(VNBĐ – Tản văn). Tháng Mười Hai nhuộm vàng bãi bờ bằng màu hoa cải, cả vạt trời vàng ươm theo dòng sông uốn lượn. Ngay lúc còn bên kia bờ đón đò sang sông tôi cảm giác như mình đã chìm trong đám cải quá mùa đương âm thầm kết hạt. Và khi chạm tay vào từng nhánh hoa vươn qua vai người, lúc ấy tôi biết mình đã về tới nhà, dẫu cái khóm trúc đào trước ngõ còn lẩn khuất phía sau con đường nhỏ quanh co. Tầm này, mẹ chắc bận thái chuối cho bầy ngan béo núc đến chậm chạp, mà cũng có khi là mẹ ở ngoài chuồng sau tắm cho bầy lợn đợi ngày gả chúng. Gian nhà sẽ thật yên ắng, ngoại trừ tiếng húng hắng ho và tiếng lá tre xạc xào theo cơn gió.
Tôi băng qua đồng cải, trời vừa chập chiều. Mùi hoa nhè nhẹ của ngày rực nắng còn vẫn vương ở lại. Bờ bãi này có từ lâu lắm, hồi mẹ còn con gái, hồi bom đạn còn tàn phá quê hương và máy bay kẻ thù cắt chia bầu trời bằng những làn khói xám. Hoa cải lớn lên trong hòa bình, kiên cường cùng một miền quê dọc con sông đỏ phù sa qua khó khăn, đói khổ. Vậy rồi, hoa trở thành nỗi nhớ không nguôi cho những người sinh ra, rời đi, ghé lại, để mỗi độ gió lạnh ùa về, người ta thèm được ở giữa mênh mông hoa cải vàng da diết. Năm đó mẹ tiễn tôi vào Nam, ngày đi qua cánh đồng xanh rờn, mắt tôi ráo hoảnh vì những nao nức chờ đợi từ thành phố, nhưng lúc sang đò, không hiểu sao có bông cải nở sớm giấu trong gấu quần, tôi khóc ròng vì biết mình vừa bỏ lại sau lưng rất nhiều niềm thương bé nhỏ.
Tôi và lũ bạn đã giẫm lên dấu chân của mình ngày hôm qua, hôm kia, đi qua từng mùa đốt đồng khói cay xè mắt mà thấy mình thêm lớn. Những củ sắn củ khoai vùi trong rơm rạ là món ngon nhất mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi cởi tấm áo ấu thời không vừa nữa lần lượt ngược xuôi, cuộc chia tay lặng lẽ đó làm cho những cuộc đoàn tụ đầy đủ mặt trở nên xa xôi, cho dù là Tết, cũng không có nghĩa là tất cả cùng về, cùng ngắm một mùa cải muộn, cùng đi dọc triền sông, cùng ngồi đốt rơm kể chuyện năm xưa năm xửa. Chỉ có cánh đồng hoa cải vẫn chờ đợi, lưu giữ hình ảnh của chúng tôi, để lẫn trong màu hoa, là gương mặt lấm lem của cu Đót, cái nết khóc nhè của cái Hiên, là cánh diều giấy vừa bay đã rách…
Chị tôi lấy chồng vào mùa cải trổ bông, mùa hoa cải thứ hai mươi trong cuộc đời của chị. Ngày đưa dâu cũng đi qua nơi này, thấy mắt chị đỏ rưng rưng, cứ ngoái nhìn mãi bóng mẹ, bóng em chìm trong màu vàng thương nhớ. Chị ra phố, bận bịu công chuyện bên chồng, gió xốc xao thổi làm chị quay quắt bãi bờ sông, nhưng đâu làm sao ôm được những cánh hoa vào lòng, sao bỏ được những đứa trẻ cần đi học mẫu giáo, rồi lớp một lớp hai, sao bỏ được người má chồng đau yếu, và mùa cải cứ thế cách xa chị thiệt xa. Tôi như chị, làm cánh chim mải miết, lúc thành phố vào đông, nhớ sông nhớ đồng không chịu được. Nhớ bếp lửa mẹ ung cho bầy lợn đỡ lạnh, nhớ nồi canh cải ấm lòng của mẹ. Nhớ cái áo len sờn mẹ mặc đi về bờ sông, ngóng từng lượt đò ngang có bóng dáng nào quen thuộc. Những nỗi nhớ con không bao giờ mẹ kể làm nặng lòng lũ trẻ ở xứ người.
Tôi rời cánh đồng cải vàng mơ chấp chới hoài niệm bạn bè, tình yêu đầu năm mười tám tuổi. Giữ nhánh hoa cải trong tay, lời hẹn buổi tan trường dang dở mất rồi sao tôi còn thương ngày ấy quá. Hoa cải ép trong lưu bút phai màu, người xưa biền biệt, liệu có lần nào về giữa màu hoa cải gặp nhau, để cảm ơn nhau, vì nhờ rung động kia mà hoa cải thêm nhiều kỷ niệm. Lọn khói bịn rịn bay lên vấn vương, hẳn mẹ nhóm bếp nấu bữa cơm chiều, chắc sẽ bất ngờ khi con Mực đang nằm quấn chân mẹ tự dưng sủa lên rồi vẫy đuôi mừng rỡ. Tôi sẽ cùng mẹ đón cơn Nồm, cùng mẹ đi chợ Tết. Chiều ba mươi cùng mẹ ra bờ sông, cùng đợi chị về từ mênh mông hoa cải cuối mùa…
* Ảnh minh họa: internet
THÙY NHƯ