Lặng thầm cho giai điệu vang lên

(VNBĐ – Bút ký). Sự phát triển của mạng xã hội kéo theo sức lan tỏa của các tác phẩm âm nhạc. Để có một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh tương tác với công chúng, ngoài nhạc sĩ, ca sĩ thì các studio âm nhạc cũng góp phần quan trọng không kém. Chính các studio âm nhạc đã đồng hành cùng nhạc sĩ làm nhiệm vụ hòa âm phối khí giúp giai điệu thăng hoa.

Nhạc sĩ Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, giới thiệu: “Các studio, phòng thu ở Bình Định còn khá ít, chủ yếu tập trung tại thành phố Quy Nhơn nhưng đã hỗ trợ cho các nhạc sĩ phổ biến ca khúc từ nhiều năm nay. Các studio, phòng thu hoạt động sôi nổi là của các nhạc sĩ Đình Đạm, Thanh Hùng, Kim Vân… Họ đều là những người có nền tảng vững chãi về âm nhạc. Đình Đạm và Thanh Hùng được đào tạo trường lớp bài bản và đang là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các nhạc sĩ này rất chịu khó nâng cấp thiết bị máy móc, cập nhật các phần mềm xử lý kỹ thuật, tìm tòi cách thể hiện mới”.
Nhạc sĩ Trọng Mật (thị xã An Nhơn) tâm sự: “Viết xong một ca khúc, tôi rất háo hức mong muốn nó được hoàn thiện để chia sẻ với bạn bè. Khâu hòa âm phối khí và ca sĩ thể hiện rất quan trọng, cần đến những studio chuyên nghiệp để hoàn chỉnh. Hiện ở thị xã An Nhơn vẫn chưa có studio nào, nên các nhạc sĩ ở đây đều phải nhờ các phòng thu ở Quy Nhơn…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Đạm, ngoài công việc tổ trưởng chuyên môn Khoa Văn hóa Nghệ thuật ở Trường Cao đẳng Bình Định, phần lớn thời gian còn lại anh gắn với studio. Anh nói: “Nếu nhạc sĩ là người sáng tạo thứ nhất thì người hòa âm và ca sĩ chính là người sáng tạo thứ 2, thứ 3 để làm nên ca khúc. Làm bản phối cho một bài hát tốn khá nhiều thời gian. Phải đọc kỹ, thẩm thấu những giai điệu, ca từ của nhạc sĩ rồi đưa ra ý tưởng, xác định chất của ca khúc là hiện đại hay truyền thống mà có cách xử lý phần beat cho hợp lý”. Trong quá trình làm nhạc cho ca khúc, người hòa âm phối khí cùng nghiên cứu về bài hát, có thể góp ý sửa đổi và thường thì thay đổi trường độ cho ngân nga, cho sâu lắng. Vốn là nhạc sĩ sáng tác nên anh thường hiểu rõ cảm xúc mà nhạc sĩ gửi gắm vào ca khúc.
Một lần tôi đi theo ca sĩ Nguyên Trường đến studio Đình Đạm theo lịch thu đã hẹn trước. Hai người phối hợp cùng nhau để thu âm ca khúc Ra biển của nhạc sĩ Dương Viết Hòa, phổ thơ Nguyễn Văn Thoại. Đây là một ca khó vì bài hát có nhiều quãng rộng. Ca sĩ Nguyên Trường điều chỉnh âm vực nhấn nhá sao cho phù hợp, đẩy cảm xúc lên với giọng hát ngân, trong và sáng, tỉ mỉ xử lý luyến láy, nhả âm. Sau 2 giờ miệt mài, ca sĩ Nguyên Trường mới hoàn thành xong phần thu. Nhạc sĩ Đình Đạm chia sẻ: “Việc thực hiện hòa âm phối khí hay thu âm không tốn nhiều thời gian bằng việc tư duy, nghiên cứu bài hát”.

Nhạc sĩ Đình Đạm tại studio của mình. Ảnh: V.P

Với nhạc sĩ Phan Thanh Hùng, công việc hòa âm phối khí, thu âm ca khúc đã gắn bó hơn 20 năm. Giờ đây, ngày nào không bước vào phòng thu là thấy bứt rứt. Nhắc về anh, nhiều nhạc sĩ tấm tắc ngợi khen vì cách làm việc chỉn chu và sự tinh nhạy. Phan Thanh Hùng còn được biết đến với vai trò một nhạc sĩ chơi piano tài hoa trong các chương trình ca nhạc, một thầy giáo dạy đàn có trách nhiệm với học trò ở Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Bình Định. Nói về nghề, anh tâm sự: “Mỗi tác phẩm là sự chắt chiu bao tâm huyết của nhạc sĩ sáng tác nên mình luôn tự nhủ phải thực hiện hết sức có thể để sản phẩm âm nhạc hoàn thiện nhất”.

Không thực hiện việc thu âm nhưng anh Trần Kim Vân đang công tác tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh cũng miệt mài trong phòng thu tại nhà để thực hiện hòa âm. Năm 2006, anh đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị để làm hòa âm phối khí. Với nền tảng vững chãi về âm nhạc, thông thạo và trình diễn tốt nhiều loại nhạc cụ dân tộc lẫn Tây phương, đồng thời có sự cảm thụ âm nhạc tinh tế, “Vân Organ” đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nhạc sĩ trong tỉnh và ngoài tỉnh gửi gắm ca khúc. Hôm gặp anh tại phòng thu tại nhà trên đường Lý Văn Bưu (TP. Quy Nhơn), anh giới thiệu tôi ca khúc anh vừa hòa âm cho nhạc sĩ Đào Minh Tâm, bài Ba tôi. Trên nền ca từ nồng ấm cảm xúc, anh Vân chủ yếu sử dụng bộ gõ pecusion và đàn guitar, đậm chất acoustic. Tiết tấu nhạc nhanh, tươi trẻ qua phần thể hiện của ca sĩ Siall Mebla như thúc giục, lôi cuốn người nghe.

Những ngày cuối năm này, anh Vân đang khẩn trương chuẩn bị phần nhạc nền, hòa âm phối khí cho chương trình giao thừa của tỉnh đón chào năm mới Tân Sửu 2021. “Chương trình 3 phần, hơn 15 tiết mục, ngoài một vài ca khúc của ca sĩ có hòa âm phối khí sẵn, còn lại mình phải thực hiện. Để hoàn thiện phần âm nhạc cho một chương trình lớn như thế này tốn rất nhiều thời gian, mình phải tập trung cao độ. Bởi thế, cứ thường cuối năm mình phải từ chối với các nhạc sĩ và một số đơn vị để tập trung hoàn thành hòa âm phối khí chương trình dạ hội giao thừa cho chu toàn”, anh Vân Organ trải lòng. Với nhạc sĩ hòa âm phối khí, mỗi người có một thế mạnh riêng. Đối với Vân Organ, anh yêu thích mảng nhạc cụ dân tộc và có sở trường phối nhạc dân ca. Bắt gặp những ca khúc mang âm hưởng như thế, anh say mê nghiên cứu, có khi thức đến hai ba giờ sáng để tìm tòi, mày mò cách thể hiện cho phù hợp, hấp dẫn. “Đặc thù nghề này vốn thế, không riêng tôi mà nhiều nhạc sĩ ở các phòng thu khác cũng vậy, có những bài hát như kéo mình theo, làm mình quên cả thời gian…”.

Nhọc công nhưng thù lao cho việc hòa âm, thu âm hoàn thiện một ca khúc ở Bình Định chỉ trên dưới 2 triệu đồng cho cả nhạc sĩ hòa âm và ca sĩ. “Làm chủ yếu để thỏa niềm đam mê” là lời giãi bày tôi nghe được từ họ. Năm 2020, là năm khó khăn chung bởi dịch Covid -19, hạn chế gặp gỡ, nhiều chương trình nghệ thuật các đơn vị phải hoãn hoặc không được thực hiện. Tuy nhiên, các phòng thu vẫn hoạt động khá hiệu quả với số lượng thu âm hàng trăm ca khúc mà các nhạc sĩ gửi gắm, nhất là qua cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định.

Phòng thu của ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Dũng phục vụ đắc lực
cho công việc của anh và CLB văn nghệ sĩ trẻ. Ảnh: V.P

Cùng với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và mục đích vận hành, ngày càng có nhiều studio được mở ra. Anh Lưu Nhất Phong ở Hoài Nhơn bộc bạch: “Mình vừa mở sudio tại nhà chủ yếu phục vụ việc sáng tác, ca hát của mình và con gái, đồng thời dành sân chơi cho những người yêu âm nhạc ở địa phương”. Ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Dũng (ở đường Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn), hiện đang là Chủ nhiệm CLB Văn nghệ sĩ trẻ của tỉnh chia sẻ: “Để phục vụ cho việc sáng tác của cá nhân, lên bản demo, thu âm cho một số chương trình hoạt động của các ca sĩ trẻ và CLB nên mình đầu tư thiết bị máy móc, mở phòng thu. Nhờ vậy mà công việc trôi chảy, hiệu quả hơn”. Gặp nhạc sĩ Lý Anh Võ trên gác nhỏ nhà mình tại đường Nguyễn Huệ (TP. Quy Nhơn), ông cười hiền queo, giọng thầm thĩ đủ nghe: “Phòng thu của mình nhỏ xíu, chủ yếu là để mình phục vụ cho cái sự chơi của mình và cho các anh em bằng hữu”.

Mỗi người một ít, từ những studio cá nhân mới mở hay hoạt động nhiều năm theo hướng chuyên nghiệp thì họ vẫn đang lặng lẽ tận tụy với công việc của mình, góp sức để cho những ca từ, giai điệu được ngân lên, gióng vang những nhịp đập xúc cảm…

LINH TRẦN

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…