(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Hoài Nhơn là nơi sản sinh ra nhiều tài danh hát Bội, Bài chòi. Tiêu biểu trong số đó là NNƯT Lý Thành Long. Ngoài tài hô hát anh còn là tác giả của hai tập thơ.
Đắm đuối với Bài chòi
Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh. Anh mày mò tìm hiểu, theo học nhiều loại nhạc cụ dân gian. Anh thổ lộ: “Tôi ảnh hưởng từ lối hô Bài chòi dân gian của cậu ruột tôi, nghệ nhân Đặng Hà Khôi (tức ông Bầu Tầm), cùng các dì và má tôi… Năm 12 tuổi, tôi theo học đàn ghi ta phím lõm và hạ uy cầm từ người anh con bác ruột. Rồi tự học thêm đàn sến nên 13 tuổi, tôi đã nắm vững các làn điệu Bài chòi cổ; 15 tuổi bắt đầu viết lời mới cho các làn điệu dân ca Bài chòi và gắn liền với hô hát Bài chòi từ đó”.
Kế thừa truyền thống gia đình lại được học lớp Nhạc công âm nhạc truyền thống của Trường Trung học VHNT Nghĩa Bình nên nghệ nhân Lý Thành Long đã sớm trở thành hạt nhân đóng góp tích cực cho việc gìn giữ và phát huy di sản Bài chòi dân gian của thị xã Hoài Nhơn. Đến nay, NNƯT Lý Thành Long đã sáng tác, dàn dựng hơn 50 tác phẩm với nhiều dạng thức, thể loại khác nhau: dân ca Bài chòi bản, kịch ngắn dân ca – Bài chòi, kịch ngắn tuyên truyền… Trong đó, có nhiều kịch bản đạt giải cao và gây ấn tượng với người xem như: Hai người cha, Người của mọi nhà, Bến bờ hạnh phúc… Các kịch bản dân ca kịch Bài chòi được anh dàn dựng cho các đơn vị, cơ quan trong những hội diễn mềm mại, nhẹ nhàng truyền gửi những thông điệp tích cực, nhân văn thông qua việc xây dựng câu chuyện, xử lý khéo léo các làn điệu và sắp xếp lớp lang nét diễn cho nghệ nhân, diễn viên.
Những năm qua, nhiều người dân Hoài Nhơn đã quen với hình ảnh một nghệ nhân với mái tóc dài, bạc trắng về cơ sở để truyền dạy, hướng dẫn và phục dựng, góp phần xây dựng các Câu lạc bộ Hội đánh Bài chòi dân gian. Lý Thành Long cùng nhiều nghệ nhân khác cố gắng đưa Hội đánh bài chòi dân gian vào trong nhà trường, bước dầu khơi dậy niềm đam mê hô hát Bài chòi trong thế hệ thiếu niên. Đặc biệt, anh đã sưu tầm gần 100 câu thai và sáng tác hơn 200 câu thai để phục vụ cho Hội đánh Bài chòi dân gian. Anh chia sẻ: “Từ cuối năm 2011, khi UBND tỉnh tổ chức tập huấn phục dựng Hội đánh Bài chòi dân gian, tôi đã bắt đầu sưu tầm và sáng tác nhiều câu thai Bài chòi để phục vụ cho các Câu lạc bộ. Niềm vui như nhân đôi, khi tôi bắt gặp những câu thai hay, ngọt ngào về quê hương mình, như có lần, tôi sưu tầm được câu thai về con bài Bát Bồng: Giếng Truông là giếng Truông bồng/ Nên vợ nên chồng cũng bởi giếng Truông/ Ngỏ lời thương đặng thời thương/ Chớ đừng nên để tơ vương vấn lòng.
Trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật Bài chòi dân gian hiện nay, vai trò của nghệ nhân rất lớn. Bởi lẽ, họ là những người nắm chắc các làn điệu, nghệ thuật diễn xướng và hồn cốt của nghệ thuật Bài chòi theo vùng miền mà họ gắn bó. Họ là người giữ lửa và chịu khó kiếm tìm những hạt nhân kế thừa để truyền dạy mà không màng lợi lộc. Thật mừng, khi nghệ nhân Lý Thành Long là con người như thế, anh tâm huyết với Bài chòi dân gian và coi đó đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Năm 2022, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đó là ghi nhận xứng đáng với một người có nhiều cống hiến với nghệ thuật truyền thống như anh.
Lời thơ mộc mạc, ân tình
Lý Thành Long đã là chủ nhân của hai tập thơ: Mãi vẫn còn xanh (NXB Hội Nhà văn, 2019) và Mỗi ngày đi qua (NXB Hội Nhà văn, 2021) và vẫn lai rai viết mỗi khi có cảm xúc. Anh thổ lộ: “Tôi đến với thơ ca từ rất sớm. Ba tôi là một nghệ nhân hát Kết, sáng tác nhiều bài thơ lục bát phục vụ cho hát Kết thời ấy. Ba tôi chính là người truyền cảm hứng cho tôi đến với thơ ca”.
Lý Thành Long viết nhiều, đa dạng đề tài, nhưng dễ thấy, phần lớn thơ anh viết về quê hương. Anh tâm sự: “Tôi có nhiều bài thơ viết về quê nhà Hoài Nhơn. Trong đó, có bài thơ tôi lấy hẳn tên Hoài Nhơn làm tiêu đề. Bài thơ có đoạn: Hoài Nhơn/ Đi qua thời đạn bom/ Thân dừa liền da xanh tóc/ Điệu hò giữa phố thị chân quê/ Bông lúa trỗ hương thơm mùi phố/ Rực đèn hoa hương phố thơm đồng/ Hoài Nhơn/ Mảnh trăng nghiêng bên bờ sóng/ Sông xanh màu phố thì thào/ Mỗi tên đất/ Xứ Hoài/ Như tiếng vọng/ Nỗi niềm Hồng Đức/ Xôn xao. Ở cả hai tập thơ, chủ đề về quê hương luôn được tôi coi trọng. Vì đó là những gì gần gũi nhất, gắn bó nhất, nơi tôi lớn lên, chứng kiến từng chút một đổi thay, nên đã cho tôi nhiều cảm xúc”.
Lẽ vậy, Lý Thành Long không hề giấu diếm tình cảm của mình với xứ sở rợp bóng dừa xanh: “Đâu lối em về mây trắng vỡ/ Giếng Truông còn đó giếng Truông bồng/ Nỗi niềm chưa tím màu nhung nhớ/ Mà gió mưa về nhuộm bến sông/ Yêu em yêu cả hồn quê ấy/ Mỗi bóng dừa xanh một mảnh vườn” (Hoài niệm phố xưa). Khi nới rộng ý nghĩ về quê hương, nghĩ về chủ quyền biển đảo, thơ anh đau đáu: “Nơi anh đứng biển mặn mòi đâu hết/ Bởi thấm từng giọt máu của cha anh/ Nghe biển hát ngát xanh màu chữ S/ Hoàng Sa – Trường Sa, xương máu kết thành” (Nơi anh đứng). Đọc thơ anh, người đọc cảm nhận anh yêu bằng tình yêu của một chàng thơ nơi đồng quê rơm rạ chất phác. Lấy niềm sẻ chia, sự đồng cảm để vin níu lòng nhau qua ngày tháng cơ cực, cảm nhận hạnh phúc từ những giản dị đời thường: “Càng thương em lúc ngồi bên bếp lửa/ Lá khô đun nồi gạo chín lưng nồi/ Đôi vai gầy thiếu tháng năm gồng gánh/ Vẫn nụ cười xao đỏ lửa bờ môi” (Mặn).
Ở khía cạnh nào đó, không khó để bắt gặp trong thơ anh sáng lên những thi ảnh giàu sức gợi như hình ảnh “chiếc ba lô căng phồng ký ức” trong bài Hai cuộc đời lính: “Có người lính/ đi qua/ hai cuộc đời lính/ tóc nhuốm màu phôi pha/ vẫn trái tim xanh căng phồng lồng ngực/ vẫn chiếc ba lô căng phồng ký ức/ vẫn những bài ca và tiếng đàn về đồng đội anh/ thao thức”.
Với Lý Thành Long, thơ và nghệ thuật Bài chòi đã như là máu thịt, trút gửi bao vui buồn đời mình. Anh trải lòng: “Vẫn còn nhiều dự định phía trước. Tôi sẽ cố gắng viết nhiều hơn dân ca Bài chòi bản, kịch bản Bài chòi và câu thai mới; cố gắng đưa Bài chòi vào các trường trung học cơ sở”.
Lý Thành Long sinh năm 1966, quê ở Tam Quan, TX. Hoài Nhơn. Anh đang là hội viên Chi hội Sân khấu và Chi hội Văn học của Hội VHNT Bình Định. Năm 2022, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Anh đạt nhiều giải thưởng: Giải Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ VI (2016 – 2020) với tập thơ Mãi vẫn còn xanh; Giải Ba Cuộc thi sáng tác câu thai Bài chòi năm 2023…
BẢO NHI