Hương dừa

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Ánh sáng đèn trên sân khấu hội trường bật lên. Sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình, một người phụ nữ mặc bộ quần áo bà ba đen quàng chiếc khăn rằn, tay cầm micro bước ra sân khấu cúi chào. Khúc ca Bình Định, sáng tác của Vũ Trung với giọng hát trong trẻo được cất lên hòa trong tiếng đàn, tiếng sáo thánh thót. Người phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu tròn xoe trong có vẻ vui tính. Đôi má tô phấn trắng hồng, môi son màu sen nhạt trẻ trung khó đoán được tuổi. Người phụ nữ như đang cuốn hút hồn mình vào bài hát nên tiếng hát của chị cứ bay bổng, xao xuyến. Sau tiếng vỗ tay rào rào kết thúc bài hát, một người đàn ông trạc 67 – 68 tuổi chống nạng, chân khập khiễng lên bên hông sân khấu dắt người phụ nữ xuống hàng ghế đại biểu.

Tôi và Đại tá Nguyễn Hoàng, cựu binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng Anh hùng cùng được mời về dự buổi Lễ kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức. Anh Hoàng nguyên là Đại đội trưởng đại đội 1, Sư đoàn 3 Sao Vàng của đơn vị tôi năm xưa. Tôi đã cùng anh từng tham gia các trận đánh tiến vào giải phóng Quy Nhơn tháng Ba năm 1975 đến ngày tôi bị thương nằm lại Tam Quan. Vẫn dáng người dong dỏng, đôi mắt sáng ngời, năm nay cũng gần tám mươi tuổi nhưng đôi chân anh đang còn vững bước. Ghé tai tôi anh nói để át đi tiếng loa: “Cậu có biết người vừa hát bài hát Khúc ca Bình Định là ai không?”. Tôi nhăn trán tìm xem những nét nào còn đọng lại trong ký ức để nhớ về người phụ nữ mà Đại tá Hoàng vừa nhắc đến. Phải rồi, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu, nụ cười ấy hiện về trong trí nhớ của tôi. Tôi không nhìn anh Hoàng mà dướn cổ nhìn về phía người phụ nữ đang ngồi hàng ghế đầu trả lời: “Y Muôn! Đúng là Chị Y Muôn rồi”.

Sau buổi lễ chúng tôi gặp nhau, niềm vui mừng sau bao nhiêu năm xa cách cứ trào dâng. Y Muôn nhìn tôi với vẻ trách móc: “Cậu Chiến là tệ lắm nhé. Lặn đi đâu biền biệt mấy chục năm mà không một lần quay lại!”. Tôi hơi cúi thấp đầu như nhận lỗi với chị: “Dạ chuyện dài lắm chị ạ! Rồi em sẽ kể chị nghe”.

Y Muôn đưa mắt sang người đàn ông chống chiếc nạng rồi cất tiếng: “Cậu còn nhớ ai đây không?”. Không trả lời chị, nhìn người đàn ông tôi lúng túng lắc đầu và nói: “Mấy mươi năm qua rồi mà chị. Làm sao em còn nhớ hết!”. Y Muôn nhìn mọi người mỉm cười, như để giải vây cho tôi chị nói: “Thân! Chồng chị đó. Ừ! Mà cũng phải thôi, gần nửa thế kỷ rồi. Biết bao nhiêu sự kiện xảy ra làm sao mà nhớ hết”.

Chúng tôi được vợ chồng Y Muôn mời về nhà chơi. Chiếc xe phóng êm trên con đường về Tam Quan nơi chỗ vợ chồng Y Muôn đang sinh sống. Tiếng xe chạy, tiếng còi xin đường ồn ả trên phố. Gần hai tiếng sau, xe đỗ xịch trước cánh rừng dừa cao vút rợp bóng. Ngôi nhà hai tầng khang trang nấp dưới rặng dừa cổ thụ. Những tàu dừa đung đưa trong ngọn gió biển lao xao. Tôi cùng mọi người lần lượt xuống xe. Trước sân, hai chậu hoa giấy được chủ nhân tạo dáng thế thác đổ rất đẹp đang nở bung những nụ hoa mỏng manh, màu hồng tím. Bên trên những thân dừa là những giò lan hồ điệp, đai châu đang khoe sắc. Chị Y Muôn đon đả mời chúng tôi thưởng thức nước dừa và những sản phẩm làm ra từ dừa do nhà máy của gia đình chị sản xuất.

Trời về chiều rừng dừa xào xạc hòa trong tiếng sóng biển rì rào. Tôi tha thẩn một mình dạo quanh khu rừng dừa để mong sao tìm về một vài kỷ niệm thân quen. Ngọn gió hây hẩy như đưa tôi về với khung cảnh yên bình, trong lành, xua tan phiền muộn sau những áp lực cuộc sống. Những rặng dừa bao la như lũy thành bảo vệ cho vùng đất bởi những cơn gió dữ. Những cây dừa Tam Quan sai trĩu quả, mỗi cây lủng lẳng gần trăm trái. Tọa lạc tại phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, rừng dừa của Y Muôn ẩn hiện trong vẻ đẹp “xanh” vốn có của mình. Cái tên gọi “Rừng dừa Tam Quan” đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc với nhiều niềm tự hào. Tôi bỗng nhớ lại bài thơ “Nhớ dừa” của cố nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh mà tôi đã được học từ thời lớp 4, cứ ngỡ mình như đang quay về với tuổi thiếu niên, nhớ lại cái ngày cùng cha tập kết ra miền Bắc. Bài thơ tôi nhớ nhất là đoạn: “Em nhớ trái dừa tròn/ Của quê em Bình Định/ Lấy ngón tay em tính/ Ngày trở lại vườn dừa”. Tôi không ở Tam Quan, tôi ở Hoài Phú, cách Tam Quan vài con kênh. Tháng 9 năm 1966, khi tôi vừa 10 tuổi, tôi theo cha tập kết ra miền Bắc. Cha tôi, một cán bộ kháng chiến hoạt động bí mật bị lộ nên được cấp trên cho đi tập kết. Má tôi là tổ trưởng du kích xã, hy sinh trong trận đánh tháng 3 năm 1966 tại Tam Quan. Một trận đánh mà sau này tôi được biết đến là một trận đánh hết sức cam go và ác liệt. Ta và địch đều có nhiều tổn thất lớn. Ra miền Bắc, tôi được học hành chu đáo tại Trường Thiếu sinh Quân ở Việt Trì, Hà Nội. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, cha tôi được điều động trở lại miền Nam quê nhà để gây dựng phong trào. Trước khi đi cha tôi có viết thư để lại, dặn tôi cố gắng học tập giỏi sau này đi vào ngành Y, trở lại quê nhà tham gia cách mạng. Nhưng tôi không thực hiện theo ý nguyện của cha. Năm 1974, được tin cha hy sinh, tôi buồn lắm, khi đó tôi đang học dở lớp 10. Nhiều đêm không ngủ, tôi nhớ cha, nhớ má, nhớ rừng dừa. Và rồi tôi làm đơn tình nguyện nhập ngũ lên đường đánh giặc để trả thù cho cha, cho má và những người đã ngã xuống do bọn Mỹ, ngụy sát hại. Không biết cơ duyên nào tôi được biên chế về Sư đoàn 3 và tham gia chiến đấu tại quê nhà. Những ký ức theo tôi cứ ùa về đến khi trời chạng vạng, Y Muôn gọi tôi mới giật mình trở về nhà dùng bữa cơm tối cùng gia đình chị.

Đại tá Nguyễn Hoàng đang cùng anh Thân bên ấm trà “ôn cố tri tân”, vui vẻ hàn huyên và xem ti vi đang phát sóng chương trình Lễ kỷ niệm mừng chiến thắng của tỉnh nhà. Tôi cùng chị Y Muôn xin phép đi dạo quanh rừng dừa. Đi đến bên một bờ kênh, có chiếc cầu bắc ngang, Y Muôn nhẹ nhàng nắm tay tôi hỏi nhỏ: “Cậu Chiến có còn nhớ chỗ này nữa không?”. Tôi dán mắt nhìn, qua ánh trăng rơi trên những tàu dừa xuống, chiếc cầu bắc ngang là một thân dừa khô, có tay vịn lắt lẻo để nắm tay đi qua kênh. Tôi chưa kịp nói thì Y Muôn đã ngắt luồng suy nghĩ của tôi: “Đây là nơi ngày xưa tôi đã gặp cậu và “ông xã” nhà tôi nằm ngất lịm sau cuộc chiến đấu tại đồn Tam Quan đó!”. Tôi nói với chị: “Mọi thứ đổi thay nhiều quá! Rừng dừa này ngày trước xơ xác đạn bom, cằn cỗi đâu tốt tươi, quả đầy buồng như bây giờ”. Đi một đoạn chị kéo tay tôi ngồi xuống mô đất có vạt cỏ mềm. Hai chúng tôi nhìn ánh trăng như chiếc đĩa khổng lồ treo lơ lửng trên đọt dừa. Tôi nhìn Y Muôn, rồi nhìn ra hướng biển nơi có ngọn gió nồm mát rượi đang ùa vào mơn man trên khuôn mặt xương xương của tôi, lất phất mái tóc của chị. Hương dầu dừa trên mái tóc Y Muôn phảng phất như kéo tôi về những ký ức ngày nào.

***

Cuộc chiến đấu kéo dài từ sáng đến xế chiều vẫn chưa kết thúc, đó là ngày 28 tháng 3 năm 1975. Những tràng đại liên, những loạt đạn tiểu liên trong đồn địch bắn ra loạn xạ. Tiếng AK của quân ta cũng điểm xạ từng phát nghe đanh gọn. Lợi dụng tuyến giao thông của địch, bộ đội ta đang cố thủ chờ thời cơ để tấn công. Hào có những bậc tam cấp cho mỗi chiến sĩ đứng bắn, có để sẵn hai thùng đạn dự trữ cho mỗi người. Thỉnh thoảng vài chục mét, hào được khoét sâu vào bên hông để ẩn núp, tránh đạn cối hay pháo địch. Đại đội trưởng Nguyễn Hoàng trực tiếp chỉ huy trận đánh đang ở hướng phía Tây, nơi đồn địch đang khạc từng tràng đại liên hòng ngăn đường tiến quân ta. Đạn bay vèo vèo, bụi đất mù mịt. Đại đội trưởng Nguyễn Hoàng ra lệnh cho tôi kết thủ pháo thành chùm tiến lên phá hàng rào dây thép gai để mở đường tiến cho quân ta. Phía cánh trái đã có Trung đội 1 yểm trợ bằng hỏa lực đạn súng cối nhằm thu hút hướng bắn của địch. Theo nhận định của cấp trên, bọn địch đang thua đau nhiều nơi nên chúng co cụm, tinh thần bạc nhược chống trả yếu ớt, tuy vậy đơn vị tôi vẫn vấp phải ổ kháng cự mạnh, bọn địch không dám liều mạng xông ra nhưng chúng bắn trả rất rát, tưởng chừng như có bao nhiêu đạn chúng đều vãi hết về phía chúng tôi. Trời về chiều, cái nắng cuối tháng Ba còn hầm hập. Mồ hôi, bụi khói lem luốc trên khuôn mặt mọi người. Bụng đói, người thấm mệt, còn ít nước sót lại trong bi đông tôi dốc hết cho đỡ khô lưỡi. Tôi bò men theo con kênh có rặng dừa che khuất tầm nhìn của bọn địch, khi tiếp được bên hàng rào kẽm gai, tôi ốp chùm thủ pháo vào và lui ra xa giật ngòi nổ. Một cột lửa bùng lên, lớp kẽm gai bay xa vài mét, cánh cửa tập hậu đã được mở rộng. Anh em đơn vị nghe tiếng hô xung phong của đại đội trưởng cùng hưởng ứng thét to và ào lên. Tôi vừa quay lưng bò vòng trở lại để lấy thêm đạn thì thấy một tên lính ngụy áo quần rằn ri đang lom khom trong chiến hào cách tôi khoảng chừng mười mét. Tôi nằm im chờ đợi. Khi tên này đến gần khoảng độ bốn mét tôi vùng dậy bật lưỡi lê xông thẳng vào người hắn.

Bỗng một loạt pháo 105 ly tới tấp dội xuống. Người tôi vùi trong lớp đát cát, tai ong ong trong tiếng thét xung phong của đồng đội và rồi ngất đi.

Tôi mơ màng và tỉnh dậy khoảng độ ba giờ sáng. Tôi ngơ ngác không biết mình mơ hay thật, tại sao lại nằm ở đây? Tôi nghe tiếng người đàn ông nói: “Chú bộ đội tỉnh rồi con ơi!”. Tôi từ từ ngồi dậy và xin ngụm nước. Uống xong, tôi nhìn người đàn ông dò hỏi: “Đây là đâu vậy bác?”. Người đàn ông nhìn tôi nói: “Đây là nhà của tôi, cách chỗ các chú đánh đồn Tam Quan khoảng chừng cây số”. Nói rồi ông bảo cô con gái lấy bát cháo cho tôi ăn, rồi ông cho biết: Khi bộ đội phối hợp nhịp nhàng với các mũi tấn công từ bên ngoài vào, quân và dân Tam Quan đã nổi dậy hỗ trợ các lực lượng vũ trang đánh chiếm nhiều mục tiêu và các cơ quan quan trọng, làm tan rã toàn bộ quân địch. Sau khi giải quyết xong công việc, bàn giao lại cho địa phương, đoàn quân đã tiến về thị xã Quy Nhơn. Ăn xong bát cháo tôi đã tỉnh táo, người đã đỡ mệt. Tôi thao thức không tài nào chợp mắt, cứ hình dung lại những sự việc đã xảy ra. Không biết giờ đơn vị đang ở đâu, tìm đơn vị nơi nào? Tâm trạng tôi phấn chấn với niềm vui chiến thắng của đơn vị, lòng tôi cứ cồn cào mong trời mau sáng.

Trời vừa tang tảng, sức khỏe tôi có phần đã ổn, định bụng sẽ trốn gia đình đi tìm đơn vị nhưng cô con gái chủ nhà tinh ý nhìn tôi: “Bộ dạng này anh định đi đâu? Anh xem lại mình coi!”. Trên người tôi bộ quần áo bà ba nâu đang mặc là của của ông chủ nhà, đôi dép đã tuột hết quai.

Tôi vươn vai đứng dậy, bỗng nghe tiếng rên ở phía giường nhà sau. Tôi hỏi cô gái: “Này cô! Sau nhà mình có ai rên rỉ vậy?”. Ông chủ nhà dậy pha ấm trà mời tôi uống mừng chiến thắng. Ông cho tôi biết, khi ông theo đội du kích dẫn dường cho bộ đội tiến về thị xã Quy Nhơn thì thấy tình cảnh một tên lính ngụy, áo rằn ri bị thương ở chân chảy máu, nằm đè người lên anh bộ đội giải phóng đang bất tỉnh, máu ri rỉ đầy lỗ tai. Ông gọi thêm mấy du kích cùng con gái đưa hai người về nhà, lúc đó khoảng nửa đêm. Ông đắp thuốc và băng bó cho tên lính ngụy, lau chùi sạch sẽ và thay áo quần cho tôi. Ông bảo tôi: “Tình hình bên ngoài đang lộn xộn không biết đâu mà lần. Hai người chỉ bị ngất do sức ép của đạn pháo. Vết thương không nghiêm trọng lắm. Đợi khi nào khỏe lại rồi tìm cách giải quyết”.

Qua tìm hiểu tôi biết ông chủ nhà có tên là A Đăm còn cô gái là Y Muôn. Một ngày qua đi, tôi được bố con Y Muôn chăm sóc chu đáo nên sức khỏe đã có phần tốt hơn. Tên lính ngụy cũng đã tỉnh. Tôi vào chỗ nằm của cậu ta cất tiếng: “Sao đã đỡ hơn chưa?”. Tên lính ngụy nhìn tôi mặt nhợt nhạt, sợ sệt: “Dạ, cảm ơn anh, em đã đỡ nhiều rồi”. Tôi động viên cậu ta: “Không có gì phải sợ. Chúng ta đều là người của nước Việt Nam, nhưng do hậu quả chiến tranh gây ra, chúng ta trở thành hai người trên hai chiến tuyến, là kẻ thù của nhau. Giờ quê hương đã giải phóng rồi, chế độ ngụy quyền đang sụp đổ, dân tộc lại hòa hợp, trở thành người một nhà thôi”. Tên lính ngụy nghe tôi giảng giải miệng lắp bắp dạ liên hồi. Tôi hỏi: “Vậy cậu tên gì, quê ở đâu?”. “Dạ em sinh năm con khỉ nên mẹ đặt tên em là Thân, em ở Phù Cát. Em mới vô lính một năm nay. Anh tha cho, em mới tham gia trận đầu”. “Tôi tên Chiến, cũng tuổi Thân. Chúng mình cứ xưng hô cậu tớ cho thoải mái nhé”.

Y Muôn đi công tác về gấp áo quần, xâu lại dép cho tôi. Rồi cô thông báo cho tôi biết ngày 31 tháng 3 năm 1975 ta đã làm chủ thế trận tại Hoài Nhơn. Cùng với quân chủ lực Sư đoàn 3, quân và dân các địa phương trong tỉnh nổi dậy và giành thắng lợi, cụ thể: 8 giờ ngày 31 tháng 3 giải phóng quận lỵ Phù Mỹ; 9 giờ giải phóng quận lỵ Phù Cát; 10 giờ giải phóng quận lỵ Bình Khê; 12 giờ ta làm chủ quận lỵ An Nhơn; 12 giờ 30 phút giải phóng quận lỵ Tuy Phước; 15 giờ giải phóng quận lỵ Vân Canh… Những tin vui thắng trận cứ dồn dập làm cho tôi trào dâng một cảm xúc vui mừng khó tả. Và Y Muôn còn cho biết cô đã bắt được liên lạc với đơn vị tôi, ngày mai sẽ tìm cách đưa tôi đi.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường tôi cùng Y Muôn dắt nhau ra chỗ gò đất mà tôi đã bị thương như để ghi nhớ một kỷ niệm. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất nơi đã cứu sống tôi, lòng tôi thấy bồi hồi, luyến nhớ. Mới chỉ ba ngày thôi mà tôi thấy như thân thiết với Y Muôn từ lâu. Ngồi bên Y Muôn, mùi dầu dừa phảng phất trên mái tóc làm cho tôi có cảm giác lâng lâng. Mùi thịt da con gái cứ xâm lấn vào tim tôi. Thỉnh thoảng ngọn gió biển nhè nhẹ thoảng qua vất những sợị tóc mơn trớn sang má tôi. Nhìn Y Muôn tôi hỏi nhỏ: “Y Muôn là người Bana sao lại ở đây?”. “Dạ! Em là người Bana. Năm 1965, mẹ em mất, cha đưa em về lập nghiệp ở đây. Cha em về làm nghề trồng dừa thuê. Thỉnh thoảng ông vào rừng hái lá thuốc về chữa bệnh cho mọi người. Nghề thuốc là nghề gia truyền của nhà em đó”. Y Muôn nhìn tôi xem có phản ứng gì không. Tôi không nói gì chỉ gật đầu. Y Muôn bứt một lá cỏ, tay cô vụng về ngắt ra từng khúc ngắn rồi nói tiếp: “Lớn lên em tham gia vào đội du kích địa phương, làm giao liên đưa các đoàn bộ đội bí mật về đánh địch. Em cũng tham gia nhiều trận đánh rồi nhé”. Tôi nhìn Y Muôn với tấm lòng cảm phục, rồi lái sang chuyện khác: “Vậy Y Muôn đã có anh nào dạm ngõ trầu cau chưa? Có thích lấy chồng bộ đội tôi làm mối cho”. Y Muôn nhìn tôi bẽn lẽn: “Em mới 21 tuổi, đang còn trẻ con chứ đã nghĩ chuyện yêu đương gì đâu. Mà em không dám ưng các anh bộ đội đâu, biết bộ đội có ưng người dân tộc như em không!”. “Vậy là Y Muôn hơn tôi hai tuổi. Nhưng thấy Y Muôn xinh đẹp, trẻ trung nên tôi cứ tưởng Y Muôn nhỏ tuổi hơn tôi”. Ánh mắt tôi đang nhìn về xa xăm, Y Muôn tưởng tôi giận nên nhỏ nhẹ: “Sợ cái bụng bộ đội nói vui thôi. Nhưng Bana với Kinh cũng là người Việt Nam cả phải không cậu!”. Y Muôn đổi cách xưng hô một cách mau lẹ. Hai chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau không nói gì. Không gian về khuya càng yên ắng, tiếng súng đã im bặt mấy ngày nay. Thỉnh thoảng đâu đó nghe tiếng đùng của đạn pháo đơn điệu. Tôi nhìn Y Muôn, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt bồ câu tinh nghịch. Mấy ngày được Y Muôn chăm sóc như người chị, người mẹ tôi thấy mình đã khỏe thêm, lòng thầm cảm ơn bố A Đăm và Y Muôn nhiều lắm. Vậy là ngày mai phải xa Y Muôn, tôi muốn nói một điều gì đó mà sao khó quá. Hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh tôi nhìn vào mắt Y Muôn: “Nếu Y Muôn yêu bộ đội thì hãy chờ… chờ đợi Chiến nhé. Hẹn ngày thống nhất Chiến sẽ tìm về với Y Muôn”. Nói rồi tôi bạo dạn hôn lên tóc, lên má Y Muôn. Dưới ánh trăng mờ ảo tôi thấy mặt Y Muôn đỏ lựng lên.

***

Ngọn gió ùa qua xua đi mấy con muỗi đang vo ve. Y Muôn nhìn tôi, phá vỡ sự im lặng cất tiếng: “Vậy sau giải phóng đến giờ cậu đi đâu bặt tin, bắt Y Muôn chờ đợi đến bạc cả tóc”. Nắm bàn tay xương xương của Y Muôn đang nóng ấm trong tay tôi, tôi kể cho Y Muôn nghe những năm tháng cuộc đời lận đận của mình: “Hết chiến tranh, cấp trên cho Chiến đi học sĩ quan ngoài Hà Nội. Học xong lại lên biên giới phía Bắc đánh quân bành trướng ở Lạng Sơn. Trong một lần bị thương nặng được một gia đình người dân tộc Dao cứu sống, Chiến mất liên lạc với đơn vị và rồi… ở lại thành con rể của bản làng. Vợ Chiến sinh được đứa con trai đặt tên là Thắng. Cuộc sống sau chiến tranh cực khổ, thiếu thốn. Vợ đi cuốc nương bị trúng mìn và mất. Chiến một mình nuôi con vất vả trăm đường. Ai cũng bảo đi thêm bước nữa nhưng lòng Chiến đã băng lạnh. Mấy lần khoác ba lô định đi tìm Y Muôn nhưng cảm thấy xấu hổ vì Chiến thấy có lỗi với lời hẹn năm xưa nên đành nuốt nỗi buồn vào trong lòng. Thằng Thắng nay đã học xong Đại học Kinh tế và đang làm luận văn thạc sĩ. Mới gần đây nó kết nối được với thủ trưởng Hoàng qua trang mạng xã hội, nhờ Đại tá Nguyễn Hoàng mới có cuộc hội ngộ này đây. Mà thôi chuyện xưa như cổ tích rồi được gặp lại người thân là Chiến mừng lắm. Mà này! Chuyện Thân là chồng của Y Muôn là sao?”. Buông tay tôi Y Muôn kể chuyện về mình: “Sau ngày giải phóng Y Muôn được phân công làm công tác Đoàn, rồi phụ nữ xã. Nhưng một số người xấu làm đơn tố giác Y Muôn đã cứu và nuôi lính ngụy nên cấp trên cho Y Muôn nghỉ công tác. Lúc bấy giờ Y Muôn buồn lắm, ngày đêm cứ mong tin tức của Chiến, chờ năm này qua năm khác vẫn biệt tin. Nỗi chờ mong yêu thương đã giấu kín trong lòng, còn một nỗi chờ khác là Chiến về để minh oan cho Y Muôn! Oan ức, chịu tiếng xấu, Y Muôn ngày đêm buồn bã nhiều lúc nghĩ quẩn… Tuổi xuân dần qua đi, những sợi tóc mượt mà hương dầu dừa bắt đầu xơ cứng. Ông Thân, sau một năm học tập cải tạo về ông ấy đi làm phụ hồ, bốc vác ở bến cá, bọn đầu gấu vì giành giật địa bàn làm ăn đã đánh cho gãy chân. Sau khi lành bệnh lần mò tìm về với Y Muôn. Hai người thông cảm hoàn cảnh của nhau và như có sự định mệnh, ông Thân và Y Muôn nên duyên vợ chồng. Còn cha, vì buồn bực chuyện con cái không được như người ta nên sinh ra uống rượu, ông mất sau một lần tai biến nặng. Tưởng chừng như núi sập đè nặng lên cuộc đời Y Muôn. May sao Y Muôn gặp Đại tá Hoàng, mọi oan trái cũng được giải tỏa. Cấp trên muốn đưa Y Muôn trở lại công tác nhưng hai vợ chồng hùn vốn, vay mượn lối xóm mua mảnh đất này trồng rừng dừa. Ngày tháng cứ lầm lũi bên rừng dừa đợi ngày thu hoạch. Được mùa, dừa bán không xuể lại hì hục, thuê nhân công, đầu tư vốn xây dựng nhà máy chế biến nước dừa đóng chai, làm bánh kẹo dừa đặc sản, xơ dừa thì làm chổi, thân dừa thì làm đũa… Thương hiệu có tiếng trên mảnh đất Tam Quan này nên khách hàng đặt mua nhiều lắm. Khổ nỗi, Y Muôn không sinh được con cho ông Thân. Nhiều lần động viên ông Thân kiếm bên ngoài để có người nối dõi nhưng ông ấy bảo, mình có hàng trăm đứa con là con em cựu binh, thương, bệnh binh làm công nhân đó thôi. Nghe ổng nói vậy Y Muôn cũng yên tâm. Tiền thu nhập một phần tích cóp cho tuổi già, một phần Y Muôn làm từ thiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tôi lại nắm tay Y Muôn một lần nữa và cất tiếng: “Chiến có lỗi với Y Muôn nhiều lắm. Cho Chiến xin lỗi nhé!”. Tay Y Muôn để yên trong tay tôi, giọng nói nhẹ nhàng trên khuôn mặt rắn rỏi, cất tiếng: “Không ai có lỗi đâu cậu. Chỉ vì chiến tranh, nó đã cướp đi bao cuộc sống, bao mơ ước của con người. Mà thôi! Chuyện đã qua rồi…”.

***

Sáng nay vợ chồng Y Muôn dẫn tôi và Đại tá Nguyễn Hoàng lên thăm khu xưởng chế biến dừa. Khu nhà xưởng cao, rộng, thoáng đãng đang nấp bóng dưới rừng dừa mát mẻ. Bên kia là nhà kho, phía sau nhà xưởng là nhà bếp tập thể cho những công nhân ở lại ăn trưa. Bước vào nhà xưởng mùi dừa thơm dịu ngọt bốc lên làm tăng thêm cảm giác ấm áp. Trong những bao hàng nhãn mác đẹp mắt là sản phẩm đạt chất lượng được kiểm định đầy đủ về các tiêu chí. Không khí làm việc của công nhân vui vẻ, miệt mài. Tiếng quạt thông gió hòa lẫn tiếng sóng rì rào hương biển quyện vào hương dừa làm cho không khí trở nên thanh thoát, một khung cảnh thanh bình đến lạ. Y Muôn bóc một gói kẹo dừa mời chúng tôi, rồi nhìn Đại tá Hoàng nói to như để cho tôi cùng nghe: “Công nhân ở đây đa số là con em cựu chiến binh, con em thương, bệnh binh đó anh. Em cũng muốn giúp đỡ họ, san sẻ một phần trong cuộc sống”. Tôi cầm chiếc kẹo dừa trên tay, mùi hương dừa cứ dâng lên đầy lồng ngực.

Bốn bàn tay nắm chặt lưu luyến tạm biệt. Thân âu yếm nhìn vợ rồi nói với tôi: “Anh Chiến! Đợt này về anh cho thằng Thắng vào đây giúp cho vợ chồng tôi quản lý nhà xưởng nhé!”.

Hương dừa cứ quấn theo chúng tôi dâng tràn cả lên xe. Mùi hương chứa chan kỷ niệm cứ lâng lâng, dịu ngọt.

NGUYỄN ĐẠI DUẪN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…

Thơ dự thi của Phạm Thanh Phương

Chúng ta như những toa tàu
Kéo lê ngày tháng
Tới điểm cuối cùng mà chưa được sống
Đúng nghĩa: Một con người
Biết cho đi những gì quý giá nhất của mình…

Nhà thơ Trần Kim Hoa

Kể từ tập thơ đầu tiên “Nơi em về” đến nay, nhà thơ Trần Kim Hoa đã có hơn 30 năm nặng nợ với thơ. Thơ chị neo vào lòng người đọc bởi những chiêm nghiệm, trăn trở đầy xúc cảm…