Hai người Bình Định

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi).

1.

“Cắt tóc bình dân”.

Cái bảng hiệu dài một thước, ngang sáu mươi phân, nền xanh, chữ trắng treo khiêm nhường bên ngoài mái tôn căn nhà bên trái đường dẫn xuống biển, hiện ra trước Ngân. Rõ ràng, nó không tạo ấn tượng, sự bắt mắt nào cả. Hiệu cắt tóc này nếu nằm cạnh mấy hiệu cắt tóc đèn nhấp nháy, bảng hiệu chữ Tây chữ u, thêm mấy nàng váy ngắn, ngực tròn trắng bông bưởi, ra vô cười duyên thì chẳng thấm vào đâu. Như võ sĩ hạng gà với hạng lông! Ngân thầm so sánh. Khách của hiệu cắt tóc này may ra mấy ông già, trẻ em, cần mái tóc hớt cao chống nắng hè, không phải mất nhiều “xèn”, mới bước vô. Cuộc đời là sự lựa chọn. Buôn bán là sự lựa chọn. Chả trách ai được! Người ta thường bắt gặp chủ hiệu cắt tóc, ngồi chống cằm, tư lự trên cái ghế tựa nhìn ra đường là vậy. Ngân cũng nghĩ, giá như ông họa sĩ nào đó thiện tâm, vẽ giúp chủ hiệu cắt tóc cái bảng hiệu thì hay biết mấy. Lần đầu tiên lướt qua cái bảng hiệu nền xanh chữ trắng, Ngân đoán chủ hiệu cắt tóc kia, về tính tình chắc hẳn bình dị! Xét góc độ mỹ học và tâm lý học, hẳn là người không nặng hình thức. Cái bảng hiệu còn cho thấy chủ hiệu kia chắc là người đi thuê chỗ, mở hiệu cắt tóc kiếm sống và có lẽ kinh tế eo hẹp, nếu không muốn nói là khó khăn. Bởi lẽ trên con đường chính đó, con đường chạy tới biển đó có hàng trăm hàng quán, chủ quán khá giả hay khó khăn kinh tế, vẫn phải vay mượn đâu đó, làm cho bảng hiệu hàng quán mình trở nên bắt mắt, không to lớn cũng coi được. Một dạng “khoe ra”, bằng anh bằng em với thiên hạ. Vì vậy, cái hiệu cắt tóc bình dân nền xanh chữ trắng như Ngân thấy, giống như “túp lều chú Tôm”. Lối so sánh đó không ít lần làm Ngân bật cười vì không hiểu sao mình lại nghĩ thế…

Buổi sáng, Ngân chưa định ghé vô cái hiệu cắt tóc, nếu mái tóc không bị  xới, bồng lên vì gió, có lúc che một bên mắt. Đêm trước, vợ Ngân dịu dàng: “Chồng hớt tóc đi. Mặt anh ốm hẳn vì mái tóc dài. Nay là hai mươi lăm tháng Chạp rồi”. Đàn bà lắm cái chi li, lo những cái đàn ông dễ dàng bỏ qua, hoặc  phiên phiến. Đàn bà nhắc là họ có dụng ý rồi. Trái ý họ, vợ chồng dễ hục hặc, tình cảm vợ chồng lạnh từ giường ngủ lạnh ra… Để trở thành người đàn ông giỏi giang, đáng yêu trong thế giới đàn bà, nhất là vợ, hãy làm theo lời họ ít nhiều. Cứ coi lời họ là ý chỉ nữ hoàng rồi thì miếng ngon vật lạ sẽ tới. Vợ cưng chồng như cưng trứng, một chiều, hai chiều, anh em ngọt xớt. Ngân thấm nhuần điều đó trong đầu, nên khi thấy cái hiệu cắt tóc đúng lúc tóc dựng ngược, liền rẽ vào. Lúc ấy, chủ hiệu, một người cao gầy, đang cầm cây chổi lông gà quét qua quét lại chiếc ghế gỗ có vai tựa. Ngân xởi lởi chào. Bên kia gật đầu đáp lại, cánh tay và lòng bàn tay ngửa ra, lịch sự mời khách ngồi ghế. Chiếc ghế gỗ hướng về phía chiếc gương chữ nhật, bốn góc trang trí mấy bông hoa nhỏ, đính chặt vào tường nhà. Qua gương, Ngân thấy chủ hiệu cắt tóc có chiếc mũi cao, cằm hơi nhọn, hơi quen. Hơn hai mươi năm đi xa trở về, khó lòng nhớ hết mọi thứ. Hôm qua, mua hàng ở chợ, một người bước tới hỏi: “Nhớ mình không, bạn?”, Ngân thừ người ra, trong khi người kia xởi lởi: “Bạn lớp sáu với ông…, Phong đây!”. Đến lúc đó Ngân mới xiết tay bạn, cười hiền. Thời gian, phủ lên con người tấm kính mờ đục, con người phải căng trí ra nhớ là thế.

Chủ hiệu cắt tóc tuổi ngoài sáu mươi. Tuổi này người ta nghỉ lao động. Người có tiền đi đây đi đó, thăm nơi mình chưa từng đến. Người ít tiền hay lấy con cháu làm niềm vui, quẩn quanh vui đùa cùng con cháu. Mỗi buổi sáng thấy chúng chạy nhảy, cười đùa, người già như có Tết. Phù du là kiếp nhân sinh nên cũng phải biết dừng lại cuộc đua chen danh lợi, tiền bạc khi có tuổi. Nhìn vào tuổi tác, cách thức, thái độ sống, ứng xử với người ngoài của ai đó, cho phép người ta đoán phần nào cuộc sống về già của người đó. Người khổ, lúc nào cũng chắt chiu tiền bạc, thoáng tươi nét mặt rồi ủ dột, trầm tư thường xuyên đó. Chủ hiệu cắt tóc, dạng người mà trầm tư là bạn, hay gói chuyện, gói nỗi buồn vào trong, nếu kể điều gì chỉ kể với người đặc biệt thân thiết. Chủ hiệu choàng cái khăn mỏng trắng qua vai Ngân. Lúc này, những đường nét trên gương mặt ông ta như bức ảnh trắng đen sáng dần, sáng dần trong hồi quang trí óc Ngân. Chạm  bàn tay lên vai Ngân, chủ hiệu thân mật: “Hớt kiểu gì đây, bạn?”. Trong lúc nói, hàm dưới ông ta có hai chiếc răng vàng kề nhau, lộ ra. Ngân buột miệng:  “Trông anh giống anh Nhân”. Chủ hiệu yên lặng. Rồi nhẹ nhàng: “Chú nói Nhân nào?”. “Anh Nhân nhà cạnh chùa”, Ngân thở mạnh. Người đàn ông chớp mắt, giọng như gió thoảng qua, pha chút hồi hộp: “Coi bộ chú ở trong cái hẻm sau lưng chùa?”. Ngân kêu nhỏ: “Dạ đúng rồi”. Sau ba tiếng ấy, chủ hiệu bóp nhẹ vai Ngân, giọng lạt đi: “Lâu quá rồi, anh mới gặp lại em”. Ngân cũng cảm thấy mắt mình cay cay!

 2.

Chùa nằm trên con đường vòng qua trung tâm thị xã. Bên hông chùa, một hiệu cắt tóc tiếng tăm, phía trước có hai gốc bàng cổ thụ cạnh đường, cành lá râm mát suốt ngày. Dưới góc bàng, hai chiếc ghế đá có lưng dựa. Khách đi đường tránh nắng, khách cắt tóc trong khi chờ tới lượt, hay ngồi ở ghế nghỉ chân, trò chuyện. Ngân hay ra chỗ gốc bàng đón xe đi nhờ lên trường cách đó năm cây số vào năm lớp sáu. Lúc xe chưa tới, Ngân nhìn vô hiệu cắt tóc, quan sát cái anh cao cao chăm chỉ cạo râu, ráy tai cho khách, bên cạnh cái ông râu cằm là cha anh, người hớt chính của cửa hiệu. Lúc vắng khách, anh cao hay ra ghế đá, gảy đàn guitar, miệng hát nho nhỏ. Tay anh chạy trên phím đàn như múa. Một đôi lần thấy thằng nhỏ mặt tròn, da trắng dán mắt vào đàn, anh đoán nó thích đàn. Anh hỏi thằng nhỏ: “Nhà ở đâu?”. Thằng nhỏ nói nhà trong cái hẻm nhỏ sau chùa thì anh la lên à há… thích thú vì người cùng xóm. Thằng nhỏ dạn dĩ hơn với anh. Nó bắt chước anh, ôm cây đàn khi anh làm việc gì đó cho ông già. Anh hỏi thằng nhỏ: “Muốn học đàn không?”. Thằng nhỏ nói: “Mẹ không có tiền mua đàn”. Anh nghe rồi im lặng. Hôm sau, anh vò đầu nó nói: “Không có đàn, anh vẫn dạy cho em”. “Nghe giọng thì em là người Bình Định hả? Nhìn mầy thàng quá. Tiếng Bình Định thàng là rất chi hiền hậu, hiểu không? Anh cũng Bình Định, huyện Phù Mỹ đây. Giọng Bình  Định ngang phè, nhưng người Bình Định hay nặng lòng. Người quê mình chịu khó chịu khổ, đi làm ăn xa, hay giúp đỡ nhau”. Ngân chưa nghe mẹ nói mình dân Bình Định, nhưng anh nói vậy, liền gật đầu. “Lúc nào không đi học ra đây, anh chỉ cho đàn. Nhớ đi trưa trưa. Buổi trưa ít khách”.

Người đó bây giờ là ông lão mặt nhàu nát, khắc khổ, đôi bàn tay xanh, gân guốc đang cắt tóc cho Ngân. Còn đâu đôi bàn tay với những ngón dài thanh, chạy trên phím đàn điệu nghệ, nhẩn nha chỉ Ngân cách bấm phím từng buổi trưa? Nhờ đó, Ngân đàn được vài bài nhạc căn bản. Được mượn đàn về nhà tập để tiếng đàn tròn. Mẹ Ngân có cơ hội là khán giả đầu tiên của con. Bà nói: “Con ngồi đàn giống hệt ba con. Quê mình, xã An Vinh bên bờ sông Côn. Những đêm mưa ba con hay đàn cho dân vạn neo thuyền trên sông nghe. Biết con học đàn, ba thích lắm”. Ngân tròn mắt nhìn mẹ. Trước đây, ai hỏi về ba, mẹ hay xua tay: “Em và ổng chia tay rồi. Quên ổng rồi!”. Vậy vì sao mẹ hay nhắc tới ba vào những đêm mưa? Ngân đoán có điều gì đó về ba.

“Vào cái lúc Ngân đàn tốt lên, ba anh hết hợp đồng thuê nhà, phải dọn đi nơi khác” – chủ hiệu cắt tóc trầm giọng. Ngân nhớ, chiều ấy đi học về, ngang qua hiệu cắt tóc, thấy cửa đóng. Có người kể, hai giờ trước, nhà anh Nhân dọn ra ngã ba Quốc lộ, cách đó mấy chục cây số. Chủ hiệu cắt tóc tiếp: “Ở chỗ mới, anh phụ ông già một thời gian rồi xin thôi. Ổng trừng mắt, vặn: “Mày muốn đi đâu? Nếu muốn đi thì đừng về đây nữa!”. Thanh niên háo thắng và bất chấp, anh đi liền ngay”. Một tràng cười khan của chủ hiệu sau đó. Ngân cũng cười. Cuộc đời có nhiều cái bất ngờ. Giữa Ngân và chủ hiệu cắt tóc quả có duyên. Hôm ấy, cuối năm học lớp bảy, Ngân và mấy đứa bạn rủ nhau đi tắm đập Đá. Con đập chắn ngang sông Dinh thành hồ nước ngọt, cấp nước cho thị xã. Phía trên con đập, sông chảy giữa rừng đầu nguồn, nơi những thân cây to in xuống nước, vẽ nên bức tranh lung linh sắc màu. Bốn mùa đi qua với tiếng chim rù rỉ từ lúc sớm đến trưa chiều lẫn trong cành lá cây ở khu vực đập, tạo nên sự gọi mời kỳ lạ với những con người ưa khám phá. Biết điều đó, người ta cắm tấm bảng vẽ cái đầu lâu và hai khúc xương vắt chéo, thông báo nguy hiểm. Ngân và mấy đứa bạn mặc kệ bảng, thi nhau nhong xuống hồ. Hai lần đầu Ngân “bom” – chân kẹp sát người, để mông chạm nước trước, tạo tiếng bùm to, nước bắn tung tóe. Lần thứ ba, Ngân nhảy sào, duỗi thẳng chân. Thốt nhiên, một bàn chân Ngân chạm đá đau thốc tận óc. Cảm giác đau đớn lan nhanh cùng lúc Ngân không thể khuấy động được chân để ngoi lên khi mà hơi thở cạn dần và miệng tự động há ra nuốt lấy nước….

Những tiếng reo to bên tai Ngân: “Tỉnh rồi. May mà chỉ uống ít nước…”. Một màu trời xanh biếc hiện ra, nắng chiếu thẳng vào mặt làm Ngân không nhận ra đâu là đâu. Tiếng nói, tiếng cười ồn ã. Có ai đó nắm lấy tay Ngân kéo, rồi một bàn tay quơ quơ trước mặt, hỏi dồn: “Thấy gì không?”. Nhờ bàn tay quơ quơ, Ngân cảm nhận rõ hơn đám đông bao quanh và mình đang nằm dưới đất. Một người cúi sát mặt Ngân, khào khào: “Sống rồi thằng nhỏ”. Mình được cứu ư?  Ngân nhớ những gì xảy ra năm xưa vào cuối năm học lớp bảy ấy. Vẫn là chuyện của chủ hiệu cắt tóc: “Rời chỗ ông già, anh đi làm bảo vệ nhà máy nước cạnh đập Đá. Buổi trưa ấy, trước lúc chú nhảy, anh đi ra nhắc nhở thì phát hiện chú mày không trồi lên được, phải nhảy xuống cứu. Đưa chú lên bờ rồi, anh vác ngược chú chạy vòng vòng để nước trong bụng trào ra, nhờ vậy mà sống”.

Lúc này hai người chẳng ai vội vàng. Ngân hỏi thăm công việc, ông Nhơn từ tốn: “Khó. Mình già không theo kịp thị hiếu lớp trẻ. Nhiều đứa mới vô, liếc ngang liếc dọc hỏi có em út phục vụ? Không có, chúng bước ra. Nhưng đó là chuyện của anh, còn chú mày ở đâu bao lâu nay?”. Ngân nói mới từ nước ngoài về và lần này là lần về luôn của mình. Chủ hiệu tỏ ra ngạc nhiên, không giấu được sự tò mò.

Ba Ngân trở về sau nhiều năm đi công tác đặc biệt ở nước bạn Campuchia. Lý lịch người cha cho Ngân suất học bổng nước ngoài vào thời điểm đó. Ngân tốt nghiệp, ở lại làm việc bên đó. Đang bấm mái tóc phủ trán Ngân, chủ hiệu tâm sự: “Thời gian chú ở Tây, anh chẳng ra gì. Cha mẹ lần hồi mất. Anh có vợ rồi chia tay. Bây giờ ở ngoài bãi sông. Chỗ này, anh thuê kiếm sống qua ngày”.  Ngân im lặng nghe, hình dung cái bãi sông trong trí nhớ. Bị đập Đá chặn lại, nhưng nửa lượng nước sông Dinh vẫn về hạ lưu, ra biển. Bờ Bắc sông là bãi bờ sú vẹt, hoang vu. Bờ Nam, phía sau những căn nhà xây hiện đại, kiểu dáng ven đường, là những dãy nhà sàn gỗ dọc mép sông, là nơi ở của lao động làm thuê, những phận người lam lũ, vất vả. Một khoảng yên lặng sau đó. Dường như, chủ hiệu sợ mình nói nhiều, mang tiếng than nghèo kể khổ? Hay nỗi xúc động làm con người ta nghẹn lời? Còn Ngân, câu chuyện đời của chủ hiệu rõ ràng làm Ngân xúc động. Thời gian như nước chảy qua cầu, bao nhiêu sự việc xảy ra ngoài dự tính. Những đêm mưa trời Âu, những ngày tuyết trắng trời, ngồi trong nhà hay trên xe đi làm, Ngân hay nhớ quê, nhớ nhà. Mang tâm sự của người cô lữ nhớ quê hương qua những hình ảnh gợi nhớ. Ngân thấy rõ ràng là dù không sống ở Bình Định, nhưng anh là dân nẫu chính gốc. Nẫu trong tính cách, tâm hồn. Thích sống thật. Không ưa sự màu mè. Là mầm xanh nẩy lên từ hạt giống nuôi từ nước lành sông Côn. Với người nước ngoài, Ngân không khỏi tự hào là người Bình Định, nơi có  khúc sông Gò Bồi, nơi sông Côn về biển. Nơi từng là thương cảng quốc tế Nước Mặn tấp nập ghe tàu của xứ Đàng Trong. Nơi bốn thế kỷ trước, được cưu mang của quan trấn thủ Hoài Nhơn Trần Đức Hòa, những nhà truyền giáo phương Tây đã nghiên cứu ngôn ngữ Việt cho ra đời những ký tự đầu tiên của chữ Quốc ngữ hiện nay. Có lúc, Ngân ôm đàn hát những bài hát tiếng Việt trong căn phòng ánh sáng dìu dịu, tự xoa dịu lòng mình. Và, không ít lần Ngân nghĩ về người dạy mình đàn, kể cả ơn cứu mạng. Không có người ấy, chẳng có Tiến sĩ Ngân sau này. Vợ Ngân, quê miền Trung, đôi lần nhắc chồng có dịp nên đi tìm anh Nhân, thăm hỏi! Ngân đồng tình. Trước khi đặt chân về Việt Nam, Ngân dò hỏi một số người, ai cũng bảo: “Ông ấy mất rồi”. Ai ngờ đâu, anh vẫn đang kiếm sống một cách vất vưởng, cách nơi ở mới của vợ chồng Ngân khi về lại quê hương chỉ một hai con đường. Ôi người ơn của tôi!

 3.

Ngân đặt khoản tiền vô tay chủ hiệu, chỉ tấm bảng hớt tóc bình dân, dặn dò trước lúc bước đi: “Anh nên sơn lại cái bảng này cho người đi đường dễ thấy. Từ đây tới Tết còn ít ngày nữa. Chắc khách đông hơn”. Ngân cũng dặn ông nên thuê người giúp cho ít ngày. Phụ nữ càng tốt. Chủ hiệu cười để lộ cái miệng  móm vì mấy cái răng hàm đã rụng.

Chủ hiệu cắt tóc thấy đề nghị của Ngân có lý. Ông tìm phấn viết mấy dòng: “Cần người phụ” lên tấm bảng, đặt trước cửa. Bảng đặt hôm trước, hôm sau có người tới xin việc. Người này trông ngoài ba mươi lăm, da trắng ngần, cổ cao ba ngấn, mặt thanh thoát. Đẹp nhất là ở đôi mày lá liễu cong vút, đôi mắt đen và sáng. Chủ hiệu thầm nghĩ, cô này còn trẻ hẳn là đẹp mặn mà, thu hút. Người phụ nữ nói mình non bốn mươi, tên Nhã, thủ quỹ công ty khai thác cát bên kia sông. Gần đây như cầu cát xây dựng giảm, công ty nợ lương, Nhã tìm việc, kiếm tiền về quê. Ai không khỏi có lúc túng bấn? Ý nghĩ đó làm chủ hiệu cắt tóc cảm thấy vui vẻ khi dạy cô nghệ thuật ráy tai cấp tốc; nghệ thuật massage vùng đầu. Khách phải thoải mái, sau khi ráy tai, cạo mặt… để lần sau còn trở lại. Đó là phương châm hành động! Nhã chăm chú nhìn ông hướng dẫn từng động tác, cách thức sử dụng mấy ngón tay trên vùng da đầu, kể cả thực tập ở vài người khách sồn sồn! Cô này đề nghị ông mở rộng hai cánh cửa gỗ, đón ánh sáng bên ngoài vô, thay vì mở nửa chừng lâu nay. Ghế hớt thay vì đặt sâu bên trong, cần dịch ra ngoài, ai đi ngang qua cũng thấy sạch sẽ, ngăn nắp, Nhã nói đó là hai yếu tố thu hút khách!

Minh họa: Lê Duy Khanh

Hiệu cắt tóc trông “sáng” ra sau ngày có Nhã. Khách bắt đầu nhiều thêm. Đã xuất hiện vài thanh niên. Chủ hiệu trông cái cách cô xoa mặt, cào tóc cho gã thanh niên, nghĩ thầm: Xem ra mềm mại hơn bọn con gái làm ở mấy cái hiệu trên phố. Bọn con gái ở đó chỉ nhí nhố, áo mỏng khoe ngực, khoe mông thôi. Ở chỗ ông thật sự đàng hoàng, đứng đắn. Ông lắng nghe mấy câu chuyện cô nói với gã thanh niên. Tay này cười khật khật rung cả vai. Gã thanh niên cũng góp chuyện vui. Lâu lắm rồi chỗ ông mới vui vẻ, thân tình đến vậy. Ông vui nhưng nỗi ưu tư đến ngay sau đó khi cô nói chỉ làm đến trưa ba mươi. Sau Tết cô có việc khác. Từ đây cho tới trước khi cô nghỉ, ông sẽ gởi cho cô chút quà! Tết nhứt cứ phải vậy!

Sáng ba mươi Tết, ông còn nằm trên chiếc giường cũ kỹ, nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Tiếng Nhã gọi ông bên ngoài. Ông mở cửa. Cô nói hơn tám giờ không thấy ông tới, nên ghé nhà xem thử. Chiều qua, ông rời khỏi hiệu bánh mứt với món quà Tết dự định trên tay thì gặp người quen cũ. Bạn chèo kéo. Ấy vậy rồi, họ bước vô cái quán bia. Hậu quả của bia rượu làm ông không thể thức sớm như mọi ngày. Ông mời cô vô nhà. Nhà ông chẳng có gì cả, lại bừa bộn. Chiếc giường gỗ là vật có giá trị nhất, cô vợ yêu quý ngày nào đồng tình để lại, vì  thằng chồng mới không muốn cô mang theo. Hắn nói rõ không muốn khi nằm trên chiếc giường đó lúc làm tình với nhau, cô nhớ lại thằng chồng cũ! Chiếc bàn gỗ, lẽ ra dùng ăn cơm tiếp khách, lại là chỗ đặt bếp, không ít chai lọ đựng các thứ linh tinh.  Nhã mở to mắt trước cái thế giới của ông. Nhã nhìn đống chai lọ, thấy có mấy nhãn thuốc ho, thuốc mất ngủ, thuốc đau nhức Tây lẫn Tàu bên cạnh lọ muối hầm… Bao năm nay ông sống như vậy sao? Cô quay sang ông, giục: “Có hai người khách đang chờ. Anh tới hớt cho họ đi vì hôm nay ai cũng vội. Trước khi đi, đưa em chìa khóa nhà. Em sắp xếp cho anh một lúc”. Ông lưỡng lự. Ông cần Nhã giúp nhưng ở hiệu cắt tóc kia! Nhã nheo mắt, chìa tay ra. Cô đọc thấy nỗi ngần ngại ở ông, mỉm cười khích lệ. Rồi cũng rất nhanh, cô rút chiếc chìa khóa cửa cắm trong ổ khóa để trên bàn. Chẳng còn cách gì khác, ông miễn cưỡng rời nhà.

Gần trưa. Mấy người khách đòi hỏi sự cẩn thận đã rời đi, chủ hiệu chưa thấy Nhã trở lại. Ở ngoài đường, hướng từ chợ cá biển lên, mấy bà buôn cá ngồi xe ba gác lên bến xe đò, ai cũng lộ vẻ căng thẳng vì sợ trễ xe. Vài chuyến xe ba gác chở người tiếp tục chạy qua. Đến trưa thì chuyến xe đó cuối cùng rời bến. Chủ hiệu cảm thấy nóng từ bụng nóng lên ngực, thay vì ngồi chờ, ông bước ra đường, trông ngược về hướng nhà mình. Nhã từ đó đi về. Mà lạ, cô ấy dọn gì ở nhà ông đến những mấy tiếng? Lần thứ ba ra đường, ông thấy Nhã thong dong đi tới, coi bộ chẳng chút gì vội vàng. Chuyến xe cuối cùng sắp rời bến rồi. Đi đứng như vậy có chết không? Ông nhẩm tính số tiền trả cho Nhã. Một cách lịch sự, ông bỏ tiền trong bao thư, chúc ăn Tết vui vẻ. Nhã mỉm cười đứng trước mặt ông, nói: “Mọi cái cần, em làm xong rồi. Bình gas hết, em theo địa chỉ dán trên bình, gọi cho anh rồi. Bữa nay anh không gọi gas, coi như hổng có cái nấu trong mấy ngày tới”. Ông chậm rãi lấy phong bì đặt vô tay Nhã. Cô nắm tay lại, đi thụt lùi, lắc đầu. Sao cô ấy từ chối nhỉ? Hay vì cái phong bì mỏng? Ông đang nghĩ cách nói để Nhã nhận, đột ngột chiếc hon đa trờ tới. Ông nhận ra Ngân. Ngân đưa tay chào ông, trong khi Nhã dặn ông ăn Tết vui vẻ rồi bước về phía Ngân. “Trời đất ơi! Không phải xe ôm. Đây thằng bạn tui” – ông la lên. Tiếp theo, ông nói nhanh: “Cô đây phải ra bến xe bây giờ. Chú chở cô ấy đi giùm anh!”. Ngân cười hì hì, gật đầu. Nhã cũng cười. Cô ôm lấy Ngân từ phía sau. Ông đâm ra bối rối. Cái cô này tưởng đàng hoàng mà sao…? Đúng lúc này, Nhã dặn ông: “Báo với ông anh, đây là chồng em. Em vâng lệnh chồng tới giúp anh vài bữa. Bây giờ tụi em về lo việc nhà. Sang năm coi bộ không ổn, anh xuống chỗ vợ chồng em. Tụi em mở công ty du lịch, đang cần người”. Mắt ông mở to, tưởng nghe lầm. Ai là vợ chồng? Ngân bây giờ mới nói với ông: “Mấy ngày Tết, khách đông hơn ngày thường. Sợ anh vất vả, vợ chồng em bàn giúp anh mấy ngày.  Sang năm, thay vì cắt tóc, anh về chỗ bọn em”…

Chiếc hon đa phóng đi, để lại tiếng cười giòn của đôi vợ chồng!

HÀ THANH TÚ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…