Màn chống muỗi

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Trước nhà anh có một cái hồ. Rất nhiều muỗi.

Đêm tân hôn, anh cùng vợ mắc màn. Hai người yêu nhau đã lâu. Họ thả đom đóm vào bên trong. Những đốm sáng xanh mỏng manh bay chập chờn trên cơ thể trắng ngần của vợ.

Người gầy gò nhưng sợ nóng, vợ không ngại ngùng trước mặt anh. Cô hơn anh một tuổi. Người ngượng ngùng lại chính là anh.

Vợ ngủ sau khi được những cơn gió thổi từ hồ vào hong khô mồ hôi, nhưng những hôm cơ thể cô ấy ướt đẫm lúc về sáng ngày càng nhiều. Cô mắc bệnh phổi.
Trong màn, vợ anh gầy đi trông thấy. Cơ thể trần truồng lộ rõ xương xẩu của vợ trông thật đáng thương. Vợ đã phải cài cổ áo yukata cẩn thận và dù trời đêm có nóng bức đến đâu cũng quấn chăn quanh người. Thân nhiệt không dễ giảm xuống dưới 38 độ.

Dù sốt cao nhưng cô vẫn muốn được anh ôm ấp. Dường như khi bị bệnh, cô lại muốn được anh yêu nhiều hơn. Biết mình sẽ chết nên cô muốn bùng cháy như ánh sáng cuối cùng của buổi hoàng hôn. Giữa đêm khuya, cô chong đèn ngồi ngắm nhìn khuôn mặt đang ngủ và vuốt ve mái tóc của anh. Rồi bất chợt điên cuồng ôm ghì lấy.

Nghĩ vợ không còn sống được bao lâu nữa nên anh không thể từ chối. Dù ôm qua lớp áo yukata, anh vẫn cảm nhận được cơ thể của vợ nóng như lửa đốt. Và nhẹ đến ngạc nhiên.

“Chết cũng được, chết cũng được!”.

Những tiếng gào thét không ngừng trong cơn mơ của vợ hoảng loạn đến chừng không còn nhận ra mình nhưng nghe thật đau khổ, và trong tai anh, nó chợt vang vọng như âm thanh của niềm hối tiếc.

Chưa bao giờ anh ý thức được vai trò là một người đàn ông của mình rõ như lúc này.

Vợ anh gầy xọp như nước rút, rồi ra đi trong chiếc màn chống muỗi. Trước khi chết, cô bảo: “Lần sau, khi lấy vợ, hãy cưới một người thật khỏe mạnh nhé!”.

– Ngốc ạ! Nếu em chết, anh sẽ sống độc thân suốt đời, không bao giờ lấy vợ nữa đâu!

Anh nói với những giọt nước mắt rơi trên ngực vợ. Trong khi gạt đi những giọt nước mắt ấy, anh chợt nghĩ có lẽ mình đang nói dối.

Tuy nhiên, sau khi vợ mất anh đã quyết định giữ lời vì cho rằng, đối với người chết, không còn cách nào khác ngoài việc giữ đúng lời hứa.

Một bà quản gia lớn tuổi đến thế vào chỗ của y tá, nhưng anh đem công việc của công ty về nhà và ngồi trước bàn làm việc đến tận khuya, sau khi bà quản gia đã đi ngủ mới tự mình treo màn. Trong khi buồn bã mắc màn lên, nghe thấy tiếng lũ ếch kêu ngoài bờ hồ, nước mắt anh rơi lã chã.

Cũng có đêm anh không mắc màn mà chỉ đốt hương chống muỗi rồi đi nằm. Những hôm ấy, anh thao thức suốt, không thể nào ngủ được.

Nhìn thấy tình cảnh ấy, người quản gia khuyên anh nên tái hôn.

– Cưới một người vợ mới thì tâm trạng sẽ tốt hơn đấy. Sớm quên đi người vợ đã khuất cũng sẽ tốt hơn cho linh hồn cô ấy!

– Tôi đã khiến cô ấy khốn khổ nên mới chết đi, vì thế mà…

Anh luôn đáp rằng nếu lấy người khác thì cảm thấy có lỗi với vợ.

***

Tuy thế, khi ngày giỗ đầu của vợ qua đi, anh cũng hờ hững cầm những tấm hình của các cô gái được gửi đến lên xem. Trong số ấy, có một cô trông giống người vợ quá cố ở điểm nào đó. Vợ anh mất vào tuổi hai mươi tám nên trong tâm trí anh, khuôn mặt cô ấy luôn ở độ tuổi đó. Nghe bảo cô gái kia hai mươi mốt tuổi, khuôn mặt của cô gái hai mươi mốt tuổi mà lại giống khuôn mặt người vợ hai mươi tám thì thật khó tin.

Anh quyết định đi gặp mặt. Thật tình chẳng muốn chải chuốt gì, ngay cả cà-vạt anh cũng thắt một cách cẩu thả. Cũng không thể nào soi mặt vào chiếc gương kỷ vật của vợ để đi xem mắt người con gái khác.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Cô gái gầy nhom và có đôi hàng mi dài. Thì ra là giống vợ anh ở điểm đó. Là một cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống nhờ ở nhà người chú nên phảng phất nét u ám. Có lẽ vì vậy mà một cô gái hai mươi mốt tuổi lại trông giống người vợ hai mươi tám tuổi của anh. Sắc mặt cũng không tốt. Sau biến cố, cô không còn thứ gì. Có lẽ không thể cứ sống mãi ở nhà người chú nên với tuổi hai mươi mốt trẻ trung của mình cô ấy lại muốn đến với anh, người đã qua một đời vợ. Sự đáng thương ấy phù hợp với sở thích của anh.

Anh quyết định cưới cô gái. Dường như bên phía cô gái rất gấp gáp nên họ tổ chức cưới vào mùa hè mà chẳng đợi sang thu. Trong tình cảnh không tìm được nhà mới nên cô gái đến ở cùng anh trong ngôi nhà cạnh bờ hồ ngay sau lễ cưới. Họ cũng chẳng leo lên chuyến tàu chật chội nào để đi hưởng tuần trăng mật.
Người quản gia mắc màn cho họ. Đang kín đáo cởi kimono trong căn phòng cạnh bên, nghe thấy anh gọi, cô gái trong chiếc yukata liền bước sang, ngồi xuống cạnh mép màn.

– Không vào là bị muỗi đốt đấy!

Trong khi nói, anh chợt nhớ lại người vợ không hề ngại ngùng đã khuất.

– Vâng…

Cô gái rụt rè chui vào mùng, khuôn mặt tái nhợt. Ngồi thu mình vào một góc, cô khẽ ho nhưng ngay khi anh kéo lại gần thì cô gái bật ho dữ dội rồi khạc ra một búng máu tươi trên tấm ga giường màu trắng.

Anh vội tìm thuốc cầm máu vợ đã dùng tiêm vào cánh tay cho cô gái. Tuy gầy gò nhưng vì còn trẻ nên cô gái vẫn có lớp mỡ mềm mại. Khi đâm mũi kim vào đó, anh biết cô ấy đã là vợ mình. Thế nhưng anh không muốn chạm vào cơ thể cô hơn nữa. Việc chườm chiếc khăn lạnh lên ngực cô gái được giao lại cho bà quản gia.

“Xin lỗi anh!”.

Cô gái khóc.

“Không cần phải xin lỗi đâu. Anh sẽ trị bệnh cho em, đừng lo lắng, hãy giữ cho tinh thần thoải mái nhé!”.

Trong khi an an ủi cô gái, anh nghĩ đến lời của người vợ đã khuất.

“Lần sau, khi cưới vợ, hãy lấy người mạnh khỏe nhé!”.

Anh muốn nói với vợ rằng: “Anh đã tìm được một người giống em, và cô ấy cũng mắc bệnh giống em!”.

Anh chăm sóc người vợ mới như chăm người vợ đã mất trước kia. Chỉ có một điều khác là anh không hề có ý định chạm vào cơ thể người vợ mới. Dù cơn sốt đã hạ, anh vẫn để yên cho cô như còn con gái. Như thể để chuộc lại tội lỗi đã gây ra cái chết của người vợ cũ, anh cố kiềm chế bản thân mình.

Người vợ mới cũng không đòi hỏi sự âu yếm của anh, xem đó như là điều đương nhiên. Tuy vậy, mỗi khi được anh tiêm thuốc, mắt cô lại bừng sáng.

Chỉ có việc tiêm thuốc mới là điều kết nối thân xác giữa hai người bọn họ.

Một đêm nọ, anh bị một cô gái bán hoa kéo tay trên phố. Buông xuôi theo lời mời gọi, anh vào nhà nghỉ. Cô gái còn trẻ. Ho liên tục. Tiếng ho nghe rất quen. Anh nhớ đến người vợ mới hơn là người vợ đã mất.

– Em không được khỏe à?

Nghe hỏi, cô gái ngước nhìn anh ngạc nhiên rồi gật đầu.

– Không được đâu, làm nghề này thì bệnh sẽ càng nặng thêm đó!

– Nhưng mà nếu không làm thì chẳng có tiền để mua thuốc. Em khốn khổ lắm!

Anh kinh ngạc trước những lời nói đó.

Bàn tay cô gái rất nóng. Hai người nằm đấu lưng lại với nhau nhưng nhiệt độ cơ thể của cô gái truyền sang anh như thiêu đốt.

Bất chợt anh nhớ đến người vợ quá cố. Không nghĩ đến người vợ mới.

Chỉ cần cảm nhận nhiệt độ cơ thể của cô gái, lòng anh đã thỏa mãn rồi. Chẳng còn muốn chạm vào cơ thể cô ấy nữa, máu thèm muốn của đàn ông trong anh nhất thời nguội lạnh.

Tuy vậy, anh nghĩ rằng, nếu trong căn phòng của nhà trọ đó có mắc màn thì có thể anh đã không kiềm chế được bản thân mình.

Oda Sakunosuke (1913 – 1947), cùng với Dazai Osamu và Sakaguchi Ango, một trong ba thành viên tiêu biểu của lưu phái văn học mà các nhà phê bình bảo thủ đương thời gọi là “Buraiha” (Vô lại phái) bởi phong cách “không theo chuẩn mực” của xã hội Nhật Bản trước và sau Thế Chiến Thứ II.
Ông viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyện rất ngắn đến tiểu thuyết, kịch bản truyền thanh và cả tiểu luận phê bình. Tác phẩm của ông phản ánh chân thực những góc khuất u tối của đời sống xã hội và thể hiện sự bế tắc về tư tưởng của bản thân… Một số đã được dựng thành phim và được đề cử giải thưởng văn học Akutagawa. Năm 1983, dưới sự tài trợ của Hội nhà văn Osaka, một giải thưởng văn học mang tên Oda được thành lập để tưởng nhớ 70 năm ngày sinh của ông. Giải thưởng này được trao thường niên cho tác phẩm nổi bật của các nhà văn trẻ, nhằm tiếp nối và nâng đỡ những giá trị văn học lâu đời vùng Kansai.

ODA SAKUNOSUKE (Nhật Bản)

NGUYỄN THỐNG NHẤT
Dịch từ tiếng Nhật. Nguồn: https://www.aozora.gr.jp/index_pages/person40.html

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lắng nghe xuân về

Nắng nhảy lò cò trên lá
Lao xao gió chơi trốn tìm
Sóc nâu ngỡ ai rượt đuổi
Giật mình rơi biếc tiếng chim.

Ba ôm con trong tay

Ba ôm con trong tay
Nghe nụ hoa mở cánh
Nắng ngoài đường lấp lánh
Chim trên cành hót say

Em vẽ mùa xuân

Hộp bút màu nho nhỏ
Quyển vở còn mới tinh
Em bắt đầu tập vẽ
Mùa xuân quê hương mình