên tai, rồi lại như tiếng cười rúc rích, có khi lại như tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn.

– Anh về cùng em. – Khách thì thầm vậy rồi ngồi xuống bậc đá trước mộ, tay mân mê từng dòng chữ khắc trên bia.

Một cơn gió ùa tới, khách cảm thấy lành lạnh sống lưng, ngơ ngác nhìn quanh, bất giác hỏi:

– Em đâu rồi, Hòa ơi!

Chỉ có tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc đáp lời khách. Khách cứ ngồi bất động bên ngôi mộ không biết bao lâu. Màn đêm buông xuống trùm kín ngọn núi. Tiếng côn trùng rả rích, nỉ non. Tiếng những loài ăn đêm gọi nhau. Khách mê man, nghe như có tiếng ai đó gọi mình.

– Hôm qua má anh tìm em. – Tiếng nàng nghe thật buồn.

Chàng trai không nói gì bởi chàng biết má mình tìm nàng để làm gì. Bà vốn dĩ không chấp nhận mối tình của chàng và nàng. Bà không chấp nhận cho con mình lấy một ca nữ. Bà bảo thẳng mặt nàng là “xướng ca vô loài”. Bà đã từng khốn khổ vì chồng bà từng u mê những ca từ, điệu múa của một người con gái ở đoàn hát. Suýt chút nữa bà mất chồng. Suýt chút nữa đó đã khiến tình cảm của chồng dành cho bà không còn được như trước. Bà ghét, bà thù. Và giờ biết con yêu một người con gái diễn tuồng bà không chấp nhận được. Nói con mình không được, bà đi tìm cô gái. Bà chẳng cần bóng gió xa xôi, nói thẳng luôn vào mặt cô, nói cả với cha mẹ cô. Cha cô buồn rầu. Ê chề quá mà. Làng này thiếu gì đàn ông mà để nhục nhã vậy con. Có mấy đám cũng đánh tiếng với tao rồi, chọn lấy một đám, không nhất thiết phải thằng Tân. Tao và má mày trước đây cũng yêu đương gì đâu, quan trọng chịu sống với nhau, rồi thương đó thôi. Nàng không nói gì, khóc thút thít trong buồng.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Tân chờ hoài ở chỗ hẹn mà không thấy người yêu đến. Chiều muộn, cô em gái nàng hớt hải chạy tới, dúi vào tay anh một lá thư. Bức thư đầm đìa nước mắt.

Tân chẳng đủ bình tĩnh để ngồi đọc thư, túm lấy tay cô em hỏi:

– Chị Hòa đâu? Chị Hòa có ở nhà không?

– Ngày mai chị em đi lấy chồng rồi! – Cô gái gật nhẹ, nước mắt lưng tròng.

Tân vụt chạy đi. Anh chạy thật nhanh về phía nhà người yêu. Tại sao cô lại bỏ anh mà đi lấy chồng. Chuyện cha mẹ có thể thuyết phục mà.

Nhà nàng đã ồn ào những người là người. Cổng hoa được dựng bằng hai tàu dừa được xếp khéo léo. Những lá dừa được xếp thành hình bông hoa từ dưới lên trên. Đầu hai tàu dừa chạm nhau ở giữa cổng được kéo nhẹ xuống bằng một chiếc đèn lồng đỏ tạo thành hình trái tim. Tân vò lá thư trong tay, định chạy vào thì bị mấy người cản lại. Một người đàn ông đi ra, bực dọc nói:

– Cậu về đi, con Hòa nó chỉ là con hát, không xứng với cậu đâu.

– Con xin bác, cho con được gặp em Hòa. – Tân đau khổ.

– Mai nó đi lấy chồng rồi. Hai đứa không còn gì để nói nữa.

– Hòa ơi! Em ra đây đi!

– Anh Tân. – Tiếng cô gái khóc gọi, cô bị nhốt trong buồng, cửa khóa trái. Nghe tiếng người yêu gọi đến xé lòng, cô cũng không thể ra.

– Hòa ơi! Hòa ơi!

– Tỉnh rồi! Chú ấy tỉnh rồi ba ơi!

Khách từ từ mở mắt, ngơ ngác nhìn những gương mặt có lạ, có quen đang nhìn mình.

– Chú tỉnh lại rồi! – Người đàn ông chừng năm mươi, làn da sạm nắng lại ngồi bên giường.

– Hòa đâu? Em Hòa đâu rồi anh? – Khách chồm dậy, chụp lấy hai vai người đàn ông mà lay hỏi.

– Hòa nó chết rồi! Chết từ lâu lắm rồi! Chú tỉnh lại đi. May đêm qua má giục tụi tôi lên núi tìm chú, mới kịp đưa được chú về, chứ để sáng nay, không khéo….

Người đàn ông bỏ lửng câu nói. Khách thấy đầu đau như búa bổ, miệng khô rang. Một cơn ớn lạnh lại cuộn lên.

– Đêm qua em đã gặp Hòa anh ạ.

– Hơn hai chục năm rồi còn gì. Lâu nay chú đã đi những đâu? Giá kể ngày đó, chú còn ở nhà thì có lẽ… Cha tôi sau này cũng ân hận lắm. Trước khi chết, ông cứ nói mãi chuyện ngày đó lẽ ra không nên ngăn cản hai đứa.

Người đàn ông đó là anh trai của Hòa. Ông ngồi kể cho Tân nghe mọi chuyện. Sau hôm bà má Tân đến tận nhà nói nhất định sẽ không cho con trai mình lấy một con hát về làm vợ. Bà chê gia cảnh nhà Hòa nghèo, mà nghèo với hèn nó luôn đi cùng nhau. Bà nói ba má Hòa không biết dạy con,… Bao nhiêu lời nanh nọc bà nói hết ra. Cốt để cho ba mẹ Hòa thấy mà ngăn cấm con gái mình đừng tơ tưởng nữa. Lời bà thế mà hiệu nghiệm. Ba Hòa không chịu được những lời thóa mạ đó, đuổi người đàn bà kia về rồi, hôm sau liền gật đầu đồng ý gả nàng cho một người ở làng bên. Người ta đánh tiếng từ lâu nay được hồi đáp thì mở cờ trong bụng. Quyết định cưới luôn trong tuần. Cưới vợ phải cưới liền tay chớ. Người ta bảo vậy.

Ngày rước dâu, Hòa khóc sưng mọng hai con mắt, mặt vẽ như diễn tuồng.

– Hôm đó em có đến, em đứng xa nhìn Hòa đi theo chồng. Đám rước dâu đi khuất thì em cũng bỏ xứ đi luôn. Đau lắm anh ạ.

– Hòa nó về nhà chồng hơn tháng thì bị đuổi về. Nó điên điên dại dại, suốt ngày gọi tên chú. Sống không bằng chết.

– Hòa bị đuổi?

– Ừ. Họ lấy vợ chứ đâu lấy người điên để về nhà chăm đâu. Nó nằm bên chồng mà gọi tên người khác thì ai mà chịu được. Họ ném nó ra ngoài như ném một món đồ bỏ đi. Nó về, lâu dần chẳng còn nhớ được ai, chỉ gọi mỗi tên chú. Gặp người đàn ông nào cũng gọi tên, giữ người ta lại nhìn tận mặt. Không phải chú thì khóc điên loạn. Ba mẹ tôi phải nhốt lại. Tội lắm.

– Lỗi tại em. – Khách nhớ lại bức thư cô em gái Hòa gửi. Bức thư đẫm nước mắt bị vò nát, khi giở ra chỉ còn rõ hai từ “vĩnh biệt” – lẽ ra ngày đó em phải biết đến chuyện đó. Em không nên bỏ đi như vậy. Em thật chẳng ra gì.

– Chuyện đã rồi. Hòa nó cũng yên nghỉ lâu rồi. Nó đi nhẹ nhàng lắm. Bữa đó nó ốm hai ngày, rồi mất. Trước khi đi nó có gọi tên chú. Hình như nó thấy mình gặp được chú, khi chết nó đã cười. – Người đàn ông dừng một lúc – Bao năm qua, chú đã đi những đâu, có gia đình vợ con gì chưa?

– Em đi khắp nơi. Không yêu, không lấy ai. Lòng em chỉ có Hòa. Lần này quay về, nghĩ là sẽ gặp được Hòa… Chuyện đã qua từ lâu, cứ nghĩ người đã hết đau.

Cậu bé bưng chén cháo đến đưa cho người đàn ông.

– Ba cho chú ấy ăn cho nóng ạ.

– Ừ, để ba – Người đàn ông đỡ lấy bát cháo – Chú ăn chút cho khỏe. Đêm qua chú sốt mê man.

– Em đắng miệng quá, chẳng muốn ăn gì, cho em chút nước thôi.

– Chú cứ nghỉ ở đây, mai mốt khỏe thì về bên ấy thăm bà cụ. Bà ấy cũng nhớ chú nhiều lắm. Sau khi con Hòa bị nhà chồng đuổi về, cũng mấy lần bà ấy sang thăm. Bà ấy không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi nhìn nó ngồi nói chuyện với chú trong tưởng tượng, lặng lẽ lấy khăn tay chấm mắt. Chẳng biết bà ấy thương nó hay nhớ chú nữa.

Tân không nói gì, nằm nhắm nghiền mắt lại. Hình ảnh bà má đứng giữa sân quật vỡ cái chén và bảo rằng nếu Tân bước ra khỏi nhà đi tìm Hòa thì tình nghĩa mẹ con sẽ như chiếc chén vỡ đó. Bà không nghĩ cho Tân, bà chỉ nghĩ cho bà và mối hận với người cha của anh, với người con gái đã hớp hồn cha anh bằng lời ca, điệu múa. Bây giờ bà trút lên Tân, lên Hòa.

– Em muốn ngủ chút xíu. – Tân thều thào rồi chìm vào giấc mê man.

– Tân ơi, con ơi!

– Chú Tân, Tân, tỉnh lại đi Tân!

– Sao thế nhỉ? Hết sốt rồi mà!

– Ối, chân tay lạnh dần rồi!

Tân nghe tiếng người ồn ào, tiếng chân bình bịch, tiếng sụt sịt khóc. Anh cố mở mắt.

– Anh Tân! Anh về với em rồi ư!

Tân vui mừng khi gặp lại Hòa, anh nở nụ cười thật tươi bước đến bên cô.

Ý THU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trắng giấc Diêm Vân

Những cơn mưa trôi dài trong ký ức của Vũ. Cơn mưa xứ biển thoáng chốc ồn ào, thoáng chốc giằng xé, rồi day dứt, gặm nhấm. Muối cứ rỉ ra rồi tan đi, ngấm vào lênh loang nước…

Tường thành mặt trời

Tôi siết tay Xuyến, chạy giữa biển, trong khi nghĩ về căn phòng có mùi nhang khói thấm vào ga giường. Cái sân sáng như sân khấu. Má ở đó, cha ở đó, Lam và mọi người ở đó. Chỉ có tôi là khán giả…

Chiều về trên bến sông quê…

Có những chiều ngồi lặng im cùng sông, chỉ để nhớ về một thời đã qua. Để thấy sông mênh mông mà đời mình thì nhỏ bé. Bến sông tuổi thơ vẫn lặng lẽ bồi đắp phù sa…

Màn chống muỗi

Trước nhà anh có một cái hồ. Rất nhiều muỗi. Đêm tân hôn, anh cùng vợ mắc màn. Họ thả đom đóm vào bên trong. Những đốm sáng xanh mỏng manh bay chập chờn…