Mời các bạn đón đọc Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021

Mời các bạn đón đọc Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021

* Những ngày cuối tháng Tư, các khâu chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Bình Định đã đi vào giai đoạn hoàn tất.
Văn nghệ Bình Định chào đón sự kiện sinh hoạt chính trị – pháp lý, dân chủ của toàn dân sẽ diễn ra vào ngày 23.5 tới qua bài thời đàm “Lá phiếu gửi trao và kỳ vọng” của tác giả Dương Hiếu. Đồng thời, để bạn đọc cảm nhận nhiều hơn không khí của ngày hội toàn dân, tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ Trịnh Bá Quát được Ban biên tập chọn làm Bìa tạp chí số này!
* Tháng Tư, theo dòng lịch sử, hướng đến kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước, hãy cùng phóng viên Bùi Tấn Phước ngược về hướng núi Hoài Ân, tìm đến những người chiến sĩ từng chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng để được nghe những điều chưa biết về một thời hoa lửa qua bút ký “Rừng Bà Bơi tình người tình đất”. Cách đây hơn 55 năm, ngày 02.9.1965, tại dốc núi Bà Bơi, Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, sư đoàn 3 Sao Vàng – sư đoàn chủ lực bộ binh cơ động quân giải phóng khu V – được thành lập. Dưới tán rừng Bà Bơi (mật danh T2), sư đoàn không ngừng lớn mạnh và đã tổ chức hàng nghìn trận đánh, sớm giải phóng vùng đất Hoài Ân khỏi ách kìm kẹp của Mỹ Ngụy, góp phần to lớn vào công cuộc thống nhất đất nước. 46 năm, ký ức đã lên xanh nhưng tình đất tình người thì còn mãi…
* Chuyên mục Truyện ngắn kỳ này có sự góp mặt của nhà văn Triều La Vỹ với truyện ngắn “Đàn châu chấu ma” và cây bút nữ Hương Văn với truyện ngắn “Bơi đêm”.
“Đàn châu chấu ma” lấy bối cảnh cuộc nổi dậy Mỹ Lương giữa thế kỷ 19 của Cao Bá Quát. Nhân vật chính là gã, một người nông dân ất ơ nhưng điển hình cho thân phận người nông dân giữa thời tao loạn, giặc giã; là nhân chứng cho cả một giai đoạn thoái trào lịch sử. Đói. Đói. Đói. Miếng ăn đẩy con người vào sự vô thức phản kháng, chém giết, giành giật bản năng và trở thành công cụ cho cái ác. Triều La Vỹ viết “Đàn châu chấu ma” ám ảnh, ma mị và đầy thấu cảm nhân sinh.
“Bơi đêm” là một thói quen nhưng cũng là cách Hương Văn ẩn dụ cho một sự giải thoát. Trong ngôi nhà cũ kĩ, xập xệ sau sự ra đi đột ngột của người chồng, người con trai độc nhất trong một chuyến biển, từng lớp đời được bóc tách, mổ xẻ, xoáy vào tâm can người đọc. Ở đó có sự bức bối, dồn nén; sự bỉ ổi, vô lương; sự nhân hậu, thấu đời và ánh lên một tình yêu lặng lẽ, thủy chung…
* Trang Thơ với sự góp mặt của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh: Lệ Thu, Mai Thìn, Lâm Huy Nhuận, Lê Ân, Đoàn Văn Sáng, Nguyễn Thánh Ngã, Hoàng Thụy Anh, Trần Ngọc Tuấn…
* “Giải kiến tạo kiến trúc Chăm” là bài viết của TS. Châu Minh Hùng dành cho chuyên mục Nghiên cứu – phê bình. Theo tác giả, giải kiến tạo không mô tả lại lịch sử mà nhìn lịch sử bị khuất lấp dưới các lớp vỏ kiến tạo, từ đó các vết mờ hiện ra, hé lộ một sự thật tinh tế hơn, đậm nét trần tục trong tư duy nguyên thủy của nhân loại. Bài viết dựa trên sự hiện hữu của những tháp Chăm trên đất Việt, không mô tả lại lịch sử như các nhà Chăm học đã mô tả, cũng không giải thích các bí ẩn kỹ thuật mà đi tìm một kiểu tư duy vừa Ấn Độ vừa rất Chăm… Hy vọng, bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin khá thú vị và mới mẻ qua “giải kiến tạo” này. Cùng chuyên mục có bài viết của TS. Võ Minh Hải về những phát hiện mới về mặt văn bản của “Tế Quang Trung đế văn” (Văn tế vua Quang Trung) của Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân, tác phẩm được xem là mở đầu cho dòng văn tế Nôm thời Tây Sơn.
* Đọc sách có gì vui?
Tất nhiên là vui. Bởi tri thức của nhân loại được lưu giữ từ đấy. Hãy cùng phóng viên Phi Nguyễn theo những chuyến xe thư viện lưu động trong tỉnh; cùng gặp gỡ, lắng nghe những người làm công tác thư viện đang ngày ngày “thắp lửa” văn hóa đọc qua ghi chép “Thắp lửa văn hóa đọc”. Hay như sự cộng hưởng, chia sẻ từ mô hình thư viện sách Learning Commons trường THPT Quy Nhơn của thầy Dương Văn Minh, để thấy rằng còn rất nhiều, rất nhiều người tâm huyết với văn hóa đọc…
* Chuyên mục Bình Định mến yêu giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa “Bi kịch làm người trong tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu. Đây có thể coi là vở tuồng ngắn nhất trong lịch sử tuồng cổ, nhưng lại là vở có sức sống lâu bền nhất, kỳ diệu nhất. Vậy “bi kịch” nằm ở đâu?
* Chuyên mục Văn trẻ giới thiệu một truyện ngắn dễ thương về tình yêu của cây bút trẻ Hoàng Khánh Duy; giọng thơ đầy triển vọng của Nguyễn Văn Bút, vốn được phát hiện từ trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ Bình Định. Văn học thiếu nhi có sự góp mặt của Phạm Anh Xuân, Mai Nguyên. Tản văn của Sao Ly đầy gợi nhớ, để thương; Nguyễn Chí Ngoan ăm ắp miền ký ức trong lặng im những mùi…
* Tranh, ảnh có gì mới?
– ECO-SUS, một dự án nghệ thuật đặc biệt được giám tuyển bởi nghệ sĩ Thế Sơn và Ưu Đàm, có sự tham gia của 12 nghệ sĩ trong nước và quốc tế với các tác phẩm và trình diễn xoay quanh chủ đề “phát triển bền vững” được khai mạc vào ngày 08.4.2021 tại ICISE (Trung tâm Quốc tế Khoa học Giáo dục liên ngành, TP. Quy Nhơn) là chuyên đề của trang Mỹ thuật kỳ này.
– Trang Cuộc sống qua ảnh giới thiệu những khoảnh khắc đẹp trong lao động của NSNA Nguyễn Tùng Đệ từ triển lãm ảnh nghệ thuật của anh tại quê nhà cuối năm 2020; và thông tin về kết quả cuộc thi ảnh nghệ thuật “Giá trị của nước” lần thứ I do Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định tổ chức.
* Văn nghệ Bình Định cùng các chuyên mục thường kỳ khác như Văn học nước ngoài, Đọc sách, Chân dung văn nghệ sĩ, Ca khúc, Thơ và lời bình, Làm theo gương Bác… sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị trong những ngày nghỉ cuối tháng Tư này.
VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN