(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Ba đau hoài rồi mất. Hồi đó, Ròm em mới hai tuổi và bắt chước Ròm chị, ốm nhách và đen thui. Ba má con ở nhà ngoại nhưng, cũng rất gần gũi với nội. Do, nội mắc làm mấy công chuyện ở trong thành phố dù có nhà cửa ruộng vườn, ngoài quê. Nội gặp chuyện gì cũng làm rất siêng. Để còn có tiền gửi về ngoài đó mua thuốc cho ông nội, đóng học phí cho chú Út và mua sữa cho chị em Ròm nữa. Mấy người trong xóm nói: “Đây, cơm cá rau mắm của ngoại thêm sữa của nội, chị em bay hết ròm liền chứ lo gì”.
Hết ốm thì chưa hết ngay nhưng, bớt ốm thì đã bớt nhiều. Chị nói: “Có vậy mình mới không trật với cái tên của mình chứ!”. Thằng em cũng nghĩ vậy. Nghĩ sao? Nghĩ là mình mà lỡ mập ù, nẫu cứ Ròm, Ròm, Ròm chị rồi Ròm em kêu. Dị chết. Nội ngồi nghe cười bắt nghiêng ngả và vội nói:
– Thà vậy cho mấy thùng sữa tui đem tới, nó không than phiền…
– Là sao nội?
– Là uổng phí vì, không được cái ích lợi gì hết trơn. Rồi mấy bao gạo với cả bộn tiền mua đồ ăn của ngoại mấy đứa khỏi hờn lẫy, trách móc.
– Nội nói sao chứ! Chị em con bữa nay cũng dày cui rồi.
– Ừ! Thì biết bao con cá, ký thịt đắp vô bộ mình hai đứa mà.
– Dạ! Còn bánh canh buổi sáng, bánh mì buổi khuya nữa chi, nội?
Ròm chị nói vậy là do ông ngoại có tật ăn khuya. Không mua tô cháo, đĩa bánh cũng phải xúc chén cơm nguội hoặc nhúng mấy cái bánh tráng bỏ bụng. Chứ không rầy rật khó ngủ. Ông ngoại nói vậy và cũng có tật ăn gì, cũng kèm hai chị em Ròm. Sợ thêm tốn tiền cho ngoại, hai đứa từ chối nhưng cả ông lẫn bà đều bắt ép ăn. Nói ăn khuya mau lên ký lắm mấy đứa. Nhiều hồi, nội về quê đem vô thiệt nhiều khoai lang hoặc củ mì. Nấu, ăn khuya rồi thêm buổi xế bắt căng bụng bỏ luôn cơm trưa, chiều.
Cứ vậy, chị em Ròm lớn lên bên nhau trong sự yêu thương, đùm bọc của nội và ngoại. Y hình như sau khi mẹ đi lấy chồng, tình thương đó còn tăng lên gấp nhiều lần. Ngay cả tình cảm riêng tư giữa hai chị em cũng khăng khít xoắn xuýt hơn, sau khi mẹ rời nhà ngoại về làm dâu trong Vạn Giã. Nhà vắng mẹ, tự nhiên, Ròm chị rất ra vẻ chị hai trong gia đình. Biết quan tâm đến mọi người và nhiều hơn vẫn là dành cho em. Còn thằng Ròm? Mới năm tuổi, khi, không được sống cận kề mẹ mà đã như cách lớn hơn gấp bội. Tự nhiên, bớt ham chơi với đám bạn chòm xóm. Biết lấy nước mời nội uống, khi bà ghé nhà. Rồi còn hỏi sức khỏe của ông ở quê, hỏi về đám ruộng nội mới cấy, vườn tược quanh nhà… Riêng chú Út, chị em Ròm ít dám nhắc sợ nội buồn. Cũng do chú có tật mê game, làm biếng học. Chưa đủ, đỡ đần được gì cho ông bà ngoại là Ròm em xăng xái làm ngay.
Nhưng trên tất cả vẫn là dòm ngó Ròm chị từng chút một, từng chút. Lúc nào cũng muốn được lo toan cho chị, bảo vệ chị. Giả dụ như bới thêm chút cơm nói chị ăn đi cho khỏe. Sớt bớt ly sinh tố của mình qua chị, dỗ chị nín khóc khi nhớ mẹ… Vừa nghe chị ới một tiếng là lật đật đáp lại ngay: “Chị ơi! Có sao không?”, “Chị ơi! Có Ròm em đây”. Chị, tuy lớn hơn thằng em tới hai tuổi nhưng tính nhút nhát lắm! Cái gì cũng sợ. Sợ gián và chuột nhưng sợ nhất là chó. Trúng xóm này, gần như nhà nào cũng nuôi chó và bước ngang rẽ dọc qua mấy nhà đó, là người chị run bắn và chân loạng quạng, mắt tái xanh tái mét. Nhìn, thấy rất tội và dòm chừng nào thương chừng ấy. Cứ thương khan à!
Chị sợ gián thì Ròm em diệt gián. Sợ Chuột thì Ròm em bẫy chuột. Bẫy cách này không chết thì tìm bẫy cách khác. Riết rồi nhà hết gián hết chuột nhưng còn chó thì sao đây chứ! Vì, con vật này không ở trong nhà của mình. Mà của nẫu và thuộc về gia đình người ta. Mới thiệt là khó xử. Nghĩ hoài không ra, tính hoài không tới… Cứ loay hoay mãi mới ra được kiểu này đây. Một cái kiểu cũ xì nhưng rất an toàn và đầy tình thương mến thương. Đó là dứt khoát không để chị phải đi, một mình. Là, thường xuyên, dắt chị đi qua mấy cái nhà có chó. Nhìn hai chị em Ròm bước ngang bên nhau. Nội lẫn ngoại nói: “Thấy cảm động quá đi”. Chị đi bên ngoài nép mình sát rạt vô thằng em níu chặt lấy tay em vậy mà chân vẫn bước lúi chúi, lấp vấp. Còn em, là ngược lại. Nắm rất chặt tay chị trong khi chân bước hết sức bình tĩnh và miệng liên hồi trấn tĩnh: “Ròm chị ơi! Đừng sợ. Chị ơi! Có Ròm em đây. Có Ròm em đây mà”.
Qua cái đoạn đường ngắn ngủi và đầy thử thách đó và về được tới trước cửa nhà ngoại rồi. Bao giờ, con chị cũng bật lên tiếng cười, rất giòn. Cũng phải khanh khách chập ba chập năm gì đó, chứ không phải ít. Ròm chị mắc cỡ nên đâu biết cảm ơn em, nhưng nghe được tiếng nó cười, rồi dòm khuôn mặt tươi tắn của nó, khi, xoa xoa tóc thằng em kìa! Sao mà ngọt ngào? Sao mà ấm áp???
NGUYỄN MỸ NỮ