(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khán giả nhiều nơi ở miền Bắc đã từng biết đến vở diễn Ngàn thu vọng mãi, được nhà thơ Lưu Trọng Lư chuyển thể, phóng tác từ Truyện Kiều của đại văn hào Nguyễn Du thành kịch hát Bài chòi Liên Khu 5. Vở diễn do đạo diễn Nguyễn Tường Nhiên dàn dựng. Cũng từ đó, khán giả dần biết đến tên các nghệ sĩ đảm nhận các nhân vật trong vở như: NSƯT Nguyễn Thị Thanh Cảnh, vai Thúy Kiều; Cố NSƯT Huỳnh Thủ vai Kim Trọng; NSƯT Phạm Thị Hữu Ích vai Thúy Vân; Cố NSƯT Đinh Thái Sơn vai Vương Quan; NSND Lệ Thi, vai Mụ mối; Cố NSƯT Nguyễn Kiểm vai Mã Giám Sinh…
Đây là vở diễn có nội dung tập trung khắc họa mối tình đầu trong sáng, đầy thơ mộng của Thúy Kiều và Kim Trọng. Ngỡ như không có chuyện gì xảy ra thì bỗng một hôm nhận được tin dữ, chàng Kim Trọng phải vội vã lên đường về chịu tang cha. Họ bịn rịn chia tay và hẹn ngày trở lại. Nhưng rồi… quan san cách trở, gia cảnh khó khăn. Rồi hết hạ sang đông, trăng tròn trăng khuyết… Thúy Kiều ngày đêm mỏi mòn vào ra ngóng đợi, nhưng vẫn bặt tin chàng. Nỗi lòng, tâm sự của nàng được gởi gắm, toát lên từ bài Vọng Kim Lang do nhạc sĩ Hoàng Lê sáng tác:
Chốn Liêu Dương cách trở muôn trùng.
Trông theo chàng từ vó ngựa khuất quan san
(Thiếp trông theo chàng từ vó ngựa khuất quan san)
Mộng vàng đêm trường, ai về thấp thoáng
Tỉnh ra lại (lại) tủi suốt canh chầy
Thấy ai trong mộng (mà) nhớ buổi chia tay
Dáng ai lên đường, kìa vó ngựa khuất đâu đây.
Người đi ta đếm xuân sang, (xuân sang) rồi lại sang xuân
Mà sao nhìn về Liêu Dương, bóng chim vẫn bặt tăm?
Đoạn cuối vở, nhạc sĩ Hoàng Lê còn viết thêm bản Đất Hồ lòng Hán để khắc họa, tô đậm thêm nổi nhớ khắc khoải, khôn nguôi của nàng Kiều, mang đậm chất dân ca, nhưng ít phổ cập, lan tỏa bằng bản Vọng Kim Lang.
Lúc bấy giờ, các nhạc sĩ sáng tác cho kịch hát Bài chòi Liên Khu V có khá đông và khá mạnh, như các cố nhạc sĩ: Văn Cận, Võ Bài, Cung Nghinh, Hà Sâm, Hoàng Lê, Trương Đình Quang, nhạc sĩ Trần Hồng…, nhưng hai nhạc sĩ người Bình Định: Hoàng Lê và Cung Nghinh được cử chọn viết nhạc cho vở diễn Ngàn thu vọng mãi.
Cố nhạc sĩ Hoàng Lê (1924 – 1987) sinh ra và lớn lên từ Hoài Nhơn – Bình Định – Là cái nôi của Bài chòi miền Trung, Bình Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng bằng văn nghệ khá sớm (1945). Năm 1950, ông đã viết một số ca khúc phục vụ kháng chiến như: Mưa rào, vui chiến đấu… Sau tập kết ra Bắc, ông phụ trách dàn nhạc đoàn kịch hát Bài chòi Liên Khu V và bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng nhiệm vụ viết nhạc cho những vở: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên, Ngàn thu vọng mãi, Kiều – Từ Hải, Trên núi Phìn Hồ, Tấm vóc Đại hồng, rồi Đoàn tụ, Một mạng người, Đội kịch chim Chèo bẻo… Điều thành công và là thế mạnh nữa của nhạc sĩ Hoàng Lê là trong các vở diễn ông thường viết thêm những ca khúc dựa trên âm hưởng dân ca Khu V, hoặc phát triển để khắc họa tính cách, tâm trạng nhân vật, tình huống kịch… hầu làm rõ, tô đậm thêm nội dung vở diễn và sức hấp dẫn của nhân vật, trong đó có những bản nổi tiếng, như: Lía Phôn – viết cho ông Già Phôn trong Tiếng sấm Tây Nguyên; Lía Phấu – viết cho nhân vật Quầy Phấu trong Trên núi Phìn Hồ; Chèo bẻo mày ghẹo Vàng anh trong Đội kịch chim Chèo bẻo, Tấm vóc đại hồng… Và Vọng Kim Lang trong Ngàn thu vọng mãi là ca khúc mang đậm màu sắc sân khấu ấy. Ông cùng đội ngũ các nhạc sĩ sáng tác của Đoàn góp phần rất lớn trong việc đưa âm nhạc Bài chòi miền Trung phát triển và khẳng định được mình trong làng sân khấu truyền thống của cả nước.
Rồi từ đó, làn điệu của bài Vọng Kim Lang được phổ cập, sử dụng hầu hết trong các vở diễn của Đoàn khi chuyển về Thuận Hải, Bình Thuận và các đoàn Bài chòi ở các tỉnh miền Trung từ Khánh Hòa cho tới Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đặc biệt là sau ngày đất nước thống nhất, làn điệu Vọng Kim Lang được viết từ sân khấu Bài chòi đã du nhập vào sân khấu Cải lương một cách nhanh chóng, ngọt ngào, đáng nể. Mới thấy rằng sức lan tỏa của bản Vọng Kim Lang của cố nhạc sĩ Hoàng Lê là không hề nhỏ (Dựa theo làn điệu Vọng Kim Lang của Hoàng Lê, cố NSƯT Nguyễn Kiểm ở Bình Định và nhà thơ Cảnh Trà ở Bình Thuận đã sáng tác được hai bài mới: Đêm trăng nhớ Bác và Dục Thanh nhớ Bác với lời lẽ khá hay, gây xúc động và đã được các nghệ sĩ thường xuyên ca diễn khi mỗi độ xuân về, lễ lộc, kỷ niệm… cho mãi tới nay).
Đã hơn 60 năm kể từ ngày bản Vọng Kim Lang của nhạc sĩ Hoàng Lê ra đời, và lịch sử hầu như đã mặc định, ấy vậy mà thi thoảng qua mạng xã hội, internet, quán nhậu, quán cà phê… cũng lại có người ngẫu hứng tung hô đến nhầm lẫn, “vặt râu ông nọ, cắm cằm bà kia” gây nhiễu về tác giả của bản Vọng Kim Lang.
Cũng may là có những minh chứng cho thấy: Tập sách Lịch sử ca kịch và âm nhạc Bài chòi xuất bản năm 1980 của chính tác giả Hoàng Lê đã công nhận. Rồi trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định cũng ghi rõ: “…Tác giả của tác phẩm gốc bản Vọng Kim Lang là của cố nhạc sĩ Hoàng Lê”. Hai nhạc sĩ – NSND Cải lương Văn Giỏi và Thanh Hải cũng đã khẳng định: “…Chúng tôi không sáng tác bản Vọng Kim Lang. Từ cái tên Vọng Kim Lang đến lòng bản của bài là của cố nhạc sĩ Hoàng Lê đã có từ trước đó. Tôi nói rõ để mọi người không hiểu nhầm chúng tôi mạo nhận tác giả của bài ấy”.
Nhiều nghệ sĩ trong ê kíp Ngàn thu vọng mãi nay vẫn còn sống. Đặc biệt trong đó có NSND Lệ Thi – Người đã thể hiện thành công nhiều vai diễn trước đó như: Thoại Khanh trong Thoại Khanh – Châu Tuấn, Kiều trong Kiều – Từ Hải, trong một đoạn tâm sự với Trần Việt Ngữ – tác giả tập sách Nghệ sĩ Lệ Thi với sân khấu Bài chòi, bà chia sẻ: “Vở diễn Ngàn thu vọng mãi đã cho ta nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là âm nhạc và múa. Đóng góp cho kho tàng bài bản của kịch chủng phải kể đến những Vọng Kim Lang, Đất Hồ lòng Hán của Hoàng Lê, Vượt tường hoa của Nguyễn Cung Nghinh…”.
Gần đây, NSND Hoài Huệ, nguyên Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết là bản Vọng Kim Lang của cố nhạc sĩ Hoàng Lê đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra quyết định công nhận và con trai ông là Hoàng Hải được thụ hưởng bản quyền.
Tôi có dịp đến thăm Bạc Liêu, thăm Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nơi vinh danh Đờn ca tài tử Nam Bộ thấy có khá nhiều chân dung các nghệ sĩ Cải lương cùng thời và các thế hệ sau này đã chung tâm, góp lực làm nên bản Vọng cổ đầy màu sắc, hấp dẫn, được công chúng ngưỡng mộ. Họ là những thành viên, cá thể sáng tạo, làm phong phú thêm những bản Vọng cổ nhịp 4, Vọng cổ nhịp 8… rồi Vọng cổ nhịp 16, nhịp 32. Nhưng không ai tự nhận về mình là chủ thể, bởi nghiễm nhiên trong trái tim họ, trước mặt họ là thần tượng – nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang đang long lanh, tỏa sáng.
Ấy vậy mà đã lâu rồi, tôi chưa ghé về Bình Định, cái nôi của Bài chòi, hát Bội Khu V, nơi tôi trưởng thành từ sự dìu dắt của các đồng nghiệp bậc thầy, đàn anh như: Đinh Thái Sơn, Nguyễn Kiểm, Thanh Cảnh, Hoàng Lê, Cung Nghinh… Nơi đó có lẽ nay đã có nhiều đổi khác về văn hóa (Có thể đã có, hoặc chưa có), nhưng trong thâm tâm tôi vẫn cứ đau đáu một nỗi niềm: “Giá một ngày nào đó, ở Bình Định cũng có một Khu lưu niệm nghệ thuật Bài chòi Khu V, nơi ấy lưu giữ kho tàng bài bản của Dân ca kịch Bài chòi, và một “bản Tổ” Bài chòi mang tên nhạc sĩ Hoàng Lê với bản Vọng Kim Lang long lanh tỏa sáng”…
NSƯT THÁI PHỤ