Lá thư mùa thu

(VNBĐ – Tản văn).

Anh à!

Một chiều thu. Em lướt mắt trên tấm thảm xanh rờn ngoài đồng bãi. Chợt thấy những gì của chúng mình ở đấy vẫn vẹn nguyên… Mùa này quê mình rất thơm. Cánh đồng làng ngút ngát những sóng lúa đang ngả màu xanh cốm. Đâu đây vẫn tiếng chày thình thịch, hạt nếp non dèn dẹt, ngầy ngậy đưa hương. Có lẽ người ta vẫn giữ nguyên lối làm cốm thủ công thế để lưu giữ những gì tinh túy của hạt gạo xanh non thảo thơm ấy. Để mỗi lần nhấm nháp, ta như thấy đủ cả sự dẻo dai, ngọt ngào và hương thơm phưng phức của vị nếp xanh non lan tỏa dưới làn khói lam chiều nơi làng quê yêu dấu.

Quê mình có những bãi cỏ xanh rờn, mượt như một tấm thảm nhung. Lúc ngồi trên bãi cỏ, mái tóc anh bồng bềnh những lọn hình dấu hỏi phủ lên vầng trán lấm tấm giọt mồ hôi. Em đã không cưỡng được khi đặt lên đấy một nụ hôn, cứ ngỡ như đang được miên man tận hưởng giọt sương lóng lánh ánh ban mai. Lúc ấy, đôi mắt anh đẫm một màu rất xanh ánh lên từ thảm cỏ, nồng nàn da diết quá…

Anh đã từng nói nhiều lần: Anh thích lúc chúng mình ngồi cất vó bên bờ ao. Nơi ấy có khóm tre soi tóc xuống làn nước trong xanh. Phía đằng góc ao kia vẫn ẩn hiện một đám sen muộn màng trong thu sớm. Cơn gió đêm phả ra từ những đóa hoa trinh trắng ấy một làn hương quá đỗi dịu dàng. Anh thầm thì: “Là em đấy. Không phải chỉ có anh, mà cả những chú tôm cũng ngẩn ngơ vì hương thơm của em nên đã chui đầu hết cả vào rọ rồi kìa”. Còn em thì chẳng nói được câu gì, chỉ thấy lòng rộn lên một cảm giác khó diễn tả bằng lời, rất lạ…

Mỗi lần lọn tóc phất phơ vờn bên má, anh lại thì thầm: “Tóc em thơm thật! Thơm như mùi đồng làng mình”. Những lúc ấy, hơi ấm lan tỏa từ anh dường như đã làm mềm lại những vết chai sần trên tay em… Anh đã thả thật nhiều những chiếc lá tre như con thuyền bồng bềnh trôi trên sóng tóc em. Em biết mà. Chỉ lát nữa thôi, là anh sẽ gục đầu vào những con thuyền bé xíu ấy. Sẽ không thấy lởn vởn đâu đây mùi khói bụi, không còn nghe thấy những động cơ của nhà máy, của xe cộ ầm ào. Chỉ thoảng nhẹ mùi hương nhu đượm trong mái tóc, mùi thơm ngòn ngọt của hương cốm thoảng về, những thanh âm như đánh võng của rặng tre tựa vào nhau trong làn gió thu dịu nhẹ. Chỉ vô hình thế mà hai đứa như đã tan vào nhau trong nồng nàn gió nội…

Em nhớ, anh vẫn thường bảo: “Bù đầu vì công việc ở xa, nhưng lúc rỗi rãi anh rất nhớ nhà”. Anh ơi! Dấu ấn trong lòng mỗi người con quê hương là những ký ức không thể mờ phai. Hơi thở của xóm làng, nhịp đập của con tim, những hương thơm rất riêng, cả những mùi tanh nồng tôm cá và vị mặn mòi của bát cà dằm tương… Mọi thứ vẫn vẹn nguyên, anh ạ. Để lúc xa quê, xa em, bất cứ lúc nào anh cũng có thể trở về trú ngụ, thả hồn mình với tình quê, với em.

Em nhớ có lần đã gọi cho anh: “Anh à. Lũy tre ngày nào chúng mình chơi trò trốn tìm nay không còn nữa rồi”. Anh cười: “Đừng buồn nhé. Giờ anh tìm được em rồi mà”. Sau lần ấy, lúc về nhà, anh đã trồng một khóm tre ngoài ngõ. Anh bảo: “Để lúc chúng lớn lên, khi tuổi già, anh sẽ đưa em ra hóng gió hàng ngày…”.

Anh kể: “Mỗi lần đi làm qua lối rẽ công viên, anh lại nghĩ về màu xanh quê nhà. Vì đấy là màu xanh của lúa, của rặng tre, của bãi cỏ, của hoa lá đã đậm sâu trong ánh mắt mỗi người, đẹp đến mê hồn em ạ”. Nghe đến đây thì em biết, dẫu bộn bề vì công việc mà có ngày nào anh không cồn cào nỗi nhớ về quê.

Anh à! Em biết những tháng ngày bươn chải là cuộc sống ổn định cho tương lai mai này. Quê mình vẫn dịu dàng một màu mới tươi xanh. Khóm tre đầu ngõ vẫn lặng lẽ tựa mình bên nhau như đang say sưa khúc ru ca trên cánh võng. Khoảng cách về không gian như tấu bản nhạc không lời để âm thầm lưu giữ kỷ niệm xưa. Thế thì, ai xa quê mà chẳng nhớ, anh nhỉ?

Chiều nay, làn mưa thu giăng một lớp tơ lóng lánh trên rặng cây ven đường, làm cho mùa thu ở quê mình thật dịu dàng như một bức tranh…

LƯU THỊ PHỤNG

* Ảnh minh họa: internet

(Văn nghệ Bình Định số 99 tháng 7.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Văn Hiếu

Ta lăn lóc đứng ngồi
Ta lên rừng xuống bể
Nay ta chín – ta vẫn là hạt gạo
Vẫn đăm đắm cánh đồng chiều
Vẫn thương câu hát gánh qua sông…

Mê Cung

Giây phút Minh nhận ra trái tim của mình cũng là một mê cung là khi cậu nhìn vào mắt người con trai đó. Bộ dạng nó áp sát vào người cậu như muốn tìm kiếm ở đó một sự chở che, nương náu và an ổn…