Gỡ khó cho doanh nghiệp

(VNBĐ – Thời đàm). Thượng tuần tháng Bảy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đối thoại trực tiếp với một số hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – thương mại trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh nói: trong thời gian qua, hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong đó có nguyên nhân từ hoạt động khó khăn của các doanh nghiệp do các cơ quan, đơn vị, địa phương gây nên. Cuộc đối thoại là cơ hội để các doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, địa phương những vướng mắc để được tiếp thu và giải quyết theo đúng quy định.

Từ sự cởi mở và cầu thị của chủ trì cuộc đối thoại, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã sôi nổi phát biểu, nêu ra một loạt những khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Nhiều khó khăn khách quan tồn tại kéo dài song cũng không ít khó khăn do chủ quan, thiếu thông thoáng trong cơ chế. Các khó khăn đáng lưu ý là giá nguyên liệu chế biến tăng cao; chi phí nhập khẩu, xuất khẩu biến động lớn do xung đột, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp; sức tiêu thụ sản phẩm trên thị trường quốc tế giảm; một số nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy còn thiếu thực tế không sát với tình hình hoạt động của doanh nghiệp; các doanh nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản gặp khó khăn khi làm các thủ tục nâng sản lượng, đánh giá tác động môi trường, khai thác mỏ, thỏa thuận thuê đất với người dân; thị trường bất động sản chưa phục hồi, sức mua giảm. Các doanh nghiệp ngành may mặc, da giày lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ cách thức đặt hàng chia nhỏ, thiếu lực lượng lao động. Các chi phí logistics tại Bình Định cao hơn so với một số tỉnh, thành khác do bất lợi về cảng biển, hạ tầng giao thông khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển hàng hóa, luồng hàng theo hướng khác để giảm chi phí…

Hơn một năm trước, cũng chính đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã chủ trì Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp và cũng đã nêu quan điểm chính quyền phục vụ người dân, đồng hành cùng các doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng của Trung ương về doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của các cấp chính quyền, tập trung giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vì doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, là nguồn lực, động lực tăng trưởng kinh tế; thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính quyền.

Một năm trôi qua, công cuộc cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đã và đang được tập trung thực hiện. Các giải pháp để thay đổi cách làm việc, tạo sự gần gũi, thân thiện, giải quyết nhanh chóng các vấn đề khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đang được phát huy. Song lãnh đạo tỉnh vẫn sẽ thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn để kịp thời tháo gỡ.

Sau cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành, trực tiếp và nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc.
Chẳng hạn, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tình hình xuất hàng qua cảng của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp xuất hàng qua cảng tại Bình Định, doanh nghiệp xuất hàng qua Cảng của các tỉnh khác, để tìm ra nguyên nhân, đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Công thương rà soát các vấn đề về chi phí logictics, xem xét có phương án, giải pháp phù hợp để giảm chi phí logictics cho các doanh nghiệp; phối hợp với Cục Hải quan tỉnh tạo điều kiện tối đa cho các cảng làm tốt công tác sắp xếp tàu lưu thông qua cảng, công tác xếp dỡ hàng hóa, thủ tục thông quan…, các công đoạn phải nhanh, thông thoáng để thu hút doanh nghiệp về tỉnh; cung cấp thông tin về luồng hàng qua tỉnh để các doanh nghiệp logistics biết, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện đảm bảo các vấn đề về môi trường; thực hiện tốt đối với các thủ tục xin giấy phép môi trường theo quy định; làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác và chế biến đá xem xét khả năng phát triển quy mô của các doanh nghiệp ngành đá, vấn đề về cấp giấy phép khai thác đá…, để thống nhất giải quyết phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật. Giao Công an tỉnh xem xét, rà soát phân loại các tồn tại liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (pháp lý, thời gian, trang thiết bị,…) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đây thực sự là những hành động thiết thực gỡ khó cho doanh nghiệp từ phía chính quyền!

DƯƠNG HIẾU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN