(VNBĐ – Làm theo gương Bác). Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05-CT/TW), tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực.
Nâng cao về nhận thức
Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng việc học tập, quán triệt, tuyên truyền chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hàng năm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức sâu sắc hơn, xác định rõ trách nhiệm trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc học tập và làm theo gương Bác gắn với tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh. Các cơ quan báo chí trong tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phản ánh các mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt việc tốt trong việc học tập và làm theo gương Bác. Các ngành, địa phương biên soạn và phát hành tài liệu, đề cương tuyên truyền; tổ chức các hoạt động cổ động trực quan, các hội thi, diễn đàn, tọa đàm về Bác; viết nhật ký làm theo lời Bác; tổ chức chiếu phim, thuyết trình phim về cuộc đời hoạt động của Bác; tổ chức về nguồn “Hành trình theo chân Bác”; sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đăng tải các bài viết trên các trang thông tin điện tử, bản tin của ngành, cơ quan, đơn vị… Nhờ vậy, lan tỏa rộng rãi những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, góp phần nhân rộng cái hay, cái đẹp, gương người tốt việc tốt trong xã hội.
Xác định việc học và làm theo gương Bác là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp gắn với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó xác định các nội dung đột phá, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ như: Thành ủy Quy Nhơn với “Bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường”, Thị ủy Hoài Nhơn với “Nêu gương sáng, nói đi đôi với làm, xây dựng thị xã nông thôn mới và đô thị văn minh”, Đảng ủy Quân sự tỉnh với “Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục đào tạo; thực hiện tốt dân chủ, chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy”,… Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua như: Tuổi trẻ Bình Định chung tay xây dựng nông thôn mới, Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Thanh thiếu niên trong trường học thực hiện “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”,…
Trong 5 năm qua, các cấp ủy đảng đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình nhằm khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Các chi bộ thôn, khu phố đã phân công hơn 29.220 đảng viên phụ trách hơn 369.580 hộ gia đình trên địa bàn dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân.
Việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ đã trở thành nền nếp, giúp sinh hoạt chi bộ thường kỳ trở nên thiết thực, cụ thể hơn, góp phần giáo dục đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chuyển biến về hành động
Qua học tập và làm theo gương Bác, hầu hết cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu trong học tập, công tác và rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Tinh thần trách nhiệm đối với công việc, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng được phát huy. Từ các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện ngày càng nhiều các gương người tốt việc tốt trên các mặt đời sống xã hội, nhất là trong học tập, công tác, xóa đói giảm nghèo, thiên tai bão lũ,…
Nét nổi bật là gắn việc học tập và làm theo gương Bác với cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, 100% các cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm phục vụ hành chính công, 100% cơ quan hành chính các cấp triển khai thực hiện phần mềm một cửa điện tử. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng, bổ sung và ban hành tiêu chí, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị theo phương châm sát hợp với chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ đánh giá. Một số địa phương xác định việc chấn chỉnh lề lối, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên là chủ đề hành động của toàn đảng bộ như: Thị ủy An Nhơn với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tâm, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”; huyện ủy Phù Cát với chủ đề “Xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; huyện ủy Vĩnh Thạnh với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, năng động, sáng tạo, hết lòng vì dân”…
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đạt được kết quả tích cực. Phong trào “Tỉnh Bình Định chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai rộng khắp, ngày càng phát huy hiệu quả đã huy động được các nguồn lực xã hội tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương; tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm qua từng năm, đến nay còn 3,43%. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong toàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; tổng giá trị của các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong 5 năm qua lên đến hàng trăm tỷ đồng; riêng năm 2020, tổng giá trị đạt trên 120 tỷ đồng. Phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 86/121 (71,07%) xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất…
Kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, đưa Bình Định trở thành tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.
QUY THÀNH
(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)