Di tích Chùa Bà Nước Mặn, sự đan xen văn hóa Việt – Hoa- Chăm

(VNBĐ – Nghiên cứu – Phê bình). Trước khi người Việt đến lưu trú tại Bình Định, cư dân bản địa Chăm đã kiến tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc mà hệ thống di tích hiện tồn là những minh chứng cụ thể nhất. Cùng với sự hình thành và kiến tạo nên các cộng đồng dân cư, cùng với xu thế mở rộng và phát triển của các thương cảng thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người Hoa đã xuất hiện ở Bình Định và Tuy Phước từ cuối thế kỉ XVI mà văn hóa vùng Nước Mặn là minh chứng xác thực. Với tinh thần hòa hợp, cùng chung một mục tiêu giao thương buôn bán, người Hoa đã đến ngày càng nhiều hơn và hình thành nên một cộng đồng khá lớn ở Bình Định và Tuy Phước.

Từ góc nhìn giao lưu và tiếp biến văn hóa, đối với hệ thống di sản của tiền nhân, chúng ta có nhiều hướng tiếp cận và nhận định khác nhau. Nhất là các di tích được hình thành qua quá trình đan xen và giao thoa văn hóa giữa cư dân bản địa với các luồng di cư mới kể từ sau 1471 ở Bình Định và Tuy Phước. Một trong những di tích quan trọng tiêu biểu đó là Chùa Bà Nước Mặn tọa lạc tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định. Có thể nói, sự hỗn dung văn hóa bản địa của người Chăm, văn hóa du nhập của người Hoa và văn hóa truyền thống của người Việt đã tạo nên các lớp trầm tích văn hóa đặc sắc. Đó cũng chính là sự hòa quyện và thích nghi văn hóa trong bối cảnh mới của các thế hệ cư dân ở vùng đất này.

1. Hành trình từ miếu Thiên hậu đến Chùa Bà Nước Mặn
1.1. Tục thờ nữ thần, sự gặp gỡ văn hóa Chăm – Việt – Hoa
Tục thờ nữ thần là một thiết chế văn hóa mà chúng ta đều bắt gặp trong văn hóa Chăm, Việt và Hoa. Đối với người Chăm, tục thờ bà mẹ xứ sở là một tín ngưỡng quan trọng. Nữ thần Thiên Y A Na là một danh xưng đã được Hán hóa và điển chế trong các sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam thời hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn.

Như vậy, từ góc độ văn hóa, trong ý thức của cư dân vùng đất này, chúng ta có thể nhận thấy quá trình Việt hóa tín ngưỡng thờ nữ thần Chăm – Pô Inư Nagar đã dần được dịch chuyển và mang yếu tố Việt hóa nhưng trong đó sự gặp gỡ giữa Việt và Chăm vẫn còn rất rõ nét. Đó chính là biểu hiện của thiên tính nữ và nguyên lý thờ mẹ trong ý thức văn hóa của hai dân tộc này. Đây là điều kiện tiên quyết góp phần hình thành nên những thiết chế thờ tự các vị nữ thần của cộng đồng Việt – Chăm trong tiến trình cộng cư và chuyển hóa ý thức văn hóa. Sự hình thành các làng Minh Hương (Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước) và sự giao thoa tín ngưỡng thờ mẫu, tôn trọng nguyên lý mẹ của các nhóm cư dân trên cùng một vùng đất đã hình thành ý thức thờ nữ thần của vùng Tuy Phước thêm phong phú và đa dạng. Đây có lẽ là cơ sở chính trị, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng quan trọng góp phần thúc đẩy sự hình thành một thiết chế văn hóa tín ngưỡng mới – tục thờ Thiên hậu của người Hoa được cộng đồng bản địa chấp nhận và đi đến kính ngưỡng mà Chùa Bà Nước Mặn là một di tích quan trọng, xác thực.

1.2. Miếu Thiên hậu, thiết chế văn hóa tín ngưỡng của người Hoa di cư
Ngôi chùa này cũng có một lịch trình thăng trầm gắn liền với sự biến chuyển của khu vực Cảng thị Nước Mặn. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào Cảng thị Nước Mặn, cảng thị này suy tàn. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân, người có nhiều năm tìm hiểu về vùng Cảng thị Nước Mặn (trong sách Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.60 – 61) đã nhận định: “Kể từ khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến dong thuyền sang xin chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) ở thôn An Hòa để thờ cúng”. Có thể nhận thấy, sự hình thành miếu Thiên hậu trên đại bàn của huyện Tuy Phước là một trong những hệ quả văn hóa của quá trình giao lưu và định cư của người Hoa ở khu vực này. Từ đầu thế kỷ XVII cho đến nay, miếu Thiên hậu đã trở thành một địa chỉ tâm linh của cộng đồng Việt – Hoa ở đây.

Về kiến trúc, Chùa Bà được xây dựng theo lối kiến kiến trúc hình chữ Nhất. Mặt trước của Chùa quay mặt về hướng Nam, bên cạnh sông Cầu Ngói, một chi nhánh của sông Cây Đa. Lối kiến trúc này thể hiện quan niệm sùng thượng các bậc thánh của người Hoa. Cũng như các lâu đài, miếu vũ của vua chúa, Chùa Bà Nước Mặn cũng được lấy án tiền về hướng Nam. Đúng theo tinh thần của kinh Dịch, “thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Bậc thánh nhân quay mặt về hướng Nam mà nghe thiên hạ). Án tiền của chùa có một hồ nhỏ làm minh đường, sau hồ là bức bình phong long mã và hai trụ biểu rất đẹp. Long mã là một linh vật trong văn hóa Hoa Hạ. Sự xuất hiện của long mã báo hiệu những điềm tốt lành, là nơi ngự trị của bậc thánh đế, minh quân. Long là loài vật có thể tự do bay lượn trên trời cũng như dưới nước, biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Tượng trưng về không gian là trục tung. Còn mã là ngựa, không thuộc linh vật. Nhưng đây là loài vật gần gũi, đặc biệt với sự di chuyển ngang trên mặt đất rất nhanh nhẹn và sức chịu đựng bền bỉ. Tượng trưng cho thời gian là trục hoành. Do đó, long mã là vật một linh vật linh thiêng, tượng trưng cho sự uy nghi, tung hoành. Trong nghệ thuật trang trí, hình ảnh long mã luôn gắn liền ước vọng về một thế giới an lạc và thịnh vượng.

Mặt trong trang trí hình chim phượng (một trong tứ linh), đây là điểm nhấn quan trọng gắn liền với vị chủ tể của ngôi miếu là một nữ thần. Chánh điện của Chùa Bà được thiết kế 03 gian. Gian giữa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng ngài được chế tác bằng gỗ sơn son thếp vàng, tạc trong tư thế ngồi, mặc triều phục, chân đi hài mũi cong, khuôn mặt bầu, phúc hậu, trầm tư. Hai bên tượng thị giả là Thiên Nhĩ và Thiên Nhãn, dưới gầm bàn thờ bày 02 tượng thần hổ nằm, tư thế khác nhau. Phía trên gian chính là bức hoành phi đề 04 chữ Hộ quốc tý dân (bảo vệ cho nước, che chở cho dân) do triều Nguyễn ban tặng. Bên trái là ban thờ thần Thành Hoàng của làng. Thần mặt đỏ, mặc áo dài đỏ, đầu đội mũ vuông kết dải buông thõng, ngồi tư thế hai tay chắp trước bụng, chân đi giày mũi cong. Phía trước Thần là bàn thờ bày Tam sự, hai bên bày tượng hai vị Thần hộ pháp (Thần gác cửa). Dân gian ở đây gọi 02 vị thần: Tả Du và Hữu Du. Bên trên, treo bức hoành phi đề chữ Phúc ấm trùng quang (phúc ấm còn sáng mãi). Bên phải là ban thờ bà Thai Sanh Thánh Mẫu. Tôn tượng được tạc bằng gỗ trong tư thế ngồi, chân mang hài mũi cong được sơn son thếp vàng. Ngài mặc triều phục màu vàng, hai tay co, bàn tay nắm tự nhiên, một tay cầm cuộn vải phán, một tay cầm cây bút lông. Hai bên bà bày 02 tượng ngựa sơn đỏ. Phía trước là bàn thờ 12 Bà Mụ trong tư thế bồng con. Dưới chân bày bàn thờ để các chúng sinh đến cúng lễ bái cầu con tại bàn thờ này. Bên trên treo bức hoành phi đề 03 chữ Tư sanh đức (lấy ý từ quẻ Khôn trong kinh Dịch). Nếu không tính Nghĩa tự xây mới ở phía sau cùng, bên trong thờ những người có công đóng góp xây dựng chùa thì từ ngoài sân phía bên phải vào là Thanh Minh miếu, tiếp đến là một giếng nước vẫn còn được sử dụng. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những giếng cổ Chăm còn lại ở khu vực này. Giếng vuông Chăm ở khu vực Chùa Bà Nước Mặn cũng là một trong những giếng Chăm có chức năng như ở khu vực Cảng thị Nước Mặn trước đây.

Với phương thức bài trí đậm phong cách của vùng Hoa Nam có xen kẽ với thiết chế thờ thần Thành Hoàng bổn xứ của làng, ngôi chùa đã trở thành một địa chỉ tâm linh thân thiết của người dân. Ngoài việc che chở cho Nhân dân xung quanh, ngôi chùa này còn là nơi cầu tự của những cặp vợ chồng hiếm muộn ở trong vùng và các khu vực lân cận. Chùa Bà gắn với sự phồn vinh một thời của Cảng thị Nước Mặn ở tỉnh Bình Định trong suốt gần 4 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Chùa bà được UBND tỉnh Bình Định công nhận và xếp hạng di tích vào ngày 20 tháng 7 năm 2010.

1.3. Lễ hội đô thị Nước Mặn ở Chùa Bà, sự dung hòa của văn hóa Hoa – Việt – Chăm
Lễ hội Nước Mặn ở Chùa Bà không phải là một chương trình nhằm kỷ niệm bà Thiên Hậu (vía bà là ngày 23 tháng 3 Âm lịch). Đây là lễ hội kỷ niệm ngày vía Thai sanh nương nương và một thời phồn thịnh từng có ở mảnh đất này, nhớ xưa để tôn vinh ngày nay. Cầu mong cho hiện tại được ấm no, sung túc. Ngoài ra, Chùa Bà còn được gọi là Chùa Bà Thiên Mụ天姥, là nơi cầu tự của cộng đồng người Việt khắp nơi, thể hiện quá trình Việt hóa đã diễn ra cao độ ở di tích văn hóa này.

Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: P.N

Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở Chùa Bà là một trong những ứng xử văn hóa khéo léo của các cộng đồng dân cư nơi đây. Sự hình thành, duy trì và bảo tồn di tích Chùa Bà và đô thị Nước Mặn đã minh chứng cho quá trình dung hợp văn hóa giữa các cộng đồng dân cư ở Cảng thị Nước Mặn xưa (người Chăm, người Việt và người Hoa). Cho đến ngày nay, mặc dầu thương hải biến vi tang điền, thương cảng xưa đã trở thành một vùng quê yên tĩnh, trù phú. Nhưng di tích Chùa Bà vẫn là điểm tham quan kỳ thú của du lịch Bình Định, lễ hội Đô thị Nước Mặn vẫn tồn tại trong ý thức của người dân Bình Định và Tuy Phước như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa của Bình Định xưa.

2. Kết luận
Trên nền cũ của bờ thương cảng Chăm, vốn là miếu Thiên Hậu, công trình kiến trúc này phản ánh thiết chế tín ngưỡng thờ nữ thần của người Hoa, Việt. Điều ấy cho thấy, sự hình thành và tồn tại của Chùa Bà Nước Mặn vừa là hệ quả của một quá trình tương tác văn hóa của các thế hệ cư dân Chăm, Việt và Hoa ở vùng Tuy Phước, Bình Định, vừa là một chứng nhân gắn liền với sự thịnh suy của thương cảng Nước Mặn.

Về phương diện tâm linh, ở Chùa Bà Nước Mặn, các vị thần được sùng bái của người Việt, người Hoa đều được rước về thờ cúng. Trong lễ hội, tế thần chính là nghi thức tín ngưỡng, sau đó mới đến phần hội để phô diễn những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh Nước Mặn xưa. Lễ hội Chùa Bà – Cảng Thị Nước Mặn vừa được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày đầu tiên của mùa lễ hội năm 2023. Với sự ghi nhận ấy, di tích Chùa Bà Nước Mặn không chỉ là điểm đến du lịch về với miền di sản Bình Định mang dấu ấn văn hóa, lịch sử, tâm linh độc đáo hấp dẫn mọi du khách mà còn sẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế trong thời gian tới.

TS. VÕ MINH HẢI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dấu xưa còn nhớ

Vân Phi là nhà thơ trẻ, thuộc thế hệ 9X với dòng thơ tự do, hiện đại. Mặc dù còn trẻ nhưng tác giả đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả bởi một giọng thơ rất riêng…