Kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa

(VNBĐ – Tiêu điểm). Tối 13.02 (nhằm mùng Bốn Tết Giáp Thìn), tại công viên trước Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2024) với chủ đề “Hào khí Tây Sơn”. Tham dự chương trình có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện các sở, ban, ngành; đại biểu các tỉnh bạn; cùng hàng vạn người dân và du khách.

Vào ngày mùng Năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vang dội. 235 năm đã đi qua, nhưng mỗi mùa xuân đến, nhiều thế hệ người dân Bình Định và khắp nơi cả nước vẫn bồi hồi nhớ về chiến công thần tốc năm xưa trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chương trình nghệ thuật “Hào khí Tây Sơn” có ý nghĩa quan trọng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng về cội nguồn, tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của đất nước.

Chương trình nghệ thuật gồm ba phần: Tây Sơn tụ nghĩa; Ngọc Hồi – Đống Đa, bản hùng ca bất tử; Viết tiếp bản hùng ca. Phần một mở đầu bằng hoạt cảnh tái hiện bối cảnh xã hội đất nước ta vào thế kỷ XVIII, với nhiều biến loạn; ở Đàng Ngoài họ Mạc lập giang sơn riêng, Chúa Trịnh lấn át Vua Lê; ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi. Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ ở ấp Tây Sơn đã bí mật xây dựng căn cứ, tập hợp nghĩa binh trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo. Ngọn cờ khởi nghĩa ngay từ đầu đã đoàn kết tập hợp đông đảo đồng bào Kinh, đồng bào dân tộc thiểu số và lôi cuốn cả thương nhân, thổ hào, phong kiến lớp dưới tham gia. Quân Tây Sơn liên tiếp ghi dấu ấn với nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu là trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785, đánh tan năm vạn quân Xiêm cùng 300 chiến thuyền. Phần hai, tái hiện hoạt cảnh vào năm 1788, Lê Chiêu Thống đã “rước voi về giày mả tổ”, tạo cơ hội cho nhà Thanh âm mưu thôn tính nước ta. Trước tình thế ấy, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đảm đương trọng trách cứu đất nước ra khỏi họa xâm lăng, đưa Nhân dân thoát vòng nước lửa. Vua Quang Trung đã chỉ huy đại quân làm nên trận đại thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào Tết Kỷ Dậu 1789, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Phần ba, gồm các tiết mục ca múa nhạc, thể hiện nhiều ca khúc về quê hương Bình Định, cho thấy sự kế thừa truyền thống yêu nước, đồng lòng chung sức của quân và dân Bình Định, đắp xây cuộc sống vững mạnh, phát triển.

Chương trình được dàn dựng hoành tráng, công phu với sự tham gia của hơn 400 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT Quang Trung (huyện Tây Sơn) tham gia biểu diễn. Kết thúc chương trình, là màn bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng Lễ hội, mừng năm mới Giáp Thìn 2024.

Chiều 13.02, lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu đã làm lễ dâng hoa, dâng hương tại di tích Đài Kính Thiên, đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, đền thờ song thân Tây Sơn tam kiệt, đền thờ Tây Sơn tam kiệt…

Trong khuôn khổ Lễ hội 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Bảo tàng Quang Trung cũng đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở VH&TT, Trung tâm VH-TT&TT huyện Tây Sơn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ để phục vụ Nhân dân, du khách về trẩy hội tại Tây Sơn từ mùng Bốn đến mùng Sáu Tết Giáp Thìn, như: Hội đánh Bài chòi dân gian; biểu diễn múa lân, sư, rồng; diễn tấu cồng, chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số; Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh.

Văn nghệ Bình Định giới thiệu một số hình ảnh từ Lễ kỷ niệm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cùng các đại biểu dâng hương tại Đài Kính Thiên. Ảnh: P.N
Hoạt cảnh Tây Sơn buổi đầu tụ nghĩa tại Tây Sơn thượng. Ảnh: P.N
Hoạt cảnh quân Tây Sơn đánh tan tác 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Ảnh: P.N
Hoạt cảnh quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh tạo nên chiến thắng lừng lẫy Ngọc Hồi – Đống Đa. Ảnh: P.N
Đông đảo người dân về Tây Sơn tham gia Lễ hội Kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Ảnh: P.N

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Thơ ngày tháng cũ” của Trần Xuân Toàn

Trần Xuân Toàn không chuyên chú với thơ. Nhưng chính sự am tường, đồng cảm là ngọn nguồn cảm xúc của anh với thơ, dù rời rạc nhưng nó bắt kịp sự đồng điệu giữa tâm hồn…