Mời các bạn đón đọc Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021

MỜI CÁC BẠN ĐÓN ĐỌC TẠP CHÍ VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH
Số 95 tháng 3.2021
* Tháng Ba mình đi đâu?
Tháng Ba ta đi Tà Má! Hoa trang rừng được đồn đoán “ba mươi năm nay mới trổ hoa” bỗng trở thành “hot trend”, bừng đỏ trên các xì ta tút của giới đam mê dịch chuyển, sống hòa mình vào thiên nhiên. Tất nhiên, Văn nghệ Bình Định có cách riêng của mình để bạn đọc cảm nhận được một thiên nhiên Tà Má thơ mộng với hoa trang rừng, với suối mát, sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên qua khoảnh khắc đẹp của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Tuyến trên Bìa tạp chí số này!
* Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào những ngày cuối tháng 01.2021 là sự kiện trọng đại, bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của Đảng và của cả dân tộc Việt Nam. Theo dòng thời sự, chuyên mục THỜI ĐÀM với bài viết của tác giả Quang Lợi: “Để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống”, qua đó nêu cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung phổ biến, tuyên truyền sâu rộng kết quả Đại hội; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; phát động các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
* Chuyên mục TRUYỆN NGẮN kỳ này với sự góp mặt của nhà văn Nguyễn Thu Hà (TP.HCM) và Ngô Văn Cư (Bình Định). “Những cơn khát” của Nguyễn Thu Hà đề cập đến những tham vọng quyền, tiền, tình, sống theo bản năng, tha hóa và bi kịch là tất yếu như một sự phản tỉnh sâu sắc. Đề tài gia đình là sở trường của nhà văn Ngô Văn Cư với truyện ngắn “Nơi cơn bão đi qua”. Bão thiên nhiên, bão quy hoạch đất đai và cơn bão lòng tham của con người cùng với những toan tính chi li, đặt đồng tiền lên trên tình cảm anh em trong gia đình chính là nỗi đau của mỗi gia đình. Sự từng trải, tinh tế; vừa cay nghiệt vừa nhân hậu qua ngòi bút của Ngô Văn Cư dẫn dắt người đọc đi qua từng cơn bão như thế…
* Trang THƠ với sự góp mặt của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh. Thanh Thảo với những hồi ức đầy ắp ân tình, Nguyễn Việt Chiến thâm trầm, suy nghiệm; Lê Văn Hiếu nồng nã, tươi nõn; Trần Quốc Toàn da diết; Hợp Lê, Duyên An mới mẻ, tinh khôi… cùng các nhà thơ đã định hình trong lòng bạn văn lâu nay: Hồng Phúc, Võ Ngọc Thọ, Vân Phi…
* Hát ca có làm ta vui?
Có! Cuộc vui nối dài những cuộc vui không thể thiếu sự góp mặt của loại hình karaoke di động. Nhưng đôi khi, vui với người này lại trở thành nỗi ám ảnh với những người khác. Hãy cùng PV Vân Phi tìm hiểu thực trạng, hậu quả, hướng xử lý, ý kiến của người trong-ngoài cuộc và các nhà quản lý qua chuyên mục BÚT KÝ về những “cuộc vui-ám ảnh” này.
* Chuyên mục BÌNH ĐỊNH MẾN YÊU giới thiệu bài viết của nhà sử học Nguyễn Hạnh (Phó TBT Tạp chí Xưa và Nay) về nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu Quách Tấn với tiêu đề: “Một số sự thật về nhà thơ Quách Tấn”. Bài viết cung cấp nhiều tư liệu quý liên quan đến cuộc đời nhà thơ Quách Tấn, những tồn nghi, ẩn khuất dẫn đến ngộ nhận đáng tiếc. “Với độ lùi của thời gian gần nửa thế kỷ, ngày nay chúng ta đã đủ cơ sở để đánh giá về hành trạng và sự nghiệp của nhà thơ Quách Tấn. Xin hãy trả lại sự công bằng và những giá trị đích thực cho ông”.
Cùng với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nhóm thơ Bình Định, một hiện tượng văn học đã để lại một chứng từ thi ca khó phai mờ trong thơ Việt hiện đại. Nhân kỷ niệm 105 ngày sinh nhà thơ Yến Lan (02.3.1916 – 02.3.2021), chuyên mục NGHIÊN CỨU-PHÊ BÌNH giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Hoài Anh về “Cảm thức mai trong thơ tứ tuyệt của Yến Lan”. Cùng chuyên mục có bài viết của nhà văn Lê Hoài Lương về chân dung thơ Lê Văn Hiếu qua tập thơ “Cứ thế mà lớn lên”; Thơ và lời bình của Trần Hà Nam; Bức tranh tổng thể, đa diện về Bình Định qua tập sách “Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người” của nhà phê bình Bùi Chí Hoàng…
* Chuyên mục VĂN TRẺ; VĂN HỌC THIẾU NHI với truyện ngắn dễ thương của Nguyễn Anh Nhật, Mẫu Đơn; thơ Trần Đức Tín, Châu Đặng Trà My, Nguyễn Ngọc Hưng, My Tiên…
Truyện “Những vết chân nâu” của Nguyễn Anh Nhật mang cảm thức chối bỏ quê hương của người trẻ vì những hờn giận, cô độc, mong manh. Nhưng về đâu khi “chưa bao giờ quên đi cái gốc gác lam lũ của mình” và luôn bừng thức mỗi khi chạm phải một điều gì đó dính dáng đến quê nhà? Văn Nguyễn Anh Nhật bay bổng và giàu cảm xúc. Mẫu Đơn với truyện ngắn “Mùa xuân của Toa” xoay quanh những dòng thông báo rời rạc trên chiếc bảng mà mọi người trong gia đình ghi vào đấy khi cần trao đổi. Chiếc bảng là trục kết nối gia đình, dấy lên những câu hỏi vì sao mọi người trong gia đình ít trò chuyện cùng nhau, sao người lớn ít quan tâm đến những điều trẻ con cần, trẻ con đang nghĩ…
* Bình Định qua tranh, ảnh có gì hay?
Tuồng cổ Bình Định qua sự kết hợp ngôn ngữ tạo hình điêu khắc và màu sắc ước lệ của nghệ thuật hóa trang đầy ấn tượng của nhà điêu khắc Trần Xuân Hưng là chuyên đề MỸ THUẬT kỳ này.
CUỘC SỐNG QUA ẢNH mời bạn đọc khám phá sự kỳ thú của hệ sinh thái biển Nhơn Hải với nghề nuôi mực lá qua bộ ảnh “Nghề nuôi mực lá mùa rong biển” của NSNA Trần Bảo Hòa. Bộ ảnh đã giành Huy chương Bạc cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020; Cúp vàng VAPA 2020 và Giải thưởng xuất sắc Hội chuyên ngành Trung ương của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; và tất nhiên, không thể thiếu những tác phẩm của các NSNA Bình Định được chọn qua cuộc Triển lãm ảnh nghệ thuật Mừng Xuân Tân Sửu 2021…
* Văn nghệ Bình Định cùng chuyên mục thường kỳ khác như Văn học nước ngoài, Tản văn, Làm theo gương Bác, Ca khúc, Sách mới… sẽ mang đến cho bạn đọc những giây phút thú vị trong những ngày cuối tháng Ba này.
Trân trọng.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN