Cây vông đồng ngủ muộn

(VNBĐ – Truyện ngắn). Còn nhớ ngày bà đi, hôm đó gió bấc, cây vông đồng trước nhà vào mùa, từng chùm nứt toác rơi lách cách trên lối đi. Con Huê mới lên năm, đứng tựa cửa thấy ba về từ xa nó đã mếu máo. Cứ nghĩ con Huê làm nũng, vào nhà ông ôm nó dỗ dành, con Huê lúc này mới òa lên, nước mắt nước mũi tèm lem miệng vẫn chùn chụt mút ngón tay cái ngon lành, cái tật má nó đánh hoài không chừa. Ông giơ cao xâu cá mới mua dưới bến: “Có đứa nào ăn cá nướng không nè?”. Lúc này, nó mới chịu rút ngón tay ra khỏi miệng, chỉ vô góc nhà mếu máo:

– Má… má lấy áo… bỏ vô xách… má đi!

Ngọng nghịu hồi lâu nó mới nói xong câu.

Ông lao về phía cánh cửa tủ đang mở, bên trong trống trơn…

Gục xuống bậu cửa, đêm đó ông thức trắng, rượu vào ông càng tỉnh. Tỉnh ông lại nấc lên như đứa trẻ lên ba, có lúc ông ngửa mặt lên trời cười sằng sặc. Con Huê vẫn tựa vào vách khóc i ỉ vì đói, vì nhìn thấy ba nó thiệt là đáng sợ.

Ngoài kia trời đã hửng, con Huê lay: “Ba! Ba dậy đi!”. Ông hé mắt nhìn gương mặt con gái lem luốc. Nó áp sát mặt vào ông thổn thức: “Huê đói!”. Ông sực tỉnh gượng dậy. Từ ngày đó Huê không còn là con bé lên năm, nó lờ mờ hiểu ra. Mỗi chiều ở bến đò về nấu cơm cho nó ăn xong ba lại ra hiên, có đêm ông ngồi đến sáng. Lần nào thấy ba như thế Huê cũng lại gần ôm đầu ba, yên lặng, bàn tay nhỏ xíu xoa lưng ông thiệt lâu, nó thủ thỉ: “Ba có Huê, Huê thương ba nhiều”. Ông nhìn con, gương mặt nó giống mẹ như tạc, từ đôi mắt đen lúng liếng đến đôi môi nũng ra khi cười.

***

Hơn năm năm trước…

Đêm đó mưa to, ráng chèo thêm chuyến cuối, ông neo con đò vào cây sào rồi lên bờ. Đi được mấy bước ông nghe tiếng gọi:

– Anh gì ơi! Cho tôi nhờ qua sông với!

Ông lại gần, trong bóng đêm chập choạng một cô gái co ro trong tấm áo mưa, tóc ướt sũng bết vào gương mặt trắng xanh.

– Tối rồi, lại mưa to, đò tôi không đi nữa! – Ông ái ngại.

– Làm ơn… cho tôi nhờ! – Cô gái van nài, chưa dứt lời sấm rền kéo theo ánh chớp lóe lên.

Ông nhìn rõ gương mặt cô lúc này đã tái đi vì lạnh, đôi mắt mở to nhìn ông chờ đợi. Ông lầm lũi đến bên con đò, gỡ neo:

– Thì đi! Nhanh tôi còn về! – Ông cộc lốc.

Cô gái luýnh quýnh xuống đò, chiếc đò chòng chành xoay một hồi mới đi được một khúc sông. Cô ngồi im thin thít, hai tay vòng qua ôm đầu gối đăm đăm nhìn những hạt mưa xiên xuống mặt sông. Đò sang bờ bên kia ông chống mái chèo khẽ nhắc:

– Tới bến rồi, cô xuống đi!

Cô gái vẫn ngồi yên, gương mặt cúi gằm. Ông bực bội quát:

– Xuống đi, cho tôi còn về!

Nghe tiếng ông quát cô bưng mặt khóc nấc. Ông ngồi phịch xuống thở hắt. “Cái quái quỷ gì thế này?”, ông thầm nghĩ. Mưa gió đã không đi, năn nỉ quá mới cho lên đò giờ lại ăn vạ ông giữa đêm khuya. Gió lại rít lên khiến con đò chòng chành muốn lật, cô gái ngước nhìn ông khẩn cầu:

– Cho tôi ở nhờ trên đò của ông đêm nay, mưa gió vầy tôi không biết đi đâu!

– Ủa? Là sao? Cô đòi sang sông mà?

– Tại… tôi không biết đi đâu!

Ông đưa tay ôm đầu. Giờ đẩy cô xuống quay đò về? Ở đây qua đêm, cô sẽ chết mất vì lạnh. Ông đứng lên, bàn tay gân guốc vuốt nước mưa đang chảy thành dòng trên mặt:

– Thôi được, đêm nay cô về nhà tôi, sáng mai đi đâu thì đi!

Cô gái lí nhí cảm ơn ông, tay vẫn ôm khư khư cái túi trước ngực. Ông lầm bầm: “Con cái nhà ai…”. Đò ra giữa dòng mưa càng xối xả, gió rít lên khiến con đò xoay tròn mấy lần tưởng lật úp, đầu mũi ông gồng người chèo, quay lại thấy cô hai tay bưng mặt. Đò cũng cập bến, lên bờ ông đi trước, cô gái lầm lũi theo sau. Về đến nhà bên trong tối om, ông thắp cây đèn dầu cao quay lại chẳng thấy cô đâu. Ông ra ngõ thấy cô đứng co ro dưới cây vông đồng, tay vẫn ôm khư khư cái túi.

– Đã về đây rồi cô vào nhà kẻo lạnh!

Cô gái khép nép theo ông vào nhà, ông chỉ cái giường duy nhất:

– Cô nằm đỡ đó đi!

– Còn ông? – Cô gái rụt rè.

– Khỏi lo cho tôi! – Ông dấm dẳng.

Cô gái như biết lỗi, lặng thinh cởi áo mưa. Bên ngọn đèn dầu tù mù ông nhìn thấy cô còn khá trẻ, gương mặt trắng xanh, đôi mắt đen và cái nhìn sâu hun hút, bên đôi đang môi mím lại lún sâu một đồng tiền. Cô rụt rè ngước lên nhìn ông. Một thoáng ông bỗng thấy lòng chùng lại, người đàn ông ngoài bốn mươi từ lâu đã không còn biết đến đàn bà… Tránh cái nhìn của cô, ông bâng quơ hỏi:

– Nhà cô ở đâu? Đêm hôm mưa gió vầy sao lại qua sông?

Cô gái yên lặng nhìn ra màn trời đêm. Biết khó mà hỏi được gì ở cô lúc này, ông bỏ xuống bếp nhóm lửa nấu ấm nước sôi. Lúc trở lên cô gái đã tựa vào vách ngủ ngon lành. Ông lấy cái chăn se sẽ đắp cho cô rồi trải chiếc chiếu ra hiên.

Mưa đã tạnh…

***

Chuyện của hơn mười lăm năm trước, qua mùa xuân này con Huê sẽ tròn mười lăm, đôi mắt nó đen thẳm, cái môi mím lại cũng lún sâu một đồng tiền. Ông nhìn con mà chẳng dám nhìn lâu, càng lớn nó càng giống mẹ. Huê thương ba, suốt ngày càu nhàu chuyện ba già rồi còn gắn với con đò. Dạo này ngoài giờ học nó đã biết làm thêm kiếm tiền, việc nhà cửa, ruộng vườn một mình nó cáng đáng. Hôm qua đi về nó ôm ông thủ thỉ:

– Ba già rồi, ở nhà làm vườn cũng vui, ba đừng ra sông nữa!

Ông yên lặng, lầm lũi ra hiên, làm sao con Huê hiểu được, mãi mãi ông không thể rời con đò. Ngày đó Huê bé bỏng, chẳng thể nào hiểu hết nỗi đau ba nó phải gánh. Một căn nhà trống huơ trống hoác và một con đò nhỏ chẳng thể nào giữ được một người đàn bà đẹp. Nét chữ run run trên mảnh giấy bà để lại cho ông vì viết vội hay vì thấy mình tội lỗi? Bà đi không quay lại một lần. Người làng chiều nào cũng thấy ông neo đò trở về là dắt con gái ra sông, họ cười ông già mà còn dại. Con Huê ngày đó vẫn hồn nhiên chạy quanh triền sông ngắt những bông hoa cỏ li ti, tung lên trời cười ngặt nghẽo: “Khi nào thì má về hả ba?”. “Hồi xưa ba gặp má trên bến đò này à?”… Những lúc như thế ông gật gật: “Ờ… ờ… rồi má về…”.

Triền sông vẫn đầy cỏ hoang. Ngày bà gặp ông, bà mới mười chín tuổi. Chiều chiều con Huê vẫn theo ba ra bến, nó nhặt những bông hoa li ti rồi ngửa mặt lên trời thổi phù phù, có lúc nó rủ cha chơi trò hái hoa để thổi lên trời. Thương con, trò nào ông cũng chiều con mặc kệ người làng xầm xì rằng họ nhìn thấy mẹ con Huê đã lấy chồng, người đàn ông đó có đến ba cái sà lan chở cát bên kia sông. Có người còn ác miệng chọc Huê: “Sao không qua bên kia bồng em cho má?”. Những lúc như thế ông thấy cổ họng đắng ngắt. Ừ, chỉ tại ông nghèo. Cái đêm mưa bà theo ông về, ông nói với bà ông nghèo, nghèo lắm! Ông chẳng có gì ngoài con đò và căn nhà nhỏ bên sông, vậy mà bà vẫn xin được ở lại. Rồi con Huê ra đời, đêm đó mưa cũng to như cái đêm bà xin xuống đò ông. Từ ngày có con Huê, ông chèo cả đò đêm, ngặt nỗi cái nghèo cũng chẳng buông tha. Trong căn nhà trống hoác, mùa nắng thì hầm hập, mùa mưa thì không sao ngủ được vì dột tứ tung. Sức vóc ẻo lả bà chẳng làm gì được ngoài ở nhà trông con. Con Huê lên bốn, cái nghèo vẫn bám riết lấy ba người, bà đã biết thở dài quay đi khi nhìn xung quanh người ta no đủ…

Một dạo, bến sông ngày nào cũng có sà lan đến chở cát. Mỗi khi sà lan cập bến, một người đàn ông lại lên bờ nghỉ ngơi. Một lần ông vào xóm xin miếng nước ngồi nghỉ chân, con Huê lên năm, đã biết vào nhà rót nước lễ phép mang ra. Mẹ nó, người đàn bà nhan sắc rờ rỡ ở bến sông đã níu chân người đàn ông ghé lại thêm lần nữa, rồi lần nữa… Cho đến ngày bà bỏ hết áo quần vào túi xách, bước xuống sà lan, ông mới hiểu ra rằng, cái nghèo cố hữu của ông chẳng thể nào giữ nổi bà. Con Huê kể, má đi rồi cũng còn quay lại riết nó vào lòng.

Chiều chiều trở về, ra cửa đón ông là con gái nhỏ, ông cũng được an ủi phần nào. Vốn trầm lặng, giờ ông càng lầm lũi. Con Huê nay lớn đã hiểu chuyện, thương ba nhiều hơn. Hôm qua đi về ông thấy nó im thinh, ngồi ăn cơm mà mắt cứ nhìn ra cây vông đồng trước ngõ. Ăn cơm xong ông ra hiên, rít chưa hết điếu thuốc con Huê đã đến bên khẽ khàng:

– Lúc chiều… má về, ba à!

Như có luồng điện chạy dọc sống lưng, ông lặng thinh nhìn ra trời chiều chạng vạng, nén tiếng thở đang dồn dập, không muốn con gái thấy ông xúc động.

– Má ở chơi… lâu hông con? – Ông cố nén giọng vẫn run run.

– Chút xíu thôi ba, má đi ngay, mà… – Con Huê ngập ngừng hồi lâu – Má bị đánh, mặt mũi bầm hết.

Yên lặng. Bóng đêm đã trùm lên xóm nhỏ, ông run rẩy điếu thuốc nhưng không châm lửa, nén thở dài khe khẽ. Con Huê cầm cái quạt đập phành phạch xuống hiên lẩm bẩm: “Muỗi gì đâu mà như trấu!”.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Ông neo ghe vào cây sào rồi lên bờ. Chiều nay chở hàng qua bên kia, lúc trả tiền đò có cô còn dúi cho ông xâu cá: “Đem về cho con Huê nấu cháo”.

Trời sắp sang đông, trong gió chiều đã nghe lành lạnh. Ông hình dung tối nay cha con sì sụp cháo cá, cách gì con Huê cũng bỏ ớt thiệt cay để ba ăn cho nóng. Vạt hoa dại bên đường chiều xuống nghẹo đầu vào nhau ngủ khì, mới đó mà nhanh, con Huê nay đã lớn, không còn lúp xúp theo ba ra sông hái hoa như ngày trước, rảnh ra nó qua bên hàng xóm phụ may vá, nó nói Tết này sẽ may cho ba cái áo thiệt đẹp. Ông đẩy cánh cổng tre, từ đống củi khô muỗi ùa ra như trấu. Con Huê đứng bên bậc thềm từ bao giờ, chạy ra ôm ông.

– Ba!

Ông giơ xâu cá lên cao:

– Nấu cháo nhanh, ba đói rồi!

– Ba! – Con Huê nhìn ông, trong chiều chạng vạng mắt nó rưng rưng – Má về… đang ở trong kia…

Ông thả xâu cá xuống hiên, hai tay quệt vào áo run run đi đến bậc thềm, bà đứng bên bậu cửa nghe tiếng chân ông nhưng không ngẩng lên. Mới đó đã mười năm, ngày bà đi con Huê cũng đứng đó nhìn theo. Mười năm, ông nuốt đắng cay vào lòng nuôi con Huê khôn lớn. Thấy ông hiền lành chịu khó, bà con chòm xóm nhiều lần mai mối nhưng ông lắc đầu quầy quậy, cuộc đời này với ông vậy là đủ.

– Ông… – Bà khẽ thốt lên.

– Bà về chơi…

Ông khẽ khàng, không dám nhìn vào mắt bà.

Bà rời bậu cửa, ra thềm. Ông vẫn đứng đó hồi lâu rồi ngẩng lên, gương mặt bà thật gần, gương mặt mặn mà xinh đẹp đã cùng ông đầu gối tay ấp bao năm giờ nhàu nhĩ, một bên má bầm tím. Ông xót xa quay đi chẳng dám nhìn lâu.

– Tôi xin ông cho tôi ở nhờ đêm nay, mai tôi đi…

– Bà cứ ở lại đây cho tới khi nào muốn đi.

Ông đắng đót.

Bà nằm bên cạnh con gái mà chẳng dám chạm vào con. Mười năm. Nó thương bà, nhưng trong ánh mắt đó bà đọc thấy nỗi chua xót khi nó gọi má. Ngoài hiên tiếng trở mình của ông trên chiếc chiếu trong đêm nghe sột soạt, bà biết ông cũng không ngủ…

Tiếng gà gáy canh ba, con Huê thức dậy xuống bếp nhóm lửa nấu cơm.

– Má đi đây! Đừng đánh thức ba – Bà nắm tay Huê – Tha lỗi cho má!

– Còn ba… – Con Huê rơm rớm nước mắt – Má về với ba, với con đi!

– Giờ má chưa thể… các em còn cần má. Rồi má sẽ về, sẽ về nếu ba tha thứ…

Bà nghẹn ngào bật khóc.

Huê đứng lên ra cửa, má đã ra đến hiên, bóng lẫn vào bóng cây vông đồng trước ngõ…

***

Bà dừng lại, lơ ngơ. Vẫn là con đường đất quen thuộc, cái hàng rào râm bụt lập lòe như lửa, cái ao nhỏ đầu ngõ vào mùa chỉ cần một cơn mưa nước đã tràn lên. Vẫn là cây vông đồng ngày xưa, ngày bà theo ông về đứng bên gốc cây chẳng dám vào nhà. Mọi thứ vẫn vẹn nguyên, chỉ có bà đã khác xưa. Cái ao nước vẫn trong vắt, bà soi xuống, bất giác đưa tay chạm vào mái tóc đã điểm sương. Ngày bà về với ông tóc bà đen nhánh, mỗi sáng ông ra bến, bà theo ra đầu ngõ lần nào cũng soi mình xuống ao.

Có tiếng trẻ con ríu ran ngoài sân, bà sững người nhìn hai đứa trẻ.

– Má ơi có ai hỏi! – Đứa con gái nhanh nhảu chạy vào trong kéo má nó ra.

Huê đứng bên hiên, gương mặt tái đi, đôi môi mấp máy gọi má. Bà nhìn con, chân run run chẳng nhấc thêm được bước nào.

– Má! – Huê nghẹn ngào, quay sang hai đứa bé còn đang ngơ ngác – Ngoại nè, con!

Bà kéo hai đứa trẻ vào lòng, vùi gương mặt già nua vào hai cái đầu khét nắng hồi lâu, ngước lên nhìn con gái rưng rưng:

– Má về rồi đây! Về với con, với ba…

– Ba đợi má… thiệt là lâu! – Huê nghẹn ngào – Rồi ba không đợi được nữa… ba giờ đã nằm trên gò cao kia.

Bà ra ngõ, đôi chân như người mộng du. Cây vông đồng ngày xưa giờ cũng già nua, những cành khô mục ruỗng chỉ chờ ngày gãy vụn. Bà khẽ chạm vào cây, nham nháp, xù xì như bàn tay ông đêm mưa năm nào đã đưa ra cho bà nắm, xuống đò đợi bà ngồi yên ông mới buông tay. Mắt bà nhòa đi, tưởng như gương mặt và bàn tay đó còn lẩn quất đâu đây. Trên cao, những trái vông đồng khô rơi xuống nứt toác, phát ra tiếng lách cách trên lối đi. Trong ráng chiều chạng vạng, cây im lìm như ngủ, giấc ngủ muộn màng vì bao năm thức đợi một người…

VŨ NGỌC GIAO

(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…

Thơ dự thi của Thái An Khánh

An Nhơn ẩn vào ta bằng ngôn ngữ của lúa
đôi vai của mẹ gánh trĩu mặt trời
lấm tấm mồ hôi mặn mòi non nước
đất nặng nghĩa tình gieo hạt trái tim ai.