Làng bún, làng hoa

(VNBĐ – Bút ký). Sau mấy ngày nghỉ dưỡng, săn mây, check-in… thỏa thuê trên cao nguyên La Vuông thơ mộng, tôi xuôi đường về hướng biển tiếp tục cuộc rong chơi trên bãi bờ, gành bến. Đoạn đường chỉ tầm 25 km nhưng có nhiều điểm đến khá hấp dẫn, khiến tôi không thể lướt qua.

Hồn quê trong phố
Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020. Làng nghề chính là khu phố Tăng Long 1 nằm giữa các phố: Tăng Long 2, Cửu Lợi, Trung Hóa và một phố của phường Hoài Thanh. Làng có nghề tráng bánh, làm bún từ những năm đầu thế kỷ XIX. Trải qua bao biến động, nhất là những năm đấu tranh chống Mỹ, nghề này vẫn luôn trụ vững và duy trì đến tận hôm nay. Làng hiện có 95 hộ dân với gần 200 lao động thường xuyên bám nghề mưu sinh, góp phần giữ mãi hồn quê.

Dạo một vòng quanh phố, tôi bắt gặp nhiều nét quê chân tình, mộc mạc. Người làng sẵn sàng dẫn đường cho khách đi tham quan, mời khách nghỉ chân và ân cần hỏi han, trò chuyện. Rất nhiều nhà vẫn còn giữ một khoảnh vườn hoặc một mảnh sân rộng đủ để dựng giàn phơi bún bánh. Trong vườn, một hàng cau hay mấy gốc dừa hằn dấu thời gian rướn mình lên tầm cao mới. Bên hiên, làn khói mỏng từ những lò tráng bánh bay là đà trên ngọn dừa rồi tan biến vào nắng gió. Đi trong làng nghề sản xuất bún bánh truyền thống nhưng tôi không thấy rác thải, cũng chẳng nghe mùi nước xả, chỉ nghe êm êm tiếng máy khuấy bột.

Phơi bánh tráng nước dừa Tam Quan. Ảnh: C.K

Ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Cúc – hộ có thâm niên trong nghề – tận mắt thấy hoạt động của chị và mẹ, tôi mới biết được cách làm bánh của người dân nơi đây, vẫn theo lối thủ công. Với bánh tráng dừa, nguyên liệu chủ yếu là nông phẩm có ở địa phương: bột gạo ngâm xay, bột mì khuấy vừa chín (gọi là trùng bột), cơm dừa được xay nhuyễn, hành hương thái mỏng, tiêu xay dập, ít muối ăn và nước sạch. Tất cả được cân đong theo tỉ lệ hợp lý, sau đó được trộn đều thành hỗn hợp dẻo thơm, không đặc cũng không quá lỏng. Có nguyên liệu, người thợ xoắn tay nhóm lò, đun nước. Người phơi nhanh chân đưa phên (vỉ) tập kết sát lò. Nước sôi, tấm vải căng trên miệng nồi tỏa khói, người thợ múc một gáo bột hỗn hợp đổ lên mặt vải khuấy tròn đều rồi đậy vung. Hai phút sau, bánh chín, thợ vớt bánh ra, trải đều lên phên. Khi phên đủ 5 hoặc 10 bánh, người phơi đội bánh ra giàn…

Chị Cúc cho biết, ngoài bánh tráng dừa, nhà chị còn làm bánh tráng khoai lang. Nguyên liệu bánh này gồm: Khoai lang luộc, bột mì khô, đường, cơm dừa, gừng và mè. Tất cả cho vào máy đánh nhuyễn rồi đổ vào khuôn nóng có tráng sơ lớp dầu phộng. Bánh chín, thợ vớt ra đem phơi khô rồi đóng gói – dán nhãn. Ngồi nhìn hai mẹ con chị Cúc luôn tay bên bếp lửa hồng reo trong ngày mới, tôi chợt nhớ đến cảnh tráng bánh Tết dưới sương của người làng tôi thời kham khổ và hương vị của món bánh tráng ướt bột mì cuộn trong lá chuối chấm với nước ruốc đầu mùa làm ấm bụng, vững chân.

Vào thăm cơ sở sản xuất bún số 8 của gia đình anh Bốn Thân ở đường Cao Thành, tôi muốn được làm một việc nào đó để thấu hiểu giá trị đích thực của nghề nhưng máy đã làm thay người nhiều công đoạn. Tôi chỉ được chủ nhà cho đội bún đi phơi. Vừa làm vừa trò chuyện, tôi được biết bột mì là nguyên liệu chính để làm ra bún số 8. Bột mua từ Nhà máy Tinh bột mì Phù Mỹ và An Khê (Gia Lai). Bột mua về, được ngâm qua đêm. Sáng ra, chắt bỏ nước chua rồi thêm nước sạch cho vào nồi điện. Nồi tự động đun – khuấy cho đến khi bột sệt và trong hẳn, người thợ múc bột đổ vào khuôn trên máy ép thủy lực. Bún được ép ra thành sợi dài, người thợ dang tay nâng – rê phên theo chiều trước – sau để bún rơi đều lên phên như trải. Khi khô, bún được gỡ khỏi phên, cắt – cuốn thành hình số 8 rồi cột dây chuối cố định… Thấy tôi nhiệt thành, anh Thân đem bó bún khô ngâm nước sôi, để ráo rồi làm chén nước mắm ớt tỏi, mời tôi ăn sáng. Anh bảo: “Muốn có bún ăn nhanh, phải làm thế này! Nhưng ngon nhất là ngâm sơ, xào với lòng gà, rắc thêm chút hành lá hoặc trộn với đậu phộng giã”. Trộn miếng nước mắm với nhúm bún số 8 ngâm của nhà anh Thân đưa vào miệng, tôi nghe rất rõ vị ngon ngót, mặn mà, có chút chua chua và mùi thoang thoảng từ tinh bột mì ngây ngây sống mũi. Anh Thân phấn khởi: “Hằng năm, làng này cung cấp cho thị trường khoảng 2.500 tấn bún, bánh các loại, thu về khoảng 42 tỷ đồng. Người làm nghề này thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ tháng. Nhà có nhiều lao động, cũng dễ làm, dễ sống!”.

Thương hiệu bún Số 8 Tam Quan Nam. Ảnh: C.K

Vui hơn nữa là bún số 8 và bánh tráng dừa từ làng nghề truyền thống Tăng Long 1 đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đạt tiêu chuẩn OCOP nhiều sao, hiện đang tiêu thụ rất mạnh ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều nước lân cận. Nhiều đoàn học sinh Trung học trong tỉnh, cựu chiến binh cùng gia đình ở tận Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội… vào Bình Định thăm lại chiến trường xưa cũng ghé đến làng Tăng Long 1. Họ cùng người làng tráng bánh, làm bún… thật ấm nghĩa, ấm tình.

Tươi thắm làng hoa
Làng Gia An Nam thuộc xã Hoài Châu Bắc có nghề trồng hoa trên 20 năm nay và đã được UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định công nhận làng nghề vào cuối tháng 5.2024. Làng hiện có 77,92 ha đất nông nghiệp, trong đó có 11,7 ha chuyên dùng để trồng hoa các loại theo hình thức: luân canh, gối vụ. Với địa hình tương đối bằng phẳng, kết cấu lớp mặt là đất pha cát, Gia An Nam đã trồng và duy trì được nhiều giống hoa: vạn thọ, lay ơn, đồng tiền, cúc, hoa ly, cẩm chướng, thạch thảo, dạ yến thảo, hoa giấy…, cung cấp thường xuyên một lượng lớn hoa cho thị trường, góp phần làm tươi thắm một vùng quê bị ảnh hưởng nặng bởi chiến tranh.

Dừng chân tại ruộng hoa bên đường của cựu chiến binh Nguyễn Văn Quả trong nắng chiều thu đẹp, tôi ngỡ mình đang ở giữa mùa xuân. Một vài khóm mây nhuộm tím ánh chiều đủng đỉnh trôi qua đồng làng làm dịu mát và sáng lên những ruộng hoa đủ thì, đủ cỡ. Hoa ruộng nhà anh Quả có nhiều lứa nhưng đẹp nhất lúc này là lứa cúc vàng đang nở lác đác. Trái vụ nhưng hoa to, cánh thẳng, sắc hoa sặc sỡ. Dẫu ong ve, bướm lượn hằng ngày nhưng không làm hoa rũ, nhàu cánh. Anh Quả đưa tôi dạo một vòng quanh ruộng hoa. Vừa đi anh vừa kể chuyện làng anh từ khi có hoa trong vườn, trên ruộng. Lời kể càng lúc càng sôi nổi như niềm phấn khởi, tự hào về quê hương có hướng làm ăn mới luôn chực tuôn trào trong anh. Đại loại, cả làng có gần 50% hộ dân trồng hoa. Vào vụ Tết, làng tất bật: ươm hạt, làm đất, bón phân, phủ bạt, trồng đủ các loại hoa. Nhà nhiều nhân lực, trồng nhiều giống trên nhiều diện tích; nhà neo người thì trồng ít hơn. Có nhà trồng gần 2 mẫu đất, phải thuê người từ các xã lân cận đến phụ giúp hằng ngày. Ngày thường, bà con trồng hoa theo kiểu gối vụ và chỉ trồng một số giống chịu bóng râm: vạn thọ lai, cúc các loại, thạch thảo… Đa số được trồng trên đất ruộng, có mái che, hệ thống phun sương hoặc hệ thống tưới nhỏ giọt.
Lứa này bán xong, có lứa khác bán tiếp. Hoa được trồng, bán quanh năm nên làng xuất hiện ngày càng nhiều “sỉ” hoa. Họ đến tận nơi xem hoa, ngã giá rồi thuê người cắt, nhổ, bó, chuyển đến nơi tập kết. Ngày thường, các “sỉ” phân phối cho những mối quen ở các chợ xã; ngày lễ, Tết, họ chuyển đi xa: Quảng Ngãi, Gia Lai…

Ruộng hoa vạn thọ ở làng hoa Gia An Nam. Ảnh: C.K

Ghé thăm ruộng hoa vạn thọ của gia đình anh Đặng Văn Lai cách đường làng tầm vài chục mét, tôi không khỏi ngạc nhiên. Ruộng hoa nhà anh rộng chừng một sào đất, đang khoe sắc trong chiều thu lộng gió. Giống hoa anh đang trồng là giống vạn thọ lai, cây lỡ, cao tầm 60 cm, rất hợp để cắm bình cúng kính. Hoa vạn thọ vào mùa này cũng đẹp không kém. Cây hoa bung cành tròn đều từ gốc đến ngọn, làm nụ, nở hoa một lượt nên trông rất sum suê, bắt mắt. Mỗi cây có từ 16 – 20 hoa tròn đều, cùng một kích cỡ. Hoa có hai màu: cam và vàng chanh. Hoa nở vừa đủ tầm, tròn trịa, mơn mởn, sóng sánh ánh chiều, nhìn lâu dễ lạc vào miền nhớ. Anh Lai bấm đốt tay, chia sẻ: “Nay mười hai ta, 2 ngày nữa sẽ nhổ bán. Lứa này, làng có khoảng 40 hộ dân bán hoa đúng rằm. Với giá bán ổn định như lâu nay, lứa này người làng sẽ vui hơn được mùa lúa.”…

Đến làng Gia An Nam, ngày thường cũng như ngày Tết, đâu đâu ta cũng bắt gặp hoa. Hoa sứ, mẫu đơn, giấy kiểng đủ màu rực rỡ trong sân vườn nhà. Dọc đường, xe máy, xe lôi, máy kéo nườm nượp chở hoa về điểm tập kết để đi xa. Ven đường, cúc đại đóa mới cấy thẳng hàng, trạng nguyên bén đất lên xanh, thạch thảo đang thì đẻ nhánh, cúc chùm, vạn thọ lai bung lụa, chúm chím đầu cành… trông thật thích mắt. Ban đêm, dưới ánh điện hiên nhà, trai – gái hẹn nhau chẻ lạt, bó hoa. Nhà nào cũng rộn rã tiếng chân, đầy ắp tiếng nói cười, rộn vui xóm nhỏ. Anh Quả khoe: “Đã có nhiều đoàn khách đến làng tham quan mô hình trồng hoa. Trong đó có vài đoàn cử người ở lại cùng ươm trồng, chăm sóc và thu hoạch với bà con. Họ yêu mến người dân và công việc nơi đây, đặc biệt là việc: cắt, tỉa, bó hoa”.

Mô hình trồng hoa thương phẩm trên đất làng Gia An Nam đã góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng hoa lên 8,13 triệu đồng/hộ/tháng. Từ hoa, người trồng có đủ điều kiện nuôi con học hành thành đạt, sửa nhà cửa khang trang hơn, mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Làng Gia An Nam hôm nay không còn nhà ở đơn sơ. Màu ngói mới, tường xây của nhà dân, trường học, nhà văn hóa thôn… tươi roi rói. Nhà tầng mọc lên ngày càng nhiều. Anh Quả và nhiều người trồng hoa khác đã sắm được xe ô tô tải, ô tô con. Bà con trong làng hưởng ứng mạnh mẽ các khoản đóng góp để xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao của xã Hoài Châu Bắc. Mô hình sản xuất của làng nghề trồng hoa Gia An Nam hiện đang được UBND xã nhân rộng ra các làng xung quanh.

CÁT KHÁNH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…