Kiệu Tết Vĩnh Quang

(VNBĐ – Bút ký).Từ một vùng nắng lên, những luống kiệu xanh mướt đẩy lùi những lo lắng theo nhịp nắng mưa phiêu phỏng, mang niềm vui đến với người dân Vĩnh Quang. Vụ kiệu Tết năm nay, lần đầu áp dụng cách chăm trồng mới theo hướng VietGAP, được mùa!

Thắp mầm hy vọng
Nhiều thập niên trước, người dân Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh) chỉ quen với các loại cây trồng như mía, đậu, mì… Từ khi công ty CP đường Bình Định có những bất ổn và ngưng sản xuất hơn 2 năm nay, những người vốn gắn đời mình với cây mía sống thắc thỏm, rồi điêu đứng. Giống kiệu được đưa về Vĩnh Quang như mở ra niềm hy vọng mới.

Theo ông Hồ Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, từ một số hộ trồng kiệu tự phát ban đầu hơn 5 năm trước, đến nay Vĩnh Quang đã có gần 5 ha diện tích trồng kiệu. Nhận thấy tính hiệu quả và tiềm năng từ cây kiệu, địa phương đã định hướng khoanh vùng sản xuất. Năm 2020, UBND xã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ cao sản xuất thâm canh cây kiệu theo hướng VietGAP có sử dụng hệ thống tưới bán tự động” tại vùng đất chuyển đổi trồng mía kém hiệu quả. Có 5 hộ ở 2 thôn Định Quang và Định Trường tham gia với diện tích 2 ha. Kiệu cho năng suất vượt trội, hứa hẹn vụ mùa bội thu cho bà con”.

Lần giở lại hồi ức, bà Nguyễn Thị Sa ở thôn Định Quang, một trong những người đầu tiên trồng kiệu tại Vĩnh Quang, kể: “Tôi có người bà con ở Phù Cát. Cách đây 7 năm, có lần ra Phù Cát chơi, thấy bà chị trồng kiệu hiệu quả trên đất phù sa, đất cát pha nên học cách trồng rồi mang giống về Vĩnh Quang trồng thử hơn 2 sào, kết quả ngoài tưởng tượng. Tiền lãi thu được nhiều hơn các loại cây trồng khác nên trồng kiệu luôn đến giờ”. Gia đình bà Sa là một trong 5 hộ trong chương trình thí điểm trồng kiệu theo hướng VietGAP. Năm nay, nhà bà đầu tư trồng hơn 10 sào. Diện tích kiệu ở Vĩnh Quang ngày càng mở rộng. Rồi số người chọn kiệu để thâm canh như bà Sa cũng không ít ở đất này. Vui buồn theo từng mùa kiệu, có năm được giá được mùa cũng có năm mưa nhiều, củ đẻ nhánh, củ nhỏ, màu kiệu không trắng khiến người mua chê ỏng eo, thế là thu nhập sa sút. Nhưng dẫu trụt sồi thế nào thì làm kiệu trên đất Vĩnh Quang cũng chưa bao giờ lỗ.

Hộ ông Lê Đình Cường cùng thôn Định Quang với bà Sa cũng trồng 10 sào kiệu VietGAP và đang sinh trưởng tốt, bản lá xanh và dày. Ông chia sẻ, làm kiệu cũng tốn công lắm, nhất là theo hướng an toàn của tiêu chuẩn VietGAP. Loại kiệu mà bà con đang trồng tại Vĩnh Quang là kiệu trâu, xuống giống từ thời điểm từ tháng 7, tháng 8 dương lịch và thu hoạch vào tháng 1, tháng 2 năm sau. Để trồng kiệu phải chọn đất tơi xốp, dễ thoát nước. Ở Vĩnh Quang có những ruộng đất pha cát trên cao, cạnh sông suối rất thích hợp cho việc trồng kiệu. Rồi ông phân tích: “Khâu làm đất tỉ mỉ lắm, mình tiến hành làm đất khi mưa đủ ẩm, cày đất 2 lần và phải bừa nhuyễn đất lên, sau đó lên luống. Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng hay về hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nên bà con khá an tâm”.

So với một số hộ ở Vĩnh Quang thì hộ anh Phan Văn Dung tại thôn Định Trường trồng tới 13 sào. Thăm ruộng kiệu của anh xanh mênh mông bên một chân đồi. Anh Dung nhổ thử một bụi rồi hồ hởi: “Em thấy không, củ kiệu to, tròn, nhìn rất đẹp. So với năm ngoái, vụ này năng suất hơn hẳn”. Chỉ vào hệ thống tưới bán tự động được lắp đặt trên ruộng kiệu, anh Dung nói: “Cũng nhờ cái này mình đỡ nhọc công hơn hẳn. Chứ hồi trước, mỗi lần tưới kiệu, phải ì ạch kéo dây bơm, lắp ráp đường ống nước rồi tưới bằng tay. Tưới 1 ha kiệu có khi mất mấy ngày. Giờ chỉ cần vài giờ đồng hồ đã tưới xong hơn chục sào kiệu”.

Rộn ràng mùa kiệu
Tôi về Vĩnh Quang những ngày tháng Chạp. Trên vườn nhà bà Sa, hơn 20 nhân lực đang tất bật thu kiệu Tết. Cuối tháng 11 Âm lịch, bà Sa đã xuất một lần kiệu với giá rất được, tận 38.000 đồng/ ký, coi như thu hồi vốn liếng đã đầu tư. Còn số kiệu đang thu hoạch gần tấn trên vườn được xem là tiền lãi trong vụ mùa nầy. “Mùa kiệu Tết này, ít gì cũng lời trên ba mươi triệu”, bà Sa chốt!

Vừa nhổ kiệu, cắt lá, rễ để lấy củ, các nữ nông dân vừa rôm rả trò chuyện quên đi những nhọc nhằn. Thao tác cắt bỏ lá rễ lấy củ kiệu nhanh hơn khi người nông dân sáng tạo ra cách đặt lưỡi câu liêm vào bẹ dừa tựa như một máy cắt cố định. Có người đặt tên cho sự ngẫu hợp tiện lợi này là “con ngựa” chuyên cắt kiệu. Cách lý giải hóm hỉnh và cách đặt tên của những nông dân ở đây khiến ai nghe cũng cười ồ lên thích thú với những liên tưởng… Khi biết nhân công đang làm cho vườn bà Sa toàn là những người trong thôn, tôi thắc mắc: “Mình làm theo kiểu vần công hay sao chị?” thì nhận được câu trả lời: “Không phải đâu em, ở đây làm tính giờ đấy, mỗi giờ hai mươi ngàn. Có nơi chủ vườn họ tính công theo ký kiệu đã sơ chế xong. Thường thì ba, bốn ngàn/ ký”. Tôi thử nhổ một bụi kiệu lên săm soi, những củ kiệu to tròn lấm lem đất cát, phủi nhẹ thì lộ ra màu trắng pha chút hồng nhạt. Nhìn củ kiệu và mùi thoảng nồng đặc trưng tôi mường tượng đến đĩa kiệu thơm nồng má làm những ngày giáp Tết hay ăn cùng bánh chưng, bánh tét quê nhà. Hồi ức về những cái Tết xa xưa như ùa về với khung cảnh đoàn viên ấm cúng. Con người đôi khi thật lạ, chẳng phải xa xôi gì hay lang bạt xứ khác nhưng hễ bắt gặp một cái gì đó quen thuộc lâu lâu xuất hiện, lại nhớ da nhớ diết những gì xưa cũ, nhớ mùi Tết xưa cho dù bản thân đang ở ngay trên chính quê hương của mình.

Thu hoạch kiệu ở Vĩnh Quang. Ảnh: V.P

Ở vườn kiệu của bà Sa, khi được nhắc về kiệu Tết ai nấy cũng nao nức như là chỉ ngày mai, ngày mốt đây thôi là đã đến Tết rồi. Bao câu chuyện làng, chuyện xóm như vầy nên một cuộc vui kéo theo những tràng cười giòn giã.

Là cán bộ theo dõi sát sao mô hình trồng kiệu mới ở Vĩnh Quang, anh Lê Quang Tình, Phó Trưởng phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương, hướng sản xuất nông sản an toàn, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thực hiện theo kế hoạch của tỉnh và thông qua chương trình khuyến nông, mô hình “Ứng dụng CNC trong sản xuất cây kiệu theo hướng VietGAP có sử dụng hệ thống tưới bán tự động” được thực hiện tại xã Vĩnh Quang. Bên Sở Nông Nghiệp hỗ trợ 40% về giống, vật tư thiết yếu và hệ thống tưới trong mô hình. Hỗ trợ kỹ thuật như về giống; kỹ thuật thâm canh, quản lý dịch hại theo IPM; ứng dụng hệ thống tưới tự động… Qua theo dõi, so sánh, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển và năng suất cho thấy kiệu trong mô hình sinh trưởng khá tốt. Năng suất củ kiệu ước đạt 280 kg/ sào, cao hơn ngoài mô hình 10 kg/ sào. Hệ thống tưới vận hành thuận lợi, giúp chủ động trong việc tưới nước, chăm sóc, bón phân giúp giảm đáng kể công tưới nước so với sản xuất theo truyền thống là tưới thủ công”.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Việc sản xuất theo hướng này trên đất Vĩnh Quang gặp những khó khăn nhất định vì các vùng trồng kiệu không tập trung. Bà con chưa quen với kỹ thuật mới về sản xuất kiệu theo VietGAP. Vì bên này cần phải tuân thủ quy trình, mở sổ nhật ký ghi chép đồng ruộng, vận hành hệ thống tưới theo chu kỳ hiệu quả. Mặt khác, việc lắp đặt hệ thống tưới bán tự động với chi phí ban đầu cao, khoảng 45 triệu/ ha. Nhưng nếu đầu tư, về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ở Vĩnh Quang, bước đầu kiệu sinh trưởng phát triển tốt, rất có hiệu quả về kinh tế, về mặt chuyển giao kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường và sinh kế người dân nơi đây. Từ kết quả mô hình rất có tiềm năng để xây dựng phát triển vùng sản xuất chuyên kiệu (kiệu Tết và kiệu rau) theo hướng VietGAP, khi đó sẽ nâng cao giá trị kiệu cho vùng miền núi, trên chân đất mía kém hiệu quả chuyển đổi sang cây trồng khác. Đối với vùng, có khả năng nhân rộng trên 05 – 10 ha”.

Như vậy, ngoài các vùng trồng kiệu quen thuộc ở huyện Phù Mỹ, nơi được xem là “thủ phủ” trồng kiệu của tỉnh, giờ đây người tiêu dùng đã có thêm một địa chỉ sản xuất kiệu an toàn, chất lượng tại Vĩnh Quang. Nơi đây, đang đặt những bước chân đầu tiên vào thị trường kiệu, vững chắc và nhiều hứa hẹn.

PHI NGUYỄN

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

An nhiên cùng mây chiều, lửa tối

Chúng tôi đến bãi cỏ Đồng Vuông – trung tâm cao nguyên xanh La Vuông – vào giữa buổi chiều hè. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đây là sự khác biệt về khí hậu…