(VNBĐ – Tiêu điểm).
Đại hội đại biểu Hội VHNT Bình Định khóa VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 sẽ diễn ra trong hai ngày 08 và 09.8.2022. Trước thềm đại hội, ông Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Bình Định chia sẻ với tạp chí Văn nghệ Bình Định về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ, cũng như các công tác chuẩn bị cho đại hội diễn ra thành công tốt đẹp.
PV: Thưa ông, một cách ngắn gọn nhất, ông sẽ đánh giá thế nào về hoạt động của Hội VHNT tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua?
Ông TRẦN QUANG KHANH: Đại hội lần thứ V, tháng 6 năm 2017, là giai đoạn tiếp nối từ một BCH tương đối ổn định của nhiệm kỳ trước nên các hoạt động của Hội VHNT Bình Định nhiệm kỳ qua khá thuận lợi. Hội tiếp tục giữ vững khối đoàn kết, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ V, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa – văn nghệ, an ninh – quốc phòng của tỉnh, nỗ lực tổ chức các hoạt động VHNT và đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Trên nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy tính độc lập, khơi dậy tiềm năng của văn nghệ sĩ, Hội VHNT Bình Định đã giúp tạo nên một khối lượng lớn các công trình, tác phẩm VHNT, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng, đoạt giải cao ở Trung ương, khu vực và địa phương. Mặt khác, Hội tiếp tục công việc bồi dưỡng, chăm sóc các tài năng trẻ, tạo nên một đội ngũ sáng tác trẻ chất lượng, bảo đảm sự kế thừa lâu dài.
Nhìn chung, Hội VHNT Bình Định đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, VHNT Bình Định còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid – 19; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Bình Định, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
PV: Điểm nổi bật của hoạt động quảng bá tác phẩm, công trình VHNT trong nhiệm kỳ qua việc tổ chức thực hiện một loạt các tuyển tập công trình, tác phẩm VHNT công phu, chất lượng và việc hỗ trợ xuất bản một số tác phẩm chất lượng cao cho cá nhân và tập thể, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông TRẦN QUANG KHANH: Vâng, tạo điều kiện thuận lợi, động viên, khuyến khích hội viên tích cực sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm… để cho ra đời những tác phẩm, công trình VHNT có chất lượng, có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, có sức sống lâu bền, góp phần xứng đáng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ rất quan trọng của Hội. Trong nhiệm kỳ qua, dù bị gián đoạn một thời gian khá dài do đại dịch Covid – 19 hoành hành ở khắp nơi và rất khốc liệt song Hội đã nỗ lực tổ chức được 26 chuyến đi thực tế sáng tác trong tỉnh cho 395 lượt hội viên, 16 chuyến thực tế sáng tác ngoài tỉnh cho 198 lượt hội viên. Trước thời điểm dịch Covid -19, từ năm 2017 đến năm 2019, Hội cũng đã tổ chức thành công 03 trại sáng tác VHNT trẻ toàn tỉnh cho 72 tác giả dưới 35 tuổi và cử nhiều hội viên tham gia các trại sáng tác do các hội chuyên ngành Trung ương, các cơ quan Trung ương và Hội phối hợp tổ chức.
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm…, Hội cũng hết sức coi trọng việc hỗ trợ phổ biến các công trình, tác phẩm VHNT. Từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, hằng năm Hội đều xét hỗ trợ tác phẩm, công trình VHNT và tặng thưởng cho hội viên đạt giải thưởng của các hội chuyên ngành Trung ương. 5 năm qua, đã hỗ trợ 71 ấn phẩm của 68 tác giả, 7 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của 8 tác giả, 1 tác giả thực hiện liveshow sân khấu; tặng thưởng cho 32 giải thưởng và huy chương của 30 hội viên đạt giải cao của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương. Những năm gần đây, thực hiện Quy chế hỗ trợ mới của tỉnh, các tác phẩm, công trình VHNT được hỗ trợ ở mức khá cao so với trước, hội viên được hỗ trợ rất phấn khởi. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Hội đã cho xuất bản 9 tuyển tập tác phẩm hội viên gồm: Văn trẻ Bình Định, 2012 – 2018, Nhiếp ảnh Bình Định 2012 – 2018, Mỹ thuật Bình Định 2012 – 2018, Âm nhạc Bình Định 2012 – 2018; 10 năm văn xuôi Bình Định 2009 – 2019; Nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Định (2020); Văn hóa dân gian Bình Định 2011 – 2020; Tuyển tập 10 năm thơ Bình Định 2011 – 2021; Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định 2011 – 2021. Các tuyển tập được thực hiện dày dặn, công phu, đánh dấu một chặng đường hoạt động VHNT sôi động của tỉnh với nhiều tác phẩm, công trình chất lượng. Hội đồng nghệ thuật của Hội cũng đã xem xét đề nghị hỗ trợ in ấn, xuất bản 2 tác phẩm chất lượng cao là Bài chòi dân gian Bình Định và Võ cổ truyền Bình Định của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha.
Với việc ra đời hàng loạt các tuyển tập; hỗ trợ cá nhân in ấn, xuất bản tác phẩm vừa thể hiện sự bứt phá trong công tác hỗ trợ quảng bá tác phẩm hội viên vừa chứng tỏ sự bội thu tác phẩm, công trình VHNT ở nhiệm kỳ qua. Điều đó cũng chứng tỏ rằng hoạt động của Hội VHNT Bình Định đã và đang đi đúng hướng.
PV: Tạp chí Văn nghệ Bình Định được quy hoạch là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh và được tỉnh đồng ý cho thực hiện phiên bản Văn nghệ Bình Định điện tử, xin ông cho biết những nỗ lực của tạp chí để khẳng định vị trí trong làng báo tỉnh nhà trong thời gian qua và tương lai của nó?
Ông TRẦN QUANG KHANH: Tạp chí Văn nghệ Bình Định bộ mới được xuất bản số đầu tiên vào tháng 11 năm 2012, tính đến nay đã xuất bản được 111 số! Nhiệm kỳ qua tạp chí tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức. Chất lượng bài vở không ngừng được nâng lên. Điều đặc biệt ở tạp chí là việc duy trì 18 chuyên mục, phục vụ được nhiều đối tượng bạn đọc; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; đi sát cuộc sống, bảo đảm tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, đường lối về văn hóa, văn nghệ.
5 năm qua, năm nào tạp chí cũng có tác phẩm đạt giải thưởng báo chí của tỉnh; tạp chí đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện số đặc biệt phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh, được chọn làm quà tặng tại đại hội; thực hiện 3 số chuyên đề quan trọng gồm: Kỷ niệm 100 số tạp chí ra bộ mới; Chào mừng Đại hội đại biểu Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 và Chào mừng 190 năm danh xưng An Nhơn. Tạp chí đã tích cực vận động phát hành có thu tới các đơn vị và cá nhân trong cũng như ngoài tỉnh.
Những nỗ lực của của tạp chí Văn nghệ Bình Định đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen năm 2019 và được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong dịp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 – NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tạp chí đã xúc tiến các thủ tục xin cấp phép phiên bản Văn nghệ Bình Định điện tử. Tất cả đã chuẩn bị rất chu đáo và đang chờ Bộ Thông tin và Tuyền thông cấp giấy phép để đi vào hoạt động, có lẽ cũng không còn lâu nữa.
PV: Nhiệm kỳ qua, Hội VHNT Bình Định hoạt động trong điều kiện dịch Covid – 19 hoành hành khắp nơi, và trên địa bàn tỉnh ta dịch cũng đã gây thiệt hại không nhỏ. Xin ông cho biết văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã nhập cuộc vào công cuộc phòng chống dịch
Covid – 19 như thế nào?
Ông TRẦN QUANG KHANH: Là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ sĩ Bình Định luôn thể hiện trách nhiệm công dân lớn lao đối với đất nước, với tỉnh nhà. Ngoài việc nỗ lực nghiên cứu, sáng tác các tác phẩm VHNT đáp ứng yêu cầu xây dựng con người hướng thiện, nhân ái, tôn trọng đạo lý, nhân cách… đáp ứng nhiệm vụ phát triển bền vững của đất nước, văn nghệ sĩ Bình Định còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid – 19; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Bình Định, góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Riêng trong công cuộc phòng chống dịch Covid – 19, hơn 2 năm qua, văn nghệ sĩ Bình Định đã sáng tác hàng trăm tác phẩm chủ đề này, trong đó có hàng chục tác phẩm gồm những bài báo, thơ, nhạc, tranh, ảnh… đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Định; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định và Chi hội Âm nhạc đã kịp cho ra đời tuyển tập hơn 20 ca khúc chủ đề phòng, chống dịch Covid – 19; có nhà thơ còn xuất bản tập trường ca về chủ đề này…
PV: Vậy đâu là khó khăn, hạn chế trong hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua?
Ông TRẦN QUANG KHANH: Chúng ta biết, Hội VHNT là một hội chính trị xã hội đặc thù, hội viên có ở mọi thành phần trong xã hội và hầu hết là có hoàn cảnh khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo Hội đến với hội viên không trực tiếp mà phải thông qua các chi hội. Một số chi hội không làm báo cáo kế hoạch hoặc nộp báo cáo kế hoạch hoạt động hằng năm rất chậm nên kế hoạch chung của toàn Hội nhiều khi bị động, không cân đối được kinh phí hỗ trợ. Một số ít hội viên không tham gia sinh hoạt, không đóng hội phí; số khác không sáng tác hoặc chất lượng tác phẩm không cao… Các tác phẩm tuy đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài nhưng chưa có những tác phẩm mang tính đột phá tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả nước. Một số lĩnh vực như: nghiên cứu lý luận phê bình, văn học thiếu nhi, VHNT các dân tộc thiểu số có rất ít người làm. Công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, cơ sở vật chất, cơ quan làm việc của Hội còn chật hẹp, các điều kiện phục vụ cho hoạt động hành chính, triển lãm, biểu diễn, hội họp… chưa đảm bảo cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Hội.
PV: Xin ông cho biết trong quá trình chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027, Ban chấp hành khóa V của Hội VHNT Bình Định đã dự thảo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới như thế nào?
Ông TRẦN QUANG KHANH: Phương hướng hoạt động của Hội VHNT Bình Định trong nhiệm kỳ mới được xây dựng căn cứ vào các định hướng, quan điểm, nhiệm vụ về VHNT nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, VHNT, nhất tại các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, Hội nghị Văn hóa toàn quốc; căn cứ vào phương hướng phát triển VHNT tại Đại hội X Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và thực tiễn hoạt động VHNT của tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Trên cơ sở đó, BCH Hội VHNT tỉnh lần thứ V đã thống nhất xác định phương hướng chung của Hội trong nhiệm kỳ 2022 – 2027 là: Gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân dân; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo; phát huy tài năng, khơi dậy tiềm năng, tâm huyết của văn nghệ sĩ; nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo nhằm đạt tới một mùa bội thu tác phẩm VHNT có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, có sức sống lâu bền, góp phần xứng đáng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới đưa đời sống VHNT tỉnh nhà lên một tầm cao mới; gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, xây dựng môi trường đạo đức trong sáng và lành mạnh góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào sự phát triển nền kinh tế – xã hội của tỉnh nhà…
Nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: Phát huy tính tích cực xã hội của một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, xây dựng Hội VHNT Bình Định vững mạnh toàn diện; tập hợp, đoàn kết hội viên và văn nghệ sĩ trong tỉnh, nhất trí về đường lối, chính trị và tư tưởng; đổi mới phương thức hoạt động, khơi dậy mọi tiềm năng, cá tính sáng tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác, thỏa mãn nhu cầu hưởng hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân, đáp ứng nhiệm vụ phát triển bền vững của đất nước. Hỗ trợ sáng tạo và đa dạng hóa việc quảng bá những tác phẩm VHNT có giá trị, có ảnh hưởng xã hội lâu bền, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người hướng thiện, đoàn kết, nhân ái, tôn trọng đạo lý, nhân cách, có truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tích cực phản biện và kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những quan điểm sai trái, những sản phẩm độc hại.
PV: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã đề ra những giải pháp nào?
Ông TRẦN QUANG KHANH: Tại Đại hội, các đại biểu sẽ bàn bạc thảo luận nhóm 10 giải pháp quan trọng để Hội tích cực thực hiện, bảo đảm cho thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội. Nhóm 10 giải pháp đó là:
1. Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, BCH và cơ quan Thường trực Hội; đổi mới lề lối làm việc theo hướng hiệu lực, hiệu quả, tuân thủ các nguyên tắc theo quy định hiện hành. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đoàn thể của cơ quan thường trực Hội vững mạnh; đổi mới phương thức hoạt động của Hội, tăng cường khối đoàn kết từ các tổ chức hội đến hội viên.
2. Đổi mới công tác tổ chức học tập, triển khai, quán triệt các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ VHNT nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, VHNT. Có kế hoạch động viên, khuyến khích hội viên các chi hội và tổ chức trực thuộc Hội tham gia nhiệt tình các buổi sinh hoạt chính trị do Hội và các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức.
3. Nỗ lực xã hội hóa các hoạt động VHNT bằng việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, của tỉnh và cả nước trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các hội chuyên ngành Trung ương tổ chức các cuộc triển lãm, liên hoan, tọa đàm, hội thảo chuyên ngành VHNT khu vực và của tỉnh.
4. Chủ động hoặc phối hợp tổ chức các đợt điền dã, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống trong dân gian, nhất là những loại hình văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số có nguy cơ thất truyền; tổ chức tốt các trại sáng tác VHNT, các đợt giao lưu, thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cho hội viên.
5. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chi hội tổ chức các hoạt động tọa đàm chuyên đề, trao đổi nghiệp vụ giữa các chuyên ngành; khuyến khích hội viên tham gia các cuộc thi, các cuộc triển lãm chuyên đề, tham gia các trại sáng tác văn học nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương tổ chức.
6. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo trên tinh thần văn nghệ sĩ là “người chiến sĩ” xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với Nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân và cống hiến để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ; phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước và của tỉnh.
7. Thực hiện tốt việc hỗ trợ sáng tạo cho hội viên theo quy chế; vận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội để đa dạng hóa việc quảng bá các tác phẩm có chất lượng của hội viên thay vì chỉ hỗ trợ việc in ấn.
8. Tiếp tục nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức tạp chí Văn nghệ Bình Định, đưa tạp chí Văn nghệ Bình Định điện tử đi vào hoạt động để tạp chí thực sự là tiếng nói của văn nghệ sĩ và là kênh quảng bá sâu rộng những tác phẩm VHNT có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật hướng tới việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ VHNT ngày càng cao của công chúng, đồng thời xác lập nhiệm vụ nâng cao trình độ, bản lĩnh công chúng tạo ra sức đề kháng đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại.
9. Tiếp tục đổi mới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những học sinh, sinh viên có năng khiếu về VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ để luôn có một đội ngũ kế thừa giúp cho nền VHNT Bình Định phát triển ổn định, lâu dài.
10. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ trẻ có tài năng, triển vọng nhằm đảm bảo sự kế thừa, phát triển và có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, không để hụt hẫng, gián đoạn.
PV: Xin cảm ơn ông, chúc Đại hội đại biểu Hội VHNT Bình Định lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027 thành công tốt đẹp!
HOÀI NGUYỄN (thực hiện)
(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)